Cổng thông tin:Âm nhạc Việt Nam/Bài viết chọn lọc

Bài viết chọn lọc




Viết Tân là một phòng thu đặt tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, thành lập vào năm 1992. Đây là nơi mà rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam đến và thực hiện các dự án âm nhạc của mình. Viết Tân đã nhận được Giải thưởng Làn Sóng Xanh cho hạng mục Phòng thu có nhiều ca khúc được yêu thích nhất từ năm 2001 đến năm 2008.

Phạm Viết Tấn khởi nghiệp là một chuyên viên về âm thanh sân khấu. Từ khi chưa đầy hai mươi tuổi cho đến sau Sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông làm việc cho các đoàn ca nhạc cũng như tự bồi dưỡng kiến thức về âm học và kỹ thuật thu âm bằng phương pháp thử-sai. Đến năm 1989, ông giúp Tư Lợi, một người bạn của ông và là chủ của phòng thu Kim Lợi thực hiện một số sản phẩm trong phòng thu. Năm 1992, ông tách ra và xây dưng phòng thu tại gia ở đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Phòng thu Viết Tân do chính ông và thợ thiết kế xây dựng. Vào thời gian đầu, phòng thu Viết Tân chỉ là một phòng với diện tích khoảng 5x5m. Những sản phẩm đầu tiên ra đời là cassette và sau đó là CD. (đọc thêm...)



Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến là một giải thưởng âm nhạc của Việt Nam do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức. Đây là giải thưởng tôn vinh uy tín và có quy mô lớn của làng nhạc nhẹ Việt Nam, được coi là một giải "Grammy" của nhạc Việt.

Năm 2004, lễ trao giải lần đầu tiên được tổ chức song chưa được gọi là giải Cống hiến (sau này được gọi là tiền Cống hiến). Giải thưởng chính thức được trao từ năm 2005 và được gọi là Giải Cống hiến 1. Giải Cống hiến quan tâm nhiều tới hoạt động của các nghệ sĩ trong suốt một năm chẵn hoạt động qua các chương trình, album, dự án âm nhạc,... Tính uy tín của giải thưởng tới từ việc các hạng mục được bình chọn từ lá phiếu của báo chí cả nước với tính công khai, minh bạch cao. Thông thường, danh sách chi tiết các đề cử được báo Thể thao & Văn hóa công bố trong một buổi họp báo lớn trước khi có một đêm gala quy tụ các nghệ sĩ vào đầu năm mới. (đọc thêm...)



Giải Mai Vàng là một giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh những nghệ sĩ đã có những đóng góp tích cực cho các hoạt động văn hóa nghệ thuậtViệt Nam do báo Người lao động tổ chức từ năm 1995. Tiền thân của Giải Mai Vàng là giải thưởng Bình chọn Văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm ra đời vào năm 1991.

Năm 1991, Tổng biên tập báo Người lao động lúc bấy giờ là ông Phan Hồng Chiến muốn có những hoạt động bên lề nhằm quảng bá thương hiệu của tờ báo đến với công chúng cũng như thu hút sự quan tâm của giới nghệ sĩ. Dựa theo ý tưởng đó, Trưởng phòng Văn hóa Nghệ thuật của tờ báo lúc bấy giờ, nhà báo - nhạc sĩ Vũ Hoàng, đã đề xuất tổ chức giải thưởng Bình chọn Văn nghệ sĩ được yêu thích nhất trong năm dành cho độc giả của báo. Và giải thưởng đầu tiên đã được tổ chức vào những tháng cuối năm 1991, lễ trao giải tổ chức ngay tại sân sau cơ quan của tòa báo với khoảng 500 khán giả. (đọc thêm...)



Cải lương là một loại hình kịch hát có nguồn gốc từ miền Nam Việt Nam, hình thành trên cơ sở dân ca miền đồng bằng sông Cửu Longnhạc tế lễ. Giải thích chữ "cải lương" (改良) theo nghĩa Hán Việt, giáo sư Trần Văn Khê cho rằng: "cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn", thể hiện qua sân khấu biểu diễn, đề tài kịch bản, nghệ thuật biểu diễn, dàn nhạc và bài bản. Ở đây là đã cải lương (cải cách, đổi mới) nghệ thuật hát bội. Từ một động từ theo nghĩa thông thường đã trở thành một danh từ riêng. Sau khi cải lương thì nghệ thuật Cải Lương đã khác hẳn với nghệ thuật hát bội cả về nội dung và hình thức.

Về thời gian ra đời, theo Vương Hồng Sển: tuy "có người cho rằng cải lương đã manh nha từ năm 1916, hoặc là 1918", nhưng theo ông thì kể từ ngày 16 tháng 11 năm 1918, khi tuồng Gia Long tẩu quốc được công diễn tại Nhà Hát Tây Sài Gòn, cách hát mới lạ này mới "bành trướng không thôi, mở đầu cho nghề mới, lấy đờn ca và ca ra bộ ra chỉnh đốn, thêm thắt mãi, vừa canh tân, vừa cải cách...nên cải lương hình thành lúc nào cũng không ai biết rõ..." (đọc thêm...)



Sao Mai điểm hẹn là một cuộc thi ca nhạc truyền hình được VTV3 tổ chức hai năm một lần bắt đầu từ năm 2004. Đây là một trong hai cuộc thi hát lớn của Đài Truyền hình Việt Nam, cuộc thi còn lại là Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc hay còn gọi là giải Sao Mai được tổ chức vào các năm lẻ. Theo thông lệ từ năm 2005 thì các thí sinh giành giải Nhất, Nhì và Ba trong cuộc thi Sao Mai phong cách nhạc nhẹ sẽ được đặc cách vào vòng chung kết của giải Sao Mai điểm hẹn năm kế tiếp.

Các thí sinh tham gia Sao Mai điểm hẹn sẽ phải trải qua vòng hồ sơ và thử giọng trước khi bước vào vòng sơ loại (được tổ chức tại hai khu vực phía Bắc và phía Nam). Từ vòng thử giọng này, 12 thí sinh (bao gồm cả các thí sinh đặc cách do đoạt giải Sao Mai năm trước đó) sẽ được lựa chọn vào vòng chung kết. Vòng chung kết của Sao Mai điểm hẹn bao gồm hai vòng. Trong vòng 1 các thí sinh sẽ biểu diễn lần lượt trong 4 đêm nhạc tự chọn, pop, rock, dance (hoặc hip hop, R&B). (Đọc thêm...)



Đàn bầu, tên chữ là độc huyền cầm (獨絃琴), là loại đàn một dây của người Việt, thanh âm phát ra nhờ sử dụng que hay miếng gảy vào dây. Dựa theo cấu tạo của hộp cộng hưởng, đàn bầu chia hai loại là đàn thân tre và đàn hộp gỗ. Đàn bầu có mặt phổ biến ở các dàn nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam. Các nhạc sĩ Việt Nam đã biên soạn và chuyển soạn một số tác phẩm dạng concerto để nghệ sĩ sử dụng đàn bầu trình tấu cùng với dàn nhạc giao hưởng thính phòng như Vì Miền Nam, Ru con, Tình ca... Đàn bầu không chỉ được người Việt Nam ưa thích mà còn được nhiều khán-thính giả trên thế giới hâm mộ.

Giới nghiên cứu âm nhạc hiện nay chưa tìm ra thời điểm xuất hiện đàn bầu. Theo Tân Đường thư quyển 222, Liệt truyện 147: Nam Man hạ thì trong số các nhạc cụ do nước Phiếu (Phiếu, cổ Chu Ba dã, tự hào Đột La Chu, Đồ Bà quốc nhân viết Đồ Lí Chuyết. Tại Vĩnh Xương nam 2.000 lí, khứ kinh sư 14.000 lí. Đông lục Chân Lạp, tây tiếp Đông Thiên Trúc, tây nam Đọa Hòa La, nam chúc hải, bắc Nam Chiếu. Địa trường 3000 lí, quảng 5000 lí...) dâng lên vua Đường (niên hiệu Trinh Nguyên (785-805) thời Đường Đức Tông) đã thấy xuất hiện độc huyền bào cầm (đàn bầu một dây). (Đọc thêm...)



Đàn đá (các dân tộc ở Tây Nguyên, Việt Nam gọi là goong lu, đọc là goòng lú, tức "đá kêu như tiếng cồng") là một nhạc cụ gõ cổ nhất của Việt Nam và là một trong những loại nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người. Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng khác nhau. Thanh đá dài, to, dày có âm vực trầm trong khi thanh đá ngắn, nhỏ, mỏng thì tiếng thanh. Người xưa sử dụng vài loại đá có sẵn ở vùng núi Nam Trung BộĐông Nam Bộ để tạo ra nhạc cụ này. Đàn đá đã được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.

Năm 1949, những người phu làm đường phát hiện tại Ndut Liêng Krak, Đăk Lăk, Tây Nguyên một bộ 11 thanh đá xám có dấu hiệu ghè đẽo bởi bàn tay con người, kích thước từ to đến nhỏ trong đó thanh dài nhất 101,7 cm nặng 11,210 kg; thanh ngắn nhất 65,5 cm nặng 5,820 kg. Phát hiện này được báo cho Georges Condominas, một nhà khảo cổ người Pháp làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ. (Đọc thêm...)



Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc (từ mùa giải 2001 còn được gọi tắt là giải Sao Mai) là một cuộc thi ca nhạc truyền hình được tổ chức hai năm một lần và phát trực tiếp trên sóng đài truyền hình Việt Nam. Đây là cuộc thi hát được coi là quy mô nhất và danh giá nhất của Đài Truyền hình Việt Nam. Giải Sao Mai được tổ chức thường niên vào các năm lẻ, bắt đầu từ năm 1997.

Ở giải Sao Mai, các thí sinh đăng ký tham gia theo 3 phong cách biểu diễn: thính phòng, dân gian và nhạc nhẹ. Thí sinh Sao Mai phải qua các vòng thi cấp tỉnh do đài truyền hình tỉnh thực hiện, Mỗi tỉnh sẽ được chọn tối đa 03 thí sinh về tham dự Chung kết khu vực. Riêng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh số thí sinh sẽ do BTC quyết định. Từ chung kết khu vực (Bắc - Trung - Nam) sẽ do đài truyền hình Việt Nam thực hiện. Thông thường chung kết cấp khu vực có 18 thí sinh tham ở 3 thể loại dòng nhạc. Kết quả mỗi khu vực thường chọn ra 9 thí sinh của 3 dòng nhạc để đi tiếp vào chung kết toàn quốc. (đọc thêm...)



Đường xa vạn dặm (tựa Anh: The Road to Infinity) là dự án âm nhạc của nhạc sĩ Quốc Trung cùng ban nhạc Phương Đông. Đây chính là chương trình trình diễn phong cách world music đầu tiên ở Việt Nam, kết hợp âm nhạc điện tử phương Tây với chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống của Việt Nam như chèo, xẩm, quan họ, hò Huế, ca trù.

Dự án được trình diễn lần đầu tại Tokyo, có cả sự có mặt của hoàng tử và công chúa Nhật Bản và cuối đêm diễn 100 đĩa CD đã được bán hết. Sau đó, Quốc Trung cùng ban nhạc đã chính thức mang chương trình tới công chúng Việt Nam qua 2 đêm diễn ngày 13 và 14 tháng 3 năm 2004 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong buổi trình diễn đó, Quốc Trung đã giới thiệu cho công chúng 9 nhạc phẩm được anh "sáng tác" theo thể loại world music – một dòng nhạc chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. 'Đường xa vạn dặm' được xây dựng dựa trên tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ. Từ cốt truyện xưa, Quốc Trung sáng tạo thành 9 chương ("Hạc trong sương", "Đào liễu", "Ngồi tựa song đào", "Vọng nguyệt", "Lưu lạc", "Dòng sông một bờ", "Chiếc bóng", "Độc thoại" và "Đường xa vạn dặm") dựa trên các thể loại âm nhạc dân tộc, kể về từng giai đoạn thăng trầm của nhân vật. (đọc thêm...)



Cổng thông tin:Âm nhạc Việt Nam/Bài viết chọn lọc/10



Cổng thông tin:Âm nhạc Việt Nam/Bài viết chọn lọc/11



{{{1}}}