Valentín Faustino Berrio Ochoa Vinh

(Đổi hướng từ Berrio Ochoa)

Valentín Faustino Berrio Ochoa, còn có tên gọi khác là Valentín de Berriochoa, tên tiếng Việt là Vinh (14 tháng 2 năm 1827 - 1 tháng 11 năm 1861), là một tu sĩ Dòng Anh Em Thuyết Giáo người Tây Ban Nha. Ông là một vị Thánh tử đạo của Giáo hội Công giáo Rôma. Ông từng là Giám mục Tông toà ở Việt Nam.[1]

Hiển thánh - Giám mục
 
Valentín Faustino Berrio Ochoa O.P  Vinh
Đại diện Tông Tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Trung Đàng Ngoài (1858 - 1861)
Giáo hộiCông giáo Rôma
Chức vụ chính yếu
Đại diện Tông tòa Địa phận Trung Đàng Ngoài
TòaHiệu tòa Centuria
Tựu nhiệm28 tháng 7 năm 1858
Hết nhiệm1 tháng 11 năm 1861
Tiền nhiệmMelchor García Sampedro
Kế nhiệmBernabé García Cezón
Các chức khácPhó đại diện Tông Tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Trung Đàng Ngoài (1858)
Truyền chức
Thụ phong14 tháng 6 năm 1851
Tấn phong25 - 26 tháng 6 năm 1858
Thông tin cá nhân
Tên khai sinhValentín Faustino Berrio Ochoa
Sinh(1827-02-14)14 tháng 2, 1827
Elorrio, Tây Ban Nha
Mất1 tháng 11, 1861(1861-11-01) (34 tuổi)
Hải Dương, Đại Nam
Hệ pháiCông giáo
Con cáiKhông
Nghề nghiệpTu sĩ Công giáo
Tuyên phong
Lễ kính1 tháng 11
Tôn kínhCông giáo Rôma
Thánh hiệuThánh tử đạo
Chân phướcNgày 20 tháng 5 năm 1906
Rôma
bởi Giáo hoàng Piô X
Phong thánhNgày 19 tháng 6 năm 1988
Rôma
bởi Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Cách xưng hô với
Valentín Faustino Berrio Ochoa Vinh
Danh hiệuĐức Giám mục
Trang trọngĐức Giám mục, Đức Cha
Sau khi qua đờiĐức Cố Giám mục
Thân mậtCha
TòaHiệu tòa Centuria

Tuổi thơ và tu tập

sửa

Valentín de Berriochoa Vinh xuất thân trong một gia đình đạo đức nghèo khó. Ông sinh ngày 14 tháng 2 (hoặc ngày 12 tháng 2)[2] năm 1827 tại làng Elorrio, giáo phận Vich, Tây Ban Nha.[3] Cha ông là người cần cù kiên nhẫn và mẹ ông có một đức tin sống động, sùng kính Đức Maria và vui tươi hòa nhã.[4] Ông là con cụ ông Gioan Isidorô Berrio Ochoa và bà Maria Monica Arizti.[1] Khi chịu phép thánh tẩy cha mẹ đặt tên là Valentinô Faustinô.[1]

Vì cha thường đóng bàn ghế cho một tu viện Đa Minh và bận rộn lo công ăn việc làm hằng ngày nên ngay từ nhỏ thân phụ ông đã gửi ông nhờ cha Giuse Echevarria coi sóc.[1] Năm 12 tuổi, ông lại được cha Santiago Mendoza dòng Đa Minh dạy dỗ và cho giúp lễ.[3] Nhờ vậy, ông tiếp xúc với cha linh hướng của tu viện, một linh mục dòng Đaminh. Khi rảnh rỗi, ông đến gặp vị linh mục này để nghe kể chuyện về các thừa sai dòng Đaminh làm nhiệm vụ Việt Nam, về các Thánh tử đạo. Từ đó, ông ước mơ được làm linh mục Đaminh và để được phục vụ tại Việt Nam.[4] Nhưng cha mẹ ông quá nghèo không có tiền lo cho ông ăn học, cậu phải nghỉ học trở về giúp đỡ cha mẹ sản xuất đồ mộc. Tại xưởng mộc, ông hết sức giúp đỡ cha, đồng thời trau dồi văn hoá và dành thời giờ để học tiếng La tinh.[1]

Tháng 10 năm 1845, ông vào chủng viện Logrono.[2] Tại đây, ông được mọi người quý mến vì ông chăm chỉ học hành, sống đạo đức, tươi vui với mọi người.[2] Giám mục giáo phận, khi kinh lý làng Elorrio ghé thăm gia đình ông, đã nói với mẹ ông rằng: Bà Maria ơi, có lẽ con bà sẽ làm đến Giám mục.[4]

Sau ba năm học triết học, hè năm 1848, thầy Valentino về thăm gia đình, vì cha mẹ già yếu quá vất vả ông xin bề trên được sống ngoại trú, để vừa học thần học vừa có thể phụ giúp gia đình.[4] Hơn hai năm sau, theo lời đề nghị của một linh mục giáo sư, Giám mục cho ông lãnh chức cắt tóc và đặt làm linh hướng dự khuyết của chủng viện. Đây là trường hợp rất hiếm nói lên uy tín của ông, tuy còn là chủng sinh mà đã được chọn vào một trách vụ thường dành cho những vị linh mục lão thành đạo đức, nhiều kinh nghiệm.[3]

Linh mục

sửa

Tín nhiệm ông, Giám mục Irigoyen trao ban chức năm, chức sáu và linh mục cho ông chỉ trong một năm (1851). Ngày 14 tháng 6 (tháng 8)[1] cùng năm, nhằm Lễ Ba Ngôi [2] ông được thụ phong linh mục qua tay Giám mục Irigoyen, giám mục giáo phận Victoria [1], về việc này, ông đã viết cho mẹ như sau: Mẹ yêu dấu của con, hôm qua, ngày 14 tháng 8 năm 1851, ngày mộng ước, ngày con được thụ phong linh mục. Con của mẹ giờ đây đã được tình thương Chúa nhắc lên phẩm chất cao cả, đến nỗi các thiên thần cũng phải run sợ." (thư 16).[4]

Linh hướng chủng viện và con đường thừa sai

sửa

Linh hướng chủng viện

sửa

Hơn hai năm với chức vụ linh hướng đại chủng viện, ông bàn hỏi với cha linh hướng dòng Tên Morrey, một linh mục đạo đức dòng Đa Minh, vị linh mục này khuyên ông nên vào dòng Đa Minh để có cơ may đi làm việc truyền giáo như lòng ông mong ước[1] và ông xin phép Giám mục qua dòng Đaminh. Lúc giã từ người quen, có người hỏi ông: Cha đi đâu, và bao giờ trở lại?. Ông đáp: Tôi đi để quê tôi có người làm Thánh. Ngày 26 tháng 10 năm 1853, ông vào Ocanã,[2] một học viện của tỉnh dòng Mân Côi từ năm 1830, đón vị linh mục linh hướng nổi tiếng, trao tu phục và sau một năm tập, ông đã khấn trọng ngày 12 tháng 1 năm 1854.[4]

Đến Manila

sửa

ngày 17 tháng 12 năm 1856, ông được lệnh bề trên lên đường cùng với 7 linh mục trẻ trung khác xuống tàu đi Manila lo việc truyền giáo tại Viễn Đông.[1] Sáu tháng lênh đênh trên biển cả, chiếc tàu của ông gồm các thừa sai của ba dòng tu Đaminh, Phanxicô và Augustino. Các vị tổ chức đời sống như một tu viện. Qua thư, ông thuật lại: các vị cùng nhau dâng lễ, đọc kinh nguyện mỗi ngày. Dịp Tuần Thánh, các vị cũng tổ chức nghi lễ rửa chân, suy niệm Đàng Thánh Giá, bắn pháo bông mừng phục sinh và tổ chức việc suy niệm Đức Mẹ trong tháng hoa nữa. Ngày 17 tháng 6 năm 1857, ông đến Manila.[4]

Đến Việt Nam

sửa

Đầu tháng 12 năm 1857, linh mục Valentinô Berrio Ochoa được lệnh xuống tàu rời Manila cùng với ba vị thừa sai khác đi Việt Nam qua ngả Hồng KôngMa Cao.[1] Con tàu lênh đênh trên biển gần 2 tháng thì ngày 30 tháng 3 năm 1858, cùng với các linh mục Rianõo Hòa và Carreras Hiển, ông đã đến Việt Nam,[3] đến trình diện linh mục chính Nam và Giám mục Xuyên tại Kiên Lao (nay là giáo xứ Kiên Lao thuộc giáo phận Bùi Chu, cách thành phố Nam Định 20 km về phía Nam). Tuy mới đến vùng truyền giáo, ông phải cố gắng hoàn thành những công tác mục vụ, thăm viếng. Tất cả mọi việc đều phải lén lút.[3][4]

Hai tháng rưỡi trôi qua, tuy tiếng Việt nói chưa thông, nhưng tài năng và nhân đức của vị linh mục trẻ tuổi này đã được khẳng định. Giám mục Sampedro Xuyên, trước nguy cơ có thể bị bắt, đã chuẩn bị cho tương lai của giáo phận, ông dùng quyền Tòa Thánh để chọn một Giám mục phó có quyền kế vị, và linh mục Berrio Ochoa Vinh đã được chọn.[4]

Ông đã tâm sự: Thưa Đức cha, nếu được thì xin cất chén đó cho con. Con thấy lòng tràn ngập lo lắng, áy náy khi nghĩ đến địa vị mà Đức cha muốn đặt con lên. nhưng điều mà môi miệng con nói thì con cũng xin nói cả tấm lòng, đó là xin vâng trọn ý Chúa, bây giờ và đời đời chẳng cùng.[4]

Giám mục

sửa

Lễ tấn phong

sửa

Lễ tấn phong Giám mục Valentino Vinh, có một không hai trong lịch sử Giáo hội. Đêm 25 rạng ngày 26 tháng 6 năm 1858, Giám mục Xuyên cử hành lễ tấn phong ông trong nhà ông trùm Chi ở Ninh Cường (nay là giáo hạt Ninh Cường thuộc giáo phận Bùi Chu, Nam Định). Lễ nghi được tiến hành âm thầm giữa đêm thâu không một tiếng hát, không một giáo dân tham dự. Hai linh mục Riano Hòa và Carreas Hiển phụ phong, bao tay, vớ tất không có, mũ ngọc của tân Giám mục làm bằng giấy bìa cứng cũng phủ giấy tráng kim, gậy ngọc là một cây nứa, đầu gậy cuốn bằng rơm cũng được bọc giấy tráng kim.[4]

Việc chuẩn bị cho ngày lễ, ông thuật lại trong một bức thư:

Con thú thật rằng, con muốn thoát khỏi vòng ràng buộc này. Nhưng biết bao lần Đức cha đã bảo con, nên theo lương tâm, buộc con phải vui nhận việc tuyển chọn. Con không giám cưỡng ý Chúa đã rõ rệt. Sau ngày được tuyển chọn, con chỉ còn vừa đủ thì giờ để cấm phòng. Con lắng nghe Ngài phán trong thinh lặng, không có lấy một cuốn sách nào giúp tĩnh tâm, mà có tìm cũng không ra. Không phải chỉ thiếu sách cấm phòng, nhưng chiều áp lễ tấn phong, thấy rằng chỉ có độ một nửa khăn áo cần dùng trong nghi lễ, Đức Giám mục đại diện Tông tòa và con phải vội vàng hai tay kim chỉ đóng vai thợ may. Tạ ơn Chúa, tới đúng giờ đã định, chúng con cũng có ít khăn áo xứng đáng." (Thư 79).[4]

Giám mục hầm trú

sửa

Sau ngày tấn phong, hai vị Giám mục và hai linh mục lên xứ Quần Cống (Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định. Nhưng chỉ được vài hôm thì quan án sát Nam Định đến bao vây làng này khiến mỗi vị phải đi một ngả. Tân giám mục Vinh sang Trà Lũ, Giám mục Xuyên qua làng Thôn Đông rồi đến Kiên Lao nhưng bị bắt ngày 08 tháng 7 năm 1858 và bị xử lăng trì ngày 28 tháng 7.

Từ thời điểm này Giám mục Vinh phải một mình lãnh trách nhiệm toàn giáo phận Trung Đàng Ngoài. Theo ý chỉ của tiềm nhiệm, vị Giám mục Tông toà rời giáo phận trốn qua tỉnh Hải Dương, nơi cuộc bách hại còn lắng dịu. Sau bốn ngày ông đến Cao Xá, tỉnh Hưng Yên, rồi tới nơi Giám mục Hermosilla (Vọng) Liêm và linh mục Almato Bình trú ẩn. Được ít lâu, ông tìm được nơi trú ẩn mới trong vườn nhà anh Thăng, làng Hương La, xứ Tử Nê, Bắc Ninh (nay là giáo xứ Tử Nê thuộc giáo hạt Bắc Ninh). Tại đây gia chủ đã đào cho ông một hầm trú ẩn an toàn và chính tại hầm này vị "Giám mục hầm trú" đã thành lập tòa Giám mục, điều hành giáo phận gần trọn ba năm vì bị cản tòa.[3] Sinh hoạt thường ngày của ông là cầu nguyện, dâng thánh lễ, viết thư cho các linh mục và các giáo xứ bên giáo phận. Hỗ trợ Đức cha có bốn chủng sinh và ông lang Thư, người Cao Xá, trong việc sao chép thư luân lưu, cũng như việc liên lạc. Trong hầm trú, ông tiếp tục hướng dẫn, dạy thần học cho một chủng sinh, huấn luyện các linh mục tương lai. Để ôn thêm và để việc huấn luyện được đầy đủ, ông viết thư cho linh mục quản lý ở Ma Cao, xin gởi cho linh mục bộ Tổng Luận thần học, bộ Contra Gentiles của thánh Tôma và nhất là bộ Giáo Luật.

Các hung tin được báo tới tấp: Một, hai,... rồi mười tám linh mục tử đạo, các thầy giảng và biết bao giáo hữu bị ngã gục vì đức tin. Trong một thư gửi cho Thánh Bộ Truyền giáo, ông viết: Rất có thể trong ít tháng nữa, giáo phận của tôi chẳng còn thừa sai, chẳng còn linh mục, không chủng sinh, không thày giảng và không biết còn nên nói thêm chăng, không còn bổn đạo (Thư 93).[4]

Cuối đời

sửa

Tháng 8 năm 1861, chiếu chỉ phân sáp của vua Tự Đức, làng Hương La cũng không thể yên ổn được nữa. Ông xuống thuyền với linh mục Almato Bình, xuôi dòng xuống Hải Dương.[3] Tại đây, hai vị gặp Giám mục Liêmthầy Khang đang ở trên một thuyền khác. Các giáo hữu giới thiệu hai vị trọ nhà một người ngoại giáo làm phó lý, cháu ông này đi báo với quan,[2] khiến hai vị bị bắt ngày 25 tháng 10 năm 1861 và bị đóng cũi giải về Hải Dương.[3] Tại đây, hai vị gặp Giám mục Liêm trong một cũi khác.[4]

Khi được Quan thượng Hải Dương Nguyễn Quốc Cẩm hỏi về việc năm 1858, có liên lạc gì với người Pháp-Tây gây chiến không? Ông thưa: Tôi không làm cái gì hại nhà nước bao giờ, tôi chỉ có một ý duy nhất là sang đây giảng đạo thánh Chúa Trời và khuyên bảo cho mọi người biết ăn ngay ở lành, giữ đàng lành và tránh đàng tội mà thôi. [2]

Bị xử tử

sửa

Ngày 01 tháng 11 năm 1861, ba vị thừa sai cùng bị đem đi xử. Cũi ông đi giữa hai vị kia. Ông ngồi cầu nguyện như thói quen, nét mặt tươi tỉnh khiến mọi người phải ngạc nhiên. Thi thể ông cùng hai vị cùng chịu tử đạo được chôn tại đó, sau được cải về Thọ Ninh, rồi Kẻ Mốt. Đến đời Giám mục Hiển, hài cốt ông được gởi về Ma Cao, và sau cùng được đem về quê hương ông.[4]

Phong Chân phước và Phong Thánh

sửa

Giáo hoàng Piô X đã suy tôn Giám mục Valentino Berrio Ochoa Vinh lên bậc Chân phước ngày 20 tháng 5 năm 1906.[3] Ngày 19 tháng 6 năm 1988, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ông lên bậc Hiển thánh.[4]

Tông truyền

sửa

Giám mục Valentín de Berriochoa Vinh được tấn phong giám mục năm 1858, thời Giáo hoàng Piô IX, bởi:[5]

Xem thêm

sửa

Tham khảo

sửa
  1. ^ a b c d e f g h i j “Thánh Valentinô Berrio Ochoa Vinh, Giám mục (1827-1861)”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2015.
  2. ^ a b c d e f g “Thánh BERRIO-OCHOA VINH” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2015.
  3. ^ a b c d e f g h i “Valentinô Berrio Ochoa Vinh”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2015.
  4. ^ a b c d e f g h i j k l m n o p “Thánh Valentinô BERRIO OCHOA VINH, Giám mục Dòng Đaminh (1827-1861)”. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 11 năm 2015. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2015.
  5. ^ Bishop St. Valentín Faustino Berrio Ochoa, O.P. †

Liên kết ngoài

sửa