Con đường Cái Quan (trường ca)

(Đổi hướng từ Con đường cái quan)

Con đường cái quan là một bản trường ca nổi tiếng, do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác từ năm 1954 đến 1960. Tại Việt Nam, từ sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, cũng như những ca khúc khác của Phạm Duy, Trường ca này bị cấm lưu hành trong nước Việt Nam và đến tháng 5 năm 2006, có tin cho rằng trường ca đã được phép cho phổ biến trở lại[1].

Bìa CD hòa tấu Con đường cái quan (1991)

Theo nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, Trường ca này được soạn xong phần đầu ở Paris năm 54, ngay sau Hiệp định Genève, 1954 "để phản đối ngay lập tức sự chia cắt đất nước", nhưng rồi bỏ dở[2]. Chỉ khi tác giả về lại Sài Gòn, nhờ kiến trúc sư Võ Đức Diên (cũng là chủ tờ báo Sáng Dội Miền Nam lúc đó) giúp đỡ phương tiện để nhạc sĩ đi từ Sài Gòn đến Quảng Trị và lấy cảm hứng để hoàn thành. Khi hoàn tất, Trường ca cũng được in ra đầu tiên trên báo Sáng Dội Miền Nam với bản viết tay của tác giả[2].

Nội dung

sửa

Trường ca này rất dài, chia ra làm 19 bài hát nhỏ có thể hát như 19 bài riêng biệt. Nội dung của 19 đoạn nói về 1 cuộc du hành của người lữ khách đi trên Đường Cái Quan xuyên Việt, mà theo Phạm Duy:

Nội dung bản trường ca gồm 3 phần chính, gồm 19 đoản khúc:

Từ miền Bắc

sửa

Anh đi trên đường cái quan - Tôi đi từ ải Nam Quan - Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa - Người về miền xuôi - Này người ơi - Ra đi từ lúc trăng tơ

Qua miền Trung

sửa

Ai đi trong gió trong sương - Ai vô xứ Huế thì vô - Ai đi trên dặm đường trường - Nước non ngàn dặm ra đi - Gió đưa cành trúc la đà - Tôi xa quê nghèo ruộng nghèo

Vào miền Nam

sửa

Anh đi đường vắng đường xa - Nhờ gió đưa về - Đi đâu cho thiếp theo cùng - Đèn cao Châu Đốc gió độc Gò Công - Cửu Long Giang/Về miền Nam - Giã ơn cái cối cái chầy/Về miền Nam - Đường đi đã tới

Đoản khúc cuối cùng "Đường đi đã tới" với câu hát "Ðường đi đã tới... Lòng dân đã nối..." để chấm dứt trường ca, thể hiện sự mong mỏi "con đường cái quan sẽ có ngày hết ranh giới" trong lịch sử, địa lý và trong lòng dân.

Hình thức

sửa

Theo nhạc sĩ Phạm Duy:

Con Đường Cái Quan gồm 19 đoản khúc, nghĩa là tôi đã phải viết ra hằng trăm motif với từng nấy mélodie… Muốn biết tính chất của từng giai điệu, hãy xem Phần Từ Miền Bắc với đoạn Tôi Đi Từ Ải Nam Quan để thấy motif mi la doimitation la re fa (có hơi hướng của những điệu ca cổ truyền miền Bắc).
… và xin chú ý tới tiết tấu: là nhịp hành khúc nhưng không giống như hành điệu của Xuất Quân, Khởi Hành v.v… Chú ý tới accord và giọng phụ: rất Á Đông nhưng cũng rất Âu Phương…
Phần Hai Qua Miền Trung phải là những motif, mélodie dựa vào cái khuông re sol la re với hơi hướng hò và ca Huế… Nhất là với bài Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi.
Phần Ba Vào Miền Nam có những motif, mélodie có hơi hướng hò, ru và Vọng Cổ… Bài Đi Đâu Cho Thiếp Theo Cùng dùng âm giai có bán cung la do# re mi fa#:
Về tinh thần của trường ca, những ca khúc mạnh mẽ trong phần MIỀN BẮC diễn tả sự hào hùng của người đi khai sơn phá thạch. Trong phần MIỀN TRUNG, ca khúc trở nên ngọt ngào, đôi khi xót xa như bước chân Huyền Trân Công Chúa. Phần MIỀN NAM rất hoan lạc vì đó là những bước chân thành đạt của lữ khách để cùng toàn dân hoàn thành nước Việt.[2]

Nói về nhạc phẩm

sửa

Phạm Duy:

...Trường ca gồm 19 đoản khúc, đại đa số bài nằm trong âm giai ngũ cung và có thêm nhạc thuật chuyển hệ. Nhưng tôi cũng không ngần ngại pha trộn vào trường ca một số bài nằm trong âm giai thất cung Tây Phương...[3]. ...Tôi còn mơ một hoài bão vượt dân ca, cho nên ngoài những đoản khúc có tính chất thuần túy tôi còn mạnh bạo đưa ra những đoạn (mà tôi cho rằng) tân tiến nghĩa là đang mới mẻ nhưng vẫn phù hợp với sự tiến triển tất nhiên của ngành quốc nhạc [4]

— Phạm Duy

Trần Văn Khê:

Trường ca "Con Đường Cái Quan" là một nhạc phẩm có giá trị về phần ý cũng như về phần nhạc... Tác giả đã khéo gợi lại những phong cảnh của ba miền..(...)... Lời ca lại rất đẹp..(...).. Vì Phạm Duy cẩn thận trong chi tiết lúc đặt lời...

Tác giả khéo sắp đặt các đoản ca để cho sau một bài có tiết tấu rõ rệt, có một bài hát ngân nga theo nhịp tự do. Từ đoản ca này đến đoản ca khác, từ cung nọ đến cung kia, ta không thấy sự hời hợt, chắp vá...

(...) Tôi chẳng rõ dụng ý của Phạm Duy là thế nào. Riêng tôi, phần thứ ba: đoạn vào miền Nam kém xa hai phần đầu và người nhạc sĩ khéo dùng dân ca cổ nhạc đã nhường chỗ cho người nhạc sĩ chịu ảnh hưởng Âu nhạc và sáng tác Việt nhạc với những nhạc khúc ngoại lai.

— Trần Văn Khê[5]

Xuân Vũ:

Trường Ca Con Đường Cái Quan là một mảng nhỏ trong sự nghiệp vĩ đại của Phạm Duy nhưng lại là tác phẩm lớn của Văn Học Nghệ thuật Việt Nam trong đề tài ca ngợi Tổ Quốc.... Con Đường Cái Quan là kết tinh của ý chí thống nhất sơn hà về mặt lãnh thổ và là kết tinh của dân ca Việt Nam. Phạm Duy dùng ca dao và truyện dân gian làm một phần lớn cho tác phẩm này. Nét nhạc rất giản dị nhưng rất sâu sắc. Hơi điệu bị ảnh hưởng dân ca quan họ, cò lả, trống quân nên dễ đi vào lòng người.

— Xuân Vũ[6]

Trình bày

sửa

Bản trường ca được trình tấu lần đầu tiên từ năm 1960 tại Sài Gòn, và sau đó nhiều lần qua đài phát thanh hay bởi các danh ca thời ấy, lớn nhất là với đoàn hợp xướng hơn 100 người năm 1960 [7]. Toàn bộ bản trường ca được thâu âm lần đầu tiên năm 1965 bởi Ban Hoa Xuân của Đài Phát thanh Sài Gòn (với Thái Thanh, Duy KhánhKim Tước, Thái Hằng, Nhật Trường, Trần Ngọc... và nhiều người khác) và ban nhạc Nghiêm Phú Phi, Y Vân, Đan Thọ, phát hành theo dạng cassette. Năm 1993, Phạm Duy Cường bổ túc phần hòa âm phối khí và tái bản theo dạng CD. Trước đó, năm 1991, Phạm Duy Cường có phát hành 1 CD hòa tấu trường ca này [8][9].

Ban Hợp xướng Ngàn Khơi đã trình tấu và phát hành CD nhiều trích đoạn từ trường ca này trong 2 CD Đêm ngàn khơi 4: 10 năm lưu niệmĐêm Ngàn Khơi: Con Đường Cái Quan & Tình Hoài Hương (1994), hợp soạn bởi nhạc trưởng Lê Văn Khoa và Trần Chúc.

Năm 2008, Trung tâm Thúy Nga có cho hát lại trích đoạn trường ca này trong chương trình Paris By Night 91 Huế - Sài Gòn - Hà Nội. Phần trình tấu được dàn dựng quy mô với các ca sĩ chủ lực của Trung tâm, nhưng bỏ bớt vài đoản khúc của trường ca, bao gồm: "Người về miền xuôi","Này người ơi", "Nước non ngàn dặm ra đi", "Gió đưa cành trúc la đà", "Tôi xa quê nghèo ruộng nghèo", "Nhớ ơn cái cối cái chày", "Cửu Long Giang", "Giã ơn cái cối cái chầy" và "Đường đi đã tới".

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ “Phổ biến ca khúc Con đường cái quan”. Tuổi Trẻ Online. 12 tháng 5 năm 2006. Truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2021.
  2. ^ a b c Phạm Duy viết về Con đường cái quan
  3. ^ a b “Trường Ca trên trang Phạm Duy”. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2011.
  4. ^ Phạm Duy trả lời bài viết của Trần Văn Khê, Tập San Thế Kỷ 20, số 5, 1965
  5. ^ Nhân Xem Trường Ca "Con Đường Cái Quan" của Phạm Duy, Bài viết của Trần Văn Khê, báo Bách Khoa, 1965
  6. ^ Xuân Vũ, Nửa thế kỷ Phạm Duy, phần viết về Con Đường Cái Quan.
  7. ^ Mai Hương - Nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật.
  8. ^ Hòa tấu Duy Cường
  9. ^ “Hồi ký Phạm Duy, cuốn 4, chương 23”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2011.

Liên kết

sửa