Lễ hội làm chay
Lễ hội làm chay – hay Lễ hội làm trai là một lễ hội tập tục địa phương hàng năm của nhân dân thị trấn Tầm Vu (Châu Thành, Long An) tổ chức lễ hội làm chay vào thời điểm trung tuần tháng Giêng âm lịch (diễn ra từ 14-16/1 âm lịch). Từ làm chay xuất phát từ chữ đọc trại của từ làm trai đàn do người miền Nam phát âm sai chữ tr và ch mà ra.
Nguồn gốc lịch sử
sửaThực Dân Pháp đàn áp thành công cuộc khởi nghĩa của hai ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự vào năm 1878. Ngày 26/4/1878. Pháp xử bắn ông Đỗ Tường Tự, lãnh đạo nghĩa quân tại chợ Tầm Vu xưa. Người dân mai táng ông Đỗ Tường Tự bên con đường mòn cạnh pháp trường phía sau đình Dương Xuân, theo di huấn của ông. Ngày 29/4/1878, Pháp xử chém ông Đỗ Tường Phong tại nghĩa địa Tân An (nay thuộc ấp Bình Nam, xã Bình Tâm , thành phố Tân An). Nhân sự kiện dịch bệnh hoành hành mùa màng cùng thời điểm, nhân dân thị trấn Tầm Vu mượn cơ hội làm trai đàn để xua đuổi côn trùng phá hoại mùa màng, vừa làm lễ trai đàn cho các chí sĩ yêu nước. Lâu ngày, lễ hội đã trở thành truyền thống hàng năm.
Mục đích
sửaMục đích chính của lễ hội là khôi phục các giá trị truyền thống dân gian, cầu mong mưa thuận gió hoà, nhân dân sống trong cảnh thái bình, an tâm lao động sản xuất đạt vụ mùa bội thu.
Thời gian, địa điểm
sửaLễ hội diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm, tại Đình Tân Xuân, Linh Phước Tự, Chùa Ông và Chợ Tầm Vu.
Mô tả
sửa- Ngày 14/1
Người dân tiến hành kiểm tra Ông Tiêu[1] bằng giấy, bầu ban trị sự lễ hội và tiến hành cúng và các nghi lễ liên quan, bầu ban thỉnh kinh và phân công nhiệm vụ. Các ban lễ hội và các ban trị sự và các thành viên được phân công nhiệm vụ rõ rang. Một ban tổ chức lễ hội làm chay được thành lập gồm 10 thành viên. Nguồn tài chính do các thành viên vận động bà con xa gần đóng góp. Các thành viên không ai nhận thù lao, tham gia lễ hội chủ yếu nhằm duy trì tập tục và tạo điều kiện cho nhân dân địa phương vui chơi. Tiến hành đưa các vật lễ cúng kiến của tất cả nhân dân đóng góp, đưa Ông Tiêu về lễ đài chính. Xây dựng khu hành chính lễ chính và xây dựng Bến Phóng Đăng. Kiểm tra xe đăng và tiến hành các khâu cuối cùng cho lễ hội
- Ngày 15
Các nghi lễ được tiến hành tại Đình Tân Xuân và Chùa Ông. Tối diễn ra thử xe hoa, nghe phóng đăng và hát bội diễn ra tại sân khấu chính.
- Ngày 16.
Sáng diễn ra các hoạt động hội: thi bịt mắt bắt dê, bắt vịt, kéo co, v..v…Tiến hành rước vong ở cả hai phía: phía đường sông thì rước bằng thuyền. Phía đường bộ rước vong bằng ban rước vong được thành lập từ trước gồm đội lân, ban hành lễ cùng hàng ngàn người vai yêu ma quỷ quái theo cùng. Rước vong xuất phát từ khu hành lễ đi qua các xã có đặt điểm hành lễ mà người dân xây dựng từ trước lần lượt qua các xã: Long Trì, An Lục Long, Thanh Phú Long, Thuận Mỹ, Phước Tân Hưng, Nghĩa Trang Phú Ngãi Trị, Miễu Bà Cố, Hiệp Thạnh và Vĩnh Công, Hòa Phú, rồi quay về.
Chiều đến tối; Xe đăng du hành, Đường Tăng thỉnh kinh và đánh động, múa lân. Khu hành lễ diễn ra các hoạt động cầu siêu, cầu an và chợ đợi tất cả mang các linh hồn, nghĩa sĩ mang về để cầu an cầu siêu. Khu hành chính lễ chính tại đình Tân Xuân. Tại giàn Ông Tiêu (Giàn thí thực) một con heo quay (lớn nhỏ tùy theo năm vụ mùa có bội thu) được bày ra cùng bánh trái, nhang đèn. Bên ngoài sân lễ, các hoạt động khác diễn ra sôi nổi. Dưới nước ghe đăng được trang trí lộng lẫy đi rước vong linh bá tánh ở sông Tầm Vu. Trên bộ thì đoàn Tam Tạng đi thỉnh kinh, đánh động yêu quái trừ tà ma, bệnh tật cho dân lành... Sau đó tất cả các đoàn tập trung về khu hành lễ chính. Đúng 24 giờ đêm 16/1 là xô giàn Ông Tiêu. Người đi lễ tranh nhau giành đồ cúng mong tìm được chút lộc đầu năm. Ai tranh được cái lưỡi của Ông Tiêu là năm đó làm ăn phát tài nên mọi người chen nhau tìm. Sau 24 giờ, mọi nghi lễ đã xong xem như bá tánh đã chứng cho tấm lòng của người dân thị trấn Tầm Vu, một tàu tống gió sẽ đưa ra sông cho mọi thứ trở về chốn cũ.
Ý nghĩa
sửaTheo tín ngưỡng của nhân dân địa phương, tháng Giêng là tháng hội hè, vụ mùa gặt hái đã xong bà con có của ăn của để nên tổ chức cúng tế cho vong linh bá tánh. Ngày hội làm chay đã trở thành một tập tục lâu đời để con em người Tầm Vu có dịp hội tụ cùng nhau.
Vài thông tin thú vị
sửa- Theo con giáp của năm mà người ta dùng trái cây, bánh ngọt để làm tượng thú năm đó, ví dụ như năm Mão thì làm con mèo.
- Ghe phóng đăng là một chiếc thuyền chở một linh thú, theo tuần tự Long Lân Quy Phụng, cứ mỗi năm làm một con khổng lồ với đèn nhấp nháy đủ màu.
- Những năm trước thì người tham gia lễ hội rất đông và rất nghiêm chỉnh. Nhất là vào lúc 24h ngày 16 tháng Giêng, già trẻ lớn bé đều có thể tham gia xô giàn. Ai nhanh chân thì chụp được cái lưỡi Ông Tiêu (được cho là may mắn nhất), vì theo quan niệm của người dân nơi đây, ai tranh được lưỡi Ông Tiêu thì sẽ được may mắn và phát tài cả năm.
Tham khảo
sửa- ^ Tiêu diện đại sĩ