Hiển Túc Hoàng hậu

(Đổi hướng từ Hiển Túc hoàng hậu)

Hiển Túc Trịnh Hoàng hậu (chữ Hán: 顯肅鄭皇后; 1079 - 1130), còn gọi là Ninh Đức Thái hậu (寧德太后), là Hoàng hậu thứ hai của Tống Huy Tông Triệu Cát, đồng thời là Thái thượng hoàng hậu đầu tiên của nhà Tống thời Tống Khâm Tông Triệu Hoàn.

Hiển Túc Trịnh Hoàng hậu
顯肅鄭皇后
Tống Huy Tông Hoàng hậu
Hoàng hậu nhà Tống
Tại vị1111 - 1126
Tiền nhiệmHiển Cung Vương Hoàng hậu
Kế nhiệmNhân Hoài Chu Hoàng hậu
Thái thượng hoàng hậu nhà Tống
Tại vị1125 - 1130
Tiền nhiệmThái thượng hậu đầu tiên
Kế nhiệmThọ Thánh Thái thượng hoàng hậu
Thông tin chung
Sinh1079
Khai Phong, Đại Tống
Mất1130
Ngũ Quốc Thành, Đại Kim
An tángVĩnh Hựu lăng (永祐陵)
Phối ngẫuTống Huy Tông
Triệu Cát
Hậu duệ
Thụy hiệu
Hiển Túc Hoàng hậu
(顯肅皇后)
Thân phụTrịnh Thân

Tiểu sử

sửa
 
Cận chân dung Hiển Túc Hoàng hậu Trịnh thị.

Hiển Túc Hoàng hậu họ Trịnh (鄭), nguyên quán ở Khai Phong, cha là nguyên Trực Tỉnh quan, tiến Kiểm hiệu Thái sư, Nhạc Bình quận vương Trịnh Thân (鄭紳). Khi còn nhỏ vào hầu Khâm Thánh Hoàng thái hậu Hướng thị, làm ["Áp ban"; 押班] hầu cận. Khi Tống Huy Tông còn là Đoan vương, bà hay vào Từ Đức cung để yết kiến Thái hậu. Trịnh thị và Vương thị thường được Thái hậu sai hầu trà. Bà tiểu tâm cẩn thận, không phạm sai sót, lại có nhan sắc nên được Đoan vương để ý[1].

Năm Nguyên Phù thứ 3 (1100), Đoan vương lên ngôi, tức Tống Huy Tông. Trịnh thị được Hoàng thái hậu đưa vào hầu cho Huy Tông, bà biết đọc sách, chương tấu có thể giúp Hoàng đế, nên được sủng ái hết mực[2]. Ngay sau đó, tháng 12 cùng năm, bà được phong Tài nhân. Năm Kiến Trung Tĩnh Quốc nguyên niên (1101), tháng 8, tiến Mỹ nhân, sang tháng 10 lại thăng Tiệp dư, đến tháng 12 tiếp tục thăng Uyển nghi, hàng Tòng nhất phẩm trong số các phi tần. Đến năm Sùng Ninh nguyên niên (1102), tháng 11, Trịnh Uyển nghi chính thức lên Hiền phi. Năm sau (1103), tháng 5, tiến Thục phi. Cuối cùng là năm thứ 3 (1104), tháng 2, sách Quý phi, đứng đầu chúng phi[3].

Trở thành Hoàng hậu

sửa

Năm Đại Quan thứ 3 (1109), Hiển Cung Hoàng hậu Vương thị băng. Năm Đại Quang thứ 4 (1110), tháng 10, dụ lập làm Hoàng hậu[4], nhưng đến năm Chính Hòa nguyên niên (1111), tháng 2 mới tổ chức đại điển. Cha của bà từ Thái tử Thiếu sư được tiến Khai phủ nghi đồng tam ti[5].

Trịnh hậu tuy nhận ân sủng nhưng lại là người tiết kiệm, biết lễ phục y quan theo lễ nghi sẽ xa hoa, mà quốc khố đang thiếu hụt, cũng như không muốn vượt đi lễ pháp với Vương Hoàng hậu vừa mất, nên khi đại lễ lập Hoàng hậu bà đã yêu cầu dùng loại phục sức từ thời Quý phi của bà để thay thế, tránh việc dụng sức xa hoa[6]. Khi ấy, tộc tử của bà là Trịnh Cư Trung (鄭居中) trọng dụng vào hàng Xu mật viện, bà nói:"Ngoại thích không nên tham dự quốc chính, nếu muốn phục dụng, thà nạp thêm phi tần", Huy Tông bèn bãi Cư Trung. Sau, Cư Trung lại được phục dùng, bà lại can gián. Trong cung, bà nổi tiếng hiền, khi Lưu Quý phi mất, truy thụy là Hậu, bà không phản đối gì, còn đề nghị do Phi có công sinh dục hoàng tử mà nên làm lễ gia ân thêm. Huy Tông vừa ý bà lắm, cả đời đều trân trọng[7].

Năm Tuyên Hòa thứ 7 (1125), ngày 23 tháng 12 (âm lịch), Tống Huy Tông thiện nhượng cho Thái tử Triệu Hoàn, Thái tử kế vị, tức Tống Khâm Tông. Tân Hoàng đế chiếu tôn Thái thượng hoàng hiệu Giáo Chủ Đạo Quân Thái thượng hoàng đế (教主道君太上皇帝), trú Long Đức cung (龍德宮), tôn Trịnh Hoàng hậu làm Thái thượng hoàng hậu[8]. Sang năm Tĩnh Khang nguyên niên (1126), mời Thái thượng hoàng hậu ngự ở Ninh Đức cung (寧德宮), nên còn gọi là Ninh Đức Thái hậu (寧德太后)[9].

Khi ấy Thái hậu muốn tùy Huy Tông Thượng hoàng về Nam Kinh, nhưng không được bèn quay về. Người khi ấy nói Thượng hoàng muốn trốn đến Trấn Giang, nhân tình sợ hãi lắm. Lại có người Nội thị dèm pha nói Thái hậu dùng Đoan Môn vào thẳng cửa cấm, Khâm Tông trực tiếp ra cửa đón Thái hậu, hai cung vui vẻ ân tình. Thượng hoàng cũng không đi nữa[10].

Qua đời

sửa

Sự biến Tĩnh Khang xảy ra, Biện Kinh bị hãm, Trịnh Thái hậu cùng Khâm Tông, Huy Tông đều bị người Kim bắt giữ, đưa về phương Bắc. Trong lúc khổ cực đó, bà nói với Hoàn Nhan Tông Đồ rằng: "Thiếp đắc tội đáng bị chỉ trích, song gia phụ của thiếp chưa từng can dự triều chánh, xin đừng khiển trách gia phụ vô tội". Sau đó, cha của bà là Trịnh Thân được đưa về phương Nam[11]. Năm Kiến Viêm thứ 4 (1130), ngày 5 tháng 9 (âm lịch), Trịnh Thái hậu qua đời ở Ngũ Quốc Thành, thọ khoảng 52 tuổi, thụy hiệu ban đầu là Hi Tĩnh (僖靖)[12].

Năm Thiệu Hưng thứ 7 (1137), ngày 11 tháng 6 (âm lịch), Tống Cao Tông ở phương Nam truy tặng thụy hiệu Hiển Túc Hoàng hậu (顯肅皇后). Tháng 9 cùng năm, làm lễ sách tôn, cùng với Huy Tông. Tháng 12, ngày Đinh Sửu (10), đưa thần chủ của Huy Tông và Hiển Túc Hoàng hậu cùng lên Thái Miếu. Sang năm thứ 12 (1142), tháng 10, ngày Ất Sửu (7), hợp táng cùng Huy Tông vào Vĩnh Hựu lăng (永祐陵) ở Cối Kê[13][14][15].

Các tộc nhân của Hiển Túc hậu sau đó lưu về Giang Nam. Cao Tông biết được, cho vời đến kinh sư mà phong quan ban tước. Trong số ấy có Trịnh Tảo (鄭藻), ban đầu bái Lũng Châu Phòng ngự sứ, sau đến Tiết độ sứ Chương Tín Quân, gia thêm Thái úy. Mất, tặng Vinh Quốc công (榮國公), thụy là Đoan Tĩnh (端靖)[16].

Hậu duệ

sửa

Hiển Túc Hoàng hậu sinh cho Tống Huy Tông 1 Hoàng tử và 5 Hoàng nữ:

  1. Triệu Sanh [趙檉; 1101], chết non, tặng Duyện vương (兗王), thụy ["Trọng Hi"; 沖僖].
  2. Gia Đức Đế cơ [嘉德帝姬; 1100 - 1141], húy Ngọc Bàn (玉槃), con gái trưởng của Tống Huy Tông.
    Sinh năm Nguyên Phù thứ 3, sơ phong Đức Khánh công chúa (德慶公主), sau cải cách của Huy Tông thì trở thành Đế cơ. Ban đầu hạ giá lấy Tả Vệ tướng quân Tằng Di (曾夤), sau loạn Tĩnh Khang thì bị nạp làm thiếp của Tống vương Hoàn Nhân Tông Bàn (完颜宗磐). Sau khi Hoàn Nhân Tông Bàn bị tội, bà bị nạp cho Kim Hi Tông.
  3. An Đức Đế cơ [安德帝姬; 1106 - 1127], húy Kim La (金罗), con gái thứ 3 của Tống Huy Tông.
    Sinh năm Sùng Ninh thứ 5, sơ phong Thục Khánh công chúa (淑慶公主), sau cải cách của Huy Tông thì trở thành Đế cơ. Hạ giá lấy Tống Bang Quang (宋邦光), sinh một con gái gả cho Tú vương Triệu Bá Khuê. Loạn Tĩnh Khang, công chúa bị Đô thống Hoàn Nhan Đồ Mẫu (完颜阇母) cưỡng bức, chết cùng năm ấy.
  4. Thọ Thục Đế cơ [壽淑帝姬; ? - 1106], sơ phong Thọ Khánh công chúa (壽慶公主), mất sớm, tặng Dự Quốc công chúa (豫國公主). Sau cải cách của Huy Tông thì trở thành Đế cơ.
  5. Vinh Thục Đế cơ [榮淑帝姬; ? - 1110], sơ phong Vinh Khánh công chúa (榮慶公主), mất sớm, tặng Thái Quốc công chúa (蔡國公主). Sau cải cách của Huy Tông thì trở thành Đế cơ.
  6. Thành Đức Đế cơ [成德帝姬; 1110 - ?], sơ phong Xương Phúc công chúa (昌福公主). Hạ giá lấy Hướng Tử Phòng (向子房), cháu nội của Hướng Mẫn Trung (向敏中), sinh phụ của Khâm Thánh Hướng hậu. Loạn Tĩnh Khang, bị điều đến Tẩy Y viện (洗衣院) của nước Kim.

Xem thêm

sửa

Tham khảo

sửa
  1. ^ 《宋史·卷二百四十三·列傳第二·后妃傳下·鄭皇后》: 鄭皇后,開封人也。父紳,始為直省官,以后貴,累封太師、樂平郡王。后本欽聖殿押班,徽宗為端王,每日朝慈德宮,欽聖命鄭、王二押班供侍。
  2. ^ 《宋史·卷二百四十三·列傳第二·后妃傳下·鄭皇后》: 后自入宮,好觀書,章奏能自製,帝愛其才。
  3. ^ 《宋會要輯稿*006‧第六冊‧後妃一至四》
  4. ^ 《宋史·卷二十·本紀第二十·徽宗二》: 冬十月丁酉,立貴妃鄭氏為皇后。
  5. ^ 《宋史·卷二十·本紀第二十·徽宗二》: 二月壬寅,冊皇后。乙巳,詔陝西、河東復鑄夾錫錢。丙午,以太子少師鄭紳為開府儀同三司。
  6. ^ 《宋史·卷二百四十三·列傳第二·后妃傳下·鄭皇后》: 王皇后崩,政和元年,立為皇后。將受冊,有司創制冠服,后言國用未足,冠珠費多,請命工改制妃時舊冠。又乞罷黃麾仗、小駕鹵簿等儀,從之。
  7. ^ 《宋史·卷二百四十三·列傳第二·后妃傳下·鄭皇后》: 時族子居中在樞府,后奏:「外戚不當預國政,必欲用之,且令充妃職。」帝為罷居中。居中復用,后歸寧還言:「居中與父紳相往還,人皆言其招權市賄,乞禁絕,許御史奏劾。」后性端謹,善順承帝意。劉貴妃薨,帝思之不已,將追冊為后。后即奏妃乃其養子,乞別議褒崇之禮,帝大喜。
  8. ^ 《宋史·卷二十二·本紀第二十二·徽宗四》: 庚申,詔內禪,皇太子即皇帝位。尊帝為教主道君太上皇帝,居於龍德宮。尊皇后為太上皇后。
  9. ^ 《宋史·卷二百四十三·列傳第二·后妃傳下·鄭皇后》: 欽宗受禪,尊為太上皇后,遷居甯德宮,稱甯德太后。
  10. ^ 《宋史·卷二百四十三·列傳第二·后妃傳下·鄭皇后》: 欽宗受禪,尊為太上皇后,遷居甯德宮,稱甯德太后。從上皇幸南京,金師退,先歸。時用事者言,上皇將復辟於鎮江,人情危駭。或謂后將由端門直入禁中,內侍輩頗勸欽宗嚴備。帝不從,出郊迎后,於是兩宮歡甚洽。上皇聞之,即罷如洛之議。
  11. ^ 《宋史·卷二百四十三·列傳第二·后妃傳下·鄭皇后》: 先是,后至金營,訴於粘罕曰:「妾得罪當行,但妾家屬不預朝政,乞留不遣。」粘罕許之,故紳得歸。
  12. ^ 《宋史·卷二百四十三·列傳第二·后妃傳下·鄭皇后》:...汴京破,從上皇幸青城。北遷,留五年,崩于五國城,年五十二。后既行,紳亦以是年薨,諡僖靖。
  13. ^ 《宋史·卷二十九·本紀第二十九·高宗六》: 九月甲子,上太上皇帝諡曰聖文仁德顯孝皇帝,廟號徽宗,皇后曰顯肅皇后。十一月...丁卯,祔徽宗皇帝、顯肅皇后神主于太廟。
  14. ^ 《宋史·卷三十·本紀第三十·高宗七》: 十二年...冬十月乙丑,始聽中外用藥。丙寅,權欑徽宗皇帝及顯肅皇后于會稽永固陵,懿節皇后祔。
  15. ^ 《宋史·卷二百四十三·列傳第二·后妃傳下·鄭皇后》: 紹興七年,何蘇等使還,始知上皇及后崩,高宗大慟。詔立重成服,諡顯肅。后親族各遷官有差。祔主徽宗室,以聞哀日為大忌。梓宮歸,入境,承之以槨,納翬衣其中,與徽宗各攢於會稽永佑陵。
  16. ^ 《宋史·卷二百四十三·列傳第二·后妃傳下·鄭皇后》:家屬流寓江南,高宗憐之,詔所在尋訪賜官。有鄭藻者,后近屬也。紹興中帶禦器械用后祔廟恩,拜隴州防禦使;凡四使金,曆官至保信軍節度使,加太尉。卒,追封榮國公,諡端靖。