Cơ sở học tập bậc cao thời cổ đại

Một loạt các cơ sở học tập bậc cao thời cổ đại (tiếng Anh: ancient higher-learning institutions) được thiết lập ở nhiều nền văn hóa, cung cấp môi trường cho các hoạt động học thuật. Các trung tâm học thuật cổ xưa này nhận được sự bảo trợ và giám sát của triều đình; của những tổ chức hay cơ sở tôn giáo; của những cơ sở khoa học như viện bảo tàng, bệnh viện, và đài quan trắc; và của những cá nhân học giả. Các trung tâm này khác với mô hình viện đại học có nguồn gốc châu Âu thời trung cổ, vốn là một tổ chức tự trị của những học giả,[1] đã được nhiều vùng trên thế giới đem áp dụng trong thời cận đại.[2]

Di tích thư viện Viện Đại học Nalanda, một trung tâm học tập bậc cao của Phật giáo ở Bihar, Ấn Độ, tồn tại từ năm 427 đến 1197.

Châu Âu và vùng Cận Đông

sửa

Hy Lạp cổ đại

sửa
 
Bức họa Scuola di Atene của họa sĩ thời Phục hưng Rafael, mô tả Học viện của Platon.

Học viện Platon (tiếng Anh: Platonic Academy), đôi khi còn được gọi là Viện Đại học Athens,[3][4] được triết gia Platon thành lập vào khoảng năm 387 trước Tây lịch ở Athens, Hy Lạp, tồn tại được 916 năm (cho đến năm 529) với một số lần gián đoạn.[5] Mô hình học viện này được Học viện Platon ở Florentine (còn gọi là Học viện Florentine) phỏng theo trong thời Phục hưng. Những thành viên của Học viện Florentine xem mình như là những người theo truyền thống của Platon.

Vào khoảng năm 335 trước Tây lịch, người tiếp nối Platon là Aristotle thành lập trường Peripatetic. Các sinh viên của trường tụ họp một nơi gọi là Lyceum ở Athens. Trường này ngừng hoạt động vào năm 86 trước Tây lịch trong thời gian Athens bị Lucius Cornelius Sulla Felix (thường gọi là Sulla) - một viên tướng La Mã - vây hãm, cướp phá, và gây ra nạn đói.[6]

Trong suốt thời kỳ Hy Lạp cổ đại, Museion ở Alexandria (bao gồm Thư viện Alexandria) trở thành viện nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu, nhờ đó mà nhiều phát kiến của Hy Lạp đã ra đời. Kỹ sư, nhà phát minh Ctesibius (nổi danh trong khoảng năm 285–222 trước Tây lịch) có thể là viện trưởng đầu tiên của cơ sở này. Museion bị đàn áp và thiêu rụi trong khoảng năm 216 đến 272; Thư viện Alexandria bị phá hủy trong khoảng năm 272 đến 391.

Các cơ sở giáo dục này nổi tiếng đến mức ngày nay ta có các từ trong tiếng Anh bắt nguồn từ nó: academy (học viện hay viện hàn lâm), lyceum (trường, thường chỉ một trường trung học; tiếng Pháp: lycée), và museum (viện bảo tàng).

Châu Âu

sửa

PandidakterionConstantinople, được thiết lập như một cơ sở học tập bậc cao vào năm 425, giáo dục sinh viên ra trường làm việc cho triều đình hoặc cho giáo hội.[7] Cơ sở giáo dục này sau đó được quan nhiếp chính Bardas của Hoàng đế Michael III (của Byzantine) tổ chức lại thành một hội đoàn sinh viên vào năm 849. Pandidakterion nay được một số người xem như là cơ sở học thuật bậc cao lâu đời nhất có một số đặc điểm của một viện đại học ngày nay: nghiên cứu và giảng dạy, tự quản, độc lập về mặt học thuật, v.v...

Tây Âu trong tiền kỳ Trung cổ, các giám mục và các tu viện bảo trợ các trường học, ban đầu chủ yếu nhằm giáo dục các tư tế. Bằng chứng sớm nhất về những trường ở châu Âu do giám mục bảo trợ là ngôi trường thiết lập ở vùng người Visigoth tại Tây Ban Nha vào năm 527.[8] Những ngôi trường này, vốn nhấn mạnh đến việc học việc từ một vị giám mục, thấy có ở Tây Ban Nha và ở chừng 20 thị trấn ở xứ Gaul trong thế kỷ thứ 6 và 7.[9]

Thêm vào các ngôi trường do giám mục bảo trợ là các ngôi trường do các tu viện bảo trợ. Những trường này dạy các nam và nữ tu sĩ, cũng như những người sẽ lên làm giám mục, ở một trình độ cao hơn.[10] Vào khoảng cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 13, một số các trường này phát triển thành những viện đại học tự trị. Một ví dụ đáng chú ý là khi Viện Đại học Paris được khai sinh từ những trường vốn do Nhà thờ Đức Bà Paris, Tu viện Ste. Geneviève, và Tu viện St. Victor bảo trợ.[11][12]

Nam Á

sửa

Các viện đại học Puspagiri (hay Puphagiri, Pusphagiri), Nalanda, Vikramshila, và Taxila (hay Takshashila, Takshila) là một vài trong số những trung tâm học tập bậc cao quan trọng ở Ấn Độ cổ đại.

Puspagiri

sửa
 
Ratnagiri (Odisha, Ấn Độ), một trong ba khuôn viên của Đại tự viện Puspagiri.

Viện đại học ở Puspagiri được thiết lập vào thế kỷ thứ 3 theo Tây lịch, ở phần đất ngày nay là Odisha, Ấn Độ. Cho đến năm 2007, di chỉ đại tự viện (mahavihara) này vẫn chưa được khai quật xong. Do vậy mà lịch sử của trung tâm này vẫn chưa được biết hết. Trong số ba khuôn viên của đại tự viện, Lalitgiri nằm ở huyện Cuttack là lâu đời nhất; hai khuôn viên kia là Ratnagiri và Udayagiri. Những phân tích hình vẽ cho thấy Lalitgiri được thiết lập trong thời Đế chế Sunga của thế kỷ thứ 2 trước Tây lịch. Như vậy đây là một trong những trung tâm Phật giáo lâu đời nhất thế giới.

Hành giả người Trung QuốcHuyền Trang đến thăm nơi này vào năm 639 và gọi nó là Đại tự viện Puspagiri (Puspagiri Mahavihara);[13][14] các bản văn Tây Tạng thời trung cổ cũng có đề cập.

Tuy nhiên, không giống như TakshilaNalanda, di chỉ Puspagiri chỉ được khám phá vào năm 1995, khi một giảng viên từ một trường đại học địa phương tình cờ phát hiện ra.[15][16] Việc khai quật di chỉ Puspagiri, nằm trên khu vực rộng 143 mẫu Anh (0,58 km2), do Viện Nghiên cứu Hàng hải và Đông Nam Á Odisha (Odisha Institute of Maritime and South East Asian Studies) tiến hành từ 1996 đến 2006. Hiện nay công việc do Cơ quan Khảo cổ Ấn Độ (Archaeological Survey of India hay ASI) thực hiện.[17] Các bia ký ở Nagarjunakonda, một trung tâm Phật giáo cổ xưa ở Ấn Độ, cũng có đề cập đến Puspagiri. [18][19]

Nalanda

sửa
 
Di tích Viện Đại học Nalanda, ở Bihar, Ấn Độ.

Nalanda được thiết lập vào năm 427 ở Bihar, Ấn Độ, gần biên giới phía Nam của Nepal ngày nay. Trung tâm học thuật này tồn tại cho đến năm 1197. Nalanda chủ yếu giảng dạy và nghiên cứu Phật học, nhưng cũng đào tạo sinh viên trong các môn hội họa, y học, toán, thiên văn học, chính trị học, và binh pháp.[20][21]

Viện đại học này có tám khu riêng biệt, mười tu viện, và các thiền đường, phòng học, hồ nước, và công viên. Nó có một thư viện chín tầng nơi các tu sĩ miệt mài sao chép sách và tài liệu để các học giả có thể có những bản cho mình; ngoài ra còn có cư xá cung cấp chỗ ở cho 10.000 sinh viên và 2.000 giáo sư trong thời kỳ phát triển rực rỡ của mình.[22] Nalanda thu hút sinh viên và học giả đến từ Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Tạng, Indonesia, Ba Tư, và Thổ Nhĩ Kỳ.

Taxila

sửa

Taxila ở Ấn Độ cổ đại, phần đất ngày nay thuộc Pakistan, là một trung tâm học tập của Ấn giáoPhật giáo. Theo các tài liệu ghi chép một ngàn năm sau đó thì trung tâm này có thể ra đời ít ra là thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch.[23] Một số học giả cho là Taxila tồn tại từ thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch.[24] Trung tâm này gồm một số tu viện mà không có giảng đường và khu cư xá lớn. Việc học tập rất có thể diễn ra theo kiểu một thầy một trò.[23]

Taxila được đề cập đến với một số chi tiết trong các chuyện kể Jātaka xuất hiện ở Sri Lanka vào khoảng thế kỷ thứ 5.[25]

Nó trở thành một trung tâm học tập được nhiều người biết đến ít ra là vài thế kỷ trước Tây lịch, và tiếp tục thu hút sinh viên cho đến khi thành phố bị phá hủy vào thế kỷ thứ 5. Taxila có lẽ được biết đến nhiều nhất do có liên quan đến Chanakya (hay Kautilya; khoảng 370–283 trước Tây lịch). Tác phẩm nổi tiếng Arthashastra của Chanakya được cho là viết khi ở Taxila. Cả Chanakya,[26] Hoàng đế Chandragupta (340–298 trước Tây lịch) của Đế quốc Maurya,[27] và nhà y học Charaka (sinh vào khoảng năm 300 trước Tây lịch) đều từng học ở Taxila.[28]

Các trung tâm khác

sửa

Các trung tâm học tập bậc cao khác bao gồm: Odantapuri ở Bihar (khoảng 550-1040), SomapuraBangladesh (từ thời Đế chế Gupta cho đến khi Hồi giáo xâm lăng tiểu lục địa Ấn Độ), Sharada PeethPakistan, JagaddalaBengal (từ thời Đế chế Pala cho đến khi bị Hồi giáo xâm lăng), Nagarjunakonda ở Andhra Pradesh, Valabhi ở Gujarat (từ thời Maitrak cho đến khi bị Hồi giáo xâm lăng), Varanasi ở Uttar Pradesh (thế kỷ thứ 8 đến thời hiện đại), KanchipuramTamil Nadu, và ManyakhetaKarnataka.

Viễn Đông

sửa
 
Nhà Thái học nơi sĩ tử đến nghe giảng văn, phía sau Văn Miếu, Hà Nội.

Các học viện do vương triều bảo trợ được thiết lập từ thời nhà Hán vào năm thứ 3 theo Tây lịchTrung Quốc. Các cơ sở này được duy trì, dù có khi ngắt quãng, trong các triều đại sau cho đến hết thời nhà Thanh. Lúc đầu gọi là Thái học (tiếng Trung: 太學), sau đổi tên thành Quốc tử giám (國子監). Viện Đại học Bắc Kinh thành lập năm 1898 được xem như là hậu thân của nhà Thái học (hay Quốc tử giám) thời quân chủ.

Triều Tiên, Taehak (Thái học) đầu tiên được thành lập năm 372 và Gukhak (Quốc học) sau đó vào năm 682. Sang thế kỷ 14, Seonggyungwan (Thành quân quán) được nhà Triều Tiên thành lập vào năm 1398 để giảng dạy Nho giáo. Cơ sở này thay thế Gukjagam (Quốc tử giám) có từ thời Cao Ly (năm 992). Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, học viện này được hoạt động trở lại như là một viện đại học theo kiểu phương Tây vào năm 1946.

Nhật Bản thì có Daigaku-ryo (大学寮, Đại học liêu), được thành lập vào năm 671. Cơ sở giáo dục cùng tầm vóc là Ashikaga Gakko (足利学校, Túc Lợi học hiệu), thành lập ở tỉnh Tochigi vào thế kỷ thứ 9, sau được khôi phục vào năm 1432. Ngày xưa sinh viên từ khắp nước Nhật đến Ashikaga Gakko để học về Nho giáo, Kinh Dịch, và Đông y.

Còn ở Việt Nam, Quốc tử giám (國子監) hoạt động từ năm 1076 tới năm 1779 từ thời nhà Lý đến hết thời nhà Lê.

Ba Tư cổ đại

sửa

Học viện Gundishapur được thiết lập vào thế kỷ thứ 3 dưới triều các vua nhà Sassanid và tiếp tục hoạt động cho tới bốn thế kỷ sau khi Hồi giáo xâm nhập vào Iran.[29] Gundishapur là một trung tâm y khoa quan trọng trong thế kỷ thứ 6 và 7 và là một điển hình về mô hình giáo dục bậc cao ở Iran thời tiền Hồi giáo.[30] Khi Học viện Platon ở Athens đóng cửa vào năm 529, một số học giả của Học viện đã đến Gundishahpur, mặc dù chỉ trong vòng một năm thì họ trở về Byzantine.[29]

Chú thích

sửa
  1. ^ Stephen C. Ferruolo, The Origins of the University: The Schools of Paris and Their Critics, 1100-1215, (Stanford, Stanford University Press, 1985) pp. 4-5 ISBN 0-8047-1266-2
  2. ^ Hilde de Ridder-Symoens (1994). A History of the University in Europe: Universities in the middle ages / ed. Hilde de Ridder-Symoens. ISBN 978-0-521-36105-7.
  3. ^ Ellwood P. Cubberley (2004). The History of Education. Kessinger Publishing. tr. 50. ISBN 978-1-4191-6605-1.
  4. ^ Howard Eugene Wilson (1939). Harvard Educational Review. Harvard University.
  5. ^ C. Leor Harris (1981). Evolution, Genesis and Revelations: With Readings from Empedocles to Wilson. SUNY Press. tr. 31. ISBN 978-1-4384-0584-1.
  6. ^ 336 BC: Furley 2003a, tr. 1141; 335 BC: Lynch 1997, tr. 311; 334 BC: Irwin 2003
  7. ^ Constantinides, C. N. (2003). “Rhetoric in Byzantium: Papers from the Thirty-Fifth Spring Symposium of Byzantine Studies”. Trong Jeffreys, Elizabeth (biên tập). Teachers and students of rhetoric in the late Byzantine period. Ashgate Publishing, Ltd. tr. 39–53. ISBN 0-7546-3453-1.
  8. ^ Riché, Education and Culture, pp. 126-7.
  9. ^ Riché, Education and Culture, pp. 282-90.
  10. ^ Riché, Education and Culture, pp. 290-8.
  11. ^ Pedersen, Olaf (1997). The First Universities: Studium Generale and the Origins of University Education in Europe. tr. 130-31. ISBN 978-0-521-59431-8.
  12. ^ The rise of universities. Cornell University Press. 1957. tr. 12-16. ISBN 978-0-8014-9015-6.
  13. ^ Binayak Misra (1986). Indian culture and cult of Jagannātha. Punthi Pustak. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2012.
  14. ^ “Orissa's treasures”. 1 tháng 2 năm 2005. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 10 năm 2007. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2013.
  15. ^ H. K. Mohapatra (1 tháng 12 năm 2004). “Great Heritages of Orissa” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 10 tháng 4 năm 2009. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2013.
  16. ^ “ASI hope for hill heritage – Conservation set to start at Orissa site”. ngày 29 tháng 1 năm 2007.
  17. ^ “Archaeological Survey of India takes over Orissa Buddhist site”. ngày 17 tháng 11 năm 2006.
  18. ^ Thomas E. Donaldson (2001). Iconography of the Buddhist Sculpture of Orissa: Text. Abhinav Publications. tr. 4–. ISBN 978-81-7017-406-6. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2012.
  19. ^ Pratapaditya Pal; Marg Publications (ngày 31 tháng 3 năm 2001). Orissa revisited. Marg Publications. ISBN 978-81-85026-51-0. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2012.
  20. ^ Altekar, Anant Sadashiv (1965). Education in Ancient India, Sixth, Varanasi: Nand Kishore & Bros.
  21. ^ OpEd in New York Times: Nalanda University
  22. ^ “Official website of Nalanda University”. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2013.
  23. ^ a b Scharfe, Hartmut; Bronkhorst, Johannes; Spuler, Bertold; Altenmüller, Hartwig (2002). Handbuch Der Orientalistik: India. Education in ancient India. tr. 141. ISBN 978-90-04-12556-8.
  24. ^ "History of Education", Encyclopædia Britannica, 2007.
  25. ^ Marshall 1975:81
  26. ^ Kautilya Lưu trữ 2008-01-10 tại Wayback Machine. Encyclopaedia Britannica.
  27. ^ Mookerji, Radhakumud (1966). Chandragupta Maurya And His Times. Motilal Banarsidass Pub. tr. 17. ISBN 978-81-208-0405-0.
  28. ^ Mookerji, Radhakumud (1990). Ancient Indian Education: Brahmanical and Buddhist. Motilal Banarsidass Pub. tr. 478–489. ISBN 978-81-208-0423-4.
  29. ^ a b خورسندی طاسکوه، علی (۱۳۸۷). گفتمان میان رشته‌ای دانش: مبانی نظری، گونه شناسی، و خط مشی‌هایی برای عمل در آموزش عالی. تهران: پژوهشکده مطالعات فرهنگی و اجتماعی. tr. 219–23. ISBN 978-964-27386-1-8.
  30. ^ Salari, H. “University in Iran”. paper. jazirehdanesh. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2011.

Liên kết ngoài

sửa