Cổng thông tin:Châu Âu/Bài chọn lọc/thứ Ba
Cộng hòa Séc (tiếng Séc: Česká republika; ⓘ) là một quốc gia thuộc khu vực Trung Âu và không giáp biển. Cộng hòa Séc giáp Ba Lan về phía bắc, giáp Đức về phía tây, giáp Áo về phía nam và giáp Slovakia về phía đông. Theo số liệu tháng 7 năm 2007, dân số Cộng hòa Séc là 10.228.744 người, mật độ dân số khoảng 130 người/km².
Lãnh thổ Cộng hòa Séc ngày nay bao gồm các vùng đất đã từng tồn tại trong lịch sử là Bohemia, Moravia và một phần Silesia. Séc trở thành một bộ phận của Đế chế Áo và Đế chế Áo-Hung trong nhiều thế kỉ cho đến năm 1918, khi Séc cùng với Slovakia tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Tiệp Khắc. Trong Thế chiến thứ hai, Tiệp Khắc bị phát xít Đức chiếm đóng. Sau đó, nước này trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa cho đến năm 1989 khi cuộc Cách mạng Nhung yên bình diễn ra, đưa đất nước trở về tiến trình dân chủ. Ngày 1 tháng 1 năm 1993, một cuộc chia ly êm thắm đã diễn ra, Tiệp Khắc lại tách thành hai nước là Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia.
Cộng hòa Séc là một quốc gia đa đảng theo chế độ dân chủ nghị viện. Tổng thống là người đứng đầu nhà nước, còn thủ tướng là người đứng đầu chính phủ. Quốc hội có hai viện gồm thượng viện và hạ viện. Cộng hòa Séc đã gia nhập NATO vào năm 1999 và trở thành một thành viên của Liên minh Châu Âu từ năm 2004. Ngày 21 tháng 12 năm 2007, Cộng hòa Séc đã thông qua Hiệp ước Schengen, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và du lịch vào nước này.
Mối quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Séc và Việt Nam được duy trì và phát triển từ mối quan hệ giữa Tiệp Khắc và Việt Nam (thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2 tháng 2 năm 1950)