Chiến tranh Việt – Chiêm (1044)

(Đổi hướng từ Chiến tranh Việt-Chiêm 1044)

Chiến tranh Việt – Chiêm 1044 là tên gọi của cuộc chiến do nhà Lý phát động năm 1044 nhằm tấn công nước Chiêm Thành ở phương Nam với lý do người Chiêm bỏ nộp cống cho nhà Lý trong suốt 16 năm.

Chiến tranh Việt – Chiêm 1044
Thời gian1044
Địa điểm
Vương quốc Chiêm Thành
Kết quả Đại Cồ Việt chiến thắng
Tham chiến
Đại Cồ Việt thời Nhà Lý Chiêm Thành
Chỉ huy và lãnh đạo
Lý Thái Tông Sạ Đẩu (Jaya Simhavarman II)
Quách Gia Di
Lực lượng
120.000 quân[1] không rõ
Thương vong và tổn thất
Không rõ Chúa Sạ Đẩu và 30.000 quân Chiêm chết, 5000 người bị bắt[2]

Hoàn cảnh lịch sử

sửa

Vua Lý Thái Tông nhà Lý lên ngôi, Chiêm Thành chịu xưng thần nộp cống, rồi Chiêm bị nội loạn, con cháu vua Chiêm giành nhau địa vị nên biên giới của Đại Cồ Việt yên trong một thời gian. Nhưng sau ít lâu, họ bỏ nộp cống luôn 16 năm.

Diễn biến

sửa

Ngày Quý Mão vua thân chinh đánh Chiêm Thành, dùng Khai Hoàng làm chức lưu thử. Ngày Giáp Thìn, quân Lý xuất phát từ kinh đô, ngày Ất Tỵ đóng quân tại cửa biển Đại Ác. Lúc đó sóng yên, có lợi cho đại quân đi từ Đại An (tức Đại Ác) qua Ma Cô.[a]

Trong ngày ấy nhờ có gió vượt qua được 2 bãi cát dài, quân Lý đi thẳng đến cửa biển Tư Dung.[b] Vua Chiêm Thành là Sạ Đẩu (tức Jaya Simhavarman II) đã dàn trận trước ở sông Ngũ Hồ để đợi quan quân nhà Lý. Lý Thái Tông bèn xuống chiếu cho quân sĩ bỏ thuyền, lên đất liền. Vua lại cho một phần binh lính dựng cờ, đánh trống như sắp muốn đánh nhau với người Chiêm. Quân Chiêm Thành thấy binh lính oai nghiêm, lại quá nhiều mới sợ mà thua sớm. Vua cho quân đuổi theo chém được ba đầu của người Chiêm. Tướng Chiêm là Quách Gia Di chém chúa Sạ Đẩu để dâng quân Lý. Quân Lý giết 3 vạn quân Chiêm, bắt sống 5.000 người, bắt được 30 con voi.[3] Lý Thái Tông thấy cảnh máu đầy gươm giáo, xác chất đầy đồng, lấy làm thương xót mới hạ lệnh rằng: "Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha".[4]

Vua Thái Tông kéo quân vào thành Phật Thệ (Kandapurpura), bắt cung nữ của Sạ Đẩu, kén lấy người nào giỏi hát và biết múa điệu khúc Tây thiên cùng vô số cung nhân, nhạc nữ đem về nước. Quân về đến Lý Nhân, triệu vợ của Sạ Đẩu là Mỵ Ê lên hầu vua. Mỵ Ê từ chối, lấy chăn quấn mình rồi nhảy xuống nước mà chết. Vua khen là người tiết hạnh, phong cho làm Hiệp chính Hựu thiện phu nhân.[3]

Tháng 8, Lý Thái Tông rút quân về, tháng 9 thì về đến Thăng Long. Lý Thái Tông đem tin thắng trận cáo Thái miếu, ban tiệc rượu thưởng công.[3]

Chiêm Thành lại hàng, nhưng sự hàng phục của họ không lâu, bởi họ là một dân tộc có óc quật cường rất mạnh và chí phục thù rất bền bỉ.[5] Sau cuộc Nam chinh này của nhà Lý, người Chiêm muốn trả đũa quân Việt nên đã xin thần phục nhà Tống, mong nhờ họ giúp đỡ. Vua Thánh Tông nối nghiệp vua cha lại phải đem quân Nam chinh.

Xem thêm

sửa

Ghi chú

sửa
  1. ^ Tức Ma Cô Sơn, lại còn có tên nữa là Lễ Để thuộc vùng Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
  2. ^ Có tên khác là Ô Long, thuộc huyện Hương Trà, đất Thuận Hóa.

Chú thích

sửa
  1. ^ Hồ Trung Tú 2012, tr. Xem.
  2. ^ Phạm Văn Sơn 1960, tr. 197.
  3. ^ a b c Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Quyển II
  4. ^ Đại Việt Sử ký Toàn thư - Nhà Xuất bản Thời Đại năm 2013 - trang 189.
  5. ^ Việt Sử Toàn Thư, tr. 142.

Tham khảo

sửa
  • Hồ Trung Tú (2012). Có 500 Năm Như Thế: Bản sắc Quảng Nam và Đàng Trong từ góc nhìn phân kỳ lịch sử. Nhà xuất bản StreetLib.
  • Phạm Văn Sơn (1960). Việt sử toàn thư. Nhà xuất bản Khai trí. OCLC 219854245.