Cổng thông tin:Châu Âu/Bài chọn lọc/thứ Năm
Vương quốc Thụy Điển (ⓘ bằng tiếng Thụy Điển) là một nước Bắc Âu giáp Na Uy ở phía Tây và Phần Lan ở phía Đông, nối với Đan Mạch bằng cầu Öresund ở phía Nam, phần biên giới còn lại giáp Biển Baltic và Biển Kattegat.
Với diện tích 450.295 km², Thụy Điển là nước lớn thứ ba trong Liên minh châu Âu, với dân số 9.2 triệu người. Thụy Điển có mật độ dân số thấp với 21 người/ km² nhưng lại tập trung cao ở nửa phía Nam của đất nước. Khoảng 85% dân số sống ở thành thị và theo dự đoán con số này sẽ tăng dần vì quá trình đô thị hóa đang diễn ra. Thủ đô của Thụy Điển là Stockholm, đây cũng là thành phố lớn nhất nước.
Đất nước Thụy Điển độc lập và thống nhất nổi lên vào thời Trung Cổ. Vào thế kỷ 17 Thụy Điển mở rộng lãnh thổ và tạo nên Đế quốc Thụy Điển. Hầu hết lãnh thổ ngoài bán đảo Scandivia bị mất vào thế kỷ 18 và 19. Nửa phía Đông của Thụy Điển, Phần Lan ngày nay, rơi vào tay Đế quốc Nga năm 1809. Cuộc chiến tranh cuối cùng Thụy Điển tham gia trực tiếp vào năm 1814, khi Thụy Điển sử dụng quân sự ép Na Uy nhập vào Liên minh Thụy Điển và Na Uy, một liên minh tồn tại đến tận năm 1905. Kể từ đó, Thụy Điển là một nước hòa bình, áp dụng chính sách đối ngoại không liên kết vào thời bình và chính sách trung lập thời chiến.
Ngày nay, Thụy Điển là một nước quân chủ lập hiến với thể chế đại nghị và một nền kinh tế phát triển cao. Thụy Điển đứng đầu về chỉ số dân chủ trên thế giới theo tạp chí The Economist và đứng thứ bảy trong Liên hiệp quốc về chỉ số phát triển con người. Thụy Điển là thành viên của Liên minh châu Âu vào năm 1995 và là thành viên của OECD.