Lã Hưng
Lã Hưng (chữ Hán: 呂興, ?-264) hay Lữ Hưng, là một nhân vật nhà Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Lã Hưng vốn là một viên quan ở quận Giao Chỉ, sau đó ra tay giết chết Thái thú Tôn Tư (chữ Hán: 孫諝), mang Giao Chỉ về hàng nhà Tào Ngụy.
Lã Hưng | |
---|---|
Thông tin cá nhân | |
Mất | 264 |
Giới tính | nam |
Nghề nghiệp | quan viên, kẻ phản loạn |
Quốc tịch | Đông Ngô |
Cuộc đời
sửaTừ trước năm 263, Thái thú Tôn Tư (孫諝) nhà Đông Ngô cai trị Giao Chỉ[1] tàn ác, dân chúng quận Giao Chỉ và Nhật Nam bất mãn. Tôn Tư còn bắt hàng nghìn thợ thủ công Giao Chỉ mang sang kinh đô Kiến Nghiệp phục dịch. Năm 263, vua Đông Ngô là Tôn Hưu lại sai Đặng Tuân (chữ Hán: 鄧荀) sang Giao Chỉ tìm bắt chim công và lợn rừng. Nhân dân Giao Chỉ khi thấy Tuân sang, sợ rằng nhà Ngô muốn bắt thêm người sang phục dịch, càng thêm bất mãn.[2]
Năm 263, Lã Hưng, một viên quan (quận lại) ở quận Giao Chỉ, kích động nhân dân cùng nhau nổi dậy giết chết Tư và Tuân. Lã Hưng chiếm cứ quận Giao Chỉ, các quận Nhật Nam và Cửu Chân cũng theo Lã Hưng. Lã Hưng sau đó sai đô úy là Đường Phổ (chữ Hán: 唐譜) sang Nam Trung xin hàng phục đô đốc Hoắc Dặc nhà Tào Ngụy. Hoắc Dặc gửi thư về Lạc Dương báo cho triều đình.[3]
Lã Hưng mang quận Giao Chỉ về hàng Tào Ngụy dù lúc đó bị ngăn cách về địa lý. Theo John Crawfurd, sự kiện này đánh dấu thời điểm Việt Nam "vô hình" độc lập khỏi Trung Quốc.[4][5]
Đại Việt sử ký toàn thư chép:[6]
Quý Mùi, [263], (Hán Viêm Hưng năm thứ 1, Ngô Vĩnh An năm thứ 16)[7]. Mùa xuân, tháng 3, lúc trước nhà Ngô lấy Tôn Tư làm Thái thú Giao Châu, Tư là người tham bạo, làm hại dân chúng. Đến đây vua Ngô sai Đặng Tuân đến quận. Tuân lại tự tiện bắt dân nộp 30 con công đưa về Kiến Nghiệp. Dân sợ phải đi phục dịch đường xa, mới mưu làm loạn. Mùa hạ, tháng 4, quận lại là Lữ Hưng giết Tư và Tuân, xin nhà Tấn đặt Thái thú và cho binh. (Xét sách Cương mục chép là xin nhà Ngụy đặt quan, nhưng đến năm sau. Ngụy nhường ngôi cho Tấn, thì Ngụy cũng tức là Tấn). Các quận Cửu Chân, Nhật Nam đều hưởng ứng. Năm ấy nhà Hán mất.
Cuối năm 263, Tào Ngụy tiến hành chiến dịch tiêu diệt Thục Hán thành công. Năm 264, quyền thần nhà Ngụy là Tư Mã Chiêu nhân danh Ngụy Nguyên Đế Tào Hoán phong cho Lã Hưng làm An Nam tướng quân, Giao Châu thái thú, và cho Hoắc Dặc (tướng cũ Thục Hán) làm Thứ sử Giao châu (nhưng vẫn ở Nam Trung, không trực tiếp sang Giao Châu).[8]
Đến năm 264, trước hành động của Lữ Hưng kèm theo nguy cơ mất cả Giao Châu, Tôn Hưu vội chia tách Giao Châu thành hai châu là Quảng Châu (trị sở tại Phiên Ngung) và Giao Châu (trị sở tại Long Biên). Giao Châu mới chỉ gồm 4 quận còn lại ở phía nam là Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Cuối năm 264, chiếu chỉ của Tào Ngụy chưa đến nơi thì Lã Hưng đã bị thủ hạ là công tào Lý Thống (chữ Hán: 李統) giết chết.[9]
Đại Việt sử ký toàn thư chép:[6]
Giáp Thân, [264], (Ngụy Tào Hoán Hàm Hy năm thứ 1, Ngô Tôn Hạo Nguyên Hưng năm thứ 1). Mùa thu, tháng 7, nhà Ngô tách Giao Châu, đặt Quảng Châu. Bấy giờ Ngô đã phụ vào Tấn. Nhà Tấn cho Lữ Hưng làm An Nam tướng quân đô đốc Giao Châu chư quân sự, cho Nam Trung giáp quân là Hoắc Dặc xa lĩnh[10] Thứ sử Giao Châu, cho được tùy nghi tuyển dụng trưởng lại. Dặc dâng biểu tiến cử Thoán Cốc (có sách chép là Phần Cốc) làm Thái thú, đem thuộc lại là bọn Đổng Nguyên, Vương Tố đem quân sang giúp Hưng, nhưng chưa đến nơi thì Hưng đã bị công tào là Lý Thống giết. Cốc cũng chết (có sách chép Cốc ốm chết).
Năm 265, nhà Tấn cướp ngôi nhà Ngụy, cử Dương Tắc (chữ Hán: 楊稷) làm thái thú Giao Chỉ, Đổng Nguyên làm thái thú Cửu Chân. Từ đây, Giao Châu thuộc quyền nước Tấn. Nước Đông Ngô cử Đào Hoàng (chữ Hán: 陶璜) tiến đánh Tấn để tranh giành Giao Châu và Quảng Châu, đến năm 271 thì Ngô giành lại được. Phía Ngô gọi sự kiện này là loạn Giao Chỉ (chữ Hán: 交阯之亂).
Chú thích
sửa- ^ Sử Trung Quốc ghi là 交阯太守 Gia Chỉ Thái Thú chứ không ghi Giao Châu.
- ^ Tam Quốc chí, quyển 28, Ngô thư, Tôn Hạo truyện《三國志》卷四十八「吳書·孫休傳」
- ^ Tấn thư - Đào Hoàng truyện 晉書•陶璜傳
- ^ John Crawfurd (1856), A descriptive dictionary of the Indian islands & adjacent countries. Mục từ Cochin-China, trang 112.
- ^ John Crawfurd (1828), Journal of an embassy from the Governor-General of India to the courts of Siam and Cochin-China: exhibiting a view of the actual state of those kingdoms. SOUTHEAST ASIA VISIONS, Cornell University Library’s John M. Echols Collection. Volume 2. Chapter VII. From page 302-315.
- ^ a b Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại Kỷ Toàn Thư 4: Thuộc Tấn - Tống - Tề - Lương. Lý Nam Đế (227 - 602)
- ^ Năm Quý Mùi (263), là niên hiệu Vĩnh An năm thứ 6 đời Ngô Tôn Hưu (Cảnh Đế), chứ không phải Vĩnh An năm thứ 16 như nguyên bản đã lầm.
- ^ Nguyên văn chiếu chỉ: :"吴贼政刑暴虐,赋敛无极。孙休遣使邓句,敕交阯太守锁送其民,发以为兵。吴将吕兴因民心愤怒,又承王师平定巴蜀,即纠合豪杰,诛除句等,驱逐太守长吏,抚和吏民,以待国命。九真、日南郡闻兴去逆即顺,亦齐心响应,与兴协同。兴移书日南州郡,开示大计,兵临合浦,告以祸福;遣都尉唐谱等诣进乘县,因南中都督护军霍弋上表自陈。又交阯将吏各上表,言‘兴创造事业,大小承命。郡有山寇,入连诸郡,惧其计异,各有携贰。权时之宜,以兴为督交阯诸军事、上大将军、定安县侯,乞赐褒奖,以慰边荒’。乃心款诚,形于辞旨。昔仪父朝鲁,春秋所美;窦融归汉,待以殊礼。今国威远震,抚怀六合,方包举殊裔,混一四表。兴首向王化,举众稽服,万里驰义,请吏帅职,宜加宠遇,崇其爵位。既使兴等怀忠感悦,远人闻之,必皆竞劝。其以兴为使持节、都督交州诸军事、南中大将军,封定安县侯,得以便宜从事,先行后上。"
- ^ Hoa dương vật chí《華陽國志》
- ^ Nguyên văn: "Dao lĩnh", nghĩa là lĩnh chức cai trị ở một nơi xa mà không cần phải đích thân đến đóng trị sở nơi ấy.
Tham khảo
sửa- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại Kỷ Toàn Thư 4: Thuộc Tấn - Tống - Tề - Lương. Lý Nam Đế (227 - 602)
- John Crawfurd (1828), Journal of an embassy from the Governor-General of India to the courts of Siam and Cochin-China: exhibiting a view of the actual state of those kingdoms. SOUTHEAST ASIA VISIONS, Cornell University Library’s John M. Echols Collection. Volume 2. Chapter VII. From page 302-315.
- John Crawfurd (1856), A descriptive dictionary of the Indian islands & adjacent countries.
- Tấn thư - Đào Hoàng truyện 晉書•陶璜傳
- Tam Quốc chí, quyển 28, Ngô thư, Tôn Hạo truyện《三國志》卷四十八「吳書·孫休傳」
- Tư trị thông giám, quyển 78, Ngụy ký 10, Cảnh Nguyên năm thứ tư《資治通鑒》卷七十八「魏紀十·景元四年」
- Hoa dương vật chí《華陽國志》
- Kiến Khang thực lục《建康實錄》