Cái Răng

Quận nội thành thuộc thành phố Cần Thơ

Cái Răng là một quận nội thành thuộc thành phố Cần Thơ, Việt Nam. Quận được thành lập theo nghị định số 05/2004/NĐ-CP ngày 2 tháng 1 năm 2004 của Chính phủ Việt Nam[1]. Là quận nội thành nằm ở vị trí cửa ngõ của thành phố, có Quốc lộ 1 đi qua, ngay từ khi mới thành lập, quận Cái Răng đã được xem là trọng điểm phát triển kinh tế của thành phố Cần Thơ. Là đầu mối giao thông, giáo dục, công nghiệp, thương mại, cảng logistics quan trọng.

Cái Răng
Quận
Quận Cái Răng
Tuyến QL1 và QL91 (Nam Sông Hậu) nhìn từ trên cao
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Cửu Long
Thành phốCần Thơ
Trụ sở UBND126 Mai Chí Thọ, phường Phú Thứ
Phân chia hành chính7 phường
Thành lập2/1/2004[1]
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDNguyễn Quốc Cường
Chủ tịch HĐNDLê Đức Toàn
Bí thư Quận ủyNguyễn Văn Sử
Địa lý
Tọa độ: 9°59′57″B 105°46′56″Đ / 9,99917°B 105,78222°Đ / 9.99917; 105.78222
MapBản đồ quận Cái Răng
Cái Răng trên bản đồ Việt Nam
Cái Răng
Cái Răng
Vị trí quận Cái Răng trên bản đồ Việt Nam
Diện tích63,18 km²
Dân số (2022)
Tổng cộng141.822 người[2]
Thành thị100%
Mật độ2.244 người/km²
Dân tộcKinh, Hoa, Khmer
Khác
Mã hành chính919[3]
Biển số xe65-C1, 65-M1, 65-BA (cũ), 65-AA
Websitecairang.cantho.gov.vn

Từ thời Pháp thuộc cho đến năm 1975, Cái Răng là tên gọi nơi đặt quận lỵ quận Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ và sau đó là tỉnh Phong Dinh thời Việt Nam Cộng hòa. Lúc bấy giờ, Cái Răng về mặt hành chánh vẫn thuộc địa bàn xã Thường Thạnh. Từ năm 1975, thị trấn Cái Răng chính thức được thành lập và trở thành đơn vị hành chánh cấp xã trực thuộc huyện Châu Thành. Trước năm 2004, Cái Răng vốn là thị trấn huyện lỵ của huyện Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ cũ. Từ năm 2004, huyện Châu Thành thuộc về tỉnh Hậu Giang, đồng thời huyện lỵ cũng được dời về thị trấn Ngã Sáu.

Như vậy, Cái Răng chính thức trở thành một quận thuộc thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương từ năm 2004. Ngoài ra, thị trấn Cái Răng cũ cũng được chuyển thành phường Lê Bình. Hiện nay, trung tâm hành chính quận Cái Răng đã được dời về phường Phú Thứ, Cái Răng.

Nguồn gốc tên gọi

sửa

Theo truyền thuyết, tên gọi Cái Răng xuất phát từ câu chuyện hồi đầu thời khẩn hoang, có con cá sấu rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào miệng đất này. Tuy nhiên, trong cuốn Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển cho biết: Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer "karan" nghĩa là "cà ràng" (ông táo). Người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn) làm rất nhiều karan đi bán khắp nơi. Lâu dần, mọi người phát âm karan thành Cái Răng.

Cà ràng hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi. Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn, và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi: "Krôk kran: rạch Cái Răng, nay cứ lấy điển này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và "karan" chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm "karan" biến ra "Cái Răng" rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn. (Vương Hồng Sển)

Địa lý

sửa
 
Chợ nổi Cái Răng

Quận Cái Răng nằm ở phía nam nội thành của thành phố Cần Thơ, có vị trí địa lý:

Quận Cái Răng có diện tích 62,53 km², dân số năm 2019 là 105.393 người, mật độ dân số đạt 1.685 người/km².[2]. Đây là quận có dân số ít nhất thành phố.

Lịch sử

sửa

Thời phong kiến

sửa

Vào thời nhà Nguyễn độc lập, vùng đất quận Cái Răng ngày nay bao gồm địa bàn các thôn Tân Thạnh Đông, Thường Thạnh, Trường Thạnh, Đông Phú và một phần thôn Tân An. Trong đó, phần đất thuộc thôn Tân An lúc bấy giờ ngày nay thuộc địa bàn các phường Hưng Phú và Hưng Thạnh. Ngoại trừ thôn Đông Phú thuộc tổng Định An, các thôn còn lại cùng thuộc tổng Định Bảo. Ban đầu, hai tổng Định An và Định Bảo cùng thuộc huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), hai tổng này lại chuyển sang thuộc sự quản lý của huyện Phong Phú, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Lúc bấy giờ, ngoài việc gọi theo địa danh hành chính chính thức, thôn Tân An còn được gọi bằng địa danh tên Nôm phổ biến hơn là "Cần Thơ", còn thôn Thường Thạnh được gọi bằng địa danh tên Nôm là "Cái Răng".

Thời Pháp thuộc

sửa

Sau khi chiếm hết được các tỉnh Nam Kỳ vào năm 1867, thực dân Pháp dần xóa bỏ tên gọi tỉnh An Giang cùng hệ thống hành chính phủ huyện cũ thời nhà Nguyễn, đồng thời đặt ra các hạt Thanh tra. Ngày 1 tháng 1 năm 1868, Thống đốc Nam Kỳ là Bonard quyết định đặt huyện Phong Phú thuộc hạt Sa Đéc, đồng thời lập Toà Bố tại Sa Đéc. Hạt Sa Đéc (phủ Tân Thành) đặt lỵ sở tại Sa Đéc gồm có 3 huyện: Vĩnh An, An Xuyên và Phong Phú. Vào thời điểm này ở huyện Phong Phú có 5 chợ chính là: Cần Thơ, Ô Môn, Bình Thủy, Trà Niềng và Cái Răng.

Ngày 30 tháng 4 năm 1872, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định sáp nhập huyện Phong Phú với vùng Bắc Tràng (thuộc phủ Lạc Hóa, tỉnh Vĩnh Long trước đây) để lập thành hạt mới lấy tên là hạt Trà Ôn, đặt Toà Bố tại Trà Ôn. Một năm sau, Toà Bố từ Trà Ôn lại dời về Cái Răng. Ngày 5 tháng 1 năm 1876, các thôn đổi thành làng. Ngày 23 tháng 2 năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định mới lấy huyện Phong Phú và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành để lập hạt tham biện Cần Thơ với thủ phủ là Cần Thơ.

Chính quyền thực dân Pháp về sau đã đổi tên gọi các đơn vị hành chính cấp hạt theo địa điểm đóng trụ sở. Đặc biệt, lúc bấy giờ từ việc địa danh "Cần Thơ" ban đầu chỉ là tên gọi trong dân gian để chỉ vùng đất thôn Tân An dọc theo con sông Cần Thơ, chính quyền thực dân Pháp đã chính thức hóa tên gọi "Cần Thơ" bằng những văn bản hành chính để chỉ địa danh cấp hạt và sau này là cấp tỉnh ở xứ Nam Kỳ: "hạt Cần Thơ", "tỉnh Cần Thơ". Ngoài ra, tên gọi nơi đặt lỵ sở hạt và sau này là tên gọi nơi đặt tỉnh lỵ cũng đều được gọi bằng địa danh "Cần Thơ".

Ngày 1 tháng 1 năm 1900, tất cả các hạt tham biện ở Đông Dương điều thống nhất gọi là "tỉnh", trong đó có tỉnh Cần Thơ. Hai tổng Định Bảo và Định An ban đầu trực thuộc tỉnh Cần Thơ. Cũng về sau, làng Trường Thạnh được đổi tên thành làng Thường Thạnh Đông, đồng thời tách đất làng Đông Phú để thành lập mới làng Phú Thứ và làng Thạnh An. Thời Pháp thuộc, các làng Tân An, Tân Thạnh Đông, Thạnh An, Thường Thạnh và Thường Thạnh Đông cùng thuộc tổng Định Bảo; riêng các làng Phú Thứ và Đông Phú cùng thuộc tổng Định An.

Năm 1913, thực dân Pháp thành lập quận Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ. Từ đó, tổng Định Bảo trực thuộc quận Châu Thành, vốn là nơi đặt tỉnh lỵ tỉnh Cần Thơ. Lúc bấy giờ, làng Tân An vừa đóng hai vai trò là nơi đặt quận lỵ quận Châu Thành và tỉnh lỵ tỉnh Cần Thơ. Năm 1917, quận Phụng Hiệp thuộc tỉnh Cần Thơ được thành lập, lúc này tổng Định An thuộc quận Phụng Hiệp. Năm 1921, tỉnh Cần Thơ có thêm quận Trà Ôn, bao gồm tổng Bình Lễ của quận Cầu Kè chuyển sang và tổng Định An của quận Phụng Hiệp chuyển sang.

Ngày 14 tháng 12 năm 1932, quận Cái Răng thuộc tỉnh Cần Thơ được thành lập trên cơ sở đổi tên từ quận Châu Thành, gồm tổng Định Bảo của quận Châu Thành cũ và tổng Định An của quận Trà Ôn cũ. Tên quận mới được lấy theo tên gọi nơi đặt quận lỵ mới là Cái Răng (thuộc làng Thường Thạnh), còn trước đó quận lỵ quận Châu Thành cũ đặt ngay tại tỉnh lỵ Cần Thơ (thuộc làng Tân An).

Ngày 27 tháng 6 năm 1934, quận Cái Răng được đổi lại tên cũ là quận Châu Thành. Các tổng Định An và Định Bảo cùng thuộc quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Địa bàn làng Tân An khi đó vẫn bao gồm cả vùng đất phía nam sông Cần Thơ, tương đương với các phường Hưng Phú và Hưng Thạnh của quận Cái Răng ngày nay. Về sau, thực dân Pháp cũng hợp nhất ba làng Tân Thạnh Đông, Phú Lợi và Thạnh Mỹ (cùng thuộc tổng Định Bảo) thành một làng mới lấy tên là làng Tân Phú Thạnh.

Giai đoạn 1956-1976

sửa

Việt Nam Cộng hòa

sửa

Sau năm 1956, các làng gọi là xã. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, theo Sắc lệnh số 143-NV, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh. Lúc này, phần đất nằm ở phía nam sông Cần Thơ vốn trước đó thuộc xã Tân An cũng được tách ra để thành lập mới xã Thuận Đức. Lúc này, các xã Tân Phú Thạnh, Thạnh An, Thường Thạnh, Thường Thạnh Đông cùng thuộc tổng Định Bảo; các xã Đông Phú, Phú Thứ, Tân An, Thuận Đức cùng thuộc tổng Định An. Các tổng Định An và Định Bảo vẫn cùng thuộc quận Châu Thành như cũ.

Sau năm 1965, cấp tổng bị bãi bỏ, các xã trực thuộc quận. Ban đầu, xã Tân An vẫn đóng hai vai trò là nơi đặt quận lỵ quận Châu Thành và tỉnh lỵ Cần Thơ của tỉnh Phong Dinh. Tuy nhiên, về sau quận lỵ quận Châu Thành lại được dời về Cái Răng, về mặt hành chánh thuộc địa bàn xã Thường Thạnh.

Ngày 30 tháng 9 năm 1970, theo Sắc lệnh số 115-SL/NV của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Trần Thiện Khiêm, thị xã Cần Thơ được chính thức tái lập và là thị xã tự trị trực thuộc chính quyền Trung ương Việt Nam Cộng hòa, đồng thời kiêm tỉnh lỵ tỉnh Phong Dinh. Khi đó, toàn bộ xã Thuận Đức được giao cho thị xã Cần Thơ quản lý và được chia lại thành phường Hưng Phú và phường Hưng Thạnh. Hai phường này cùng trực thuộc quận 2 (quận Nhì), thị xã Cần Thơ.

Chính quyền Cách mạng

sửa

Tuy nhiên phía chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi tỉnh Phong Dinh mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Cần Thơ, đồng thời vẫn duy trì thị xã Cần Thơ trực thuộc tỉnh Cần Thơ trong giai đoạn 1956-1972. Lúc bấy giờ, phía chính quyền Cách mạng cũng gọi vùng đất quận Châu Thành thuộc tỉnh Phong Dinh bằng danh xưng là huyện Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ.

Tháng 8 năm 1972, Thường vụ Khu ủy Khu 9 của phía chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt NamViệt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định hình thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Khu 9, là đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng với tỉnh Cần Thơ. Đồng thời, chính quyền Cách mạng vẫn duy trì các đơn vị hành chính cấp quận, phường và khóm bên dưới giống như phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho đến đầu năm 1976.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ vẫn duy trì hai đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Cần Thơthành phố Cần Thơ cho đến đầu năm 1976. Lúc này, ở khu vực thành phố Cần Thơ, chính quyền Cách mạng cho hợp nhất hai phường Hưng Phú và Hưng Thạnh thành phường Thạnh Phú. Bên cạnh đó, ở khu vực huyện Châu Thành thuộc tỉnh Cần Thơ, thị trấn Cái Răng cũng được thành lập do tách đất từ xã Thường Thạnh và trở thành thị trấn huyện lỵ của huyện Châu Thành.

Giai đoạn 1976-2003

sửa

Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ để thành lập tỉnh mới với tên gọi là tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, quận 2 (quận Nhì) cũng bị giải thể, phường Thạnh Phú trực thuộc thành phố do thành phố Cần Thơ lúc này chuyển thành thành phố cấp huyện, trực thuộc tỉnh Hậu Giang. Tháng 12 năm 1976, huyện Châu Thành hợp nhất hai xã Thạnh An và Phú Thứ lại thành xã Phú An.

Ngày 21 tháng 4 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 174-CP[4] về việc chia một số phường xã thuộc thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang. Theo đó, chia phường Thạnh Phú thành 2 đơn vị: phường Hưng Phú và xã Hưng Thạnh cùng trực thuộc thành phố Cần Thơ.

Năm 1989, huyện Châu Thành hợp nhất 2 xã: Thường Thạnh và Thường Thạnh Đông lại thành xã Đông Thạnh.[5]

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết[6] chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Thành phố Cần Thơ và huyện Châu Thành khi đó trở lại cùng thuộc tỉnh Cần Thơ cho đến cuối năm 2003. Trong giai đoạn này, Cái Răng vẫn tiếp tục giữ vai trò là thị trấn huyện lỵ của huyện Châu Thành.

Ngày 6 tháng 11 năm 2000, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 64/2000/NĐ-CP[7] về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành để tái lập huyện Châu Thành A, tỉnh Cần Thơ. Xã Tân Phú Thạnh được giao về cho huyện Châu Thành A quản lý.

Từ năm 2004 đến nay

sửa

Ngày 26 tháng 11 năm 2003, Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11[8] về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang. Địa giới hành chính các huyện Châu Thành và Châu Thành A cũng bị chia tách một phần về thành phố Cần Thơ, phần còn lại thuộc tỉnh Hậu Giang. Theo đó, một phần của huyện Châu Thành, bao gồm: thị trấn Cái Răng; các ấp Thạnh Mỹ, Thạnh Huề, Thạnh Thắng, Yên Hạ và 176 ha diện tích cùng với 2.216 ngưười của ấp Phú Quới thuộc xã Đông Thạnh; các ấp Thạnh Hóa, Thạnh Hưng, Thạnh Thuận, An Hưng, Thạnh Phú, Phú Khánh, Khánh Bình và 254,19 ha diện tích cùng với 1.806 người của ấp Phú Hưng thuộc xã Phú An; các ấp Phú Thành, Phú Thạnh, Phú Thuận, Phú Thuận A và 304,61 ha diện tích cùng với 1.262 người của ấp Phú Lợi thuộc xã Đông Phú; và một phần của huyện Châu Thành A, bao gồm: xã Trường Long; xã Nhơn Ái; xã Nhơn Nghĩa; ấp Tân Thạnh Đông và 84,7 ha diện tích cùng với 640 người của ấp Tân Thạnh Tây thuộc xã Tân Phú Thạnh được giao về cho thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương quản lý. Tỉnh Hậu Giang quản lý phần còn lại của huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A.

 
Cau được trồng bên đường ở phường Thường Thạnh, thuộc quận Cái Răng
 
Chợ Cái Răng (còn gọi là chợ Lê Bình) bên sông Cần Thơ

Ngày 02 tháng 1 năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã ra Nghị định số 05/2004/NĐ-CP[1], về việc thành lập các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và các xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Nội dung về việc thành lập quận Cái Răng và các phường trực thuộc theo Nghị định như sau:

  • Thành lập quận Cái Răng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của phường Hưng Phú, xã Hưng Thạnh (thuộc thành phố Cần Thơ cũ); toàn bộ 246,37 ha diện tích tự nhiên và 13.968 nhân khẩu của thị trấn Cái Răng, 1.035,81 ha diện tích tự nhiên và 10.431 nhân khẩu của xã Đông Thạnh, 2.013,29 ha diện tích tự nhiên và 12.781 nhân khẩu của xã Đông Thạnh, 2.013,29 ha diện tích tự nhiên và 12.781 nhân khẩu của xã Phú An, 806,66 ha diện tích tự nhiên và 6.386 nhân khẩu của xã Đông Phú thuộc huyện Châu Thành; 531,52 ha diện tích tự nhiên và 6.339 nhân khẩu của xã Tân Phú Thạnh thuộc huyện Châu Thành A.
  • Thành lập phường Lê Bình trên cơ sở toàn bộ 246,37 ha diện tích tự nhiên và 13.968 nhân khẩu của thị trấn Cái Răng.
  • Thành lập phường Thường Thạnh trên cơ sở 1.035,81 ha diện tích tự nhiên và 10.431 nhân khẩu của xã Đông Thạnh (thuộc huyện Châu Thành).
  • Thành lập phường Phú Thứ trên cơ sở 2.013,29 ha diện tích tự nhiên và 12.781 nhân khẩu của xã Phú An (thuộc huyện Châu Thành).
  • Thành lập phường Tân Phú trên cơ sở 806,66 ha diện tích tự nhiên và 6.386 nhân khẩu của xã Đông Phú (thuộc huyện Châu Thành).
  • Thành lập phường Ba Láng trên cơ sở 531,52 ha diện tích tự nhiên và 6.339 nhân khẩu của xã Tân Phú Thạnh (thuộc huyện Châu Thành A).
  • Thành lập phường Hưng Thạnh trên cơ sở toàn bộ 867,15 ha diện tích tự nhiên và 8.249 nhân khẩu của xã Hưng Thạnh (thuộc thành phố Cần Thơ cũ).

Quận Cái Răng sau khi được thành lập có 6.253,43 ha diện tích tự nhiên và 74.942 nhân khẩu với 7 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các phường: Lê Bình, Thường Thạnh, Phú Thứ, Tân Phú, Ba Láng, Hưng Phú và Hưng Thạnh.

Hành chính

sửa

Quận Cái Răng có 7 phường bao gồm: Ba Láng, Hưng Phú, Hưng Thạnh, Lê Bình, Phú Thứ, Tân PhúThường Thạnh.

Bản đồ hành chính quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ
Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc quận Cái Răng
Tên Diện tích (km²) Dân số (người)2022 Mật độ dân số (người/km²)2022
Phường (7)
Ba Láng 4,66 8.071 1.732
Hưng Phú 8,7 27.080 3.113
Hưng Thạnh 9,13 19.887 2.178
Tên Diện tích (km²) Dân số (người)2022 Mật độ dân số (người/km²)2022
Lê Bình 2,43 20.914 8.607
Phú Thứ 21,33 28.786 1.350
Tân Phú 10,9 9.498 871
Thường Thạnh 10,66 17.658 1.656
Nguồn: Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023–2025 của thành phố Cần Thơ[9]

Kinh tế - xã hội

sửa

Trong năm 2020 kinh tế quận phát triển ổn định, tỷ trọng khu vực nông nghiệp, thủy sản của quận chiếm 1,10%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 60,41%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 38,49%. Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản (theo giá hiện hành) ước thực hiện 300 tỉ đồng, đạt 100% chỉ tiêu đề ra; công nghiệp, xây dựng 16.480 tỉ đồng, đạt 99,69%; thương mại - dịch vụ 10.500 tỉ đồng đạt 93,89%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn quận được 12.891 tỉ đồng, đạt 126,2%. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước thực hiện được 16.530 tỉ đồng (theo giá hiện hành), đạt 107,9% so cùng kỳ, đạt 100 % so kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 8.540 tỉ đồng.[10]

Hiện nay trên địa bàn quận Cái Răng có 3 KCN và 1 Cụm CN và cảng Logistics Cái Cui đang hoạt động đã giúp quận trở thành 1 trong những quận phát triển quan trọng của thành phố như: KCN Hưng Phú 2A, KCN Hưng Phú 2B, KCN Hưng Phú I, Cụm CN Cái Răng.

Giáo dục

sửa

Một số trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn quận Cái Răng:

  • Đại học Tây Đô toạ lạc số 68, Trần Chiên, P. Lê Bình.
  • Đại học Kiến trúc HCM cơ sở 1(Cơ sở Cần Thơ) toạ lạc tại Khu đô thị và đại học ĐBSCL.
  • Đại học Kiến trúc HCM cơ sở 2(cơ sở Cần Thơ) toạ lạc tại KDT Hưng Phú,P.Hưng Thạnh.
  • Đại học Cần Thơ (Trung tâm nghiên cứu thủy sản cơ sở quận Cái Răng) toạ lạc tại P. Tân Phú.
  • Cao đẳng Tây Đô toạ lạc tại số 90, QL.1, P.Ba Láng cùng với các trường bậc phổ thông các phường khắp quận.

Y tế

sửa

Một số bệnh viện đóng trên địa bàn quận Cái Răng: Bệnh viện Nam Cần Thơ, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, Bệnh viện Đa khoa quận, Trung tâm Y tế quận, Trung tâm Y Tế dự phòng.

Công sở

sửa

Một số cơ quan thuộc chính phủ và thành phố trên địa bàn quận Cái Răng

• Phòng Giáo Dục & Đào Tạo Thành phố Cần Thơ

• Phòng Cảnh Sát Giao Thông Đường Bộ - Đường Sắt Thành phố Cần Thơ

• Cơ Quan Điều Tra Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao Thành phố Cần Thơ

• Quỹ Đầu Tư & Phát Triển Thành phố Cần Thơ

• Chi Cục Quản Lí Đường Bộ IV.5 (số 79, QL1, Hưng Phú)

• Chi Cục Cửa Khẩu Cảng Thành phố Cần Thơ

• Bộ Chỉ Huy Quân Sự Thành phố Cần Thơ

• Ban Quản Lý Dự Án Khí Tây Nam Bộ

• Đội Thanh Tra An Toàn Số 6

• Đội Xử Lý Vi Phạm Giao Thông - CA Thành phố Cần Thơ

• Viện Nghiên Cứu & Phát Triển Công Nghệ Giáo Dục Thành phố Cần Thơ

• Viện Nghiên Cứu Nông Nghiệp Công Nghệ Cao ĐBSCL

Giao thông

sửa

Các tuyến đường chính

sửa

Đường địa phương

sửa
  • Phường Lê Bình: Duy Tân, Đinh Tiên Hoàng, Hàm Nghi, Hàng Gòn, Hàng Xoài, Lê Bình, Lê Hồng Nhi, Lê Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền, Nguyễn Trãi, Nguyễn Việt Dũng, Nhật Tảo, Trần Chiên, Trần Hưng Đạo, Trưng Nữ Vương, Võ Tánh
  • Phường Thường Thạnh: Hàng Gòn, Huỳnh Thị Nở, Nguyễn Thị Trâm, Trương Vĩnh Nguyên
  • Phường Ba Láng: Lê Hồng Nhi, Nguyên Hồng
  • Phường Hưng Phú: Hoàng Văn Thái, Hoàng Thế Hiện, Lý Thái Tổ, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Văn Trà, Đinh Công Dụng, Nguyễn Hùng Minh
  • Phường Hưng Thạnh: Nguyễn Văn Quang, Phạm Văn Nhờ, Phan Trọng Tuệ, Trần Văn Việt, Vũ Đình Liệu
  • Phường Phú Thứ: Bùi Quang Trinh, Cao Minh Lộc, Lâm Văn Phận, Lê Nhựt Tảo, Lê Tấn Quốc, Lê Văn Tưởng, Mai Chí Thọ, Nguyễn Chánh, Nguyễn Văn Quy, Nguyễn Thị Sáu, Trần Văn Sắc, Trần Văn Việt, Trương Vĩnh Nguyên, Trường Sa
  • Phường Tân Phú: Chí Sinh, Nguyễn Văn Quy, Hoàng Sa, Cái Cui

Các trục sẽ hình thành mới

sửa
  • Đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe, giai đoạn 1 đi qua các phường (Tân Phú, Phú Thứ, Thường Thạnh, Ba Láng).
  • Đường Trần Hoàng Na nối dài quy mô 40m đi qua các phường (Hưng Thạnh, Phú Thứ và Tân Phú).
  • Đường vành đai phía Tây quy mô 6 làn xe đi qua các phường (Ba Láng, Thường Thạnh, Phú Thứ và Tân Phú).

Đường phố

sửa
  • Bùi Quang Trinh
  • Cao Minh Lộc
  • Chí Sinh
  • Hàng Gòn
  • Hàng Xoài
  • Hoàng Thế Thiện
  • Hoàng Văn Thái
  • Huỳnh Thị Nỡ
  • Lâm Văn Phận
  • Lê Bình
  • Lê Hồng Nhi
  • Lê Nhựt Tảo
  • Lê Tấn Quốc
  • Lê Trọng Tấn
  • Lê Văn Tưởng
  • Lý Thái Tổ
  • Mai Chí Thọ
  • Nguyễn Chánh
  • Nguyên Hồng
  • Nguyễn Hùng Minh
  • Nguyễn Ngọc Bích
  • Nguyễn Thị Sáu
  • Nguyễn Văn Quang
  • Nguyễn Văn Quy
  • Nguyễn Thị Trâm
  • Nguyễn Trãi
  • Nhật Tảo
  • Phạm Hùng
  • Phạm Văn Nhờ
  • Phan Trọng Tuệ
  • Quang Trung
  • Trần Chiên
  • Trần Hưng Đạo
  • Trần Văn Sắc
  • Trần Văn Trà
  • Trần Văn Việt
  • Võ Nguyên Giáp
  • Võ Tánh
  • Vũ Đình Liệu
  • Yên Hạ

Hạ tầng

sửa

Các dự án đã và đang hình thành trên địa bàn và danh mục kêu gọi đầu tư, quy hoạch.

Hạ tầng đô thị và xã hội

sửa

• Bệnh viện trường đại học Nam Cần Thơ. Đã hình thành.

• Trung tâm văn hoá Tây Đô tại phường Hưng Thạnh.

• Trung tâm hành chính mới TP.Cần Thơ quy mô 11ha, phường Hưng Phú.

• Khu đô thị & khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ (phường Hưng Thạnh) quy mô 70ha

• Khu đô thị Nam Long 3 quy mô 70ha, tại phường Hưng Thành.

• Khu tái định cư phường Tân Phú quy mô hơn 10ha ( đã hình thành ).

• Khu tái định cư phường Thường Thạnh quy mô 2,46ha ( đang đầu tư ).

• Khu đô thị Thường Thạnh và khu dân cư Thường Thạnh tổng diện tích hơn 17ha ( phường Thường Thạnh ). Đã hình thành

• Khu tái định cư Lê Bình khu vực Yên Thuận quy mô 2ha, chuẩn bị đầu tư.

• Khu đô thị số 1 quy mô 88,5ha.

• Khu đô thị số 7 quy mô 85,8ha.

• Khu đô thị mới - khu 3 quy mô 51,3ha.

• Khu đô thị số 6 quy mô 33ha.

• Khu đô thị mới số 8 quy mô 37,4ha.

• Khu đô thị mới Phú Thứ quy mô 48,7ha.

• Khu tái định cư số 2 quy mô 11,9ha.

• Khu tái định cư số 11 ( Cái Răng - Phong Điền ) quy mô 296ha, 1 phần phường Ba Láng.

• Khi đô thị - tái định cư số 16 quy mô 65ha.

Hạ tầng khác

sửa

• Nhà gà đường sắt thành phố Cần Thơ quy mô 27,5ha.

• Quỹ đất dự kiến phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD), đường sắt thành phố quy mô 150ha.

• Quỹ đất phát triển logistics tại khu vực nhà ga đường sắt quy mô 41ha.

• Trung tâm logistics cảng Cái Cui quy mô 100ha.

Chú thích

sửa
  1. ^ a b c “Nghị định 05/2004/NĐ-CP về việc thành lập các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt và các xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương”.
  2. ^ a b Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. “Dân số Việt Nam đến ngày 01 tháng 4 năm 2019” (PDF). Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2020.
  3. ^ Tổng cục Thống kê
  4. ^ “Quyết định 174”. Truy cập 29 tháng 9 năm 2015.
  5. ^ Quyết định 128-HĐBT về việc phân vạch, điều chỉnh địa giới một số xã thuộc các huyện Châu Thành, Mỹ Xuyên, Ô Môn, Phụng Hiệp, Thốt Nốt, Vị Thanh, Vĩnh Châu
  6. ^ Nghị quyết của Quốc hội CHXHCNVN ngày 26 tháng 12 năm 1991 về việc phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh.
  7. ^ “Nghị định 64/2000/NĐ”. Truy cập 29 tháng 9 năm 2015.
  8. ^ “Nghị quyết 22/2003/QH11 chia và điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh”. Truy cập 29 tháng 9 năm 2015.
  9. ^ Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ (11 tháng 6 năm 2024). “Đề án số 05/ĐA-UBND sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023–2025 của thành phố Cần Thơ”.
  10. ^ https://baocantho.com.vn/cai-rang-tao-da-phat-trien-cho-nam-moi-2021-a128774.html

Xem thêm

sửa