Lý Tế Xuyên
Lý Tế Xuyên (chữ Hán: 李濟川, ? - ?) là một danh sĩ sống vào khoảng cuối thế kỷ 13 đến đầu thế kỷ 14 trong lịch sử Việt Nam.
Tiểu sử và tác phẩm
sửaSách vở biên chép về Lý Tế Xuyên rất ít, ngay cả quê quán của ông cũng ghi là chưa rõ.
Căn cứ vào lạc khoản[1] ghi trong bài Tựa đề năm Khai Hựu (1329) ở sách Việt điện u linh (hay Việt điện u linh tập. Việt điện: đất nước Việt, u linh: thiêng liêng), thì lúc bấy giờ Lý Tế Xuyên đang giữ chức Thủ đại tạng thư Hỏa chính trưởng trung phẩm, Phụng ngự, An Tiêm lộ chuyển vận sứ thời vua Trần Hiến Tông (ở ngôi: 1329-1341, đặt niên hiệu là Khai Hựu) và là chuyển vận sứ lộ An Tiêm (Thanh Hóa).
Theo Đại Việt thông sử và Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí (Văn tịch chí) của Phan Huy Chú, thì Lý Tế Xuyên chính là tác giả của sách Việt điện u linh tập.[2]
Cuốn sách này gồm 27 thiên, chia làm 3 mục (Nhân quân, Nhân thần, Hạo khí) kể về công tích 27 vị thần[3] được thờ trong các đền miếu thời Lý -Trần. Sau, có nhiều người ở đời Hậu Lê ra công tục biên, thành ra sách có đến 4 quyển, gồm 41 truyện.[4]
Xem thêm
sửaChú thích
sửa- ^ Lạc khoản: dòng chữ ở cuối bài Tựa, bài Bạt hoặc đặt ở cuối tác phẩm.
- ^ Tuy nhiên sau khi nghiên cứu, GS. Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu, đã có ý phân vân khi chép rằng: Việt điện u linh tập, nhất thuyết là của Lý Tê Xuyên, người đời Trần; nhất thuyết là của một tác giả đời Lý, sau Lý Tế Xuyên chỉ viết nối thêm vào (Việt Nam văn học sử yếu, tr. 237-238). Nói "nhất thuyết là của một tác giả đời Lý" là vì giáo sư đã đọc bài Tựa của Gia Cát Thị viết năm 1774, trong đó đoạn (bản dịch): "...tập sách này làm ra từ triều Lý, từ trước sách chép của Lê Văn Hưu, để ghi lại các sự việc...Kịp đến triều Trần, chàng họ Lý (chỉ Lý Tế Xuyên) lại làm nối theo phần cuối, sưu tầm rộng khắp, góp thành tập sách này...(trích trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tr. 1100).
- ^ Bản chép tay A. 751, không rõ năm, có ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội (theo Nguyễn Phương Chi, tr. 1994 và Nguyễn Đăng Na, tr. 232). Bản A. 47 có ở Thư viện Khoa học Xã hội (Hà Nội) có 28 truyện (Trần Văn Giáp, tr. 1093), bởi có thêm truyện Lý Phật Tử.
- ^ Theo Việt Nam văn học sử yếu (tr. 238). Bản này có tên là Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập.
Sách tham khảo
sửa- Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu. Trung tâm học liệu xuất bản (bản in lần thứ 10), Sài Gòn, 1068.
- Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (Tập 1 và Tập 2 in chung), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003.
- Nguyễn Đăng Na (chủ biên), Văn học thế kỷ X-XIV. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.
- Nguyễn Phương Chi, mục từ "Việt điện u linh tập" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
- Ngọc Hồ,Việt điệu u linh tập tục toàn biên. Nhà xuất bản Cửu Long, 1992.