Lý Phong (Thục Hán)
Lý Phong (tiếng Trung: 李豐; bính âm: Li Feng; ? - ?), không rõ tên tự, là quan viên, tướng lĩnh nhà Quý Hán thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Lý Phong | |
---|---|
Thông tin cá nhân | |
Sinh | không rõ |
Mất | không rõ |
Giới tính | nam |
Gia quyến | |
Thân phụ | Lý Nghiêm |
Nghề nghiệp | chính khách |
Quốc tịch | Thục Hán |
Cuộc đời
sửaLý Phong quê ở quận Nam Dương, Kinh Châu[1], là con trai của Tiền tướng quân, Giang Châu đô đốc Lý Nghiêm.[2]
Năm 223, khi Tiên Chủ băng hà, lấy Gia Cát Lượng, Lý Nghiêm làm phụ chính, phò tá Hậu Chủ. Lý Nghiêm cá tính cao ngạo, làm việc chỉ nhắm đến lợi ích cá nhân, không lý giải được lý tưởng bắc phạt của Gia Cát Lượng, nhiều lần gây xích mích với quan tướng trong triều. Năm 229, Nghiêm lại muốn phân chia 5 quận Ích Châu thành Ba Châu để chuyên quyền. Năm 230, để ổn định hậu phương, thừa tướng Gia Cát Lượng điều Nghiêm làm Phiêu kỵ tướng quân, dẫn quân lên Hán Trung, quản lý hậu cần lương thảo. Để trấn an Nghiêm, triều đình phong Lý Phong làm Giang Châu đô đốc, quản lý quân vụ.[2]
Năm 231, Lý Nghiêm tự ý cắt đứt vận lương, khiến bắc phạt thất bại, còn muốn đùn đẩy trách nhiệm. Gia Cát Lượng cùng các quan viên, tướng lĩnh dâng biểu xin Hậu Chủ phế truất Nghiêm.[3] Lý Nghiêm chịu tội, bị đày ở quận Tử Đồng. Lý Phong sau đó cũng bị cách chức đô đốc, chuyển làm trung lang tòng quân, làm cộng sự của trưởng sử Tưởng Uyển.[4] Gia Cát Lượng vì an ủi cha con Nghiêm, có viết một bức thư khuyên nhủ gửi cho Phong.[2]
Năm 234, sau khi Lý Nghiêm qua đời, Lý Phong vẫn tiếp tục hoạn lộ, làm quan đến chức thái thú Chu Đề.[2]
Trong văn hóa
sửaTrong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Lý Phong xuất hiện ở hồi 94. Năm 228, Mạnh Đạt muốn về Hán, cho người liên lạc với trấn thủ Vĩnh An là Lý Nghiêm. Nghiêm cử con trai Lý Phong đến trại Kỳ Sơn gặp thừa tướng Khổng Minh, kể rõ đầu đuôi sự việc. Khổng Minh mừng lắm, hậu thưởng Phong.[5] Năm 231, Khổng Minh bắc phạt, vừa mới đại thắng ở Lỗ Thành thì nhân được thư của Lý Nghiêm nói rằng quân Ngô tấn công. Khổng Minh thu quân, phát hiện dối trá, đày Nghiêm ra quận Tử Đồng, lại dùng Lý Phong làm trưởng sử, thay cha phụ trách lương thảo.[6] Năm 234, thừa tướng Khổng Minh lại xuất quân bắc phạt, sai Lý Phong vận chuyển sẵn lương thảo đến hang Tà Cốc chờ đại quân.[7]
Tham khảo
sửa- Trần Thọ, Bùi Tùng Chi chú, Tam quốc chí.
Chú thích
sửa- ^ Nay là Nam Dương, Hà Nam.
- ^ a b c d Trần Thọ, Bùi Tùng Chi chú, Tam quốc chí, Thục thư, quyển 10, Lưu Bành Liêu Lý Lưu Ngụy Dương truyện.
- ^ Trương Chú (sưu tầm), Gia Cát Lượng, Gia Cát Lượng tập, quyển 1, Văn tập, Công văn thượng thượng thư.
- ^ Thường Cừ, Hoa Dương quốc chí, quyển 7, Lưu Hậu chủ chí.
- ^ La Quán Trung, Tam quốc diễn nghĩa, hồi 94, Gia Cát Lượng nhân tuyết phá quân Khương; Tư Mã Ý nhanh tay bắt Mạnh Đạt.
- ^ La Quán Trung, Tam quốc diễn nghĩa, hồi 101, Ra Lũng Thượng, Gia Cát giả làm thần; Vào Kiếm Các, Trương Cáp bị mắc mẹo.
- ^ La Quán Trung, Tam quốc diễn nghĩa, hồi 102, Tư Mã Ý chiếm giữ Bắc Nguyên, Vị Kiều; Gia Cát Lượng chế ra trâu gỗ, ngựa máy.