Hội trùng dương

Trường ca do Phạm Đình Chương công bố năm 1954
(Đổi hướng từ Hội Trùng Dương)

"Hội trùng dương" là một trường ca nổi tiếng trong âm nhạc Việt Nam,[1] [2][3] viết về cuộc tụ hội của ba dòng sông và rộng hơn là ba miền Trung Nam Bắc của Việt Nam, do nhạc sĩ Phạm Đình Chương phát hành năm 1954 ngay sau sự kiện Hiệp định Genève.

"Hội trùng dương"
Bìa gốc trường ca "Hội trùng dương"
Collage bìa gốc ba phần của trường ca "Hội trùng dương" do NXB An Phú ấn hành năm 1954
Trường ca
Ngôn ngữTiếng Việt
Công bố29 tháng 7 năm 1954 (1954-07-29)
Phát hành1954
Thể loạiTrường ca
Sáng tácPhạm Đình Chương

Hoàn cảnh sáng tác

sửa

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương dành ra bốn năm để sáng tác tác phẩm trường ca này,[4] kết cấu gồm có ba phiên khúc, tức ba phần. Ngày 29 tháng 7 năm 1954, Nhà xuất bản An Phú (số 163 Lê Lợi, Sài Gòn, Quốc gia Việt Nam) cho xuất bản tác phẩm "Hội trùng dương", không lâu sau khi Hiệp định Genève về chia cắt Việt Nam được ký kết.

Nhan đề từng phần căn cứ tờ nhạc bướm gốc của An Phú là:

  • "Hội trùng dương: Phần thứ nhất - Tiếng sông Hồng" (số hiệu A.P.161)
  • "Hội trùng dương: Phần thứ hai - Tiếng sông Hương" (số hiệu A.P.162)
  • "Hội trùng dương: Phần thứ ba - Tiếng Cửu Long"[note 1] (số hiệu A.P.163)

Nội dung

sửa

Trường ca "Hội trùng dương" mang âm hưởng dân ca nhưng không phải âm điệu dân ca nguyên thủy mà có sự sáng tạo của tác giả với phong cách nhịp điệu phương Tây. Tác phẩm gồm một đoạn mở đầu và ba phiên khúc; các phiên khúc đại diện cho tiếng nói của ba dòng sông nổi tiếng mỗi miền Việt Nam là Hồng Hàmiền Bắc, Hương Giangmiền TrungCửu Long Giang chảy qua vùng đồng bằng rộng lớn ở miền Nam. Trường ca nhấn mạnh sự hội ngộ của ba con sông ở biển Đông và rộng hơn là ba miền của Việt Nam, ca tụng một nước Việt Nam thống nhất.[5][6] Nhạc sĩ sử dụng nghệ thuật nhân hóa cho ba con sông; mỗi dòng sông cất lên tiếng nói như nỗi lòng của ba người thiếu nữ, cũng chính là nỗi niềm của dân bản xứ về cuộc sống mưu sinh vất vả, khó khăn, cũng như đề cao phẩm chất kiên cường chống giặc ngoại xâm.[6]

Ở đoạn đầu của "Phần thứ nhất: Tiếng sông Hồng", ông dùng điệu dô ta nhưng đã thoát ly dân ca nguyên thủy từ nhạc điệu đến nhạc thức, áp dụng nhạc lý phương Tây. Ở "Phần thứ hai: Tiếng sông Hương", nhạc sĩ quay về với nét nhạc đậm bản sắc dân ca nguyên thủy nhằm phù hợp với vùng đất kinh thành Huế, mô phỏng điệu hò mái đẩy miền Trung, nhịp điệu chậm rãi, hợp với lời lẽ than van, ý muốn nói lên dân sinh khó nhọc vất vả tại vùng đất miền Trung này, hết nạn thiên tai lại đến nạn can qua. Nhạc sĩ dụng âm cũng rất tài tình, khiến người hát không cần là người Huế vẫn có thể tạo âm hưởng giọng nói vùng này nếu hát đúng kỹ thuật. Ở "Phần thứ ba: Tiếng Cửu Long", ông chuyển sang vận dụng nét nhạc khỏe khoắn thể hiện sự trù phú của miền châu thổ phù sa, khéo léo thêm vào hai câu hò theo điệu ru con miền Nam.[6]

Biểu diễn

sửa

Trước năm 1975, ban hợp ca Thăng Long trình bày cả ba phần của trường ca "Hội trùng dương" trong chương trình Sơn Ca 10 của hãng dĩa hát Sơn Ca. Năm 1993, danh ca Thái Thanh ra album Hội trùng dương (Diễm Xưa 40), mở đầu là trường ca. Năm 2001, ca sĩ Ánh Tuyết biểu diễn tại nhà hát Bến Thành, Thành phố Hồ Chí Minh và thu âm trực tiếp trường ca vào album chủ đề Hội trùng dương (Hãng phim Trẻ). Năm 2005, ca sĩ Đức Tuấn phát hành bản thu "Hội trùng dương" trong album Đôi mắt người Sơn Tây (Phương Nam Phim).[7]

Trường ca "Hội trùng dương" cũng xuất hiện toàn bài hoặc một phần trong nhiều chương trình thu hình như Asia 31 - Giải âm nhạc nghệ thuật ASIA (Trung tâm Asia, 2000), Paris By Night 59 - Cây đa bến cũ (Trung tâm Thúy Nga, 2000), Asia 53 - Bốn mùa - Màu sắc của tình yêu (Asia, 2007), Paris By Night 91 - Huế Sài Gòn Hà Nội (Thúy Nga, 2008), Asia 70 - Vietnam My Beloved Country - Quê hương yêu dấu (Asia, 2012), Asia 82 - Mộng dưới hoa (Asia, 2018),...

Ghi chú

sửa
  1. ^ Gốc là "Tiếng Cửu Long", không phải "Tiếng sông Cửu Long".

Tham khảo

sửa
  1. ^ “Thơ phổ nhạc hay nhạc phổ thơ?”. Hội Nhạc sĩ Việt Nam. 20 tháng 6 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2022.
  2. ^ “Đau đớn vì bị phụ bạc, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã viết 'Nửa hồn thương đau'. Tiền Phong. 18 tháng 12 năm 2019.
  3. ^ “Danh ca Ý Lan biểu diễn tôn vinh bác ruột Phạm Đình Chương”. Người Lao Động. 13 tháng 1 năm 2017.
  4. ^ Bích Huyền (29 tháng 7 năm 2012). “Nhạc Phạm Đình Chương”. t-van.net.
  5. ^ Quỳnh Giao (7 tháng 8 năm 2019). “Phạm Đình Chương, Quê hương một niềm”. Người Việt.
  6. ^ a b c Phạm Văn Kỳ Thanh (29 tháng 9 năm 1984). “Phạm Văn Kỳ Thanh viết về "Hội trùng dương". Tạp chí Nhân Văn. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2022.
  7. ^ Bìa băng magnetophon Sơn Ca 10 (1975), bìa CD Diễm Xưa 40 (1993), bìa CD Hội trùng dương (2001), bìa CD Đôi mắt người Sơn Tây (2005).