Lý Thành (nhà Kim)
Lý Thành (chữ Hán: 李成, ? - ?), tự Bá Hữu, người Quy Tín, Hùng Châu,[1] vốn là tướng lãnh cấp thấp nhà Bắc Tống, trở thành trùm giặc cướp ở khoảng Giang - Hoài; sau đó đi theo nhà Lưu Tề; nhà Lưu Tề bị phế, tiếp tục phục vụ nhà Kim, tham gia đánh Nam Tống. Ông và "Từ đại đao" Từ Văn là nguyên mẫu của các nhân vật Đô giám "Lý thiên vương" Lý Thành và "Văn đại đao" Văn Đạt, dưới quyền Đại Danh lưu thủ Lương Trung Thư trong Thủy Hử truyện [2].
Lý Thành | |
---|---|
Tên chữ | Bá Hữu |
Thông tin cá nhân | |
Giới tính | nam |
Nghề nghiệp | chỉ huy quân đội, kẻ phản loạn |
Quốc tịch | nhà Kim |
Cuộc đời và sự nghiệp
sửaÔng có sức mạnh hơn người, có thể kéo cung nặng 300 cân. Đầu thời Tuyên Hòa (1119 – 1125) nhà Bắc Tống, thi cung thủ, được xếp loại có sức kéo dị thường. Từng nhận chức Hoài Nam chiêu tróc sứ. Quân Kim chiếm Hà Bắc, Lý Thành nhân đó tụ tập ở Truy Xuyên làm cướp, dần dần lui xuống phía nam, hoạt động ở khoảng Giang - Hoài. Triều đình từng hai lần chiêu an [3][4], nhưng Thành vẫn quen thói cũ, nên phái binh dẹp tan.
Thành về với Lưu Tề, được làm Tri Khai Đức phủ, theo quân Kim đánh Tống. Năm Thiên Hội thứ 11 (1133), Lý Thành chiếm cứ 6 quận Tương Dương (Tương Dương phủ, Đặng Châu, Tùy Châu, Dĩnh Châu, Đường Châu, Tín Dương quân), bị Nhạc Phi đánh bại. Khi Ngụy Tề bị phế năm 1137, Lý Thành được tái bổ nhiệm An Vũ quân Tiết độ sứ.
Hoàn Nhan Tông Bật lại đánh Hà Nam, Lý Hưng nhà Tống giữ phủ Hà Nam. Lý Thành đưa quân vào Mạnh Tân. Hưng soái quân áp sát, nổi trống thách đánh, ông không ra. Trời về chiều, quân Tống mệt và đói, Thành mở cửa đánh gấp, đại phá bọn họ. Hưng chạy đi Hán Nam, ông chiếm được các nơi Lạc Dương, Tung, Nhữ. Bình xong Hà Nam, Tông Bật tâu cho Thành làm Hà Nam doãn, Đô Quản áp Bản lộ binh mã. Vì đem chỗ thóc thừa gộp vào số đã dùng, nên bị kết tội, mất cả hai chức quan. Thời Chánh Long (1149 - 1161), được khởi dụng làm Chân Định doãn, phong Quận vương, theo Hán chế giáng phong Tể quốc công. Hưởng thọ 69 tuổi.
Tính cách
sửaThành là kẻ mạnh tợn nhất trong nhóm hàng tướng, hiệu lệnh rất nghiêm, bộ hạ không dám phạm. Khi lâm trận đi trước mọi người; sĩ tốt chưa ăn thì không ăn trước; đích thân thăm nom người có bệnh. Không chịu che mưa, cho dù ướt át như thế nào!
Có người tố cáo Thành làm phản, Hoàn Nhan Tông Bật xét ra là vu khống, giao cho ông xử trí, Thành đánh đòn rồi tha cho, không bắt bớ thêm nữa. Đem việc này làm trò vui, nhờ thế mà được lòng người.
Tham khảo
sửa- Kim sử quyển 79, Lý Thành truyện
- Từ Mộng Sân (biên soạn) – Tam triều bắc minh hội biên
Chú thích
sửa- ^ Nay là huyện Hùng, Hà Bắc
- ^ Từ Mộng Sân, sách đã dẫn, quyển 207 dẫn từ Khuyết danh – Nhạc hầu truyện chép: Khi ấy thủ lĩnh giặc Lý Thành tự gọi là "Lý thiên vương", hợp với bọn Mã Tiến, Thương Nguyên, cùng cất 30 vạn quân, chiếm cứ mấy châu Hoài Tây, Hoài Nam để đồn trú, đi lại cướp bóc.
- ^ Từ Mộng Sân, sách đã dẫn, quyển 118 chép: Ngày 29 tháng 8 năm Kiến Viêm thứ 2 (1128), Lý Thành cướp bóc Túc Châu. Trước đó, triều đình mệnh cho Lý Thành sung làm Kinh Đông Hà Bắc lộ Đại tróc sát sứ. Thành lãnh binh về nam, không xâm phạm chút gì của dân, sắp đến Túc Châu, lại sinh lòng phản trắc, có ý trộm lấy Túc Châu; chia quân làm 2: một xâm Tứ Châu, phái bộ tướng cầm quân; một xâm Túc Châu, tự mình cầm quân. Đều hẹn vào ngày hối (ngày 30) tháng 8. Đi lên phía đông, Thành vào Túc Châu, bèn nói: "Ta phụng thánh chỉ, đồn trú ở Túc Châu." Nên mọi người đều không nghi ngờ, chợ búa buôn bán như thường. Quân (của Thành) vào chưa đến nửa ngày, lập tức có người lên thành. Một lúc sau, cung tên bắn loạn, (quân của Thành) nổi lửa cướp bóc khắp nơi, (Thành) chọn hết người khỏe mạnh làm lính, rồi bắt giữ người nhà của họ.
- ^ Từ Mộng Sân, sách đã dẫn, quyển 132 chép: Tháng 8 nhuận năm Kiến Viêm thứ 3 (1129), Lý Thành sai người đến Hành tại, tiếp nhận chiêu an, (sứ giả) chưa về, lại phản. (Chi tiết như sau) Lý Thành ở Tứ Châu, đánh tiếng xin về với triều đình, vì từng cướp của người nhà Đỗ Sung ở Biện Hà, giết chết hơn 2 vạn người, nên không dám đến Hành tại. Triều đình biết được, sai người đưa thư chiêu an, Thành mừng lắm, đãi sứ giả rất hậu. Thành muốn sai sứ giải đến Hành tại, trong quân đều khiếp sợ, không dám đi. Có người tên Trương Tông, người An Túc quân (nay là Từ Thủy, Hà Bắc), khéo ăn nói, có chút học vấn, hát được các bài từ ngắn... Vì thế được mọi người đề cử. Thành bèn mệnh cho Tông. Tông cũng xin đi, đem theo tờ trình xin nhận chiêu an, theo sứ giả đến Hành tại... Tông quay lại cùng với thư chiêu dụ Thành, chưa đến Tứ Châu, Thành đã lại phản.