Lê Giốc
Lê Giốc hay Lê Giác[1] (? - 1378) là một đại quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam.
Lê Giốc | |
---|---|
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | không rõ |
Nơi sinh | Thanh Hóa |
Mất | 1378 |
Giới tính | nam |
Quốc tịch | nhà Trần |
Tiểu sử
sửaLê Giốc là người ở làng Kẻ Rỵ, thuộc huyện Đông Sơn; nay là làng Phủ Lý, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.[2]
Ông là con danh sĩ Lê Quát, đỗ Thái học sinh, làm quan trải đến chức Thượng thư Hữu bật nhập nội hành khiển (tương đương chức Thủ tướng ngày nay)[3]. Theo tài liệu Bản xã tiên hiền và Lê gia chính phả (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) thì Lê Giốc học giỏi, đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Mùi (1331), triều vua Trần Hiến Tông. Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục lại viết ông đỗ Thái học sinh khoa thi năm Giáp Tuất (1334).
Thời vua Trần Nghệ Tông, Lê Giốc làm Tuyên phủ sứ Nghệ An. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư[4], thời gian đó quân Chiêm Thành liên tiếp đánh ra bắc, quân nhà Trần bại trận. Sau khi em Trần Nghệ Tông là Trần Duệ Tông bị tử trận năm 1377 khi đi đánh Chiêm tại Chà Bàn, thế lực nhà Trần càng yếu hơn.
Cũng trong năm đó, Chế Bồng Nga lại đánh ra Nghệ An, lập hoàng thân Ngự Câu vương Trần Húc (đầu hàng trong trận Chà Bàn) làm vua. Tháng 6 (âm lịch) năm 1378, quân Chiêm đánh vào sông Đại Hoàng [5] rồi đánh vào kinh thành Thăng Long. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mang vua cháu Trần Phế Đế (con Duệ Tông) bỏ chạy.
Lúc bấy giờ Lê Giốc đang giữ chức Kinh doãn[6] tại kinh thành, bị quân Chiêm bắt được. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép:
- ...Nhiều người theo mệnh lệnh của giặc, chỉ trừ có ông. Ông bị giặc bắt, giặc bảo lạy, ông cả giận nói: "Tao là trọng thần nước lớn, há lại lạy mày là quân tiểu man à?" (Rồi) chửi không ngớt miệng, bị giặc giết. Về sau, triều đình gọi (ông) là "mạ tặc trung vũ hầu" (nghĩa là "Ông hầu trung dũng chửi giặc")[7].
Khen ngợi và nhớ ơn
sửaNhà sử học đời Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên đã khen ngợi Lê Giốc như sau:
- Bỏ sống để giữ nghĩa còn hơn là sống, cầu sống mà chịu nhục người quân tử không làm. Kinh Dịch nói: Người quân tử thà hy sinh tính mạng để thực hiện chí hướng của mình, Giốc là người như vậy[8].
Đến đời nhà Nguyễn, nhà sử học Phan Huy Chú cũng đã trân trọng xếp Lê Giốc vào nhóm Bảy bề tôi tiết nghĩa đời nhà Trần[9]. Và vua Tự Đức cũng có thơ vịnh Lê Giốc:
- Đời mạt văn tàn võ chẳng trau
- Quân thua một trận thật là đau
- Chỉ đem tấc lưỡi la quân giặc
- Để tiếng ngàn thu "Mạ tặc thần".
Theo một bài viết đăng trên báo Thanh Hóa[10], thì ở làng Kẻ Rỵ có đền thờ Lê Giốc. Nhân dân ở đây từ lâu đã tôn ông làm Tiên hiền với duệ hiệu là: "Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, Mạ tặc trung vũ hầu Lê tướng công" [11]. Trong đền thờ có đôi câu đối:
- Mạ tặc trung thần thanh vạn đại
- Thướng thiên ánh tuyết bạch tam quan.
Nghĩa là:
- Trung thần chửi giặc tiếng lưu vạn đại
- Ánh hào quang trên trời vẫn rọi chiếu cửa đền.
Ngoài ra, theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam thì Lê Giốc còn được sắc phong là phúc thần, và có miếu thờ ở ven sông Đại Hoàng[12].
Xem thêm
sửaChú thích
sửa- ^ Lịch triều hiến chương loại chí (bản dịch) ghi là Lê Giốc (tr. 400). Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam ghi là Lê Giác (tr. 340).
- ^ Theo bài viết đăng trên báo Thanh Hóa ngày 23 tháng 1 năm 2010 (bản điện tử) [1][liên kết hỏng].
- ^ Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 371.
- ^ Đại Việt sử ký toàn thư, mục "Nghệ Tông Hoàng đế" (bản dịch, tr. 134).
- ^ Sông Đại Hoàng, là khúc sông Hồng chảy qua Hưng Yên và Nam Định; nay là ngã ba Tuần Vương. Địa điểm trước kia vào năm 1285, trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông, quân nhà Trần đã đánh nhau với quân Thoát Hoan. Theo [2][liên kết hỏng].
- ^ Chức vụ này chép theo Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (Chính biên, Quyển thứ X).
- ^ Theo Lịch triều hiến chương loại chí (bản dịch, tr. 400). Đại Việt sử ký troàn thư (Tập II, bản dịch, tr. 165) và Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (Chính biên, Quyển thứ X) chép tương tự.
- ^ Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (Tập II, bản dịch), tr. 165.
- ^ Xem Lịch triều hiến chương loại chí (tr. 400). Ngoài Lê Giốc, sáu người còn lại là: Trần Bình Trọng, Lê Cảnh Tuân, Nguyễn Biểu, Đặng Dung,Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Súy.
- ^ Xem [3][liên kết hỏng].
- ^ Xem: [4][liên kết hỏng]. Theo câu đối này, Lê Giốc thi đỗ Tiến sĩ, nhưng trong các sách dùng để tham khảo đều không thấy chép.
- ^ Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 340).
Tham khảo
sửa- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (Tập 2, bản dịch). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985.
- Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Tập 1, bản dịch). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.
- Nguyễn Q, Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển lịch sử nhân vật Việt Nam, mục từ "Lê Giác". Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1992.