Họ Cá đàn lia (danh pháp khoa học: Callionymidae) là một họ cá biển theo truyền thống xếp trong bộ Cá vược,[1] nhưng hiện nay được một số tác giả xếp trong bộ Syngnathiformes.[2] Nelson et al. (2016) xếp nó trong bộ Callionymiformes.[3]

Họ Cá đàn lia
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Nhánh Actinopteri
Phân lớp (subclass)Neopterygii
Phân thứ lớp (infraclass)Teleostei
Nhánh Osteoglossocephalai
Nhánh Clupeocephala
Nhánh Euteleosteomorpha
Nhánh Neoteleostei
Nhánh Eurypterygia
Nhánh Ctenosquamata
Nhánh Acanthomorphata
Nhánh Euacanthomorphacea
Nhánh Percomorphaceae
Nhánh Syngnatharia
Bộ (ordo)Syngnathiformes
Phân bộ (subordo)Callionymoidei
Họ (familia)Callionymidae
Bonaparte, 1831
Các chi

Họ này được tìm thấy chủ yếu ở các vùng biển nhiệt đới thuộc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Có khoảng 200 loài thuộc họ này, được xếp vào 18 chi. Cá đàn lia là sinh vật đáy, thường bơi gần những khu vực đáy cát và ăn những loài động vật không xương sống nhỏ[1]. Cá đàn lia cũng có thể được tìm thấy trong các thảm cỏ biển và xung quanh các rạn san hô[1].

Do có những nét tương đồng về hình thái và tập tính, đôi khi cá đàn lia lại bị nhầm lẫn với các thành viên của bộ Cá bống. Tuy nhiên, cá đàn lia đực có thể được phân biệt với cá bống bởi vây lưng rất dài, và cá đàn lia mái có hàm dưới nhô ra.

Mô tả

sửa

Cá đàn lia nói chung có màu sắc sặc sỡ và mang trên mình những đốm, hoa văn. Cơ thể của chúng thuôn dài và không có vảy. Một ngạnh lớn ở phía trước của nắp mang là điểm đặc trưng của các loài cá đàn lia[1], và một số loài được ghi nhận là có thể tiết độc tố qua cái ngạnh này. Tất cả các vây đều lớn, có hoa văn và thon dài. Vây lưng chẻ đôi; vây lưng thứ nhất vươn dài, thường có 4 gai[1]. Ở cá đực, gai vây lưng đầu tiên có thể có thêm các tia vây sợi ở trên chóp. Đầu của cá đàn lia dẹt, có hình tam giác; miệng và mắt rất lớn. Vây đuôi có hình cánh quạt.

Nhiều loài cá đàn lia là những loài dị hình giới tính[1]. Cá đực và cá cái có màu sắc và hoa văn khác nhau, và cá đực có vây lưng dài hơn so với cá cái.

Sinh sản

sửa

Thời điểm sinh sản của cá đàn lia diễn ra trước khi mặt trời lặn[4]. Tập tính sinh sản của nó được chia thành các giai đoạn sau: tán tỉnh, ghép đôi và thụ tinh[4]. Màn tán tỉnh thường diễn ra ở cá đực nhiều hơn. Cá cái chỉ thể hiện như vậy khi chúng sẵn sàng sinh sản và cần một người bạn đời[5]. Cả hai giới đều thể hiện màn tán tỉnh bằng cách căng rộng vây ngực và vây đuôi của chúng, và bơi xung quanh đối tượng mà chúng để ý. Cá đực đôi khi cũng sẽ căng rộng vây lưng, liên tục mở và ngậm miệng, áp cơ thể lên cá cái và sau đó, cá đực sẽ cọ xát vùng bụng của nó lên cá cái. Thỉnh thoảng, một con đực khác sẽ chen ngang vào một cặp "vợ chồng" đang giao phối và cố gắng lén thụ tinh với con cái. Điều này sẽ dẫn tới một "cuộc xung đột" với con cá đực đầu tiên[6].

Trước khi bước vào mùa sinh sản, một cặp cá đàn lia sẽ di chuyển lên trên một cột nước, cao khoảng 0,7 - 1,2 m tính từ đáy biển[7]. Con đực bơi song song với con cái, và tìm cách tiếp cận phần cơ thể gần vây bụng của cá cái. Cả hai sẽ cùng bơi dần lên cao, di chuyển bằng vây ngực theo hình bán nguyệt[7]. Chúng bơi thành hai quãng. Ở giai đoạn đầu tiên, cặp đực - cái bơi lên khoảng 15 cm và nghỉ trong khoảng 5 giây[7]. Sau đó, chúng bắt đầu bơi lên cao lần thứ hai. Ở giai đoạn thứ hai, cá đực và cá cái uốn cong cơ thể và hướng nhú sinh dục về phía nhau[7]. Cá đực bắt đầu xuất tinh và cá cái phóng trứng. Sự giải phóng trứng diễn ra từng đợt và liên tục trong khoảng 5 giây[7]. Trứng cá nổi trong cột nước, sẽ bị dòng nước cuốn đi. Cá bố lẫn cá mẹ không bảo vệ trứng. Sau khi giao phối xong, cả cá đực và cá cái sẽ bơi trở lại đáy biển. Cá đực có thể giao phối với nhiều con cá cái khác nhau trong cùng một ngày[7].

Tham khảo

sửa
  1. ^ a b c d e f “Family Callionymidae - Dragonets”. FishBase. Truy cập 2 tháng 9 năm 2019.[liên kết hỏng]
  2. ^ Ricardo Betancur-R và ctv, 2013. The Tree of Life and a New Classification of Bony Fishes Lưu trữ 2020-11-11 tại Wayback Machine PLOS Currents Tree of Life. 18-4-2013. Ấn bản 1. doi:10.1371/currents.tol.53ba26640df0ccaee75bb165c8c26288.
  3. ^ Nelson, JS; Grande, TC & Wilson, MVH (2016). “Classification of fishes from Fishes of the World 5th Edition” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2018.
  4. ^ a b Toru Takita & Eiji Okamoto (22 tháng 3 năm 1979), "Spawning behavior of the two dragonets, Callionymus flagris and C. richardsoni, in the aquarium", Japanese Journal of Ichthyology 26 (3): 282–288.
  5. ^ Benjamin J. Gonzales; Osamu Okamura & Nobuhiko Taniguchi (1996), "Spawning behavior of laboratory-reared dragonet, Repomucenus huguenini, and development of its eggs and prolarvae", Aquaculture Science 44 (1): 7 – 15.
  6. ^ Satoshi Awata; Motoko R. Kimura; Noriyosi Sato; Keita Sakai; Takuzo Abe; Hiroyuki Munehara (3 tháng 7 năm 2009), "Breeding season, spawning time, and description of spawning behaviour in the Japanese ornate dragonet, Callionymus ornatipinnis: a preliminary field study at the northern limit of its range", Ichthyological Research 57 (1): 16–23.
  7. ^ a b c d e f Toru Takita; Teruyuki Iwamoto; Shuya Kai; Ichiro Sogabe (1983), "Maturation and spawning of the dragonet, Callionymus enneactis, in an aquarium", Japanese Journal of Ichthyology 30 (3): 221 – 226.