Berchemia là một chi thực vật có hoa thuộc họ Táo (Rhamnaceae), bao gồm các loài từ dây leo tới cây gỗ nhỏ.

Berchemia
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Eudicots
(không phân hạng)Rosids
Bộ (ordo)Rosales
Họ (familia)Rhamnaceae
Phân họ (subfamilia)Rhamnoideae
Tông (tribus)Rhamneae
Chi (genus)Berchemia
Neck. ex DC., 1825 nom. cons.[1]
Loài điển hình
Berchemia scandens
Trel., 1889[2]
Các loài
35. Xem văn bản
Danh pháp đồng nghĩa

Chi này được Noël Martin Joseph de Necker mô tả lần đầu tiên năm 1790.[3] Năm 1806 Romanus Adolf Hedwig mô tả chi Oenoplea;[4] năm 1819 Johann Jakob RömerJosef August Schultes mô tả chi Oenoplia.[5] Tuy nhiên cả ba danh pháp này đều không được IBN sử dụng, với danh pháp đầu là nom. inval. (tên công bố không hợp quy cách) còn 2 danh pháp sau là danh pháp bị từ chối (nom. rej.) để sử dụng danh pháp Berchemia do Augustin Pyramus de Candolle công bố năm 1825, trong đó ông dẫn chiếu tới cả 3 danh pháp có trước đó.[1]

Từ nguyên

sửa

Berchemia được đặt theo tên Berthout van Berchem, nhà thực vật học người Hà Lan thế kỷ 18.[6]

Tên gọi chung các loài có tại Trung Quốc trong tiếng Trung là 勾儿茶 (câu nhi trà),[7] còn tại Việt Nam là biệt sâm, rung rúc hay rút rế.

Mô tả

sửa

Cây bụi dạng dây leo hoặc mọc thẳng, lá thường xanh đến sớm rụng, hiếm khi là cây gỗ nhỏ, không phân nhánh. Lá mọc so le; lá kèm hợp sinh ở đáy, bền, hiếm khi sớm rụng; phiến lá chủ yếu là dạng giấy, mép nguyên, gân lá lông chim, với 4-18 cặp gân phụ (gân thứ cấp) hầu như song song và các gân tam cấp chủ yếu cũng là song song. Hoa lưỡng tính, có cuống, mẫu 5, nhẵn nhụi, trong các chùm xim chủ yếu là ít hoa, ở đầu cành hoặc ở nách lá, từ có cuống đến không cuống, các xim hoa giống như ngù hoa. Ống đài hình đĩa tới hình chén hoặc hình bán cầu. Các lá đài hình tam giác, hiếm khi thẳng hoặc hình mác hẹp, có gờ nhiều hay ít ở mặt gần trục. Cánh hoa hình thìa tới hình mác, ngắn hơn hoặc dài bằng lá đài, có vuốt ngắn. Nhị hoa đính lưng, dài bằng cánh hoa hoặc hơi ngắn hơn. Đĩa hoa chủ yếu là mọng thịt, choán chỗ trên ống đài, với 10 thùy không đều, mép rời. Bầu nhụy thượng, chìm sâu nhiều hay ít trong đĩa hoa, 2 ngăn, mỗi ngăn 1 noãn; vòi nhụy hình trụ, ngắn, không phân chia; đầu nhụy lớn, nguyên, có khía răng cưa hoặc chẻ đôi. Quả hạch 1 hạch, màu đỏ tía hoặc tía đen, khi thuần thục thường chuyển sang màu đen, phần lớn là hình trụ, hiếm khi hình trứng ngược, đáy với ống đài bền và các tàn tích của đĩa hoa, đỉnh thường với nhụy thô sơ; vỏ quả giữa mọng, mỏng, đôi khi có vị ngọt; vỏ quả trong dạng sụn cứng, 2 ngăn, mỗi ngăn 1 hạt.[7]

Các loài

sửa

Chi này chứa 35 loài đã biết, với khu vực phân bố từ miền đông châu Phi (gồm cả Madagascar) kéo dài về phía đông tới Đông Á, Đông Nam Á, cũng như tại đông nam Hoa Kỳ và Guatemala.[8]

Tham khảo

sửa
  1. ^ a b Candolle A. P., 1825. Berchemia. Prodromus Systematis Naturalis Regni Vegetabilis 2: 22-23.
  2. ^ Trelease W., 1889. Berchemia scandens. Transactions of the Academy of Science of Saint Louis 5: 364.
  3. ^ a b Necker N. M. J., 1790. Berchemia. Elementa Botanica Genera Genuina 2: 122.
  4. ^ a b Hedwig R. A., 1806. Monogynia VIII. 647. Oenoplea. Genera Plantarum secundum characteres differentiales ad Mirbelii editionem revisa et aucta edenda curavit 151.
  5. ^ a b Römer J. J. & Schultes J. A., 1819. Oenoplia. Caroli a Linné ... Systema vegetabilium: secundum classes, ordines, genera, species. Cum characteribus differentiis et synonymis. Editio nova, speciebus inde ab editione XV. Detectis aucta et locupletata 5 (XXVII): 332-334.
  6. ^ James S. Fralish & Scott B. Franklin, 2002. Berchemia. Taxonomy and Ecology of Woody Plants in North American Forests: (Excluding Mexico and Tropical Floria). ISBN 9780471161585, ISBN 0471161586. Ấn bản 1, 624 trang. Xem trang 563.
  7. ^ a b Berchemia trong e-flora. Tra cứu ngày 29-8-2021.
  8. ^ Berchemia trong Plants of the World Online. Tra cứu ngày 29-8-2021.