Gia Luật Lưu Ca (nhà Liêu)

(Đổi hướng từ Da Luật Lưu Ca (nhà Liêu))

Da Luật Lưu Ca (chữ Hán: 耶律刘哥, ? – ?), tự Minh Ẩn, tông thất, tướng lãnh nhà Liêu.

Gia Luật Lưu Ca
耶律刘哥
Tên chữMinh Ẩn
Thông tin cá nhân
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Gia Luật Dần Để Thạch
Quốc tịchnhà Liêu

Xuất thân

sửa

Lưu Ca là con trưởng của Da Luật Dần Để Thạch – em tư của Liêu Thái Tổ Da Luật A Bảo Cơ, là một trong những chủ mưu của "chư đệ chi loạn". Ngay sau khi Liêu Thái Tổ băng, Thuật Luật thái hậu giết chết Dần Để Thạch để thu tóm quyền lực.[1]

Lưu Ca từ nhỏ có tính kiêu ngạo, tàn nhẫn, quen thói lăng nhục, hiếp đáp người ta, càng lớn càng dữ tợn, giảo quyệt. Liêu Thái Tông Da Luật Đức Quang ghét lắm, sai giữ biên thùy, dần được thăng làm Đại tường ổn ở biên giới tây nam.

Sự nghiệp

sửa

Phù tá Thế Tông

sửa

Năm Hội đồng thứ 10 (947), Liêu Thái Tông đánh bại Hậu Tấn, trên đường về thì bệnh mất, Da Luật Nguyễn lên ngôi ở trong quân, tức là Liêu Thế Tông. Trước đó, Da Luật An Đoan (em năm của Liêu Thái Tổ) có bệnh nên rời khỏi đại quân, ở gần nhà của Lưu Ca; đến nay An Đoan không theo, nhưng bị Lưu Ca thuyết phục, bèn đem quân bản bộ giúp Thế Tông.

Bấy giờ Thuật Luật thái hậu mệnh cho Hoàng thái đệ Da Luật Lý Hồ đem quân nam hạ, gặp Lưu Ca, An Đoan ở Thái Đức Tuyền. Đôi bên giao chiến, An Đoan ngã ngựa, vương tử Da Luật Thiên Đức (con trai thứ ba của Liêu Thái Tông) xông đến, khoa thương muốn đâm. Lưu Ca che cho An Đoan, kéo cung bắn Thiên Đức, tên xuyên qua áo giáp nhưng chưa vào thịt. An Đoan tìm được ngựa, quay lại chiến đấu, đánh cho quân của Lý Hồ đại bại. Sau đó, Lưu Ca với An Đoan triều kiến Thế Tông ở hành tại.

Sau khi Thế Tông và Thuật Luật thái hậu đạt được hòa nghị, thái hậu hỏi bọn Lưu Ca rằng: "Mày oán gì mà làm phản?" Riêng Lưu Ca đáp rằng: "Cha thần vô tội, thái hậu giết đi, nên mới oán hận." Việc xong, nhờ công được làm Dịch ẩn.

Mưu phản không thành

sửa

Năm Thiên Lộc thứ 2 (948), Lưu Ca cùng em trai Bồn Đô, Da Luật Thiên Đức, thị vệ Tiêu Hàn (em rể Thế Tông, con Tiêu Địch Lỗ) mưu phản. Da Luật Thạch Lạt cáo giác, bọn Lưu Ca chối phắt. Sau đó Lưu Ca mời Thế Tông đánh bạc, muốn thừa cơ dâng rượu để ra tay, nhưng bị hoàng đế phát giác, nên không thể thi hành, chịu cầm tù. Ngày nọ, Thế Tông triệu Lưu Ca, bắt ông cùm cổ để đánh bạc. Thế Tông hỏi: "Mày thật sự làm phản à?" Lưu Ca thề rằng: "Thần nếu có lòng làm phản, ắt sinh nhọt trên đỉnh đầu mà chết!" Thế Tông bèn xá tội. Da Luật Ốc Chất cố tranh cãi, cho rằng tội ấy không thể tha. Thế Tông mệnh cho Da Luật Ốc Chất xét án, khiến Lưu Ca phải nhận tội. Có chiếu miễn chết, lưu đày Ô Cổ bộ. Lưu Ca quả nhiên sinh nhọt trên đầu mà chết ở đấy.

Gia đình

sửa
  • Em trai là Bồn Đô (? – 951), tính tàn nhẫn, có sức mạnh, da có vảy như rắn. Năm Thiên Lộc đầu tiên (947), nhờ là tộc thuộc nên được nhận chức Bì thất tường ổn. Năm thứ 2 (948), cùng Lưu Ca mưu phản, được miễn chết, đi sứ nước Hiệt Kiết Tư (Kyrgyz). Sau khi trở về, tham dự vào cuộc nổi loạn của Da Luật Sát Cát (con trai của An Đoan), bị lăng trì mà chết.[2]
  • Em trai khác mẹ là Hóa Cát Lý, Hề Kiển (? – 954). Năm Ứng Lịch đầu tiên (951), Hóa Cát Lý, Hề Kiển không có quan chức, nhưng nhờ là tộc thuộc, nên được đãi ngộ ưu ái. Năm thứ 3 (953), có người tố cáo Hóa Cát Lý, Hề Kiển tham dự âm mưu nổi loạn của Da Luật Uyển (con trai của Da Luật Lý Hồ), hai người bị giam, không nhận tội. Được tha. Mùa xuân năm thứ 4 (954), mưu phản, nên bị làm tội.[3]

Tham khảo

sửa
  • Liêu sử quyển 113, liệt truyện 43 – Nghịch thần truyện thượng: Da Luật Lưu Ca

Chú thích

sửa
  1. ^ Chư đệ chi loạn là 3 cuộc nổi loạn chống lại Khiết Đan hoàng đế Da Luật A Bảo Cơ của các em trai Lạt Cát, Điệt Lạt, Dần Để Thạch, An Đoan,... Dần Để Thạch tham dự cả ba lần, nhưng vẫn được xá miễn. Vào lúc lâm chung, A Bảo Cơ di chiếu giao phó một phần quyền lực cho Dần Để Thạch, nhưng Thuật Luật thái hậu muốn thâu tóm đại quyền, nên lập tức giết chết Dần Để Thạch.
  2. ^ Da Luật Sát Cát từng tố cáo cha mình và bọn Tiêu Hàn mưu phản (lần sau, không phải cuộc mưu phản có sự tham gia của Lưu Ca), đến nay lại tổ chức mưu phản và giết chết Thế Tông, sau đó bị Liêu Mục Tông lừa giết đi.
  3. ^ Liêu sử quyển 6 – Mục Tông kỷ thượng không nhắc đến Hóa Cát Lý, Hề Kiển, nhưng có nhắc đến lang quân Kê Kiền cùng Da Luật Uyển, Da Luật Địch Liệt mưu phản, liên lụy đến bọn Thái Bình vương Da Luật Yểm Tát Cát, Lâm nha Hoa Cát, lang quân Tân La. Năm sau, Kê Kiền, Hoa Cát bị xử tử, còn Uyển, Địch Liệt được phóng thích.