Lịch sử quốc kỳ Việt Nam

Cũng như nhiều nước châu Á, Việt Nam sử dụng một lá cờ làm quốc kỳ khá muộn. Mãi đến đầu thế kỷ 20, do ảnh hưởng từ phương Tây, nhu cầu sử dụng quốc kỳ mới được đặt ra, dù trên thực tế, lãnh thổ Việt Nam khi đó hoàn toàn nằm dưới sự cai trị của thực dân Pháp, không có sự độc lập dù là trên danh nghĩa.

Mãi sau khi sự kiện Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương năm 1945, một chính phủ Việt Nam độc lập về danh nghĩa mới được thành lập, do học giả Trần Trọng Kim làm Thủ tướng. Dưới sự hậu thuẫn của Đế quốc Nhật Bản, chính phủ này đã tuyên cáo Việt Nam độc lập với quốc hiệu Đế quốc Việt Nam, sử dụng biểu tượng quẻ Ly để phác họa quốc kỳ. Tuy chính phủ Trần Trọng Kim không có thực quyền và không được quốc tế công nhận, nhưng cờ quẻ Ly vẫn được ghi nhận như là quốc kỳ chính thức đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Cờ được sử dụng từ ngày 12 tháng 6 năm 1945 đến ngày 25 tháng 8 năm 1945.

Sau khi Chính phủ Đế quốc Việt Nam sụp đổ, phong trào Việt Minh đã thành lập chính phủ độc lập đầu tiên trên toàn lãnh thổ với tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong giai đoạn 30 năm sau đó, lãnh thổ Việt Nam rơi vào tình trạng xung đột vũ trang và chiến tranh liên miên, hình thành 2 chính thể riêng biệt (được nhiều nhà nghiên cứu xem là tiêu biểu cho 2 ý thức hệ xung đột do ảnh hưởng của Chiến tranh Lạnh). Mỗi chính thể đều sử dụng quốc kỳ của riêng mình, kéo dài cho đến năm 1976, khi Việt Nam thống nhất và sử dụng duy nhất một quốc kỳ cho đến ngày nay.

Từ đầu thế kỷ 1 đến cuối thế kỷ 18

sửa

Đến nay chưa rõ lần đầu tiên người Việt sử dụng một lá cờ làm biểu tượng chính trị là từ khi nào. Theo các tài liệu sử, Khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào thế kỷ 1 đã sử dụng một lá cờ làm biểu tượng.[1] Vai trò của lá cờ là biểu tượng của cuộc khởi nghĩa và quyền uy của Hai Bà Trưng khi họ tạo lập một triều đại ngắn ngủi.[2] Lá cờ của Hai Bà Trưng là một kiểu cờ ngũ sắc hình vuông,[3] với màu vàng là chính.[2] Suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, cho đến tận thế kỷ 19, các lá cờ được các lực lượng chính trị sử dụng trong vai trò biểu tượng cho họ hầu hết đều là cờ theo hình dạng này, một cờ ngũ sắc hình vuông. Chúng được đề các chữ Hán lên trên đó. Một số tài liệu khác đã chỉ ra một kiểu dáng khác, cờ chỉ đơn thuần một màu với viền là một màu khác bọc xung quanh,[a] và lá cờ cũng ghi chữ lên trên đó. Các chữ ghi lên lá cờ là quốc hiệu.[b]

Sau thời Hai Bà Trưng, Khởi nghĩa Bà Triệu vào năm 248 cũng sử dụng một lá cờ làm biểu tượng, nó cũng được mô tả là có màu vàng.[4][5] Nhà Tiền Lý nước Vạn Xuân tồn tại từ 544 đến 602 là thời kỳ người Việt thoát ly khỏi sự cai trị của các vua Trung Quốc. Triều đại này đã sử dụng một lá cờ làm biểu tượng, cờ đã bắt đầu sử dụng kể từ khi Lý Bí khởi nghĩa[6] đến khi lập quốc. Lá cờ đã được mô tả là một lá cờ ngũ sắc, trên cờ có ghi hai chữ Vạn Xuân bằng chữ Hán.[7]

Từ thế kỷ 10 trở đi, Việt Nam bắt đầu thời đại tự chủ trong lịch sử, các lá cờ đã được sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau, trong đó một lá cờ được xem là biểu tượng của vua. Màu sắc được dùng là màu vàng, màu này được cả vua Trung Quốc lẫn vua Việt Nam xem là biểu tượng của riêng hoàng tộc.[8] Những thứ liên quan vua cũng dùng màu vàng như khăn màu vàng, che lọng màu vàng, tàn vàng...[8] Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa rõ cờ toàn màu vàng có từ lúc nào, ghi nhận gần nhất chúng đã được sử dụng vào thời Tây thuộc.[9]

Cờ vàng sử dụng từ thời Đinh Tiên Hoàng,[10] và tiếp theo là nhà Tiền Lê bởi Lê Hoàn với kiểu dáng nền vàng chữ đen với 3 chữ Đại Cồ Việt.[11] Nhà Lý đã sử dụng hai kiểu cờ trong cuộc tấn công Đại Tống vào năm 1075. Cả hai đều là cờ có màu vàng, một lá cờ có ghi chữ Đại Việt và một lá cờ ghi chữ Lý bằng chữ Hán.[12] Nhà Trần sau đó sử dụng một lá cờ ngũ sắc có ghi chữ Trần.[13] Cờ vàng cũng được sử dụng thời Hậu Lê.[10] Thời chiến tranh với Tây Sơn, cờ chúa Nguyễn sử dụng là một lá cờ vàng, được gọi là cờ Gia Định.[14] Đây là biểu tượng đối nghịch với cờ đỏ của Tây Sơn.[14] Cuộc chiến giữa phe Chúa Nguyễn và Tây Sơn thường có hình tượng hạ cờ và giương cờ lẫn nhau mỗi khi bên nào bị đánh bại, thành trì[15] hay cứ điểm nào bị chiếm.[16]

Thời kỳ Nhà Nguyễn

sửa
 
Cờ Long tinh của Bảo Đại
 
Ngũ tinh quốc kỳ

Cho đến đầu thời nhà Nguyễn cờ chỉ dùng cho vua, chứ không dùng như quốc kỳ.[17] Cờ vàng là lá cờ quan trọng được xem là biểu tượng của vua. Không rõ từ lúc nào chúng được sử dụng như vai trò quốc kỳ, được xem là biểu tượng đại diện cho nước Đại Nam.[18] Ghi nhận lịch sử lần đầu tiên một lá cờ được chọn làm đại diện cho Đại Nam khi Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp vào năm 1863.[19][20]

Cờ vàng đã được sử dụng bởi nhà Nguyễn với nhiều kích thước khác nhau, treo vào các thời điểm khác nhau.[21] Cờ vàng là biểu tượng của vua và được treo lên nơi vua ngự, chẳng hạn như các thuyền lớn.[22] Chúng có vai trò như quốc kỳ cho đến khi Việt Nam bị Pháp chiếm làm thuộc địa.[18] Cờ vàng cũng được sử dụng bởi phong trào Cần Vương.[18] Về sau xuất hiện thêm cờ có hai màu vàng và đỏ,[23] với 3 vạch màu 'vàng – đỏ – vàng', được gọi là cờ Bảo Đại.[24] Lá cờ này do chính Bảo Đại ban hành và chỉ định nó đại diện cho Đại Nam, vạch đỏ có bề ngang bằng 1/3 bề ngang lá cờ.[25]

Vào năm 1912, Phan Bội Châu là người đầu tiên đề ra một quốc kỳ cho Việt Nam khi thành lập Việt Nam Quang phục Hội. Một lá cờ đã được tạo ra và chọn làm quốc kỳ là cờ Ngũ tinh.[26]

Từ năm 1945

sửa
 
Cờ quẻ Ly
 
Cờ quẻ Càn

Vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật Bản đảo chính Pháp, dẫn đến sự kiện ngày 17 tháng 4 sau đó chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố Việt Nam độc lập khỏi Pháp, ông đã cho giới thiệu cờ quẻ Ly.[27] Đây được xem là quốc kỳ chính thức của Việt Nam. Cuộc Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, cờ vàng bị Việt Minh hạ bệ và họ treo cờ đỏ lên,[28] đặc biệt trong sự kiện Bảo Đại thoái vị vào năm 1945.[29] Với vai trò ban đầu là biểu tượng của phong trào chính trị, cờ đỏ sao vàng đã trở thành quốc kỳ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi kiểm soát hoàn toàn miền Bắc, kiểu dáng cờ đỏ sao vàng được điều chỉnh lại đôi chút[30] và tiếp tục được chế độ Việt Nam thống nhất sử dụng ổn định cho đến ngày nay.

Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi về xuất xứ, thời điểm ra đời và ý nghĩa, các tài liệu dẫn theo hồi ký Le Dragon d'Annam (được cho là của cựu hoàng Bảo Đại) đều ghi nhận cờ vàng ba sọc đỏ được Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Văn Xuân làm Thủ tướng, đã chính thức dùng làm quốc kỳ từ ngày 2 tháng 6 năm 1948. Lá cờ này tiếp tục là quốc kỳ dưới thời Quốc gia Việt Nam (19491955) rồi Việt Nam Cộng hòa (19551975). Ngày 30 tháng 4 năm 1975, chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, kể từ đó, cờ vàng ba sọc không còn giữ vai trò quốc kỳ, nhưng nó vẫn được cộng đồng người Việt Nam hải ngoại có liên quan chế độ này sử dụng làm biểu tượng đại diện cho họ.

Xem thêm

sửa

Ghi chú

sửa
  1. ^ Cờ Tây Sơn.
  2. ^ Nhà Tiền Lê ghi quốc hiệu "Đại Cồ Việt", nhà Lý ghi quốc hiệu "Đại Việt"...

Tham khảo

sửa
  1. ^ Viện Nghệ thuật 1976, tr. 9.
  2. ^ a b Phạm Văn Sơn 1961, tr. 179.
  3. ^ T.B (ngày 1 tháng 11 năm 2020). “Cờ ngũ sắc của người Việt có ý nghĩa gì?”. Báo Dân Việt. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2024.
  4. ^ Ngô Đức Thọ 1993, tr. 697.
  5. ^ Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái 1999, tr. 245.
  6. ^ Lý Khôi Việt 1988, tr. 75.
  7. ^ Lê Trung Vũ, Lê Hồng Lý 2010, tr. 592.
  8. ^ a b Nguyễn Công Hoan 2004, tr. 408 (ý 1).
  9. ^ Nguyễn Công Hoan 2004, tr. 409.
  10. ^ a b Nguyễn Văn Mại 1972, tr. 170.
  11. ^ Giang Hà Vy, Viết Linh 1986, tr. 139.
  12. ^ Trần Quốc Vượng, Nguyễn Từ Chi, Nguyễn Cao Lũy, Nguyễn Thản, Nguyễn Trần Đản 2014, tr. trang trích.
  13. ^ Ngô Văn Phú 2006, tr. 226.
  14. ^ a b Phạm Văn Sơn 1959, tr. 227.
  15. ^ Phạm Văn Sơn 1968, tr. 382.
  16. ^ Nguyễn Phương 1968, tr. 381.
  17. ^ Phạm Hồng Thái 2016, tr. 235 (1).
  18. ^ a b c Cao Thế Dung 1996, tr. 263.
  19. ^ Phạm Phú Thứ 1999, tr. 124.
  20. ^ Lê Nguyễn (ngày 21 tháng 11 năm 2018). “Tây hành nhật ký của Sứ bộ Phan Thanh Giản: Tập du ký đầu tiên của người Việt viết về phương Tây”. Viện nghiên cứu phát triển phương Đông. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2024.
  21. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 2002, tr. 67.
  22. ^ Bùi Minh Đức 2001, tr. 453.
  23. ^ Ban nghiên cứu đạo giáo 1997, tr. 199.
  24. ^ Nguyễn Công Hoan 2004, tr. 408 (ý 3).
  25. ^ Hoàng Duy Hùng 1997, tr. 249.
  26. ^ Phạm Hồng Thái 2016, tr. 235 (2).
  27. ^ Phạm Hồng Tung 2009, tr. 133.
  28. ^ Phạm Khắc Hòe 1998, tr. 66.
  29. ^ Phạm Khắc Hòe 1998, tr. 82.
  30. ^ Sắc lệnh 249/SL ngày 30 tháng 11 năm 1955 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sách

sửa

Tạp chí

sửa

Đọc thêm

sửa