Gamal Abdel Nasser

chính khách, lãnh đạo Ai Cập

Gamal Abdel Nasser Hussein[a] (ngày 15 tháng 1 năm 1918 – ngày 28 tháng 9 năm 1970) là chính khách người Ai Cập, tổng thống Ai Cập từ năm 1954 tới khi qua đời vào năm 1970. Năm 1952, Nasser làm binh biến lật đổ chế độ quân chủ Ai Cập. Năm 1953, ông tiến hành chính sách cải cách ruộng đất sâu rộng. Năm 1954, ông ra lệnh trấn áp Hội Anh em Hồi giáo sau khi bị một thành viên ám sát hụt. Ông chính thức trở thành tổng thống vào tháng 6 năm 1956 sau khi bắt quản thúc tổng thống đương chức Muhammad Naguib.

Gamal Abdel Nasser
جمال عبد الناصر
Tổng thống Nasser vào năm 1962
Chức vụ
Tổng thống Ai Cập
Nhiệm kỳngày 23 tháng 6 năm 1956 – ngày 28 tháng 9 năm 1970
Tiền nhiệmMuhammad Naguib
Kế nhiệmAnwar Sadat
Nhiệm kỳngày 19 tháng 6 năm 1967 – ngày 28 tháng 9 năm 1970
Tiền nhiệmMohamed Sedki Sulayman
Kế nhiệmMahmoud Fawzi
Nhiệm kỳngày 18 tháng 4 năm 1954 – ngày 29 tháng 9 năm 1962
Tiền nhiệmMuhammad Naguib
Kế nhiệmAli Sabri
Nhiệm kỳngày 25 tháng 2 năm 1954 – ngày 8 tháng 3 năm 1954
Tiền nhiệmMuhammad Naguib
Kế nhiệmMuhammad Naguib
Nhiệm kỳngày 8 tháng 3 năm 1954 – ngày 18 tháng 4 năm 1954
Tiền nhiệmGamal Salem
Kế nhiệmGamal Salem
Nhiệm kỳngày 18 tháng 6 năm 1953 – ngày 25 tháng 2 năm 1954
Tiền nhiệmSulayman Hafez
Kế nhiệmGamal Salem
Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Nhiệm kỳngày 18 tháng 6 năm 1953 – ngày 25 tháng 2 năm 1954
Tiền nhiệmSulayman Hafez
Kế nhiệmZakaria Mohieddin
Nhiệm kỳngày 14 tháng 11 năm 1954 – ngày 23 tháng 6 năm 1956
Tiền nhiệmMohamed Naguib
Kế nhiệmBản thân
Nhiệm kỳngày 5 tháng 10 năm 1964 – ngày 8 tháng 9 năm 1970
Tiền nhiệmJosip Broz Tito
Kế nhiệmKenneth Kaunda
Nhiệm kỳngày 17 tháng 7 năm 1964 – ngày 21 tháng 10 năm 1965
Tiền nhiệmHaile Selassie I
Kế nhiệmKwame Nkrumah
Thông tin cá nhân
Quốc tịchAi Cập
Sinh(1918-01-15)15 tháng 1 năm 1918
Alexandria, Vương quốc Hồi giáo Ai Cập
Mất28 tháng 9 năm 1970(1970-09-28) (52 tuổi)
Cairo, Cộng hòa Ả Rập Thống nhất
Nguyên nhân mấtNhồi máu cơ tim
Nơi an nghỉGamal Abdel Nasser Mosque[1]
Đảng chính trịLiên minh Xã hội chủ nghĩa Ả Rập
Con cáiNăm người, kể cả Khalid Abdel Nasser
Chữ ký
Binh nghiệp
Thuộc Vương quốc Ai Cập
Cộng hòa Ai Cập
Cộng hòa Ả Rập Thống nhất
Phục vụ Quân đội Ai Cập
Năm tại ngũ1938–1952
Cấp bậc Trung tá
Tham chiếnChiến tranh Ả Rập – Israel 1948

Tiếng tăm của Nasser ở Ai Cập và trên toàn thế giới Ả Rập tăng vọt sau khi ông quốc hữu hóa Công ty Kênh đào Suez và đánh bại liên minh Anh, Pháp, Israel trong Khủng hoảng Kênh đào Suez. Nasser vận động thành lập một liên hiệp Ả Rập mà thành quả là Cộng hòa Ả Rập Thống nhất (CHARTN) gồm Ai Cập và Syria từ năm 1958 tới năm 1961. Năm 1962, Nasser tiến hành chính sách đổi mới xã hội chủ nghĩa ở Ai Cập. Tuy Syria ly khai khỏi CHARTN nhưng những phe phái ủng hộ Nasser lên nắm quyền ở một vài nước Ả Rập. Ông sa vào Nội chiến Bắc Yemen và Chiến tranh Lạnh Ả Rập. Tháng 3 năm 1965, Nasser tái cử chức tổng thống trong một cuộc bầu cử độc diễn. Sau khi Ai Cập bại trận trong Chiến tranh Sáu Ngày, Nasser từ chức nhưng được phục chức nhờ nhân dân biểu tình phản đối. Năm 1968, Nasser phát động Chiến tranh Tiêu hao để giành lại Bán đảo Sinai bị Israel chiếm đóng và tiến hành chính sách cải cách chế độ, tiêu trừ thế lực chính trị của quân đội. Năm 1970, Nasser lên cơn đau tim qua đời một vài tiếng sau khi hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập bế mạc. Năm tới sáu triệu người đi đưa đám ở Cairo,[4] dân Ả Rập tuôn trào thương tiếc ông qua đời.

Nasser là nhân vật nổi tiếng trong thế giới Ả Rập do nỗ lực vận động công bằng xã hội, thống nhất Ả Rập, chính sách hiện đại hóa và lập trường phản đế. Nasser chỉ đạo chấn hưng văn hóa Ai Cập và xây dựng những công trình lớn như Đập Aswan và thành phố Helwan. Tuy nhiên, ông bị chỉ trích là độc tài, xâm phạm quyền con người và để cho quân đội chi phối chính trị mà hậu quả là Ai Cập tới nay vẫn chịu sự kiểm soát hầu như liên tục của chế độ quân quản.

Đầu đời

sửa
 
Nasser vào năm 1931

Gamal Abdel Nasser Hussein[5] sinh vào ngày 15 tháng 1 năm 1918 ở thành phố Alexandria, Ai Cập.[6] Bố là nhân viên bưu điện,[7] sinh ở thị trấn Beni Mur, vùng Thượng Ai Cập.[8][9] và lớn lên ở Alexandria.[6] Mẹ quê quán ở thành phố Mallawi, tỉnh Minya.[10] Hai người kết hôn vào năm 1917.[10] Nasser có hai người anh trai, Izz al-Arab và al-Leithi.[6][11]

Nasser và gia đình thường xuyên chuyển nhà theo bố đi làm. Năm 1921, Nasser chuyển tới thành phố Asyut. Năm 1923, gia đình chuyển tới thị trấn Khatatba, ở đó bố của Nasser làm quản lý bưu điện. Nasser đi học tiểu học ở trường dành cho con cái của nhân viên ngành đường sắt. Năm 1924, gia đình gửi Nasser đến sống với bác ở Cairo và đi học ở trường tiểu học Nahhasin.[12]

Nasser hay viết thư về cho mẹ và về thăm gia đình vào các ngày lễ. Từ cuối tháng 4 năm 1926, Nasser không còn thấy hồi âm nữa. Vào một dịp Nasser về Khatatba, tin dữ mới vỡ lở là mẹ đã mất sau khi sinh em trai mà gia đình đã giấu bấy lâu nay.[13][14] Việc bố của Nasser lấy vợ mới sau chưa đầy một năm chỉ như xát muối vào vết thương.[13][15][16] Về sau, Nasser nói rằng "mất mẹ tôi như vậy để lại trong lòng tôi một vết thương mà thời gian không thể hàn gắn".[17]

Năm 1928, Nasser lên Alexandria sống với ông ngoại và đi học ở trường tiểu học Attarin.[14][17] Năm 1929, Nasser chuyển đến một trường nội trú tư thục ở Helwan rồi về lại sống với bố ở Alexandria và đi học ở trường trung học el-Tin. Nasser bắt đầu tham gia hoạt động chính trị.[14][18] Ở Quảng trường Manshia, người dân biểu tình đòi trục xuất thực dân khỏi Ai Cập sau khi hiến pháp Ai Cập bị hủy bỏ.[17] Nasser thấy cảnh sát và người biểu tình đụng độ nên tham gia ủng hộ mặc dù không biết về lý do biểu tình.[19] Nasser bị bắt giam một đêm[20] rồi được bố bảo lãnh ra.[14] Năm 1934, Nasser tham gia cánh bán quân sự của nhóm đã tổ chức biểu tình, tên là Đảng Ai Cập Trẻ.[21][22][23] Nhà sử học James Jankowski nhận định, việc tham gia nhóm Áo Xanh và biểu tình "đã làm Nasser thấm nhuần lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt".[24]

 
Tên của Nasser trên tờ báo Al-Gihad

Năm 1933, Nasser theo bố lên Cairo và chuyển đến trường trung học al-Nahda al-Masria.[17][25] Nasser tham gia diễn kịch và viết báo ở trường, có đăng một bài luận về nhà triết học Pháp Voltaire tiêu đề là "Voltaire, Con người Tự do". Ngày 13 tháng 11 năm 1935, Nasser tổ chức một nhóm học sinh biểu tình phản đối phát ngôn của bộ trưởng bộ ngoai giao Anh Samuel Hoare vào bốn ngày trước rằng sẽ không có chuyện khôi phục hiến pháp Ai Cập.[17] Hai học sinh bị bắn chết, Nasser bị một viên đạn sượt qua đầu. Lần đầu tiên Nasser được lên báo: tờ báo yêu nước Al-Gihad đưa tin Nasser dẫn đầu cuộc biểu tình và bị thương.[17][26] Ngày 12 tháng 12, vua Farouk giáng chỉ khôi phục hiến pháp.[17]

Nasser ngày càng dấn thân vào chính trị, đến nỗi chỉ đi học được 45 ngày vào năm cuối trung học.[27][28] Nasser phản đối mạnh mẽ điều ước Anh – Ai Cập năm 1936 cho phép Anh tiếp tục đóng quân ở Ai Cập,[17] mặc dù các lực lượng chính trị Ai cập đều chấp nhận nó. Dù sao tình hình chính trị ổn định và Nasser đi học lại, tốt nghiệp trung học vào cuối năm.[17][27]

Nguồn cảm hứng

sửa

Said Aburish, người viết tiểu sử của Nasser nhận xét rằng việc đi đây đó thường xuyên giúp Nasser mở rộng tầm mắt đối với đời sống các giai cấp trong xã hội Ai Cập.[29] Nasser bất bình trước tầng lớp sinh ra đã ngậm thìa vàng.[30] Lúc rảnh việc, Nasser hay đọc sách, nhất là vào năm 1933 khi ông ở gần Thư viện Quốc gia Ai Cập. Nasser đọc Kinh Qur'an, các lời dạy của Muhammad, tiểu sử các đệ tử Muhammad[29] và các nhà lãnh đạo yêu nước như Napoléon, Atatürk, Otto von Bismarck, Garibaldi, Winston Churchill.[17][20][31][32]

Nasser đi theo chủ nghĩa dân tộc Ai Cập truyền lại từ chính khách Mustafa Kamel, nhà thơ Ahmed Shawqi[29] và giáo sư Học viện Quân sự Hoàng gia Aziz al-Masri mà ông bày tỏ lòng biết ơn trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1961.[33] Một nguồn cảm hứng đặc biệt là cuốn tiểu thuyết Return of the Spirit của nhà văn người Ai Cập Tawfiq al-Hakim, ông viết rằng nhân dân Ai Cập chỉ cần "một người có thể thấu hiểu tâm tình, nguyện vọng của họ và làm kim chỉ nam cho mục tiêu của họ".[20][31] Về sau Nasser nói cuốn truyện đó đã khơi nguồn cảm hứng cho ông làm cách mạng.[31]

Binh nghiệp

sửa
 
Nasser ở trường luật vào năm 1937

Năm 1937, Nasser ứng tuyển vào Học viện Quân sự Hoàng gia[34] nhưng bị đánh hỏng do có tiền án biểu tình trong hồ sơ.[35] Ông ghi danh vào trường luật thuộc Đại học Vua Fuad (nay là Đại học Cairo)[35] nhưng thôi học sau một học kỳ để ứng tuyển lại vào Học viện Quân sự.[36] Nguyên nhân là Nasser say mê sự nghiệp các anh hùng dân tộc[37] mà ông đọc trong sách vở nên tự bảo mình phải vào binh nghiệp.[38]

Lần này, Nasser gặp phó bộ trưởng bộ chiến tranh Ibrahim Khairy Pasha,[34] người đứng đầu ban xét tuyển của học viện để xin ông giới thiệu mình vào.[35] Khairy Pasha đồng ý, và Nasser chính thức được ghi danh vào cuối năm 1937.[35][39] Thời gian ở học viện, Nasser chuyên cần học tập, chẳng mấy khi liên lạc với gia đình. Nasser kết bạn với Abdel Hakim Amer và Anwar Sadat, về sau đều là trợ thủ đắc lực khi Nasser làm tổng thống.[34] Tháng 7 năm 1938, Nasser tốt nghiệp và được phong quân hàm thiếu úy.[17] Ông được bố trí ở thị trấn Mankabad.[30] Ở đây, Nasser cùng những chiến hữu thân cận nhất bắt đầu bàn bạc về tệ nạn tham nhũng tràn lan của Ai Cập và âm mưu lật đổ chế độ quân chủ. Sadat về sau nhận xét rằng Nasser đương nhiên sẽ là lãnh tụ của nhóm nhờ "lòng nhiệt huyết, đầu óc sáng suốt và năng lực phán đoán vô tư" của ông.[40]

 
Nasser (giữa) và Ahmed Mazhar (trái) trong quân đội, năm 1940

Năm 1941, Nasser được bố trí ở Khartoum, Sudan, bấy giờ thuộc Ai Cập. Nasser về lại Ai Cập vào tháng 9 năm 1942 rồi được tuyển làm giảng viên ở Học viện Quân sự Hoàng gia Cairo vào tháng 5 năm 1943.[30] Tháng 2 năm 1942, quân lính Anh bao vây cung điện của Vua Farouk yêu cầu ông cách chức thủ tướng Hussein Sirri Pasha mà bổ nhiệm Mostafa El-Nahas để giúp Anh đánh phe Trục. Miles Lampson, đại sứ Anh ở Ai Cập dọa ném bom cung điện, phế truất Farouk và đuổi đi lưu vong nếu ông không chấp nhận yêu sách của Anh. Nhà vua mới chỉ 22 tuổi miễn cưỡng bổ nhiệm El-Nahas làm thủ tướng thay Sirri Pasha. Nasser xem đó là sự xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Ai Cập, viết rằng "tôi lấy làm nhục rằng quân đội ta chẳng có phản ứng gì trước cuộc tấn công này",[41] mong rằng Anh sẽ gặp "đại họa".[41] Cùng năm, Nasser vào Học viện Tham mưu[41] và bắt đầu lập một nhóm sĩ quan yêu nước trẻ ủng hộ làm cách mạng.[42] Amer làm liên lạc cho Nasser và các thành viên của nhóm, ngoài ra tiếp tục tìm những sĩ quan cùng chí hướng trong quân đội và lập hồ sơ từng người cho Nasser.[43]

Chiến tranh Ả Rập – Israel năm 1948

sửa
 
Nasser (thứ nhất bên trái) cùng với đơn vị ở làng Faluja, cầm vũ khí thu giữ được từ quân lính Israel trong chiến tranh năm1948.

Chiến tranh Ả Rập – Israel năm 1948 là lần đầu Nasser tham chiến.[44] Ban đầu, Nasser tình nguyện xin phục vụ với Cao Ủy ban Ả Rập do Amin al-Husseini nhưng bị chính phủ Ai Cập từ chối không rõ lý do, mặc dù ông gây ấn tượng tốt với al-Husseini.[45][46]

Sau khi Anh kết thúc ủy trị Palestine vào tháng 5 năm 1948, Ai Cập đem quân đội vào đánh Israel.[47] Nasser là sĩ quan tham mưu của tiểu đoàn bộ binh 6.[48] Thời gian tham chiến, ông nhận thấy quân đội Ai Cập thiếu sự chuẩn bị, viết rằng "quân ta va phải công sự của quân địch".[47] Nasser là phó chỉ huy của đơn vị đánh chiếm được làng Faluja (Said Taha Bey là chỉ huy,[49] quân Israel gọi ông là "mãnh hổ xứ Sudan"[50]). Nasser giao tranh bị thương nhẹ vào ngày 12 tháng 7. Tháng 8, lữ đoàn của Nasser bị quân Israel cô lập nhưng quyết không đầu hàng mặc dù cầu viện Jordan bất thành. Trên bàn đàm phán, Ai Cập đồng ý nhượng lại Faluja cho Israel.[47] Nhà báo Eric Margolis cho rằng các chiến sĩ Falujah, "bao gồm sĩ quan trẻ Gamal Abdel Nasser trở thành anh hùng dân tộc" vì chống trả lại các cuộc bắn phá của quân Israel.[51]

Sau chiến tranh, Nasser tiếp tục đóng ở làng Faluja. Ông đồng ý bàn giao thi thể của 67 quân nhân Israel thuộc "Đại đội Chúa" cho phái đoàn Israel do giáo sĩ Shlomo Goren dẫn đầu. Nasser đi cùng Goren và ra lệnh cho quân lính Ai Cập đứng nghiêm. Hai người trao đổi vài lời, Goren nói rằng sau khi giải thích cái hộp Tefillin trên người của các quân nhân Israel là gì thì Nasser "thấu hiểu được dũng khí của họ". Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Israel vào năm 1971, Goren nói rằng hai người đã hẹn gặp lại ngày hòa bình.[52][53]

Ca sĩ người Ai Cập Umm Kulthum tổ chức một buổi ca nhạc mừng các sĩ quan về nước mặc dù chính phủ Ai Cập bị Anh gây sức ép ngăn sự kiện này diễn ra. Thấy rằng chính phủ xa rời quần chúng khiến Nasser càng quyết tâm lật đổ chế độ quân chủ.[54] Ông cũng tức tối rằng đơn vị của ông không được vỗ về tuy đã chứng tỏ ý chí kiên cường. Thời gian bị cô lập ở Faluja, Nasser khởi thảo cuốn Philosophy of the Revolution (Lẽ cách mạng).

Sau chiến tranh, Nasser tiếp tục làm giảng viên ở Học viện Quân sự Hoàng gia.[55] Tháng 10 năm 1948, ông phái người đi liên kết với Hội Anh em Hồi giáo nhưng sớm đổi ý do nhận ra rằng chương trình tôn giáo của Hội Anh em Hồi giáo không hợp với đường lối chủ nghĩa dân tộc của ông. Nasser giữ liên lạc với Hội Anh em Hồi giáo nhưng không cho ảnh hưởng đến hàng ngũ của ông.[47] Tháng 2 năm 1949, Nassers được cử đi cùng phái đoàn Ai Cập tới thành phố Rhodes để đàm phán một hiệp định ngừng bắn chính thức với Israel. Nasser cho rằng Ai Cập phải chịu nhục trên bàn đàm phán, cụ thể là do Israel được tiếp tục chiếm đóng vùng Eilat.[56]

Cách mạng

sửa

Hội Sĩ quan Tự do

sửa
 
Hội Sĩ quan Tự do sau cuộc đảo chính, năm 1953. Ngược chiều kim đồng hồ: Zakaria Mohieddin, Abdel Latif Boghdadi, Kamel el-Din Hussein (đứng), Nasser (ngồi), Abdel Hakim Amer, Mohamed Naguib, Youssef Seddik và Ahmad Shawki.

Cùng lúc Nasser trở về Ai Cập, Husni al-Za'im dựa vào dư luận gây chính biến lật đổ chính phủ ở Syria, khích lệ tinh thần cách mạng của Nasser. Về chưa được bao lâu thì Nasser bị thủ tướng Ibrahim Abdel Hadi gọi lên truy hỏi về nghi vấn ông tập hợp một nhóm sĩ quan phản loạn. Nasser thuyết phục thủ tướng rằng ông chẳng biết gì về việc đó và được thả, một phần là nhờ có tổng tham mưu trưởng có mặt ở buổi tra hỏi nên Abdel Hadi không muốn hỏi vặn một sĩ quan. Nasser quyết định đẩy nhanh tiến độ âm mưu.[56]

Từ năm 1949, nhóm sĩ quan cách mạng lấy tên "Hội Sĩ quan Tự do", chủ trương "không gì ngoài tự do và độc lập cho đất nước".[55] Ban chấp hành của Hội Sĩ quan Tự do gồm 14 người thuộc các thành phần xã hội, chính trị khác nhau, có đại diện của Đảng Ai Cập Trẻ, Hội Anh em Hồi giáo, Đảng Cộng sản Ai Cập và giai cấp quý tộc. Nasser được nhất trí bầu làm chủ tịch.[56]

Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1950, Đảng Wafd chiếm đa số ghế, chủ yếu là do Hội Anh em Hồi giáo tẩy chay bầu cử. Hội Sĩ quan Tự do kết luận Đảng Wafd là mối đe dọa bởi chương trình của Đảng Wafd giống với chương trình của Hội sĩ quan Tự do.[57] Trùng hợp là những đảng viên Wafd bắt đầu bị cáo buộc tham nhũng nên thế lực chính trị của Hội Sĩ quan Tự do dâng lên. Khaled Mohieddin, thành viên của Hội Sĩ quan Tự do cho biết "chỉ Nasser biết rõ về hành tung và danh tính của tất cả các hội viên".[58] Trong gần hai năm tiếp theo, Nasser chỉ vận động kết nạp thành viên mới và làm liên lạc ngầm do thấy rằng thời cơ chưa chín muồi.[59]

Ngày 11 tháng 10 năm 1951, chính phủ Wafd hủy bỏ điều ước Anh – Ai Cập năm 1936[59] và bắt đầu ngầm trợ giúp quân du kích tấn công quân Anh. Nhân dân Ai Cập nhiệt liệt ủng hộ chính phủ. Để tranh thủ dư luận, Nasser quyết định phát động "một chiến dịch ám sát quy mô lớn".[59][60] Tháng 1 năm 1952, Nasser và Hassan Ibrahim phục kích xe của tướng bảo hoàng Hussein Sirri Amer ở Cairo bằng súng tiểu liên[60] nhưng vô tình bắn trúng một người phụ nữ bên đường. Nasser "bị ám ảnh" tiếng kêu đau của người phụ nữ đó và quyết không hành động như vậy nữa.[60]

Sirri Amer được đề cử làm chủ tịch Câu lạc bộ Sĩ quan, có sự hậu thuẫn của nhà vua.[60] Để cạnh tranh với Amer và tiêu trừ ảnh hưởng của chính phủ đối với quân đội, Nasser giới thiệu Muhammad Naguib thuộc Hội Sĩ quan Tự do.[60] Naguib nổi tiếng đã xin Farouk cho từ chức vào năm 1942 vì bất bình với sự ngang ngược của Anh và bị thương ba lần khi tham chiến ở Palestine.[61] Naguib đắc cử tuyệt đại đa số, Hội Sĩ quan Tự do nhờ tờ nhật báo lớn al-Misri đăng bài tuyên truyền về sự thắng cử của Naguib và ca ngợi tinh thần yêu nước của quân đội.[61]

Cách mạng năm 1952

sửa
 
Giới lãnh đạo Ai Cập sau khi Vua Farouk bị phế truất, tháng 11 năm 1952. Ngồi từ trái sang phải: Sulayman Hafez, Muhammad Naguib và Nasser

Quân Anh đóng ở Kênh đào Suez bị quân du kích Ai Cập tấn công ngày càng thường xuyên nên phản công đánh vào đồn cảnh sát chính ở thành phố Ismailia vào ngày 25 tháng 1 năm 1952, làm 50 cảnh sát thiệt mạng. Dân chúng Ai Cập phẫn nộ, bạo động đốt phá ở Cairo làm chết 76 người. Nasser thừa cơ đăng chương trình sáu điểm lên tuần san Rose al-Yūsuf yêu cầu phá bỏ chế độ phong kiến và thực dân Anh ở Ai Cập. Tháng 5, Nasser được tin danh tính của các thành viên Hội Sĩ quan Tự do đã bị lộ ra và chính phủ dự định triệt phá họ, lập tức giao Zakaria Mohieddin nhiệm vụ lên kế hoạch lật đổ chính phủ.[62]

Mục tiêu của Hội Sĩ quan Tự do là lập lại nền dân chủ đại nghị chứ không phải cướp chính quyền. Nasser đưa Naguib lên làm "sếp" của cuộc đảo chính trên danh nghĩa bởi vì ông cho rằng nhân dân Ai Cập sẽ không chấp nhận một sĩ quan cấp thấp như ông làm lãnh đạo. Ngày 22 tháng 7, Hội Sĩ quan Tự do tiếp quản các cơ quan nhà nước, trạm phát thanh, đồn cảnh sát và trụ sở quân đội ở Cairo. Nasser mặc thường phục đi vi hành quanh Cairo.[62] Dự liệu khả năng nước ngoài can thiệp vào cứu Farouk, Nasser báo trước chính phủ Mỹ và Anh về âm mưu của ông và đồng ý tiễn nhà vua đi lưu vong ở buổi lễ chính thức.[63] Hoa Kỳ và Anh đồng ý đứng bên lề.[62][64]

Ngày 18 tháng 6 năm 1953, chế độ quân chủ bị thủ tiêu, nhà nước cộng hòa được thành lập, Naguib lên làm tổng thống.[62] Aburish viết rằng Nasser và Hội Sĩ quan Tự do dự định lui về hậu trường làm "vệ binh của nhân dân" đề phòng mưu mô của các thành viên chế độ cũ và giai cấp quý tộc, giao lại chính quyền cho thường dân.[65] Hội Sĩ quan Tự do thành lập Hội đồng Lãnh đạo Cách mạng (HĐLĐCM), Naguib làm chủ tịch, Nasser phó chủ tịch.[66] Nguyên thủ tướng Ali Maher được phục chức. Tuy nhiên, Maher phản đối chương trình của Nasser—cải cách ruộng đất, thủ tiêu quân chủ, cải tổ chính đảng[67]—là quá cấp tiến nên từ chức vào ngày 7 tháng 9. Naguib kiêm luôn chức thủ tướng, Nasser làm phó thủ tướng.[68][69] Tháng 9, chính phủ cách mạng ban hành luật cải cách ruộng đất.[67] Nasser cho rằng luật cải cách ruộng đất đã biến cuộc đảo chính thành cuộc cách mạng.[70]

Trước đó vào tháng 8 năm 1952, phe cộng sản kích động công nhân các nhà máy dệt ở thành phố Kafr el-Dawwar bạo động, bị quân đội trấn áp làm chín người thiệt mạng. Hai đầu sỏ của cuộc bạo động bị xử tử mặc dù Nasser phản đối. Hội Anh em Hồi giáo ủng hộ hành hình giống như phần lớn HĐLĐCM và xin được đứng đầu bốn bộ trong chính phủ mới. Nasser chỉ cho hai thành viên được giữ những chức vụ nhỏ trong nội các trên tư cách không đảng phái nhằm vô hiệu hóa Hội Anh em Hồi giáo.[70]

Đường lên phủ tổng thống

sửa

Tranh chấp với Naguib

sửa
 
Nasser (phải) và Muhammad Naguib (trái) tham dự buổi lễ kỷ niệm tròn hai năm cách mạng năm 1952, tháng 7 năm 1954
 
Nasser và Naguib ở buổi lễ khai trương Kênh đào Suez
Nasser cười khi nghe Hội Anh em Hồi giáo yêu cầu phụ nữ phải đội khăn trùm đầu và chính phủ phải thi hành luật Hồi giáo trên toàn quốc, năm 1953.

Tháng 1 năm 1953, Nasser cấm tất cả các đảng,[71] thành lập Phong trào Giải phóng làm đảng cầm quyền duy nhất có nhiệm vụ vận động nhân dân ủng hộ chính quyền,[72] mặc cho Naguib phản đối. Nasser làm tổng thư ký của Phong trào Giải phóng.[73] Tuy nhiên, sĩ quan Abdel Latif Boghdadi cho biết Nasser cũng là thành viên duy nhất của HĐLĐCM ủng hộ tổ chức bầu cử quốc hội; Nasser vẫn đề nghị tổ chức bầu cử vào năm 1956.[71] Tháng 3 năm 1953, Nasser dẫn đầu một phái đoàn Ai Cập đi đàm phán với Anh về việc rút quân khỏi Kênh đào Suez.[74]

Một khi Naguib bắt đầu tỏ lập trường độc lập như thái độ lãnh đạm với chính sách cải cách ruộng đất và tiếp cận các lực lượng chính trị cũ như Đảng Wafd và Hội Anh em Hồi giáo,[75] Nasser quyết định hạ bệ ông. Tháng 6, Sulayman Hafez, bộ trưởng bộ nội vụ thân Naguib bị cách chức.[75] Nasser gây sức ép lên Naguib chấp nhận việc thủ tiêu chế độ quân chủ.[74]

Ngày 25 tháng 2 năm 1954, Naguib tuyên bố từ chức sau khi HĐLĐCM họp mà không có mặt ông hai ngày trước.[76] Nasser bắt quản thúc Naguib vào hôm sau và được HĐLĐCM bầu làm chủ tịch và thủ tướng.[77] Tuy nhiên, Naguib đã dự liệu tình huống này và ngay lập tức có binh biến đòi phục chức ông, giải tán HĐLĐCM.[76] Ban đầu Nasser chấp nhận yêu cầu của những sĩ quan binh biến[78] nhưng phe sĩ quan ủng hộ Nasser tập kích tổng bộ quân đội, khống chế được phe binh biến vào ngày 27 tháng 2.[79] Cùng ngày, hàng trăm nghìn người, phần lớn thuộc Hội Anh em Hồi giáo xuống đường biểu tình đòi phục chức Naguib, bỏ tù Nasser.[80] Một phe trong HĐLĐCM do Khaled Mohieddin đứng đầu cũng yêu cầu thả Naguib và cho ông khôi phục chức tổng thống.[74] Nasser bằng lòng nhưng hẹn ngày 4 tháng 3 để tranh thủ bổ nhiệm Amer làm tổng tư lệnh quân đội—chức vụ mà Naguib từng giữ.[81]

Ngày 5 tháng 3, lực lượng an ninh của Nasser bắt giữ hàng nghìn người tham gia biểu tình.[80] Để bịp người dân ủng hộ chính phủ cách mạng, HĐLĐCM bỏ lệnh cấm đối với các đảng trước cuộc đảo chính và Hội Sĩ quan Tự do tuyên bố rút khỏi chính trường.[80] Những thành phần xã hội hưởng lợi từ cuộc đảo chính như công nhân, nông dân và tiểu thương phản đối sắc lệnh mới:[82] một triệu công nhân vận tải đình công, hàng nghìn nông dân lên Cairo biểu tình phản đối vào cuối tháng 3.[83] Naguib yêu cầu trấn áp biểu tình nhưng thủ trưởng các lực lượng an ninh từ chối.[84] Ngày 29 tháng 3, Nasser tuyên bố hủy bỏ sắc lệnh thuận theo "xung động trên đường phố". Từ tháng 4 tới tháng 5, hàng trăm người ủng hộ Naguib trong quân đội bị bắt giữ hoặc cách chức. Mohieddin được phái đi Thụy Sĩ làm đại diện của HĐLĐCM nhưng thực chất là một hình thức lưu vong.[84] Vua Saud của Ả Rập Xê Út nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa Nasser và Naguib song bất thành.[85]

Nhậm chức chủ tịch HĐLĐCM

sửa
 
Thư mời tham dự buổi phát biểu của Nasser vào ngày 26 tháng 10 năm 1954
Bản ghi âm vụ ám sát hụt Nasser trong khi ông đang phát biểu trước đám đông ở Manshia, Alexandria vào năm 1954.

Ngày 26 tháng 10 năm 1954, Mahmoud Abdel-Latif, thành viên Hội Anh em Hồi giáo ám sát hụt Nasser đương lúc ông phát biểu ở Alexandria ăn mừng Anh rút quân khỏi Ai Cập. Bài phát biểu được phát thanh trên toàn thế giới Ả Rập. Cách Nasser 7.6 m, Abdel-Latif bắn tám viên đạn nhưng đều hụt hết. Dân chúng bỏ chạy tán loạn. Nasser lên giọng trấn an người dân[86][87] rồi hùng hồn tuyên bố:

Hỡi đồng bào, tôi đổ máu vì đồng bào và vì Ai Cập. Tôi sẽ sống vì đồng bào và chết vì tự do và danh dự của đồng bào. Cứ để họ giết tôi; cái chết nhẹ tựa lông hồng miễn là tôi đã truyền được tự hào, danh dự và tự do cho đồng bào. Dù cho Gamal Abdel Nasser có chết, mỗi đồng bào sẽ là Gamal Abdel Nasser ... Gamal Abdel Nasser là của đồng bào và đến từ đồng bào và sẵn lòng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh.

 
Nasser được đám đông hoan hô ở Alexandria một ngày sau vụ ám sát hụt, ngày 27 tháng 10 1954.

Đám đông gầm lên ủng hộ, thính giả trên khắp thế giới Ả Rập đứng ngồi không yên. Vụ ám sát hụt như gậy ông đập lưng ông đối với đối thủ của Nasser.[88] Sau khi về Cairo, Nasser ra lệnh bắt giữ hàng nghìn người, chủ yếu là thành viên Hội Anh em Hội giáo, kể cả cộng sản và cách chức 140 sĩ quan thân Naguib. Tám lãnh đạo của Hội Anh em Hồi giáo bị hành hình.[88] Tuy nhiên, Sayyid Qutb, nhà tư tưởng chính của Hội Anh em Hồi giáo được giảm án tử hình xuống án tù 15 năm.[89] Naguib bị bắt quản thúc mà không có ai trong quân đội lên tiếng phản đối. Nasser trở thành lãnh đạo đanh thép của Ai Cập.

Tuy nhiên, Nasser vẫn chưa có đủ sự ủng hộ trong quần chúng để duy trì cải cách, củng cố quyền lực[90] nên ông đi khắp Ai Cập diễn thuyết và yêu cầu báo chí nộp bài cho chính quyền kiểm duyệt "nội dung chống phá".[91] Umm Kulthum và Abdel Halim Hafez, hai ca sĩ người Ả Rập hàng đầu đương thời hát ca ngợi Nasser, trong khi đối thủ của ông thì bị bôi nhọ; những cộng sự của ông cho biết chính Nasser tự tổ chức những hoạt động này.[90] Từ năm 1954, Nasser thường xuyên phát biểu về "tổ quốc Ả Rập" và "đất nước Ả Rập" mà trước kia thì chỉ dùng những từ như "các dân tộc Ả Rập" hoặc "khu vực Ả Rập".[92] Tháng 1 năm 1955, HĐLĐCM bổ nhiệm Nasser làm tổng thống.[90]

Từ năm 1954 tới năm 1955, Nasser bí mật giảng hòa với Israel nhưng bất thành do cho rằng Israel là "chế độ bành trướng, miệt thị người Ả Rập".[93] Ngày 28 tháng 2 năm 1955, quân Israel tấn công Dải Gaza để truy sát quân du kích Palestine. Nasser thấy quân đội Ai Cập chưa đủ sức phản công nên không có phản ứng, làm mất mặt trước dư luận.[94][95] Nasser siết chặt hạn chế tàu bè Israel qua Eo biển Tiran và ra lệnh hạn chế vùng trời Vịnh Aqaba đối với máy bay Israel vào đầu tháng 9.[94] Ngày 21 tháng 9, Israel đem vũ khí, khí tài vào Khu phi quân sự al-Auja giáp Ai Cập.[95]

Cùng lúc quân Israel tấn công Dải Gaza vào tháng 2, Tổ chức Hiệp ước Trung Đông được thành lập gồm Anh và những nước đồng minh của Anh. Nasser cho rằng Anh thành lập Tổ chức Hiệp ước Trung Đông là để duy trì thế lực quân sự, phá hoại Liên đoàn Ả Rập và "bắt người Ả Rập tự hạ mình trước Do Thái và đế quốc phương Tây".[94] Nasser quyết định mua thêm vũ khí hiện đại để duy trì địa vị lãnh đạo Ả Rập của Ai Cập. Nasser tìm mua vũ khí từ phương Tây nhưng không chấp nhận được những điều kiện tài chính, quân sự[95][96] nên quay sang mua từ Khối Liên Xô: ngày 27 tháng 9, Ai Cập ký một thỏa thuận vũ khí 320.000.000 đô la Mỹ với Tiệp Khắc.[95] Nhờ thỏa thuận vũ khí mà quân lực của Ai Cập gần như cân bằng với Israel.[95]

Chính sách trung lập

sửa
 
Nasser và Vua Vương quốc Yemen Imam Ahmad nhìn máy ảnh, Thái tử Ả Rập Xê Út Faisal mặc áo choàng trắng ngồi đằng sau, Amin al-Husseini của Chính phủ toàn Palestine ngồi đằng trước ở Hội nghị Bandung, tháng 4 năm 1955

Cuối tháng 4 năm 1955, Nasser đi Indonesia tham dự Hội nghị Bandung. Ông được tiếp đãi như đại diện chính của các nước Ả Rập và là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất ở hội nghị.[97][98] Trên đường đến Bandung, Nasser có thăm Pakistan,[99] Ấn Độ,[100] Miến Điện và Afghanistan[101] và đã ký hiệp ước hữu nghị với Ấn Độ ở Cairo vào ngày 6 tháng 4.[102]

Nasser làm trung gian thảo luận giữa các phe thân Tây, thân Liên Xô và trung lập ở hội nghị. Tranh thủ được sự ủng hộ của Trung Quốc và Ấn Độ, Nasser vận động thành công hội nghị phản đối việc thành lập các hiệp ước liên phòng quốc tế, ủng hộ độc lập cho Tunisia, Algérie, Maroc khỏi Pháp, ủng hộ quyền hồi hương của người Palestine và ủng hộ thi hành các nghị quyết LHQ về xung đột Ả Rập – Israel. Nasser. Thông cáo của hội nghị về chủ nghĩa thực dân ở châu Phi, châu Á và việc xây dựng nền hòa bình toàn cầu giữa Chiến tranh Lạnh mang dấu ấn của Nasser.[103]

Sau Hội nghị Bandung, Nasser ban hành chính sách ngoại giao "trung lập tích cực" theo tổng thống Nam Tư Josip Broz Tito và thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru.[104] Ngày 2 tháng 5, Nasser về Ai Cập, được người dân trên đường phố Cairo đón tiếp nồng nhiệt. Báo chí trong nước ca ngợi sự lãnh đạo của Nasser ở hội nghị và những thành tựu của ông.[105]

Hiến pháp năm 1956 và chức tổng thống

sửa
 
Nasser bỏ phiếu trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp, ngày 23 tháng 6 năm 1956

Củng cố được quyền lực trong nước rồi, Nasser gạt các thành viên khác trong HĐLĐCM mà giành được quyền tự quyết các vấn đề, nhất là vấn đề ngoại giao.[106]

Tháng 1 năm 1956, dự thảo hiến pháp Ai Cập được công bố, quy định thành lập chế độ một đảng lấy Liên minh Quốc gia là đảng cầm quyền duy nhất. Nasser gọi Liên minh Quốc gia là "lực lượng nòng cốt để thực hiện cuộc cách mạng của chúng ta".[107] Nasser cho rằng Phong trào Giải phóng đã làm công tác dân vận thất bại[108] nên cải tổ thành Liên minh Quốc gia bằng cách thành lập các ủy ban cấp cơ sở để cho người dân có cơ hội tham gia chính quyền. Liên minh Quốc gia có nhiệm vụ đề cử một ứng cử viên tổng thống cho nhân dân bầu lên.[106]

Ngày 23 tháng 6, chính phủ tổ chức trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp và sự ứng cử tổng thống của Nasser. Cả hai nội dung đều được tuyệt đại đa số cử tri tán thành.[106] Hiến pháp mới cho phép phụ nữ đi bầu cử, cấm phân biệt đối xử về giới và quy định quyền lợi lao động của phụ nữ.[109] HĐLĐCM tự giải tán, các cựu thành viên xuất ngũ rồi vào chính quyền.[110] Tháng 7 năm 1957, Ai Cập bầu ra Quốc hội gồm 350 đại biểu mà Nasser có toàn quyền quyết định tư cách ứng cử.[111] Nasser thành lập nội các mà chỉ trọng dụng những vây cánh thân cận nhất của ông trong khi gạt bỏ những đối thủ trong Hội Sĩ quan Tự do.[106]

Quốc hữu hóa Kênh đào Suez

sửa
 
Nasser giương lá cờ Ai Cập ở thành phố Port Said tại Kênh đào Suez để chào mừng Anh rút quân khỏi Ai Cập, tháng 6 năm 1956
 
Nasser phát biểu ở buổi lễ khai trương Kênh đào Suez

Chính sách đối nội và đối ngoại của Nasser ngày càng trái với quyền lợi của Anh và Pháp ở Trung Đông, cụ thể thì Nasser ủng hộ Algérie giành độc lập khỏi Pháp và phản đối Tổ chức Hiệp ước Trung Đông của Anh.[110] Ngoài ra, Hoa Kỳ không hài lòng về việc Ai Cập có chính sách trung lập, thừa nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và mua vũ khí từ Khối Liên Xô. Ngày 19 tháng 7 năm 1956, Hoa Kỳ và Anh đột ngột rút đề nghị tài trợ việc xây dựng Đập Aswan,[110] lấy lý do lo ngại nền kinh tế Ai Cập sẽ không chịu được khoản nợ từ công trình.[112]

Được tin trên đường bay từ Belgrade về Cairo, Nasser cảm thấy như bị xúc phạm nặng.[113] Nhà báo Mohamed Hassanein Heikal khẳng định Nasser ra quyết định quốc hữu hóa Kênh đào Suez trong 24 giờ tuy đã cân nhắc từ khi Anh đồng ý rút quân khỏi Ai Cập. Nasser nói rằng ông ra quyết định vào ngày 23 tháng 7, sau khi bắt đầu nghiên cứu vấn đề, thảo luận với Boghdadi và Mahmoud Younis từ ngày 21. Những cựu thành viên khác của HĐLĐCM được thông báo quyết định vào ngày 24, trong khi phần lớn nội các chỉ được biết một vài tiếng trước khi Nasser công bố.[113] Ramadan cho rằng Nasser quyết định một mình, không hỏi ý kiến của ai.[114]

Ngày 26 tháng 7 năm 1956, Nasser ở Alexandria tuyên bố quốc hữu hóa Công ty Kênh đào Suez để tài trợ xây dựng Đập Aswan.[115] Trong bài phát biểu, Nasser lên án chủ nghĩa đế quốc Anh ở Ai Cập và việc lợi nhuận từ kênh đào chỉ chảy về tay Anh, khẳng định nhân dân Ai Cập có chủ quyền đối với con kênh đào bởi vì "120.000 dân Ai Cập đã thiệt mạng mà đào nó". Về mặt pháp lý thì Nasser vi phạm hiệp định mà Ai Cập ký với Anh vào ngày 19 tháng 10 năm 1954[116] nhưng Nasser bảo đảm các cổ đông sẽ được chính quyền mua lại cổ phần.[117]

Đám đông không nén nổi xúc động, trên toàn thế giới Ả Rập hàng nghìn người xuống đường biểu tình ủng hộ.[118] Đai sứ Hoa Kỳ Henry A. Byroade cho biết, "nói rằng quyết định quốc hữu hóa Công ty Kênh đào Suez được đông đảo dân Ai Cập ủng hộ, kể cả đối thủ của Nasser, thật chẳng phải là sự cường điệu". Nhà chính trị học người Ai Cập Mahmoud Hamad nhận định, trước năm 1956 Nasser chỉ kiểm soát bộ máy nhà nước và quân đội nhưng chính nhờ quốc hữu hóa con kênh đào mà ông tranh thủ được gần như toàn bộ nhân dân và biến bản thân thành "vị lãnh đạo lôi cuốn" và "người phát ngôn của quần chúng Ai Cập và toàn thể Thế giới thứ ba".[119] Aburish cho rằng đây là thành tựu liên Ả Rập lớn nhất của Nasser; "hình của Nasser bắt đầu xuất hiện ở những trại tại Yemen, những chợ tại Marrakesh và những biệt thự sang trọng tại Syria".[118] Cùng ngày, Ai Cập cấm tàu bè Israel qua Kênh đào Suez.[117]

Khủng hoảng Kênh đào Suez

sửa
Báo chí đưa tin Nasser quốc hữu hóa Kênh đào Suez và phản ứng trong nước, quốc tế

Nasser đánh giá khả năng Anh và Pháp xâm lược Ai Cập để giành lại Kênh đào Suez là 80%[120] nhưng ước tính Anh sẽ không động binh ít nhất hai tháng, còn khả năng Israel can thiệp vào là "không thể".[121][122] Đầu tháng 10, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết thừa nhận chủ quyền của Ai Cập đối với Kênh đào Suez miễn là tàu bè nước ngoài vẫn được sử dụng.[123] Heikal cho rằng sau nghị quyết, "Nasser ước tính nguy cơ xâm lược chỉ còn 10%".[124] Tuy nhiên, Anh, Pháp và Israel lập mật ước chiếm lại Kênh đào Suez[125] và lật đổ Nasser.[126][127][128]

Ngày 29 tháng 10 năm 1956, quân Israel tiến vào Bán đảo Sinai, các đồn quân đội Ai Cập thất thủ. Hai ngày sau, không quân Anh và Pháp bắn phá những sân bay quanh con kênh đào.[129] Nasser ra lệnh bộ tư lệnh rút quân khỏi Sinai về cố thủ con kênh đào,[130] lo sợ rằng nếu để quân Ai Cập giao chiến với quân Israel ở Sinai mà quân Anh và Pháp chiếm được Port Said thì quân lính sẽ bị cắt đứt đường lui mà bị đại phá. Amer phản đối kịch liệt và đòi đem xe tăng ra đánh quân Israel[130] nhưng nhượng bộ vào ngày 3 tháng 11. Nasser cũng ra lệnh phong tỏa con kênh đào bằng cách đánh chìm hoặc làm hư hại 49 tàu thuyền ở cửa vào.

Tuy có lệnh rút quân nhưng khoảng 2.000 quân lính Ai Cập tử trận,[131] 5.000 bị quân Israel bắt làm tù binh. Amer và Salah Salem xin Nasser yêu cầu ngừng bắn, Salem thậm chí khuyên Nasser đầu hàng quân Anh. Nasser mắng Amer và Salem rồi thề rằng "sẽ không có một ai đầu hàng". Mặc dù Sinai bị chiếm đóng, uy tín của Nasser trong nước và trên thế giới Ả Rập vẫn giữ nguyên.[132] Để bù vào công lực kém kỏi của quân đội, Nasser ra lệnh cấp khoảng 400.000 khẩu súng trường cho thường dân và thành lập hàng trăm dân quân, chủ yếu do đối thủ của Nasser chỉ huy.[133]

Nasser coi trận giao tranh ở Port Said là tiêu điểm chiến lược, tâm lý của việc phòng thủ Ai Cập.[134] Nasser đem thêm một tiểu đoàn thứ ba và hàng trăm vệ binh quốc gia đến tiếp viện thành phố, hai đại đội được giao nhiệm vụ tổ chức kháng chiến trong quần chúng.[134] Nasser và Boghdadi thân hành đến khu vực con kênh đào để cổ vũ sĩ khí. Trong hồi ký của ông, Boghdadi viết rằng Nasser gọi quân đội Ai Cập là "tan nát" sau khi nhìn thấy tàn dư khí tài trên đường đến.[134] Quân Anh và Pháp đổ bộ Port Said vào ngày 5–6 tháng 11 nhưng bị dân quân chống trả quyết liệt trên từng con phố.[135] Nasser ra lệnh cấm tư lệnh quân đội tại thành phố yêu cầu ngừng bắn. Liên quân Anh – Pháp chiếm được thành phố vào ngày 7.[135] Từ 750 tới 1.000 dân thường thiệt mạng trong khi cố thủ thành phố.

Hoa Kỳ lên án hành vi xâm lược của liên quân ba nước và ủng hộ nghị quyết LHQ yêu cầu rút quân, bố trí một lực lượng LHQ ở Sinai.[136] Nasser khen Eisenhower là đã có "vai trò quyết định" trong việc chặn đứng "âm mưu của liên quân ba nước".[137] Anh và Pháp rút hết quân vào cuối tháng 12, Israel rút quân xong vào tháng 3 năm 1957 và thả hết tù binh Ai Cập.[138] Sau cuộc khủng hoảng, Ai Cập ban hành một loạt quy định siết chặt các điều kiện cư trú, quốc tịch, chủ yếu nhắm vào người Anh, Pháp, Do Thái có quốc tịch nước ngoài và Ai Cập gốc Do Thái.[139] Hậu quả là khoảng 25.000 người Do Thái, gần như một nửa cộng đồng người Do Thái ở Ai Cập di cư đến Israel, châu Âu, Hoa Kỳ và Nam Mỹ vào năm 1956.[140][141]

Sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc, Amer trách Nasser là đã gây chiến vô bổ rồi đổ thất bại cho quân đội.[142] Ngày 8 tháng 4, Kênh đào Suez mở cửa lại.[143] Nhờ thắng liên quân xâm lược, Nasser tăng cường địa vị chính trị của ông. Nhà ngoại giao Anh Anthony Nutting nhận định, cuộc khủng hoảng đã biến Nasser thành rayyes (tổng thống) của Ai Cập.

Chủ nghĩa liên Ả Rập và chủ nghĩa xã hội

sửa
 
Buổi ký hiệp ước liên phòng khu vực giữa Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Syria và Jordan, tháng 1 năm 1957. Đứng trước, từ trái sang phải: Thủ tướng Jordan Sulayman al-Nabulsi, Vua Jordan Hussein, Vua Ả Rập Xê Út Saud, Nasser, Thủ tướng Syria Sabri al-Asali

Từ năm 1957, chủ nghĩa liên Ả Rập là hệ tư tưởng chủ đạo của thế giới Ả Rập. Người Ả Rập công nhận Nasser là vị lãnh đạo của họ.[144] Nhà sử học Adeed Dawisha cho rằng Nasser nổi tiếng là nhờ "sức lôi cuốn của ông mà thắng lợi trong Khủng hoảng Kênh đào Suez chỉ càng củng cố". Ảnh hưởng của Nasser được Đài Tiếng nói Ả Rập ở Cairo phát thanh đi khắp thế giới Ả Rập, đến nỗi nhà sử Eugen Rogan phải thừa nhận rằng "Nasser chinh phục thế giới Ả Rập trên sóng phát thanh".[145] Những người ủng hộ Nasser ở Liban và đại sự quán Ai Cập ở Beirut mua lại những phương tiện truyền thông Liban để truyền bá tư tưởng của Nasser.[146] Ai Cập biệt phái hàng nghìn chuyên gia người Ai Cập (thường là giáo viên tham gia chính trị) đến những nước khác trong khu vực.[147] Những tổ chức bán quân sự ở các nước Ả Rập cũng ủng hộ Nasser. Tuy không có sự tổ chức, những người ủng hộ Nasser vừa đông vừa có điều kiện tài chính.

Tháng 1 năm 1957, Hoa Kỳ định ra Học thuyết Eisenhower, cam kết sẽ chặn đứng cộng sản bành trướng ở Trung Đông.[148] Nasser phản đối chủ nghĩa cộng sản nhưng ủng hộ chủ nghĩa liên Ả Rập nên bị những nước Ả Rập thân Tây xem là mối nguy hại.[149] Hoa Kỳ nỗ lực cô lập Nasser bằng cách lăng xê cho Vua Ả Rập Xê Út Saud. Tháng 1, Jordan tham gia một hiệp ước quân sự với Ai Cập, Syria và Ả Rập Xê Út.[150][151]

Từ tháng 4, quan hệ giữa Nasser và Vua Jordan Hussein xấu đi sau khi Hussein tố Nasser giật dây hai vụ đảo chính hụt ông[151][152] tuy không đưa ra bằng chứng rõ ràng[153][154] và giải tán nội cách của thủ tướng Sulayman al-Nabulsi vốn ủng hộ Nasser. Nasser lên đài phát thanh ở Cairo lên án Hussein là "công cụ của lũ đế quốc".[155] Quan hệ của Nasser với Vua Saud cũng xấu đi bởi Vua Saud cho rằng tiếng tăm của Nasser ở Ả Rập Xê Út đe dọa sự sống còn của Nhà Saud. Công dân của những nước Ả Rập tiếp tục ủng hộ Nasser mặc cho sự không hài lòng của chính phủ những nước đó.

Từ cuối năm 1957, Nasser quốc hữu hóa những tài sản còn lại của Anh và Pháp ở Ai Cập, bao gồm ngành thuốc lá, xi măng, dược phẩm và phosphat.[156] Các nhà đầu tư nước ngoài không chịu bỏ vốn vào Ai Cập nữa nên Nasser quốc hữu hóa thêm những công ty khác nhưng thành phần kinh tế tư nhân vẫn chiếm 2/3 nền kinh tế. Chính sách quốc hữu hóa cải thiện sản xuất nông nghiệp và mức đầu tư vào công nghiệp. Nasser thành lập nhà máy thép Helwan, về sau trở thành công ty lớn nhất của Ai Cập. Ngoài ra, Nasser quyết định hợp tác với Liên Xô để có tài chính xây dựng Đập Aswan.[156]

Cộng hòa Ả Rập Thống nhất

sửa
Nasser tuyên bố thành lập Cộng hòa Ả Rập Thống nhất, ngày 23 tháng 2 năm 1958

Tuy Nasser nổi tiếng trong thế giới Ả Rập, chỉ có Syria là đồng minh của Ai Cập trong khu vực.[157] Tháng 9, quân lính Thổ Nhĩ Kỳ tập trung dọc theo biên giới Syria, có vẻ như xác minh tin đồn rằng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Trung Đông có âm mưu xâm lược lật đổ chính phủ cánh tả của Syria. Nasser phái một lực lượng dự phòng đến Syria để thể hiện tình đoàn kết, lại càng gia tăng uy tín của ông, nhất là đối với dân Syria.[157]

Trước tình hình chính trị bất ổn trong nước, Syria cử một phái đoàn đến Ai Cập yêu cầu Nasser hợp nhất ngay Ai Cập với Syria.[158] Ban đầu Nasser từ chối vì bốn lý do: thứ nhất là chế độ chính trị, kinh tế của hai nước không tương thích; thứ hai là lãnh thổ của hai nước không tiếp giáp nhau; thứ ba là quân đội Syria có tiền lệ can thiệp vào chính trị; thứ tư là các lực lượng chính trị Syria hay chia bè phái. Tuy nhiên, một phái đoàn thứ hai thuyết phục được Nasser vào tháng 1 năm 1958 rằng phe cộng sản mà cướp chính quyền thì sẽ có nội loạn.[159] Ngày 1 tháng 2, Cộng hòa Ả Rập Thống nhất được thành lập, Nasser làm tổng thống. Dawisha viết rằng phản ứng của thế giới Ả Rập là "kinh ngạc rồi hạnh phúc không thể kiềm chế".[160] Nasser ra lệnh đàn áp cộng sản ở Syria, cách chức nhiều người.[161][162]

 
Nasser ngồi cạnh Thái tử Vương quốc Yemen Muhammad al-Badr (giữa) và Shukri al-Quwatli (phải), tháng 2 năm 1958. Vương quốc Yemen gia nhập CHARTN, tạo thành Hợp chúng quốc Ả Rập.

Ngày 24 tháng 2, Nasser bất ngờ thăm Damascus để ăn mừng thành lập CHARTN, được hàng trăm nghìn người đón tiếp.[163] Vương quốc Yemen cử Thái tử Imam Badr đến Damascus đề nghị Nasser cho Vương quốc Yemen gia nhập. Nasser đồng ý thành lập Hợp chúng quốc Ả Rập làm một liên hiệp thay vì hợp nhất hoàn toàn.[164] Vua Saud lợi dụng việc Nasser ở Syria để lên âm mưu ám sát ông trên đường bay về Cairo.[165] Tuy nhiên, bộ trưởng bộ nội vụ Syria Abdel Hamid Sarraj, người mà Ả Rập Xê Út đưa tiền để bắn hạ máy bay của Nasser lại nhiệt liệt ủng hộ Nasser. Ngày 4 tháng 3, Nasser giơ tờ séc mà Sarraj nhận từ Ả Rập Xê Út trước đám đông ở Damascus.[166] Do bị lật tẩy nên Vua Saud bị những thành viên lớn tuổi trong hoàng tộc buộc nhường lại hầu hết quyền lực cho anh trai Vua Faisal. Vua Faisal phản đối Nasser và chủ trương thống nhất thế giới Ả Rập theo Hồi giáo thay vì chủ nghĩa dân tộc.[167]

Tập tin:Nasser in Moscow.jpg
Nasser được Nikita Khrushchev tặng thưởng huân chương ở Moskva, năm 1958.

Một ngày sau khi âm mưu ám sát bại lộ, Nasser ban hành hiến pháp lâm thời, thành lập quốc hội mới gồm 600 đại biểu (400 từ Ai Cập, 200 từ Syria) và giải tán tất cả các chính đảng.[167] Nasser bổ nhiệm bốn phó tổng thống: Boghdadi và Amer đại diện cho Ai Cập, Sabri al-Asali và Akram al-Hawrani đại diện cho Syria. Sau đó, Nasser đi Moskva hội kiến Nikita Khruschev. Khrushchev yêu cầu Nasser bỏ lệnh cấm đối với Đảng Cộng sản Ai Cập nhưng Nasser phản bác rằng đó là vấn đề nội bộ mà những nước khác không có quyền thảo luận. Khrushchev vội nói chữa rằng không hề có ý can thiệp vào nội bộ của Nasser. Nasser và Khrushchev nhanh chóng dàn xếp sự việc để tránh gây chia rẽ giữa hai nước.[168]

Ảnh hưởng đối với thế giới Ả Rập

sửa
Con đường thần thánh mà dân tộc Ả Rập kiên trì sẽ đưa chúng ta đến toàn thắng ... ngọn cờ tự do hiện tung bay phất phới ở Baghdad sẽ tung bay ở Amman và Riyadh. Đúng vậy, ngọn cờ tự do hiện tung bay phất phới ở Cairo, Damascus và Baghdad sẽ tung bay trên khắp Trung Đông ...

Gamal Abdel Nasser, ngày 19 tháng 7 ở Damascus[169]

Ở Liban xảy ra khủng hoảng do xung đột giữa phe ủng hộ Nasser và phe chống Nasser do tổng thống Camille Chamoun lãnh đạo: phe thân Nasser đòi gia nhập CHARTN, phe chống Nasser chủ trương Liban tiếp tục độc lập.[170] Nasser không ham Liban mà xem là "trường hợp đặc biệt", giao Sarraj giải quyết vấn đề sao cho Chamoun không được tái cử nhiệm kỳ thứ hai.[171] Sarraj cung cấp tiền bạc, vũ khí nhẹ và đào tạo cho phe thân Nasser[172] nhưng không ở quy mô lớn mà Chamoun tố cáo.[173][174] Ở Oman, Nasser ủng hộ phiến quân hoạt động trong khu vực nội địa chống lại chính phủ do Anh ủng hộ từ năm 1954 tới năm 1959.[175][176]

 
Nasser (phải) và tổng thống Liban Fuad Chehab (đứng bên phải Nasser) ở biên giới Syria –Liban đàm phán chấm dứt khủng hoảng ở Liban, tháng 3 năm 1959.

Ngày 14 tháng 7 năm 1958, hai sĩ quan Iraq Abd al-Karim QasimAbdul Salam Arif gây chính biến lật đổ chế độ quân chủ Iraq. Toàn bộ hoàng tộc Iraq bị sát hại. Hôm sau, thủ tướng Iraq Nuri al-Said, địch thủ chính của Nasser trong thế giới Ả Rập bị giết.[177] Xác của al-Said và thái tử Abd al-Ilah bị kéo đi khắp Baghdad.[178] Nasser thừa nhận chính phủ mới và tuyên bố rằng "tấn công vào Iraq là tấn công vào CHARTN".[179] Ngày 15 tháng 7, lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ đổ bộ Liban, đặc công Anh đổ bộ Jordan theo yêu cầu của hai nước để đề phòng các lực lượng thân Nasser. Nasser cho rằng cuộc cách mạng ở Iraq đã dọn đường cho sự thống nhất Ả Rập. Ngày 19 tháng 7, Nasser lần đầu tiên tuyên bố ủng hộ liên hiệp Ả Rập nhưng không dự định hợp nhất Iraq với CHARTN.[169] Tuy phần lớn các thành viên Hội đồng Lãnh đạo Cách mạng Iraq ủng hộ hợp nhất[180] nhưng Qasim muốn duy trì độc lập và không thích việc nhiều dân Iraq ủng hộ Nasser.

Mùa thu năm 1958, Nasser thành lập một ủy ban gồm Zakaria Mohieddin, al-Hawrani và Salah Bitar có nhiệm vụ quản lý Syria.[181] Dụng tâm của Nasser là điều động al-Hawrani và Bitar về Cairo để cô lập ảnh hưởng đối với Syria mà hai người đều thuộc Đảng Ba'ath. Nasser giao Syria cho Sarraj quản lý. Sarraj biến Syria thành nhà nước cảnh sát, bỏ tù, trục xuất cộng sản và những địa chủ phản đối cải cách ruộng đất.[181] Tháng 9 năm 1958, Fuad Chehab đắc cử tổng thống, quan hệ giữa Liban và CHARTN cải thiện. Ngày 25 tháng 3 năm 1959, Chehab và Nasser hội kiến ở biên giới Liban – Syria và thỏa hiệp chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Liban.[182]

 
Nasser vẫy tay chào đám đông ở Damascus, Syria, tháng 10 năm 1960

Ngày 9 tháng 3, Qasim ra lệnh trấn áp một cuộc nổi dậy ở Mosul do Abd al-Wahab al-Shawaf, một sĩ quan thân Nasser trong Hội đồng Lãnh đạo Cách mạng Iraq phát động hôm trước, được CHARTN ủng hộ.[183] Nasser quyết định không đưa viện binh[184] nhưng ra lệnh bắt giam những phần tử cộng sản ở Ai Cập do Qasim dựa vào cộng sản mà cầm quyền. Một trong những người bị bắt giam là Khaled Mohieddin, đồng chí lâu năm của Nasser.

Từ tháng 12, tình hình chính trị ở Syria ngày càng bất ổn. Nasser bổ nhiệm Amer làm toàn quyền của Syria trợ giúp cho Sarraj. Nhiều cán bộ của Syria từ chức vì không bằng lòng với quyết định bổ nhiệm. Trong một buổi gặp những lãnh đạo đối lập của Syria, Nasser tuyên bố rằng ông là tổng thống của CHARTN, ai mà phản đối ông thì có thể từ chức.[181]

CHARTN tan rã

sửa

Những thành phần xã hội chủ chốt[185] của Syria, cụ thể là giới lãnh đạo kinh tế xã hội, chính trị và quân đội[186] ngày càng yêu cầu Syria rời khỏi CHARTN. Trước tình hình kinh tế suy thoái mà Nasser đổ cho tư sản, ông ra lệnh quốc hữu hóa nhiều ngành kinh tế Syria vào tháng 7 năm 1961.[187] Nasser cách chức Sarraj để cố ổn định tình hình chính trị. Aburish nhận định rằng Nasser không thể giải quyết vấn đề Syria do Syria là "xa lạ đối với ông".[188] Tình hình kinh tế ở Ai Cập khả quan hơn: tăng trưởng GNP đạt 4,5%, công nghiệp phát triển nhanh. Năm 1960, Nasser quốc hữu hóa báo chí Ai Cập, vốn dĩ hợp tác với chính quyền, để định hướng tin tức về tình hình kinh tế xã hội của đất nước và vận động nhân dân ủng hộ chính sách xã hội chủ nghĩa của ông.

Ngày 28 tháng 9 năm 1961, những đơn vị quân đội ủng hộ ly khai gây binh biến ở Damascus, tuyên bố Syria rời khỏi CHARTN.[189] Ngay lập tức những đơn vị trung thành ở miền bắc Syria phản lại, biểu tình ủng hộ Nasser nổ ra ở những thành phố lớn. Nasser đem đặc công đến Latakia tiếp viện nhưng rút chỉ sau hai ngày do không muốn gây cuộc tương tàn giữa người Ả Rập.[190] Ngày 5 tháng 10,[191] Nasser tuyên bố chấp nhận trách nhiệm về sự tan rã của CHARTN và cam kết Ai Cập sẽ thừa nhận chính phủ Syria mới. Ở hậu trường thì Nasser quy trách nhiệm cho những nước Ả Rập thù địch can thiệp vào nội bộ.[190] Heikal viết rằng Nasser về sau mắc chứng suy nhược thần kinh vì biến cố này: ông hút thuốc thường xuyên hơn, sức khỏe suy giảm.[190]

Khôi phục thế lực

sửa
 
Nasser (giữa) đón tiếp tổng thống Algérie Ahmed Ben Bella (phải) và tổng thống Iraq Abdel Salam Aref (trái) tại hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập ở Alexandria, tháng 9 năm 1964. Ben Bella và Aref đều là đồng minh thân cận của Nasser.

Thế lực của Nasser đột ngột cải thiện khi Abdullah al-Sallal lật đổ chính phủ Vương quốc Yemen vào ngày 27 tháng 9 năm 1962.[192] Ngày 30 tháng 9, Nasser đồng ý viện trợ quân sự cho Sallal chống lại al-Badr của chế độ cũ được Ả Rập Xê Út ủng hộ.[193] Hậu quả là Ai Cập tham gia vào cuộc Nội chiến Vương quốc Yemen: 60.000 quân lính Ai Cập được điều đến Yemen vào tháng 3 năm 1966. Tháng 8 năm 1967, Nasser rút 15.000 quân lính khỏi Yemen để bù thương vong trong Chiến tranh Sáu Ngày. Ở hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả Rập cùng tháng, Ai Cập tuyên bố sẵn sàng rút quân khỏi Vương quốc Yemen; quân lính Ai Cập cuối cùng rời khỏi Yemen vào cuối năm 1967.[193] Tổng cộng 26.000 quân lính Ai Cập tử trận.[194] Nasser về sau thừa nhận rằng can thiệp vào Yemen là "thất sách".[193] Chỉ có Amer trong số các cộng sự của Nasser là bảo đảm với ông về thắng lợi của cuộc can thiệp.[195]

Tháng 7 năm 1962, Algérie giành được độc lập từ Pháp.[195] Là một người ủng hộ độc lập Algérie về mặt chính trị và tài chính, Nasser xem thắng lợi của Algérie là thắng lợi của chính mình.[195] Cùng thời điểm, một phái thân Nasser trong Nhà Saud do Hoàng tử Talal cầm đầu bỏ trốn sang Ai Cập cùng với tổng tham mưu trưởng Jordan vào đầu năm 1963.[196]

Ngày 8 tháng 2 năm 1963 xảy ra binh biến ở Iraq, Qasim bị bắn chết, Abdul Salam Arif lên làm tổng thống, là một người ủng hộ Nasser. Ngày 8 tháng 3, chính phủ Syria cũng bị lật đổ.[197] Ngày 14 tháng 3, Iraq và Syria cử phái đoàn tới Ai Cập yêu cầu Nasser thành lập một liên hiệp Ả Rập mới.[198] Ở cuộc họp với phái đoàn, Nasser trách phe Ba'ath trong chính phủ Syria là đã "tạo điều kiện" cho Syria ly khai khỏi CHARTN[199] và khẳng định rằng ông là "lãnh đạo của dân Ả Rập". Ngày 17 tháng 4, các bên ký một hiệp định chuyển tiếp quy định thành lập liên hiệp mới vào tháng 5 năm 1965 theo chế độ liên bang.[200] Tuy nhiên, chỉ một vài tuần sau thì những sĩ quan Syria ủng hộ Nasser bị phe Ba'ath thanh trừng khỏi chính quyền, sĩ quan Jassem Alwan gây đảo chính ngược thất bại, dẫn tới Nasser lên án phe Ba'ath là "phát xít".[201] Liên hiệp Ả Rập thất bại trước khi thành hình.

 
Nasser dược đám đông Yemen đón tiếp ở Sana'a, tháng 4 năm 1964. Người đứng chào trước Nasser là Tổng thống Yemen Abdullah al-Sallal

Ở hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập vào năm 1964, Nasser kêu gọi thế giới Ả Rập thống nhất lập trường về kế hoạch dẫn nước khỏi Sông Jordan của Israel mà Syria và Jordan cho là hành vi gây chiến.[202] Nasser quy trách nhiệm tình hình cho sự chia rẽ giữa các nước Ả Rập.[203] Nasser khuyên Syria và quân du kích Palestine tránh gây hấn với Israel bởi vì ông không chuẩn bị giao chiến với Israel. Nasser tạo mối quan hệ tốt với Vua Hussein và hàn gắn quan hệ với Ả Rập Xê Út, Syria và Maroc. Tháng 5, Nasser cho thành lập Tổ chức Giải phóng Palestine (TCGPP),[203][204] chính thức là để chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo về vấn đề Palestine,[203] nhưng thực tế là để dễ dàng kiểm soát quân du kích Palestine. Nasser chọn Ahmad Shukeiri làm lãnh đạo của TCGPP.[203]

Năm 1961, Nasser, Tổng thống Indonesia Sukarno, Tổng thống Nam Tư Tito cùng Thủ tướng Ấn Độ Nehru thành lập Phong trào Không liên kết.[205] Năm 1964, Nasser được bầu làm chủ tịch. Hội nghị thứ hai của Phong trào Không liên kết được tổ chức ở Cairo.[206]

Từ cuối thập niên 50 tới đầu thập niên 60, Nasser có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đoàn kết giữa các nước châu Phi. Từ năm 1962, Nasser nhường lại trách nhiệm lãnh đạo châu Phi cho Algérie.[207] Nasser cho nhiều lãnh đạo phản đế từ nhiều nước châu Phi tị nạn ở Ai Cập và cho phép dùng Cairo làm đài phát thanh tuyên truyền chống thực dân. Nasser đóng vai trò then chốt trong việc thành lập Tổ chức châu Phi Thống nhất vào năm 1963.[207]

Hiện đại hóa và bất đồng quan điểm

sửa
 
Cán bộ chính quyền đi lễ cầu nguyện thứ Sáu ở Nhà thờ al-Azhar, năm 1959. Từ trái sang phải; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Zakaria Mohieddin, Nasser, Bộ trưởng Bộ Xã hội Hussein el-Shafei và Thư ký Liên minh Quốc gia Anwar Sadat

Đại học al-Azhar

sửa

Năm 1961, Nasser ban hành cải cách Đại học al-Azhar để củng cố địa vị lãnh đạo của trường trong Hồi giáo Sunni đối với Hội Anh em Hồi giáo và chủ nghĩa Wahhab mà Ả Rập Xê Út truyền bá. Từ năm 1953, Nasser dùng Đại học al-Azhar làm đối trọng đối với Hội Anh em Hồi giáo. Mục tiêu của Nasser là xác lập địa vị lãnh đạo của Ai Cập trong thế giới Ả Rập, dung hòa tư tưởng Hồi giáo xã hội chủ nghĩa.[208]

Nasser yêu cầu Đại học al-Azhar thay đổi chương trình học như bổ sung môn tiến hóa, cho phép nam nữ học chung. Ngoài ra, Nasser ra lệnh Đại học al-Azhar thừa nhận Hồi giáo Shia, Alawite và Druze là Hồi giáo chính thống mà trước kia bị trường liệt vào "tà đạo".[208]

Kình địch với Amer

sửa

Sau khi Syria ly khai khỏi CHARTN, Nasser bắt đầu lo ngại về khả năng huấn luyện, hiện đại hóa quân đội và thế lực ngầm của Amer trong quân đội và ngành tình báo.[209][210] Cuối năm 1961, Nasser thành lập Hội đồng Tổng thống, có nhiệm vụ phê chuẩn bổ nhiệm các chức vụ cao cấp trong quân đội mà trước kia là Amer tự quyết định.[211][212] Tuy nhiên, Nasser phải khôi phục quyền hạn cho Amer những sĩ quan ủng hộ Amer dọa phản Nasser.[212]

Đầu năm 1962, Nasser lại cố hạ bệ Amer nhưng Amer lần đầu tiên trực tiếp đe dọa lại Nasser trong khi bí mật vận động những sĩ quan ủng hộ ông.[213] Nasser lo sợ chính phủ đụng độ với quân đội thua nên chịu lép vế Amer.[214] Boghdadi cho biết việc CHARTN tan rã và thái độ của Amer khiến cho Nasser trở nên nghiện thuốc giảm đau để trị bệnh tiểu đường.[215]

Nhiệm kỳ thứ hai

sửa
 
Nasser tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, ngày 25 tháng 3 năm 1965

Tháng 10 năm 1961, Nasser ban hành chính sách quốc hữu hóa toàn diện theo chủ nghĩa xã hội, tin rằng nó có thể giải quyết các vấn đề của Ai Cập đã có thể ngăn Syria ly khai.[216] Năm 1962, Nasser ban hành Hiến chương Quốc gia và hiến pháp mới để vận động nhân dân, chống lại quân đội. Hiến chương Quốc gia đề xướng bảo hiểm y tế toàn dân, nhà ở giá rẻ, trường dạy nghề, nữ quyền, kế hoạch hóa gia đình và mở rộng Kênh đào Suez.

Nasser ban hành luật quy định mức lương tối thiểu, chia sẻ lợi nhuận, giáo dục miễn phí, y tế miễn phí, giảm giờ làm việc và khuyến khích công nhân tham gia vào quản lý xí nghiệp. Cải cách ruộng đất bảo đảm quyền lợi của tá điền,[217] phát triển nông nghiệp và giảm nghèo ở nông thôn.[218] Kết quả là thành phần kinh tế nhà nước chiếm 51% nền kinh tế.[219] Liên minh Quốc gia được đổi tên thành Liên minh Xã hội chủ nghĩa Ả Rập (LMXHCNAR). Tuy nhiên, đàn áp chính trị gia tăng: hàng nghìn người theo chủ nghĩa Hồi giáo bị bỏ tù, kể cả nhiều sĩ quan.[216] Boghdadi Hussein el-Shafei nộp đơn xin từ chức phản đối tác phong hành quyền kiểu Liên Xô của Nasser.

Tập tin:Nasser in 1970.jpg
Nasser phát biểu, năm 1970.

Năm 1965, Nasser đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử tổng thống độc diễn mà tất cả các đối thủ của ông đều bị cấm ứng cử. Nasser tuyên thệ nhậm chức vào ngày 25 tháng 3. Nasser bỏ tù Sayyed Qutb, nhà tư tưởng chính của Hội Anh em Hồi giáo, khép vào tội mưu ám sát Nasser rồi dẫn ra pháp trường hành hình vào năm 1966.[220] Từ năm 1966, nền kinh tế Ai Cập tăng trưởng chậm lại, nợ chính phủ tăng đến mức báo động. Nasser bắt đầu gỡ bỏ quy định đối với khu vực tư nhân, khuyến khích các ngân hàng nhà nước cho doanh nghiệp tư nhân vay tiền và ban hành các biện pháp tăng xuất khẩu.[221] Vào thập niên 60, nền kinh tế Ai Cập bên bờ vực sụp đổ, xã hội mất tự do, tiếng tăm của Nasser suy giảm mạnh.[222]

Chiến tranh Sáu Ngày

sửa
 
Nasser (giữa), Vua Jordan Hussein (trái) và Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ai Cập Abdel Hakim Amer (phải) ở trụ sở Bộ Tư lệnh tối cao Quân đội tại Cairo trước khi ký điều ước liên phòng, ngày 30 tháng 5 năm 1967

Giữa tháng 5 năm 1967, Liên Xô cảnh báo Ai Cập về khả năng Israel tấn công Syria nhưng tổng tham mưu trưởng Mohamed Fawzi cho rằng lời cảnh báo là "không có cơ sở".[223][224] Kandil viết rằng Amer lấy lời cảnh báo của Liên Xô làm cớ đưa quân lính tới Sinai vào ngày 14 tháng 5 mà không xin phép Nasser. Ngày 2 tháng 5, Amer nhận được cảnh báo từ Jordan rằng Hoa Kỳ và Israel thông đồng nhử Ai Cập vào chiến tranh nhưng giấu Nasser cho tới khi đã triển khai quân vào ngày 14.[225][226] Nasser yêu cầu LHQ rút lực lượng khỏi Sinai.[227] Tuy Quốc vương Jordan Hussein và Nasser đã nhiều tháng tố nhau trốn tránh xung đột với Israel[228] nhưng Hussein lo sợ rằng Israel có thể lợi dụng chiến tranh với Ai Cập để chiếm đóng Bờ Tây. Nasser thì được Hoa Kỳ và Liên Xô cam đoan rằng sẽ kiềm chế Israel nên cũng bảo đảm lại với hai cường quốc rằng Ai Cập sẽ chỉ phản ứng tự vệ.[229]

Ngày 21 tháng 5, Amer yêu cầu Nasser ra lệnh phong tỏa Eo biển Tiran. Nasser tin rằng Israel sẽ lấy động thái này làm cớ gây chiến với Ai Cập bởi vì Israel đã nhiều lần tuyên bố rằng sẽ xem đóng cửa Eo biển Tiran như hành vi gây chiến. Tuy được Amer bảo đảm rằng quân đội đã chuẩn bị đầy đủ[230][231] nhưng Nasser ngờ rằng Amer không trung thực về tình hình quân sự. Phó tổng thống Zakaria Mohieddin nói rằng "mặc dù Amer nắm toàn quyền kiểm soát quân đội nhưng những thủ đoạn của Amer như vải thưa che mắt thánh đối với Nasser". Amer dự đoán Israel sẽ tấn công trước nên yêu cầu Nasser ra lệnh đánh phủ đầu[232][233] nhưng Nasser không chịu do thấy rằng không quân không có đủ phi công, những sĩ quan mà Amer chọn thì bất tài.[234] Dù sao thì Nasser kết luận rằng Ai Cập có lợi thế về quân số và quân lực để cầm chân quân Israel ít nhất hai tuần đương lúc đàm phán ngừng bắn.[235] Nasser ra lệnh hạn chế Eo biển Tiran đối với tàu bè Israel vào ngày 22–23 tháng 5. Từ cuối tháng 5, Nasser đổi lập trường từ phòng ngừa chiến tranh sang chấp nhận tất nhiên sẽ có chiến tranh[236] dưới sức ép của dân Ả Rập và chính phủ các nước Ả Rập.[237] Ngày 26 tháng 5, Nasser tuyên bố "mục tiêu cơ bản của chúng ta là tiêu diệt Israel".[238] Ngày 30 tháng 5, Jordan gia nhập liên quân với Ai Cập và Syria.[239]

Sáng ngày 5 tháng 6, Không quân Israel bắn phá các sân bay Ai Cập, tiêu diệt phần lớn Không quân Ai Cập. Cuối ngày, quân Israel đã chọc thủng tuyến phòng thủ và chiếm được thị trấn el-Arish.[240] Hôm sau, Amer ra lệnh rút quân khỏi Sinai, gây ra phần lớn thương vong của bên Ai Cập.[241] Israel chiếm Bán đảo Sinai, Dải Gaza, Bờ Tây và Cao nguyên Golan.

Sadat cho biết chỉ sau khi quân Israel cô lập đơn vị đồn trú của Ai Cập ở thành phố Sharm el-Sheikh thì Nasser mới nhận ra độ nghiêm trọng của tình hình. Nasser chạy lên tổng hành dinh để điều tra tình hình chiến sự.[242] Những sĩ quan có mặtc cho biết đã xảy ra "trận cãi nhau không ngớt"[242] giữa Nasser và Amer, bấy lâu nay hai người đã âm ỉ không thích nhau. Cơ quan chỉ huy chiến sự do Nasser thành lập kết luận rằng Ai Cập thua trận là do kình địch giữa Nasser và Amer với sự kém cỏi của Amer. Nhà ngoại giao người Ai Cập Ismail Fahmi, về sau làm bộ trưởng bộ ngoại giao dưới tổng thống Sadat nhận định, Ai Cập bại trận dưới Israel là do Nasser không chịu phân tích tình hình kĩ lưỡng mà lại ra một loạt quyết định vô lý.[243]

Từ chức

sửa
 
Nhân dân Ai Cập biểu tình phản đối Nasser từ chức, năm 1967
Tôi đã có quyết định mà tôi cần nhân dân giúp đỡ. Tôi đã quyết định rút khỏi chính trường hoàn toàn và vĩnh viễn, về lại làm nhiệm vụ giữa quần chúng như bất cứ công dân nào khác. Đây là thời khắc hành động chứ không phải buồn rầu. ... Cả tấm lòng tôi hướng về nhân dân, hãy để cả tấm lòng nhân dân hướng về tôi. Cầu mong Chúa giúp chúng ta—hy vọng, ánh sáng và chỉ dẫn trong tim ta.

Bài phát biểu từ chức của Nasser vào ngày 9 tháng 6, Nasser rút lại vào hôm sau[244]

Bốn ngày đầu chiến sự, các đài phát thanh Ả Rập bịa đặt là Ả Rập sắp sửa toàn thắng Israel. Ngày 9 tháng 6, Nasser mới lên truyền hình thông báo Ai Cập bại trận cho nhân dân Ai Cập và tuyên bố từ chức. Phó tổng thống Mohieddin không hề biết rằng Nasser sẽ từ chức và không chịu kế nhiệm tổng thống.[245]

Hàng trăm nghìn người xuống đường biểu tình phản đối Nasser từ chức trên khắp Ai Cập và thế giới Ả Rập,[246] hô hào rằng "chúng tôi là binh sĩ của ông, Gamal!".[247] Nasser rút lại đề nghị từ chức vào ngày hôm sau.

Đoạn ghi hình Nasser phát biểu từ chức

Ngày 11 tháng 7, Nasser bổ nhiệm Mohamed Fawzi làm tổng tư lệnh thay cho Amer[248][249] mặc dù bị những sĩ quan ủng hộ Amer phản đối. 600 sĩ quan lên tổng hành dinh yêu cầu Nasser cho Amer phục chức, Nasser lập tức cách chức 30 người.[250] Amer và những đồng minh của ông lập âm mưu lật đổ Nasser vào ngày 27 tháng 8 nhưng có người phát giác cho Nasser biết nên ông mời Amer tới nhà vào ngày 24.[251] Amer bị Mohieddin bắt giữ sau khi Nasser tiết lộ đã biết ông mưu phản. Ngày 14 tháng 9, Amer tự sát. Tuy không còn cảm tình với Amer nữa nhưng Nasser nói mất ông như mất "người thân thiết nhất với mình". Sau vụ việc, Nasser cho bắt giữ hàng chục cán bộ quân đội, tình báo ủng hộ Amer để phi chính trị hóa quân đội.[252]

Ở hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập tại Khartoum vào ngày 29 tháng 8, Vua Ả Rập Xê Út Faisal vượt lên Nasser nắm địa vị lãnh đạo. Liên đoàn Ả Rập tuyên bố ngừng bắn ở Vương quốc Yemen và thông qua Nghị quyết Khartoum[253] gồm "Ba Không": không hòa bình với Israel, không thừa nhận Israel, không đàm phán với Israel.[254]

Liên Xô tiếp tế khoảng một nửa kho vũ khí của Ai Cập và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel. Sau chiến tranh, Ai Cập cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ và bỏ chính sách trung lập mà theo hẳn một bên.[255] Tháng 11, Ai Cập tuyên bố chấp nhận Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu Israel rút khỏi các lãnh thổ mà Israel chiếm đóng trong cuộc chiến. Có thể hiểu động thái của Nasser theo hai hướng: phe ủng hộ Nasser cho rằng chủ ý là câu thời gian chuẩn bị tấn công Israel lại, phe phản đối thì cho rằng Nasser không còn tha thiết với sự nghiệp độc lập Palestine.[256]

Những năm cuối nhiệm kỳ

sửa
 
Nasser quan sát Kênh đào Suez với những sĩ quan Ai Cập trong Chiến tranh Tiêu hao năm 1968. Tổng tư lệnh Mohamed Fawzi là người đứng đằng sau Nasser, bên trái là Tổng tham mưu trưởng Abdel Moneim Riad.

Cải cách chế độ

sửa

Ngày 19 tháng 6 năm 1967, Nasser tự bổ nhiệm bản thân làm thủ tướng và tổng tư lệnh quân đội.[257] Cuối tháng 2 năm 1968, công nhân và sinh viên tổ chức biểu tình đòi cải cách chính trị sau khi tòa án quân đội bị tố là xử phạt quá nhẹ tay đối với những sĩ quan không quân phục vụ cẩu thả trong chiến tranh.[258][259] Đó là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ đợt biểu tình công nhân vào tháng 3 năm 1954. Nasser cách chức hầu hết sĩ quan, quân nhân trong nội các rồi bổ nhiệm tám thường dân thay cho những đảng viên cao cấp.[260][261] Ngày 3 tháng 3, Nasser ra lệnh ngành tình báo không được thu thập thông tin của người dân trong nước.[261]

Tập tin:Nasser1968.jpg
Nasser lên truyền hình phát biểu, năm 1968.

Ngày 30 tháng 3, Nasser ra một bản tuyên ngôn quy định khôi phục các quyền tự do chính trị, dân sự, tăng cường quyền hạn của quốc hội đối với tổng thống,[259] cải tổ toàn diện LMXHCNAR và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Bản tuyên ngôn được chấp nhận trong một cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 5, và LMXHCNAR bầu ra ban chấp hành mới.[259] Tuy nhiên, hầu hết các điều khoản của bản tuyên ngôn sẽ không được thực hiện.[260]

Tháng 12 năm 1969, Nasser bổ nhiệm Sadat và Hussein el-Shafei làm phó tổng thống. Mối quan hệ của Nasser với hai đồng chí lâu năm trong quân đội, Khaled và Zakaria Mohieddin với nguyên phó tổng thống Sabri đã trở nên căng thẳng.[262] Tuy nhiên, Nasser hàn gắn lại với Boghdadi và cân nhắc đưa ông lên làm phó tổng thống thay cho Sadat vào giữa năm 1970.[263]

Chiến tranh Tiêu hao, ngoại giao Ả Rập

sửa
 
Nasser làm trung gian để điều đình ngừng bắn giữa Yasser Arafat thay mặt TCGPP (trái) và Quốc vương Jordan Hussein (phải) ở hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp Liên đoàn Ả Rập tại Cairo vào ngày 27 tháng 9 năm 1970, một ngày trước khi Nasser qua đời

Tháng 1 năm 1968, Nasser phát động Chiến tranh Tiêu hao với Israel để giành lại lãnh thổ. Quân đội Ai Cập tấn công các đơn vị Israel phía đông của Kênh đào Suez, bấy giờ bị phong tỏa.[264] Tháng 3, Nasser đề nghị giúp cung cấp vũ khí, tiền bạc cho Yasser Arafat sau khi lực lượng của Arafat đẩy lùi được quân Israel trong Trận Karameh.[265] Nasser cũng khuyên Arafat cân nhắc cầu hòa với Israel để thành lập một nhà nước Palestine gồm Bờ Tây và Dải Gaza. Nasser nhường lại trách nhiệm lãnh đạo đối với "vấn đề Palestine" cho Arafat.

Israel tiến hành biệt kích, pháo kích và không kích đáp trả Ai Cập, buộc thường dân Ai Cập phải sơ tán khỏi những thành phố dọc bờ tây của Kênh đào Suez.[266][267][268] Được những nước Ả Rập tài trợ, Nasser đình chỉ các hoạt động quân sự để tập trung xây dựng tuyến phòng ngự. Chiến sự tái diễn vào tháng 3 năm 1969.[268] Tháng 11, Nasser chủ trì đàm phán thành công một thỏa thuận giữa TCGPP và Liban cho phép quân du kích Palestine dùng lãnh thổ Liban làm bàn đạp tấn công Israel.[269]

Tháng 6 năm 1970, Nasser tuyên bố chấp nhận hiệp định khung do Hoa Kỳ đề xướng, bản hiệp định yêu cầu kết thúc chiến sự, Israel rút quân khỏi lãnh thổ Ai Cập. Trừ Jordan ra thì Israel, TCGPP và hầu hết các nước Ả Rập đều bác bỏ hiệp định. Ban đầu Nasser cũng không chấp nhận nhưng bị Liên Xô ép nên phải nhượng bộ. Liên Xô cho rằng xung đột có thể biến thành chiến tranh kéo Liên Xô giao chiến với Hoa Kỳ.[270][271] Nasser tính rằng ngừng bắn có thể là bước chiến thuật để đạt được mục tiêu chiến lược là giành lại Kênh đào Suez.[272] Nasser không chịu đàm phán trực tiếp với Israel, tuyên bố rằng nghị hòa trực tiếp với Israel không khác gì đầu hàng.[273] Sau khi Nasser chấp nhận ngừng bắn thì Israel đồng ý ngừng bắn. Nasser lợi dụng thời cơ để đưa tên lửa đất đối không tới khu vực kênh đào.

Cùng lúc, Quân đội Jordan tấn công TCGPP sau khi vụ cướp máy bay trên cánh đồng Dawson làm căng thẳng âm ỉ giữa hai bên bột phát.[274] Nasser buộc phải tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp Liên đoàn Ả Rập vào ngày 27 tháng 9 ở Cairo để làm một thỏa thuận ngừng bắn và giảm nguy cơ xung đột lan rộng.[275]

Qua đời và đám tang

sửa
 
Năm triệu người đi đưa đám cho Nasser ở Cairo, ngày 1 tháng 10 năm 1970

Ngày 28 tháng 9 năm 1970, hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập bế mạc. Một vài tiếng sau khi tiễn Tiểu vương Kuwait Sabah Al-Salim Al-Sabah thì Nasser lên cơn đau tim. Ông được đưa ngay về nhà cho bác sĩ chăm sóc. Ông qua đời vào sáu giờ tối, thọ 52 tuổi.[276] Heikal, Sadat và bà Tahia, vợ của Nasser ở bên cạnh lúc ông lâm chung.[277] al-Sawi Habibi, bác sĩ của ông chẩn đoán nguyên nhân tử vong là xơ cứng động mạch, suy giãn tĩnh mạch chân và biến chứng tiểu đường. Nasser cũng nghiện thuốc lá và gia đình có tiền sử mắc bệnh tim—hai anh ruột của Nasser đều đau tim mất ở tuổi ngũ tuần. Công chúng không hề hay biết về tình hình sức khỏe của Nasser trước khi ông mất.[278][279] Trước đó, Nasser đã lên cơn đau tim vào năm 1966 và tháng 9 năm 1969.

Được tin Nasser qua đời, dân Ả Rập bàng hoàng thương tiếc. Ít nhất năm triệu người đi đưa đám ở Cairo vào ngày 1 tháng 10.[280][281] Hành trình 10 km đến nơi yên nghỉ của Nasser bắt đầu ở trụ sở cũ của HĐLĐCM, có máy bay MiG-21 bay diễu. Quan tài của ông được phủ quốc kỳ Ai Cập, nằm trên chiếc xe do sáu con ngựa kéo, có một đội kỵ binh dẫn đầu. Trừ Vua Ả Rập Xê Út Faisal ra thì tất cả các nguyên thủ Ả Rập đều đến dự đám tang của Nasser.[282] Vua Hussein và Arafat khóc thành tiếng, còn Muammar Gaddafi thì ngất đi hai lần. Có một vài lãnh đạo ngoài thế giới Ả Rập tham dự như Thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin và Thủ tướng Pháp Jacques Chaban-Delmas.[280]

 
Nhà thờ Gamal Abdel Nasser ở Cairo, nơi chôn cất ông

Ngay sau khi hành trình đưa đám bắt đầu thì đám đông vây quanh quan tài của Nasser rồi hô "Không có thánh thần nào ngoài Allah và Nasser là người được Allah yêu dấu... Chúng ta đều là Nasser". Cảnh sát không kiểm soát được đám đông nên các lãnh đạo nước ngoài buộc phải sơ tán. Nasser được chôn ở Nhà thờ Nasr, về sau được đổi tên thành Nhà thờ Abdel Nasser.[281]

Tập tin:Gamal Abdel Nasser 1958.jpg
Nasser vào năm 1958.

Đời tư

sửa
 
Nasser và gia đình của ông ở Manshiyat al-Bakri, năm 1963. Từ trái sang phải, con gái Mona, vợ Tahia Kazem, con gái Hoda, con trai Abdel Hakim, con trai Khaled, con trai Abdel Hamid và Nasser.

Năm 1944, Nasser cưới Tahia Kazem. Bố của cô là người Iran, mẹ là người Ai Cập nhưng Tahia mồ côi cha lẫn mẹ khi còn bé. Cô được anh của Nasser, Abdel Hamid Kazim làm mối cho gặp vào năm 1943.[283] Hai người sống ở khu vực ngoại ô của Cairo đến cuối đời. Đời sống của Nasser và Tahia khá dễ chịu nhờ mức lương sĩ quan của Nasser. Đôi khi hai người bàn về chính trị ở nhà nhưng Nasser chủ yếu xem việc nhà ra việc nhà, việc nước ra việc nước. Lúc rảnh rỗi, Nasser thích chơi với con cái.[284]

Nasser và Tahia có hai con gái và ba con trai:[285]

  • Hoda, sinh năm 1945
  • Mona, sinh năm 1947
  • Khalid, sinh năm 1949, đứa tham gia chính trị tích cực nhất. Khalid bị cáo buộc ám sát thành viên Shin Bet đóng ở Ai Cập vào cuối thập niên 80. Khalid phải lưu vong ở Nam Tư, về sau được Tổng thống Hosni Mubarek ân xá.
  • Abd al-Hamid, sinh năm 1951
  • Abd al-Hakim, sinh năm 1955

Tuy chủ trương chính trị thế tục nhưng bản thân Nasser là một tín đồ Hồi giáo rất sùng đạo, ông đi hành hương Hajj đến Mecca vào năm 1954 và 1965.[286][287] Ông nổi tiếng là không thể bị tha hóa.[288][289][290][291] Nasser có sở thích chơi cờ, xem phim Hoa Kỳ, đọc tạp chí tiếng Ả Rập, tiếng Anh, tiếng Pháp và nghe nhạc cổ điển.[292]

Nasser bị nghiện thuốc lá.[293] Ông làm việc 18 tiếng mỗi ngày và hiếm khi đi nghỉ dưỡng. Hai yếu tố này làm suy giảm sức khỏe của ông. Ông bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường vào đầu thập niên 60. Sau khi bị đau tim vào năm 1969 thì Nasser liệt giường sáu tuần, truyền thông nhà nước bấy giờ đưa tin Nasser vắng mặt là do bị cúm.[278]

Xem thêm

sửa

Ghi chú

sửa
  1. ^ UK: /ɡəˈmɑːl ˌæbdɛl ˈnɑːsər, - ˈnæsər/, US: /- ˌɑːbdəl -/;[2][3] tiếng Ả Rập: جمال عبد الناصر حسين, Ả Rập Ai Cập: [ɡæˈmæːl ʕæbdenˈnɑːsˤeɾ ħeˈseːn].

Tham khảo

sửa
  1. ^ “Gamal Abdel Nasser (1918–1970) – Find a Grave”.
  2. ^ “Nasser”. Collins English Dictionary. HarperCollins. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2020.
  3. ^ “Nasser”. Merriam-Webster Dictionary. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2020.
  4. ^ Jenkins, Loren; article, Washington Post Foreign Service; Washington Post correspondent Edward Cody contributed to this (11 tháng 10 năm 1981). “Quiet Rites Show Stark Contrast to Funeral for Nasser”. Washington Post (bằng tiếng Anh). ISSN 0190-8286. Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2021.
  5. ^ حسام الدين الأمير, Gamal Abdel Nasser's Egyptian ID card, Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 1 năm 2022, truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2022
  6. ^ a b c Vatikiotis 1978, tr. 23–24
  7. ^ Joesten 1974, tr. 14
  8. ^ Aburish, 2004, p.12.
  9. ^ Stephens, 1972, p. 22.
  10. ^ a b Stephens 1972, tr. 23
  11. ^ Aburish 2004, tr. 12–13
  12. ^ Stephens 1972, tr. 26
  13. ^ a b Stephens 1972, tr. 28–32
  14. ^ a b c d Alexander 2005, tr. 14
  15. ^ Aburish 2004, tr. 8–9
  16. ^ Vatikiotis 1978, tr. 24
  17. ^ a b c d e f g h i j k Abdel Nasser, Hoda. “A Historical Sketch of Gamal Abdel Nasser”. Bibliotheca Alexandrina. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2013.
  18. ^ Stephens 1972, tr. 33–34
  19. ^ Joesten 1974, tr. 19
  20. ^ a b c Litvin 2011, tr. 39
  21. ^ Alexander 2005, tr. 18
  22. ^ Aburish 2004, tr. 21
  23. ^ Woodward 1992, tr. 15
  24. ^ Jankowski 2001, tr. 28
  25. ^ Alexander 2005, tr. 15
  26. ^ Joesten 1974, tr. 66
  27. ^ a b Alexander 2005, tr. 19–20
  28. ^ Stephens 1972, tr. 32
  29. ^ a b c Aburish 2004, tr. 11–12
  30. ^ a b c Alexander 2005, tr. 26–27
  31. ^ a b c Alexander 2005, tr. 16
  32. ^ “The Books Gamal Abdel Nasser Used to Read, 1. During his Secondary School Years”. Bibliotheca Alexandrina. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 7 năm 2013. Truy cập ngày 20 tháng 8 năm 2013.
  33. ^ Talhami 2007, tr. 164
  34. ^ a b c Aburish 2004, tr. 15–16
  35. ^ a b c d Alexander 2005, tr. 20
  36. ^ Reid 1981, tr. 158
  37. ^ Aburish 2004, tr. 14
  38. ^ Aburish 2004, tr. 15
  39. ^ Cook 2011, tr. 41
  40. ^ Aburish 2004, tr. 16
  41. ^ a b c Aburish 2004, tr. 18
  42. ^ Nutting 1972, tr. 20
  43. ^ Aburish 2004, tr. 22
  44. ^ Stephens 1972, tr. 63
  45. ^ Aburish 2004, tr. 23
  46. ^ Aburish 2004, tr. 24
  47. ^ a b c d Aburish 2004, tr. 25–26
  48. ^ Heikal 1973, tr. 103
  49. ^ Sharon, Ariel; Chanoff, David (16 tháng 3 năm 2002). Warrior: An Autobiography (bằng tiếng Anh). Simon and Schuster. ISBN 978-0-7432-3464-1.
  50. ^ “מבצע חורב 1949 – תחילתה של הפסקת אש עם מצרים” (bằng tiếng Do Thái). Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2017.
  51. ^ Brightman 2004, tr. 233
  52. ^ Israeli TV, "Such a Life" 1971, interviewing Rabbi Shlomo Goren along with witnesses to the event (in Hebrew)
  53. ^ 67 dead, Who remembers "God's platoon" Maariv (NRG website, in Hebrew)
  54. ^ Dokos 2007, tr. 114
  55. ^ a b Heikal 1973, tr. 17
  56. ^ a b c Aburish 2004, tr. 27–28
  57. ^ Aburish 2004, tr. 30
  58. ^ Aburish 2004, tr. 32
  59. ^ a b c Aburish 2004, tr. 33
  60. ^ a b c d e Aburish 2004, tr. 34
  61. ^ a b Aburish 2004, tr. 34–35
  62. ^ a b c d Aburish 2004, tr. 35–39
  63. ^ Stephens 1972, tr. 108
  64. ^ Nutting 1972, tr. 36–37
  65. ^ Aburish 2004, tr. 41
  66. ^ Nutting 1972, tr. 38–39
  67. ^ a b Dekmejian 1971, tr. 24
  68. ^ Stephens 1972, tr. 114
  69. ^ Aburish 2004, tr. 46
  70. ^ a b Aburish 2004, tr. 45
  71. ^ a b Aburish 2004, tr. 46–47
  72. ^ Kandil 2012, tr. 22
  73. ^ Kandil 2012, tr. 23
  74. ^ a b c Aburish 2004, tr. 51
  75. ^ a b Kandil 2012, tr. 27
  76. ^ a b Kandil 2012, tr. 32
  77. ^ Nutting 1972, tr. 60
  78. ^ Kandil 2012, tr. 33
  79. ^ Kandil 2012, tr. 34
  80. ^ a b c Kandil 2012, tr. 35
  81. ^ Aburish 2004, tr. 52
  82. ^ Kandil 2012, tr. 36
  83. ^ Kandil 2012, tr. 38
  84. ^ a b Kandil 2012, tr. 39
  85. ^ Aburish 2004, tr. 52–53
  86. ^ Aburish 2004, tr. 54–55
  87. ^ Rogan 2011, tr. 228
  88. ^ a b Aburish 2004, tr. 54
  89. ^ Brown 2000, tr. 159
  90. ^ a b c Aburish 2004, tr. 56
  91. ^ Atiyeh & Oweis 1988, tr. 331–332
  92. ^ Jankowski 2001, tr. 32
  93. ^ Aburish 2004, tr. 239
  94. ^ a b c Rasler, Thompson & Ganguly 2013, tr. 38–39
  95. ^ a b c d e Dekmejian 1971, tr. 44
  96. ^ Kandil 2012, tr. 45–46
  97. ^ Tan & Acharya 2008, tr. 12
  98. ^ Dekmejian 1971, tr. 43
  99. ^ Ginat 2010, tr. 115
  100. ^ Ginat 2010, tr. 113
  101. ^ Jankowski 2001, tr. 65–66
  102. ^ Ginat 2010, tr. 105
  103. ^ Ginat 2010, tr. 111
  104. ^ Cook 2011, tr. 66
  105. ^ Ginat 2010, tr. 111–112
  106. ^ a b c d Jankowski 2001, tr. 67
  107. ^ Alexander 2005, tr. 126
  108. ^ Peretz 1994, tr. 242
  109. ^ Sullivan 1986, tr. 80
  110. ^ a b c Dekmejian 1971, tr. 45
  111. ^ Peretz 1994, tr. 241
  112. ^ James 2008, tr. 149
  113. ^ a b James 2008, tr. 150
  114. ^ Podeh 2004, tr. 105–106
  115. ^ Goldschmidt 2008, tr. 162
  116. ^ Jankowski 2001, tr. 68
  117. ^ a b “1956: Egypt Seizes Suez Canal”. BBC News. 26 tháng 7 năm 1956. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2007.
  118. ^ a b Aburish 2004, tr. 108
  119. ^ Hamad 2008, tr. 96
  120. ^ Rogan 2011, tr. 299
  121. ^ Nasser 1956 speech mocking the media and the British denunciation of him (in Egyptian Arabic, Youtube)
  122. ^ Heikal 1973, tr. 91
  123. ^ Heikal 1973, tr. 103–104
  124. ^ Heikal 1973, tr. 105
  125. ^ Shlaim, Avi (1997), “The Protocol of Sèvres,1956: Anatomy of a War Plot”, International Affairs, 73:3, tr. 509–530, Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 4 năm 2018, truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2009
  126. ^ Dawisha 2009, tr. 179
  127. ^ Jankowski 2001, tr. 66
  128. ^ Kandil 2012, tr. 47
  129. ^ Aburish 2004, tr. 118–119
  130. ^ a b Shemesh & Troen 1990, tr. 116
  131. ^ Bidwell 1998, tr. 398
  132. ^ Dekmejian 1971, tr. 46
  133. ^ Alexander 2005, tr. 94
  134. ^ a b c Kyle 2011, tr. 445–446
  135. ^ a b Kyle 2001, tr. 113–114
  136. ^ Yaqub 2004, tr. 51
  137. ^ Dawisha 2009, tr. 180
  138. ^ “Establishment of UNEF (United Nations Emergency Force)”. United Nations. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2010.
  139. ^ Beinin 2005, tr. 87
  140. ^ Michael M. Laskier (1995). “Egyptian Jewry under the Nasser Regime, 1956–70”. Historical Society of Jews from Egypt. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 1 năm 2008. Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2017.
  141. ^ Nasser refutes Jewish accusations of expulsion or mistreatment Lưu trữ 2017-10-10 tại Wayback Machine in the Southern Israelite (Jewish) Newspaper, 1957
  142. ^ Kandil 2012, tr. 50
  143. ^ Aburish 2004, tr. 123
  144. ^ Dawisha 2009, tr. 184
  145. ^ Rogan 2011, tr. 305
  146. ^ Aburish 2004, tr. 135–136
  147. ^ Tsourapas 2016
  148. ^ Aburish 2004, tr. 127
  149. ^ Yaqub 2004, tr. 102
  150. ^ Dawisha 2009, tr. 155
  151. ^ a b Dawisha 2009, tr. 181–182
  152. ^ Dawisha 2009, tr. 191
  153. ^ Dann 1989, tr. 169
  154. ^ Aburish 2004, tr. 130
  155. ^ Aburish 2004, tr. 130–131
  156. ^ a b Aburish 2004, tr. 138–139
  157. ^ a b Dawisha 2009, tr. 191–192
  158. ^ Dawisha 2009, tr. 193
  159. ^ Dawisha 2009, tr. 198
  160. ^ Dawisha 2009, tr. 200
  161. ^ Aburish 2004, tr. 150–151
  162. ^ Podeh 1999, tr. 44–45
  163. ^ Dawisha 2009, tr. 202–203
  164. ^ Aburish 2004, tr. 158
  165. ^ Dawisha 2009, tr. 190
  166. ^ Aburish 2004, tr. 160–161
  167. ^ a b Aburish 2004, tr. 161–162
  168. ^ Aburish 2004, tr. 163
  169. ^ a b Aburish 2004, tr. 174–175
  170. ^ Dawisha 2009, tr. 208
  171. ^ Aburish 2004, tr. 166
  172. ^ Aburish 2004, tr. 164
  173. ^ Dawisha 2009, tr. 208–209.
  174. ^ Aburish 2004, tr. 167
  175. ^ Gregory Fremont Barnes: A History of Counterinsurgency
  176. ^ The New York Times: Oman Dispute Highlights U.S.-British Differences
  177. ^ Dawisha 2009, tr. 209
  178. ^ Avi Shlaim (9 tháng 9 năm 2008). Lion of Jordan. Knopf Doubleday Publishing Group. ISBN 978-0-307-27051-1. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2018.
  179. ^ Aburish 2004, tr. 169–170
  180. ^ Aburish 2004, tr. 172
  181. ^ a b c Aburish 2004, tr. 176–178
  182. ^ Salam 2004, tr. 102
  183. ^ Dawisha 2009, tr. 216
  184. ^ Aburish 2004, tr. 179–180
  185. ^ Dawisha 2009, tr. 227
  186. ^ Dawisha 2009, tr. 231
  187. ^ Dawisha 2009, tr. 229
  188. ^ Aburish 2004, tr. 189–191
  189. ^ Dawisha 2009, tr. 230
  190. ^ a b c Aburish 2004, tr. 204–205
  191. ^ Podeh 2004, tr. 157
  192. ^ Aburish 2004, tr. 207–208
  193. ^ a b c Dawisha 2009, tr. 235
  194. ^ Pollack 2002, tr. 55–56.
  195. ^ a b c Aburish 2004, tr. 209–211
  196. ^ Dawisha 2009, tr. 237
  197. ^ Seale 1990, tr. 76–77
  198. ^ Aburish 2004, tr. 215–217
  199. ^ Dawisha 2009, tr. 239
  200. ^ Seale 1990, tr. 81
  201. ^ Seale 1990, tr. 82–83
  202. ^ Dawisha 2009, tr. 243–244
  203. ^ a b c d Aburish 2004, tr. 222–223
  204. ^ Cubert 1997, tr. 52
  205. ^ Mehrotra 1990, tr. 57
  206. ^ Aburish 2004, tr. 234
  207. ^ a b Adi & Sherwood 2003, tr. 140–141
  208. ^ a b Aburish 2004, tr. 200–201
  209. ^ Aburish 2004, tr. 235–237
  210. ^ Kandil 2012, tr. 51
  211. ^ Farid 1996, tr. 71
  212. ^ a b Brooks 2008, tr. 88
  213. ^ Brooks 2008, tr. 89
  214. ^ Farid 1996, tr. 71–72
  215. ^ Aburish 2004, tr. 244
  216. ^ a b Aburish 2004, tr. 205–206
  217. ^ Stork 2001, tr. 235–236
  218. ^ Akram-Lodhi, Borras & Kay 2007, tr. 258–259
  219. ^ Abdelmalek 1968, tr. 363–365
  220. ^ Aburish 2004, tr. 238–239
  221. ^ Cook 2011, tr. 123
  222. ^ Ferris 2013, tr. 2
  223. ^ Aburish 2004, tr. 252
  224. ^ Kandil 2012, tr. 76
  225. ^ Kandil 2012, tr. 77
  226. ^ Parker 1996, tr. 159
  227. ^ Brooks 2008, tr. 90
  228. ^ Parker 1996, tr. 158–159
  229. ^ Aburish 2004, tr. 254–255
  230. ^ Brooks 2008, tr. 95
  231. ^ Kandil 2012, tr. 77–78
  232. ^ Aburish 2004, tr. 255
  233. ^ Kandil 2012, tr. 86
  234. ^ Aburish 2004, tr. 257
  235. ^ Brooks 2008, tr. 97
  236. ^ Aburish 2004, tr. 258
  237. ^ Aburish 2004, tr. 252–254
  238. ^ Mutawi 2002, tr. 95
  239. ^ Aburish 2004, tr. 256
  240. ^ Aburish 2004, tr. 260–261
  241. ^ Kandil 2012, tr. 82
  242. ^ a b Aburish 2004, tr. 263
  243. ^ Fahmy 2013, tr. 19
  244. ^ Aburish 2004, tr. 262
  245. ^ Bidwell 1998, tr. 276
  246. ^ Kandil 2012, tr. 84
  247. ^ Aburish 2004, tr. 268–269
  248. ^ Kandil 2012, tr. 85
  249. ^ Nutting 1972, tr. 430
  250. ^ Kandil 2012, tr. 87
  251. ^ Kandil 2012, tr. 88
  252. ^ Kandil 2012, tr. 89–90
  253. ^ Aburish 2004, tr. 270–271
  254. ^ Meital, Yoram (2000). “The Khartoum Conference and Egyptian Policy after the 1967 War: A Reexamination”. Middle East Journal. 54 (1): 64–82. JSTOR 4329432.
  255. ^ Aburish 2004, tr. 272
  256. ^ Aburish 2004, tr. 281
  257. ^ Aburish 2004, tr. 276
  258. ^ Brownlee 2007, tr. 88
  259. ^ a b c Farid 1996, tr. 97
  260. ^ a b Brownlee 2007, tr. 89
  261. ^ a b Kandil 2012, tr. 92
  262. ^ Aburish 2004, tr. 299–301
  263. ^ Aburish 2004, tr. 304
  264. ^ Aburish 2004, tr. 280
  265. ^ Aburish 2004, tr. 288–290
  266. ^ Byman & Waxman 2002, tr. 66
  267. ^ Rasler, Thompson & Ganguly 2013, tr. 49
  268. ^ a b Aburish 2004, tr. 297–298
  269. ^ Aburish 2004, tr. 301
  270. ^ Aburish 2004, tr. 305
  271. ^ Viorst 1987, tr. 133
  272. ^ Farid 1996, tr. 163
  273. ^ Itamar Rabinovich; Haim Shaked. From June to October: The Middle East Between 1967 And 1973. Transaction Publishers. tr. 192. ISBN 978-1-4128-2418-7. In dozens of speeches and statements, Nasser posited the equation that any direct peace talks with Israel were tantamount to surrender. His efforts to forestall any movement toward direct negotiations...
  274. ^ Dawisha 2009, tr. 259
  275. ^ Dawisha 2009, tr. 262
  276. ^ Nutting 1972, tr. 476
  277. ^ Aburish 2004, tr. 310
  278. ^ a b Daigle 2012, tr. 115
  279. ^ “Claims that Sadat killed Nasser are unfounded”. Al Arabiya. 26 tháng 9 năm 2010. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2011.
  280. ^ a b Aburish 2004, tr. 315–316
  281. ^ a b “Nasser's Legacy: Hope and Instability”. Time. 12 tháng 10 năm 1970. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2010. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2010.
  282. ^ Weston 2008, tr. 203
  283. ^ Sullivan 1986, tr. 84
  284. ^ Sullivan 1986, tr. 85
  285. ^ Aburish 2004, tr. 313–320
  286. ^ Aburish 2004, tr. 148
  287. ^ Alexander 2005, tr. 74
  288. ^ Makdissi 2011, tr. 217
  289. ^ Bird 2010, tr. 177
  290. ^ Goldschmidt 2008, tr. 167
  291. ^ Alexander 2005, tr. 97
  292. ^ Bird 2010, tr. 178
  293. ^ Aburish 2004, tr. 10

Tư liệu tham khảo

sửa

Đọc thêm

sửa
  • Beattie, Kirk J. "Nasser's Egypt: A Quest for National Power and Prosperity." in Nation Building, State Building, and Economic Development: Case Studies and Comparisons (Routledge, 2015) pp. 146–164.
  • Hasou, Tawfig Y. The struggle for the Arab world: Egypt's Nasser and the Arab League (Routledge, 2019).
  • Joya, Angela. The Roots of Revolt: A Political Economy of Egypt from Nasser to Mubarak (Cambridge University Press, 2020).
  • Khalifah, Omar. Nasser in the Egyptian Imaginary (Edinburgh University Press, 2016), Nasser in Egyptian literature.
  • McAlexander, Richard J., "Couscous Mussolini: US Perceptions of Gamal Abdel Nasser, the 1958 Intervention in Lebanon and the Origins of the U.S.-Israeli Special Relationship," Cold War History 11 (Aug. 2011), 363–85.
  • McNamara, Robert. "The Nasser factor: Anglo-Egyptian relations and Yemen/Aden crisis 1962–65." Middle Eastern Studies 53.1 (2017): 51–68.
  • Salem, Sara. "Four Women of Egypt: Memory, Geopolitics, and the Egyptian Women's Movement during the Nasser and Sadat Eras." Hypatia 32.3 (2017): 593–608. online
  • Šćepanović, Janko. "Unwanted Conflict? The Analysis of the Impact of Misperception, Beliefs and Psychology of President Nasser at the Outbreak of the Six Day War." Chinese Journal of International Review 1.02 (2019): 1950003. online
  • Shechter, Relli. The rise of the Egyptian middle class: socio-economic mobility and public discontent from Nasser to Sadat (Cambridge University Press, 2018).
  • Waterbury, John. The Egypt of Nasser and Sadat (Princeton University Press, 2014).

Liên kết ngoài

sửa