Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc

Sửa   

Bài viết chọn lọc

Danh sách bài viết chọn lọc

Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc/1

Washington, D.C. là thành phố thủ đô của Hoa Kỳ, được thành lập vào ngày 16 tháng 7 năm 1790. Mang tên chính thức District of Columbia (viết tắt D.C.), có nghĩa Đặc khu Columbia, thành phố này còn thường được gọi là Washington, the District, hoặc đơn giản hơn D.C. Trong tiếng Việt, District of Columbia cũng được dịch là Quận Columbia nhưng dễ nhầm lẫn vì có đến 8 quận tại Hoa Kỳ mang tên Columbia, đặt biệt nhất là quận Columbia, Washington, một quận nằm trong tiểu bang Washington. Về địa vị chính trị thì Washington, D.C. được xem là tương đương với các tiểu bang của Hoa Kỳ.

Thành phố Washington ban đầu là một đô thị tự quản riêng biệt bên trong Lãnh thổ Columbia cho đến khi một đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ năm 1871 có hiệu lực kết hợp thành phố và lãnh thổ này thành một thực thể duy nhất được gọi là Đặc khu Columbia. Đó là lý do tại sao thành phố này trong khi có tên gọi chính thức là Đặc khu Columbia lại được biết với tên gọi là Washington, D.C., có nghĩa là thành phố Washington, Đặc khu Columbia. Thành phố nằm bên bờ bắc sông Potomac và có ranh giới với tiểu bang Virginia ở phía tây nam và tiểu bang Maryland ở các phía còn lại. Tuy đặc khu này có dân số 591.833 người nhưng do nhiều người di chuyển ra vào từ các vùng ngoại ô lân cận nên dân số thực tế lên đến trên 1 triệu người trong suốt tuần làm việc. Vùng đô thị Washington, bao gồm cả thành phố, có dân số 5,3 triệu người là vùng đô thị lớn thứ 8 tại Hoa Kỳ.

Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc/2

Dãy núi Cascade (IPA: kæsˈkeɪd) là một dãy núi chính ở phía tây Bắc Mỹ kéo dài từ phía nam tỉnh bang British Columbia của Canada chạy qua hai tiểu bang WashingtonOregon rồi đến Bắc California. Nó bao gồm cả các núi không phải là núi lửa như các ngọn núi hình chóp nhọn gồ ghề của Bắc Cascade (North Cascades) và các núi lửa nổi tiếng có tên chung là Thượng Cascade (High Cascades). Một phần nhỏ của dãy núi ở British Columbia được gọi là Cascade Canada (Canadian Cascades) hay Các núi Cascade (Cascade Mountains); tên gọi thứ hai đôi khi cũng được cư dân tiểu bang Washington dùng để chỉ phần dãy núi Cascade ở tiểu bang này, thay cho tên gọi Bắc Cascade, là tên thông dụng hơn ở Mỹ như trong cụm từ công viên quốc gia Bắc Cascade.

Dãy núi Cascade là bộ phận của vành đai lửa Thái Bình Dương, một vành đai gồm các núi lửa và những ngọn núi có liên quan ở quanh Thái Bình Dương. Tất cả các vụ phun trào núi lửa được biết đến trong lịch sử tại Hoa Kỳ Lục địa là từ các núi lửa của dãy núi Cascade. Hai vụ phun trào núi lửa gần nhất là tại đỉnh Lassen từ năm 1914 đến năm 1921 và một lần phun trào núi lửa chính của núi St. Helens năm 1980. Những lần phun trào nhỏ của núi St. Helens cũng đã xảy ra, gần đây nhất là vào năm 2006.

Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc/3

Sông Columbia (còn được biết đến là Wimahl hay sông Big (sông lớn) đối với người Mỹ bản địa nói tiếng Chinook sống trên những khu vực thấp nhất gần dòng sông) là con sông lớn nhất vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của Bắc Mỹ. Nó được đặt theo tên của Columbia Rediviva, con tàu đầu tiên từ thế giới phương tây được ghi nhận đã du hành lên dòng sông này. Dòng sông kéo dài từ tỉnh bang British Columbia của Canada đi qua tiểu bang Washington của Hoa Kỳ; hình thành phần lớn ranh giới giữa tiểu bang Washington và Oregon trước khi đổ ra Thái Bình Dương. Con sông dài 2.000 km (1.243 dặm Anh), và lưu vực nhận nước là 668.217 km² (258.000 dặm vuông).

Tính theo lưu lượng nước, sông Columbia là con sông lớn nhất chảy vào Thái Bình Dương từ Bắc Mỹ và là con sông lớn thứ tư tại Hoa Kỳ. Dòng nước mạnh của sông và độ cao đổ xuống lớn trên một đoạn đường tương đối ngắn làm cho nó có tiềm năng rất lớn để sản xuất điện năng. Sông Columbia là con sông sản xuất thủy điện lớn nhất Bắc Mỹ với 14 đập thủy điện tại Hoa KỳCanada.

Sông Columbia và các sông nhánh của nó là nơi sinh sống của vô số các loại cá di cư giữa các sông nhánh nước ngọt nhỏ và Thái Bình Dương. Các loài cá này - đặc biệt là những loài thuộc nhiều nhóm cá hồi khác nhau - đã và đang là phần quan trọng của hệ sinh thái sông và kinh tế địa phương trong hàng ngàn năm qua.

Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc/4

Casablanca là một bộ phim tâm lý Mỹ của đạo diễn Michael Curtiz được công chiếu năm 1942. Dàn diễn viên của phim gồm hai ngôi sao hàng đầu của HollywoodHumphrey BogartIngrid Bergman cùng các diễn viên Paul Henreid, Claude Rains, Conrad Veidt, Sydney GreenstreetPeter Lorre. Lấy bối cảnh giai đoạn đầu Thế chiến thứ hai, Casablanca đề cập tới số phận của những người do cuộc chiến mà phải mắc kẹt lại tại thành phố biển Casablanca, Maroc lúc này thuộc quyền quản lý của chính quyền Vichy Pháp thân Đức Quốc xã. Trung tâm của bộ phim là Rick Blaine (do Bogart thủ vai), một chủ quán bar bị giằng xé bởi lựa chọn khó khăn giữa tình yêu của anh dành cho Ilsa Lund (do Bergman thủ vai) và trách nhiệm giúp cô cùng chồng là Victor Laszlo (do Henreid thủ vai), một lãnh tụ kháng chiến người Tiệp Khắc thoát khỏi Maroc để tới Hoa Kỳ.

Mặc dù là một bộ phim có đầu tư lớn với dàn diễn viên nhiều ngôi sao cùng đội ngũ sản xuất tên tuổi, không ai trong đoàn làm phim tin rằng nó sẽ trở thành một sản phẩm vượt trội so với hàng chục bộ phim Hollywood khác được sản xuất cùng năm. Được đưa ra rạp công chiếu sớm nhằm tận dụng sự kiện quân Đồng minh tấn công Bắc Phi, bộ phim được coi là một thành công về doanh thu cũng như về mặt nghệ thuật khi giành được ba giải Oscar trong đó có giải quan trọng Phim hay nhất. Trải qua thời gian, bộ phim tiếp tục được đánh giá cao và nó được coi là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hollywood với nhiều câu thoại, hình tượng nhân vật và phần nhạc phim đã trở thành mẫu mực trong lịch sử điện ảnh. Hơn 60 năm sau ngày công chiếu đầu tiên, Casablanca vẫn thường xuyên đứng ở nhóm đầu trong các bảng xếp hạng những bộ phim hay nhất trong lịch sử.

Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc/5

Quốc hội Hoa Kỳ là cơ quan lập pháp của chính quyền liên bang Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ. Là một định chế quyền lực theo mô hình lưỡng viện, gồm Viện Dân biểu (House of Representatives) hay Hạ Nghị viện, và Thượng Nghị viện (Senate). Viện Dân biểu có 435 thành viên, mỗi dân biểu đại diện cho một khu quốc hội, phục vụ trong nhiệm kỳ hai năm. Số dân biểu đại diện cho mỗi tiểu bang được ấn định theo tỷ lệ dân số. Ngược lại, tại Thượng viện, số thượng nghị sĩ đại diện cho mỗi tiểu bang là hai người, không tính theo tỷ lệ dân số. Như vậy có tổng cộng 100 thượng nghị sĩ, phục vụ theo nhiệm kỳ sáu năm. Thành viên của cả hai viện đều được người dân bầu trực tiếp. Tại một số bang, thống đốc có quyền bổ nhiệm thượng nghị sĩ tạm quyền khi có chỗ khuyết giữa nhiệm kỳ.

Hiến pháp dành cho Quốc hội quyền lập pháp liên bang; các quyền này được liệt kê rõ ràng trong hiến pháp; những quyền hạn khác được dành cho tiểu bang hay nhân dân, trừ khi có ấn định nào khác trong hiến pháp. Quyền lực to lớn của quốc hội bao gồm thẩm quyền ban hành các văn bản pháp quy trong lãnh vực thương mại giữa các tiểu bang và với nước ngoài, đánh thuế, thiết lập các toà án trực thuộc Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, duy trì quân lực và tuyên chiến. Trong qui trình thông qua các dự luật, cả hai viện có quyền ngang bằng nhau. Thượng viện Hoa kỳ không chỉ đơn giản là "một thiết chế kiểm tra" như một số định chế tương tự trong hệ thống lập pháp lưỡng viện tại nhiều quốc gia khác.

Cả hai viện đều đặt trụ sở tại Điện Capitol, Washington, D.C..

Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc/6

Đảng Dân chủ Hoa Kỳ (tiếng Anh: Democratic Party), cùng với Đảng Cộng hòa, là một trong hai chính đảng lớn nhất tại Hoa Kỳ. Đảng Dân chủ, truy nguyên nguồn gốc của mình đến thời Thomas Jefferson vào đầu thập niên 1790, là đảng chính trị lâu đời nhất tại Hoa Kỳ, cũng là một trong số các chính đảng lâu đời nhất thế giới.

Từ năm 1896, Đảng Dân chủ có khuynh hướng tự do hơn Đảng Cộng hòa. Bên trong đảng Dân chủ tồn tại nhiều khuynh hướng khác nhau hơn so với những chính đảng quan trọng tại các quốc gia đã công nghiệp hóa khác, một phần là vì các chính đảng của người Mỹ thường không có đủ quyền lực để kiểm soát đảng viên của mình như các đảng chính trị tại nhiều nước khác, phần khác là vì hệ thống chính trị tại Hoa Kỳ không theo thể chế đại nghị.

Năm 2004, Đảng Dân chủ là chính đảng lớn nhất nước Mỹ, giành được sự ủng hộ của 72 triệu cử tri (42,6% của tổng số 169 triệu cử tri đăng ký). Kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2008, các nghị sĩ Đảng Dân chủ chiếm đa số trong Quốc hội khóa 111: chiếm thế đa số ở Viện Dân biểu, và cùng hai nghị sĩ độc lập, là thành phần đa số tại Thượng viện. Đa số thống đốc tiểu bang là đảng viên Dân chủ. Tổng thống đương nhiệm là Barack Obama, một thành viên đảng Dân chủ.


Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc/7

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (cũng được gọi là Tòa án Tối cao Hoa Kỳ; tiếng Anh: Supreme Court of the United States, đôi khi viết tắt SCOTUS hay USSC) là toà án liên bang cao nhất tại Hoa Kỳ, có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp Hoa Kỳ, và có tiếng nói quyết định trong các tranh tụng về luật liên bang, cùng với quyền tài phán chung thẩm (có quyền tuyên bố các đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ và của các Viện lập pháp tiểu bang, hoặc các hoạt động của nhánh hành pháp liên bang và tiểu bang là vi hiến). Nhận xét về những đặc quyền này, thẩm phán tối cao pháp viện Robert H. Jackon đã thốt lên câu nói trứ danh, "Chúng ta có thẩm quyền tối hậu, không phải vì chúng ta không bao giờ sai lầm, mà chúng ta không bao giờ sai lầm vì chúng ta có thẩm quyền tối hậu."

Là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp trong chính quyền Hoa Kỳ, Tối cao Pháp viện là tòa án duy nhất được thiết lập bởi Hiến pháp. Tất cả tòa án liên bang khác được thành lập bởi quốc hội. Thẩm phán tòa tối cao (hiện nay có chín người) được bổ nhiệm trọn đời bởi tổng thống và được phê chuẩn bởi Thượng viện. Một trong chín thẩm phán được chọn để trở nên Chủ tịch Pháp viện hay Chánh Án (Chief Justice).

Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc/8

Tổng thống Hoa Kỳnguyên thủ quốc gia (head of state) và cũng là người đứng đầu chính phủ (head of government) Hoa Kỳ. Đây là viên chức chính trị cao cấp nhất về mặt ảnh hưởng và được công nhận như vậy tại Hoa Kỳ. Tổng thống lãnh đạo ngành hành pháp của chính phủ liên bang Hoa Kỳ và là một trong hai viên chức liên bang duy nhất được toàn quốc Hoa Kỳ bầu lên (người kia là Phó Tổng thống Hoa Kỳ).

Trong số những trách nhiệm và quyền hạn khác, Điều khoản II Hiến pháp Hoa Kỳ giao cho Tổng thống hành xử một cách trung thành luật liên bang, đưa Tổng thống vào vai trò tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, cho phép Tổng thống đề cử các viên chức tư pháp và hành pháp với sự góp ý và ưng thuận của Thượng viện và cho phép Tổng thống ban lệnh ân xá.

Tổng thống được dân chúng bầu lên một cách gián tiếp thông qua Đại cử tri đoàn trong một nhiệm kỳ bốn năm. Kể từ năm 1951, các Tổng thống Hoa Kỳ chỉ được phục vụ giới hạn hai nhiệm kỳ theo Tu chính án 22, Hiến pháp Hoa Kỳ.

Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc/9

Tượng Nữ thần Tự do (tiếng Anh: Statue of Liberty; tiếng Pháp: Statue de la Liberté), tên đầy đủ là Nữ thần Tự do soi sáng thế giới (La Liberté éclairant le monde), là một tác phẩm điêu khắc theo phong cách tân cổ điển kích thước lớn được đặt trên Đảo Liberty trong cảng New York. Tác phẩm do kiến trúc sư Frédéric Bartholdi thiết kế, và được khánh thành vào ngày 28 tháng 10 năm 1886, là một món quà của nhân dân Pháp tặng cho nước Mỹ. Tượng Nữ thần Tự do thể hiện một người phụ nữ mặc áo choàng, tiêu biểu cho Libertas, nữ thần tự do của La Mã, cầm ngọn đuốc và một tấm bảng nhỏ có khắc ngày độc lập của Hoa Kỳ. Bức tượng này đã trở thành biểu tượng mẫu mực của sự tự do và cũng như của Hoa Kỳ.

Kiến trúc sư Bartholdi lấy cảm hứng từ một lời nói của chính trị gia kiêm giáo sư luật học người Pháp, Édouard René de Laboulaye vào năm 1865 rằng bất cứ tượng đài nào được dựng lên để đánh dấu ngày độc lập của Hoa Kỳ thì cũng nên là một dự án chung của nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ. Vì tình hình chính trị xáo trộn tại Pháp, công việc tiến hành dự án đã không được khởi sự cho đến đầu thập niên 1870. Năm 1875, Laboulaye đề nghị rằng người Pháp tài trợ cho bức tượng và người Mỹ cung cấp nơi đặt tượng và làm bệ tượng.

Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc/10 Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc/10


Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc/11 Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc/11


Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc/12 Cổng thông tin:Hoa Kỳ/Bài viết chọn lọc/12