Khepresh
Khepresh (tiếng Ai Cập: ḫprš), hay còn gọi là Vương miện Xanh, là một dạng mũ đội đầu của các Pharaon Ai Cập cổ đại, đặc biệt phổ biến vào thời kỳ Vương triều thứ 18. Cũng như những vương miện thường thấy khác của Pharaon, biểu tượng rắn hổ mang uraeus được đính vào phía trước mũ khepresh.
Lịch sử
sửaMặc dù hình ảnh của mũ khepresh xuất hiện lần đầu tiên vào thời kỳ Tân Vương quốc, một bằng chứng cho thấy chiếc mũ này đã có từ Thời kỳ Chuyển tiếp thứ Hai, đó là tấm bia mang số hiệu CG20799 (số cũ: JE59635, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Ai Cập) của Pharaon Neferhotep III, vị vua cai trị trong khoảng năm 1629–1628 TCN. Một dòng ký tự tượng hình trên bia mô tả nhà vua "được tô điểm với chiếc mũ khepresh" sau khi dẹp yên giặc ngoại xâm và quân phiến loạn.[1]
Ahmose I, vị vua sáng lập Vương triều thứ 18 (cũng là vua đầu tiên của thời kỳ Tân Vương quốc), là người đã đội loại mũ có nhiều nét tương đồng với khepresh dạng chuẩn, có lẽ là một dạng ban đầu của mũ này nhưng có nhiều góc cạnh hơn.[1] Amenhotep I, con trai và là người kế vị Ahmose I, đã đội dạng mũ gần giống khepresh nhất, với đỉnh đầu tròn và lõm ở sau. Chiếc mũ này dần hoàn thiện khi có thêm một vành cong ở phía trước tai, đã được đội bởi Nữ vương Hatshepsut và Pharaon Thutmose III.[1] Trong một khoảng thời gian sau đó, mũ khepresh biến mất cho đến khi nó xuất hiện trở lại dưới thời Amarna của Pharaon Akhenaten; không những vậy, khepresh còn dành cho cả nữ giới, vì Vương hậu Nefertiti và các công chúa con bà đã đội vương miện này. Thời kỳ Vương triều thứ 19 và thứ 20, khepresh là vương miện chính thức của các pharaon Ramesses.[1]
Khepresh không còn xuất hiện vào Vương triều thứ 25, thời kỳ mà các vua của Vương quốc Kush cai trị cả Ai Cập, thay vào đó là một dạng mũ trùm đầu bo tròn hoàn toàn ở đỉnh và thường đính đến hai uraeus.[2]
Ý nghĩa
sửaNgoài các dịp ăn mừng chiến thắng quân sự, mũ khepresh còn được các pharaon đội trong nghi lễ đăng quang.[3] Chính vì vậy, Khepresh mang biểu tượng là "người kế vị của Amun-Ra", cho thấy pharaon là hiện thân của thần thánh và thay mặt họ cai trị dương gian.[4]
Chất liệu
sửaKhông có bất kỳ hiện vật nào của mũ khepresh được tìm thấy. Theo một số nhà Ai Cập học suy đoán, khepresh được làm từ một loại vải thô cứng hoặc bằng da, trên mũ đính các kim sa tròn.[5][6][7]
Trên các phù điêu hoặc tượng, mũ khepresh được sơn màu xanh dương, hiếm gặp hơn là màu đen.
Hình ảnh
sửa-
Đầu tượng Amenhotep II (Bảo tàng Nghệ thuật Dallas)
-
Đầu tượng Thutmose IV
-
Tượng đá vôi của Akhenaten (Bảo tàng Neues)
-
Đầu tượng Tutankhamun
-
Tượng ushabti của Tutankhamun
-
Phù điêu Ramesses IV tại đền Karnak
-
Phù điêu mô tả Ramesses IX
Xem thêm
sửaTham khảo
sửa- ^ a b c d Davies, W. V. (1982). “The Origin of the Blue Crown”. The Journal of Egyptian Archaeology. 68: 69–76. doi:10.2307/3821624. ISSN 0307-5133.
- ^ Ian Shaw biên tập (2003). The Oxford History of Ancient Egypt. Nhà xuất bản Đại học Oxford. tr. 348. ISBN 978-0-19-159059-7.
- ^ Myśliwiec, Karol (2004). Eros on the Nile. Ithaca, New York: Nhà xuất bản Đại học Cornell. tr. 14. ISBN 0-8014-4000-9.
- ^ M. Bryan, Betsy (2007). “A 'New' Statue of Amenhotep III and the Meaning of the Khepresh Crown”. Trong Zahi A. Hawass; Janet Richards (biên tập). The Archaeology and Art of Ancient Egypt: Essays in Honor of David B. O' Connor. tr. 173–189.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách biên tập viên (liên kết)
- ^ Maisels, Charles Keith (2001). Early Civilizations of the Old World: The Formative Histories of Egypt, The Levant, Mesopotamia, India and China. Routledge. tr. 60. ISBN 1-134-83730-5.
- ^ Bradley, Pamela (2014). The Ancient World Transformed. Nhà xuất bản Đại học Cambridge. tr. 141. ISBN 978-1-107-67443-1.
- ^ Stephen Quirke; Jeffrey Spencer biên tập (1992). The British Museum book of ancient Egypt. Luân Đôn: Thames & Hudson. tr. 70-71. ISBN 0-7141-0965-7.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách biên tập viên (liên kết)
Đọc thêm
sửa- Steindorff, Georg (1917). “Die blaue Königskrone”. Zeitschrift für ägyptische Sprache und Altertumskunde (bằng tiếng Đức). Berlin: Leipzig. tr. 59–74.