Diệp Đức Huy
Diệp Đức Huy (tiếng Trung: 葉德輝; bính âm: Yè Déhuī; 1864 – 11 tháng 4 năm 1927) tự Hoán Bân (煥彬)[5] hay Ngư Thủy (漁水),[1] hiệu Trực Sơn (直山)[6] là một nhà văn và chủ bút người Trung Quốc hoạt động trong triều đại nhà Thanh và Trung Hoa Dân Quốc. Phân vân giữa học thuật, buôn bán và công vụ trong những năm đầu sự nghiệp, ông trở thành một nhà sưu tầm sách và văn học hàng đầu. Trong học thuật, Diệp Đức Huy cùng Vương Tiên Nhiễm cùng được xưng "Trường Sa Vương Diệp", lại cùng Vương Khải Vận được xưng "Tương Đàm Vương Diệp".[6] Ông bị chính phủ Cộng sản tử hình vì cáo buộc phản cách mạng.
Diệp Đức Huy 葉德輝 | |
---|---|
Thất danh | Quan Cổ đường (观古堂)[1][2] |
Tên chữ | Hoán Bân, Ngư Thủy |
Tên hiệu | Hề Viên (郋園)[3] Trực Sơn |
Bút danh | Chu Đình Sơn dân (朱亭山民)[4] Lệ Lâu Chủ nhân (麗廔主人) |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | 1864 |
Nơi sinh | Trường Sa, Hồ Nam, Nhà Thanh |
Quê quán | Xiangtan |
Mất | |
Ngày mất | String Module Error: String subset indices out of order tháng String Module Error: String subset indices out of order, 1927 |
Nơi mất | Trường Sa, Hồ Nam, Trung Hoa Dân Quốc |
Giới tính | nam |
Gia quyến | |
Anh chị em | Ye Dehuang |
Học vấn | Tiến sĩ Nho học |
Nghề nghiệp | Nhà văn |
Tôn giáo | Nho giáo |
Quốc gia | Trung Quốc |
Quốc tịch | nhà Thanh, Trung Hoa Dân Quốc |
Thời kỳ | |
Đầu đời
sửaDiệp Đức Huy sinh năm 1864 tại Trường Sa, Hồ Nam,[7][8] là con trai của Diệp Vũ Thôn (叶雨村). Vào những năm Thái Bình Thiên Quốc, Diệp Vũ Thôn dời nhà từ huyện Ngô của Giang Tô đến Trường Sa của Hồ Nam. Diệp Vũ Thôn khi còn ở huyện Ngô đã hành nghề buôn bán, là một ông chủ vựa trái cây nhỏ.[9] Sau khi chuyển đến Trường Sa, ông tiếp tục kinh doanh muối và tơ sống, dần trở thành một thương nhân phát đạt.[10][11]
Từ năm 8 tuổi, Diệp Đức Huy bắt đầu việc học với những sách cổ như "Tứ thư", "Thuyết văn giải tự", "Tư trị thông giám" và "Ghi chép về ngôn hành của danh thần 5 triều" của Chu Hi. Năm 15 tuổi, ông từng theo cha học nghề buôn bán nhưng thời gian rất ngắn, chưa đến 3 tháng ông đã quay lại việc đọc sách. Đến năm 17 tuổi, ông bắt đầu theo học tại thư viện Nhạc Lộc.[12] Diệp Đức Huy vốn không có hộ tịch huyện ở Hồ Nam, nhà họ Diệp không chỉ quyên tiền để lấy được hộ tịch huyện Tương Đàm,[13] mà Diệp Vũ Thôn cũng được ban quan hàm "Hậu tuyển Trực Lệ châu Tri châu, nhị phẩm Phong điển".[12] Năm 1885 dưới triều Quang Tự, Diệp Đức Huy thi đỗ cử nhân.[1] Đến năm 1892, ông tiếp tục đỗ học vị tiến sĩ,[7] được bổ nhiệm làm chủ sự tại Bộ Lại nhưng cảm thấy không hài lòng với chức vị này và rời khỏi sau vài tháng.[14]
Sự nghiệp
sửaKhi là chủ bút và nhà xuất bản, Diệp Đức Huy được biết đến với tác phẩm Song mai cảnh yểm tùng thư (雙梅景闇叢書; tạm dịch Tuyển tập bóng của hai cây mai), sưu tầm bốn tác phẩm kinh điển y học Trung Quốc về thực hành tình dục được bảo tồn một phần trong Ishinpō: Tố nữ kinh; Ngọc phòng bí quyết; Ngọc phòng chi dao; và Đông tuyển tử.[15] Được xuất bản lần đầu vào năm 1907,[14] tuyển tập của Diệp gây "phẫn nộ" công chúng Trung Quốc,[16] mặc dù sau đó nó được Joseph Needham mô tả vào những năm 1950 là "bộ sưu tập tình dục học lớn nhất Trung Quốc".[15]
Diệp Đức Huy là một trong những nhà sưu tầm sách viết nhiều tác phẩm và bản thảo quý hiếm nhiều nhất ở Trung Quốc.[8] Năm 1910, ông xuất bản sách hướng dẫn sưu tầm sách và năm 1915, ông phát hành danh mục gồm 350.000 tập lẻ trong bộ sưu tập cá nhân của mình.[17] Ông thỉnh thoảng thử sức ở lĩnh vực văn xuôi và thơ ca.[17] Sau khi ông qua đời, một bộ sưu tập "cuối cùng" các tác phẩm của Diệp Đức Huy đã được con trai ông công bố vào năm 1935.[17]
Quan điểm
sửaTrái ngược với những nhà văn cùng thời như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, Diệp Đức Huy kịch liệt phản đối chủ nghĩa trí thức phương Tây và cho rằng sự suy tàn của Trung Quốc cận đại là do dân chúng "sai lệch truyền thống".[8] Ông coi Cơ Đốc giáo thấp kém hơn Nho giáo; ông cho là có "rất nhiều điều phi lý" trong Cựu Ước và "tôn giáo của Chúa Giê-su... dọa dẫm khiến mọi người phải quy phục."[18] Năm 1900, ông bị bắt giữ và cầm tù một thời gian ngắn vì tình nghi có liên quan đến Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn chống người nước ngoài và chống Cơ Đốc giáo.[14] Cùng với Vương Tiên Nhiễm (王先謙), Diệp Đức Huy là một trong những người phản đối biến pháp duy tân, ủng hộ việc khôi phục lại chế độ quân chủ. Tháng 8 năm 1915, khi Trù An hội khởi xướng thảo luận thay đổi chính thể quốc gia, Diệp Đức Huy đã trở thành hội trưởng phân hội mới thành lập tại Hồ Nam, ủng hộ việc khôi phục đế chế.[19] Ông có 2 tác phẩm truyện ký, trong tác phẩm đầu tiên được đặt tên là "Diệp Hề Viên sự lược" (tiếng Trung: 葉郋園事略; nghĩa đen 'Tóm tắt tiểu sử Diệp Hề Viên') ông đã nói thẳng về chính trị của Trung Hoa Dân Quốc và ám chỉ nhiều điều bất mãn.[20]
Cái chết
sửaDiệp Đức Huy luôn kiên định với lập trường chống cộng. Khi Hiệp hội Nông dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp tại Trường Sa vào năm 1927,[21] ông đã soạn câu đối:[22]
Nguyên văn 農運久長,稻梁菽麥黍稷,一班雜種; |
Phiên âm Nông vận cửu trường, đạo, lương, thúc, mạch, thử, tắc, nhất ban tạp chủng; |
Tạm dịch Vận nhà nông lâu dài, gié, miến, đậu, tẻ, kê, tắc, đều là tạp chủng; |
cùng với câu viết trên bức hoành "Bân tiêm tạp quý" (斌尖卡愧). Đây là một câu nói theo tiếng địa phương Trường Sa mang nghĩa không văn không võ, không nhỏ không lớn, không trên không dưới, không phải người cũng chẳng phải quỷ.[23] Câu đối này thể hiện bất bình của Diệp Đức Huy với tác phong làm việc giày xéo nhân dân của hiệp hội,[24] và được xem là sự xúc phạm ám chỉ những người cộng sản là "súc sinh" và "tạp chủng".[14][25] Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ông ra xét xử vào ngày 1 tháng 4 năm 1927.[14] Mười ngày sau, vào ngày 11 tháng 4 năm 1927,[7] ông cùng một số người khác được coi là phản cách mạng bị hành hình.[26][27] Đây là một trong những sự kiện gây chấn động toàn quốc thời điểm bấy giờ.[22][28] Tại phiên bế mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm 1968, Mao Trạch Đông đã có phát biểu liên quan đến cái chết của Diệp Đức Huy: "Người giữ gìn Khổng Phu Tử, phản đối Khang Hữu Vi này, gọi là Diệp Đức Huy. Về sau Cố Mạnh Dư từng hỏi tôi chuyện này có thực không? Tôi nói là có chuyện này, nhưng tôi không chắc lắm, vì lúc đấy tôi không ở Hồ Nam. Đối với phần tử tri thức lớn này, vốn không nên giết. Lúc đó giết Diệp Đức Huy, tôi cảm thấy không thỏa đáng".[29]
Chú thích
sửaTrích dẫn
sửa- ^ a b c Lưu Chí Thành (1997), tr. 586.
- ^ Lâm Chí Hoành (2009), tr. 403.
- ^ Trần Hi Viễn & Khâu Bành Sinh (2009), tr. 140.
- ^ Thư viện Trung ương Quốc lập (1992), tr. 87.
- ^ Trang Binh và đồng nghiệp (2014), tr. 241.
- ^ a b Sở nghiên cứu văn hiến cổ điển (2008), tr. 344.
- ^ a b c Boorman & Howard (1967), tr. 35.
- ^ a b c Rocha (2022), tr. 384.
- ^ Đỗ Mại Chi & Trương Thừa Tông (1986), tr. 1.
- ^ 中外雜誌 [Tạp chí trong và ngoài nước] (bằng tiếng Trung). Đài Bắc: Nhà xuất bản Tạp chí Trong và ngoài nước. 1971. tr. 37. ISSN 1016-4162.
- ^ Shaffer (2017), tr. 35.
- ^ a b Đỗ Mại Chi & Trương Thừa Tông (1986), tr. 2.
- ^ Vương Bội Lương, Trương Thiến & Tăng Hiến Nam (2019), tr. 340.
- ^ a b c d e Boorman & Howard (1967), tr. 36.
- ^ a b Rocha (2022), tr. 385.
- ^ Wile (2018), tr. 15.
- ^ a b c Boorman & Howard (1967), tr. 37.
- ^ Cao (2019), tr. 46.
- ^ Đỗ Mại Chi & Trương Thừa Tông (1986), tr. 35.
- ^ Lâm Chí Hoành (2009), tr. 164.
- ^ Bảo Thiệu Lâm, Hoàng Triệu Cường & Khu Chí Kiên (2015), tr. 217.
- ^ a b Vương Kiện Dân (2003), tr. 1.
- ^ Nhạc Nam (2021), tr. 110.
- ^ Lý Minh (2005), tr. 23.
- ^ Tả Thuấn Sinh (1970), tr. 3.
- ^ Elleman & Kotkin (2015), tr. 5.
- ^ Tang & Van den Stock (2021), tr. 151.
- ^ Tiếu Y Phi (2015), tr. 2.
- ^ Trương Tương Ức, 张湘忆; Tạ Lỗi, 谢磊 (24 tháng 7 năm 2014). 苏州文人叶德辉:毛泽东曾为他被误杀而鸣不平 [Nhà văn Tô Châu Diệp Đức Huy: Mao Trạch Đông từng bất bình vì việc ông bị giết lầm]. Nhân Dân nhật báo (bằng tiếng Trung). Truy cập ngày 16 tháng 5 năm 2023.
Thư mục
sửa- Boorman, Howard L.; Howard, Richard C. (1967). Biographical Dictionary of Republican China. 4. Columbia University Press.
- Cao, Jian (2019). Chinese Biblical Anthropology: Persons and Ideas in the Old Testament and in Modern Chinese Literature. Pickwick Publications. ISBN 9781532655661.
- Elleman, Bruce Allen; Kotkin, Stephen (2015). Mongolia in the Twentieth Century. Taylor & Francis. ISBN 9781317460107.
- Rocha, Leon Antonio (2022). “The question of sex and modernity in China, part 1: from xing to sexual cultivation”. Trong Lo, Vivienne; Stanley-Baker, Michael (biên tập). Routledge Handbook of Chinese Medicine. Routledge. tr. 381–388. ISBN 9780415830645.
- Shaffer, Lynda (2017). Mao Zedong and Workers: The Labour Movement in Hunan Province, 1920–23. Taylor & Francis. ISBN 9781351715942.
- Tang, Wenming; Van den Stock, Ady (2021). “The Idea of Freedom within the Confucian Conception of Human Relations, Viewed through the Lens of Chen Yinke's Mourning Poems for Wang Guowei”. Trong Hershock, Peter D.; Ames, Roger T. (biên tập). Human Beings or Human Becomings? A Conversation with Confucianism on the Concept of Person. State University of New York Press. tr. 149–168. ISBN 9781438481838.
- Wile, Douglas (2018). “Debaters of the Bedchamber: China Reexamines Ancient Sexual Practice”. JOMEC Journal. Cardiff University Press (12): 5–69. doi:10.18573/jomec.169.
- Bảo Thiệu Lâm, 鮑紹霖; Hoàng Triệu Cường, 黃兆強; Khu Chí Kiên, 區志堅 (ngày 30 tháng 4 năm 2015). 北學南移: 港台文史哲溯源(學人卷II) [Học từ phương Bắc và tiến vào phương Nam: Truy tìm nguồn gốc của văn học, lịch sử và triết học Hồng Kông và Đài Loan (Học giả tập 2)] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Tú Uy. ISBN 9789863263258.
- Đỗ Mại Chi, 杜迈之; Trương Thừa Tông, 张承宗 (1986). 葉德輝評傳 [Diệp Đích Huy bình truyện] (bằng tiếng Trung). Trường Sa, Hồ Nam: Nhạc Lộc thư xã. OCLC 17482377.
- Lâm Chí Hoành, 林志宏 (ngày 18 tháng 3 năm 2009). 民國乃敵國也:政治文化轉型下的清遺民 [Tàn tích của Nhà Thanh dưới sự Biến đổi của Văn hóa Chính trị] (bằng tiếng Trung). Công ty xuất bản Liên Kinh. ISBN 9789570833904.
- Lưu Chí Thành, 劉志成 (1997). 中國文字學書目考錄 [Thư mục văn tự Trung Quốc] (bằng tiếng Trung). Thư viện Ba Thục. ISBN 9787805238326.
- Lý Minh, 李明 (2005). 中共歷史謊言 [Những dối trá trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc] (bằng tiếng Trung). Hồng Kông: Nhà xuất bản Văn hóa nghệ thuật Hương Cảng. ISBN 9789624050745.
- Nhạc Nam, 岳南 (ngày 26 tháng 11 năm 2021). 南渡北歸:南渡•第一部(全新校對增訂、珍貴史料圖片版) [Đi Nam về Bắc: Đi Nam, Phần 1] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Thời báo Văn hóa. ISBN 9789571394633.
- Trang Binh, 莊兵; và đồng nghiệp (ngày 1 tháng 5 năm 2014). 國際漢學論叢‧第四輯 [Series Hán học quốc tế, tập 4] (bằng tiếng Nga và Trung). Airiti Press. ISBN 9789865792824.
- Trần Hi Viễn, 陳熙遠; Khâu Bành Sinh, 邱澎生 (ngày 14 tháng 4 năm 2009). 明清法律運作中的權力與文化 [Quyền lực và văn hóa trong vận hành pháp luật thời Minh Thanh] (bằng tiếng Trung). Công ty xuất bản Liên Kinh. ISBN 9789860179071.
- Sở nghiên cứu văn hiến cổ điển, Đại học Nam Kinh (2008). 古典文献研究/第十一辑 [Nghiên cứu về văn hiến cổ điển, Tập 11] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Phượng Hoàng. ISBN 9787806439524.
- Tả Thuấn Sinh, 左舜生 (1970). 黄興評傳 [Hoàng Hưng bình truyện] (bằng tiếng Trung). Công ty xuất bản Hiện đại. OCLC 22292260.
- Thư viện Trung ương Quốc lập, 國立中央圖書館 (1992). 標點善本題跋集錄 (bằng tiếng Trung). Thư viện Trung ương Quốc lập. ISBN 9789576780776.
- Tiếu Y Phi, 肖伊緋 (2015). 民國斯文 [Dân Quốc văn nhã] (bằng tiếng Trung). Airiti Press. ISBN 9789865663988.
- Vương Bội Lương, 王佩良; Trương Thiến, 張茜; Tăng Hiến Nam, 曾獻南 (ngày 23 tháng 1 năm 2019). 鄉土湖南 [Đất trời Hồ Nam] (bằng tiếng Trung). Nhà xuất bản Tung Bác. ISBN 9789576817830.
- Vương Kiện Dân, 王健民 (2003). 中國共産黨史 [Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc] (bằng tiếng Trung). Công ty xuất bản Văn hóa Hán Kinh. ISBN 9789572020203.