Lễ hội gội đầu hay lễ hội Lúng ta là một lễ hội của đồng bào Thái trắng, đánh dấu thời điểm qua năm, rũ bỏ cái cũ, đón nhận cái mới. Lễ gội đầu được tiến hành từ trưa ngày cuối cùng trong năm.

Chuẩn bị

sửa

Trước đó hàng tuần, người ta đã vo gạo nếp lấy nước. Nước gạo được đổ vào cất nồi cất giữ cả tuần hoặc lâu hơn, để càng chua càng tốt. Còn nước tắm thường là nước thơm của cây mùi già.

Trong ngày hội, mọi người đều mặc quần áo đẹp. Thầy mo chuẩn bị bao kiếm của tổ tiên, cây súng kíp và thông seng ở thắt lưng. Thông seng là cái túi nhỏ có trang trí hoa văn bằng chỉ ngũ sắc, trong đựng tiền, vàng, bạc.

Tổ chức

sửa

Trưởng bản hoặc thầy mo đi đầu dẫn đoàn, có trống hai người khiêng. Trống đánh nhịp ba và đệm một nhịp chiêng. Đoàn người làm lễ gội đầu lặng lẽ theo hàng một đi ra bờ sông như một đám rước. Họ vác theo bắng nước gội, tay cầm một cành lá xanh là dùng trong nghi thức lễ gội đầu.

Đến bờ sông, nam giới đi ngược lên phía thượng nguồn chừng dăm chục mét, còn nữ giới ở phía dưới dòng. Lúc này, người chủ lễ mới hát lên lời khấn thần linh, đại ý như sau:

Năm hết tết đến, tết đến tiễn cái cũ đi, cái tốt thì ta mang về
Cầu cho năm mới làm ăn phát đạt
Cái xấu cái cũ hãy đi xa, đi xa mãi, đừng bao giờ quay về nữa
Cái mới cho mọi người thêm nhiều may mắn...

Sau lời hát tiễn đưa, chủ lễ giương súng chĩa lên trời nổ phát đạn làm hiệu lệnh, bắt đầu việc gội đầu.

Phụ nữ và các bé gái xõa tóc, mặc váy đen dài quấn quanh ngực, khoe vai trần và từ từ bước xuống sông, tay cầm cành lá nhúng xuống nước rồi đập nhẹ lên mái tóc nhiều lần cho ướt đẫm. Tất cả những gì không may mắn trong năm qua sẽ được xua đi hết. Những bát nước gạo đã được ngâm cho chua nhẹ được xối dần, gợi lên mọi điều tốt đẹp để bước vào năm mới.

Việc sau cùng diễn ra bên dòng sông là giặt giũ quần áo cho sạch sẽ trước khi ra về.

Tham khảo

sửa