Tấn công "vạn tuế"

thuật ngữ chỉ các cuộc tấn công cảm tử bằng làn sóng người, cơ giới của quân đội Đế quốc Nhật Bản nhằm tiêu hao sinh lực đối phương nhiều nhất có thể
(Đổi hướng từ Banzai)

Đột kích "vạn tuế" (Nhật ngữ: バンザイ突撃; Anh ngữ: Banzai charge, Banzai attack) vốn do lực lượng Đồng minh đặt cho các cuộc tấn công cảm tử của bộ binh Nhật. Tên gọi này đến từ việc người lính cảm tử của Nhật hô lên khẩu hiệu khi xung kích: "Thiên hoàng bệ hạ vạn tuế!" (天皇陛下萬歳 - Tenno heika banzai). Được sử dụng nhiều trong chiến tranh Thái Bình Dương, cách tấn công này này gây áp đảo và hoang mang cho tinh thần đối phương, đặc biệt khi họ chưa chuẩn bị trước mà bị đánh bất ngờ. Đột kích "vạn tuế" tương tự chiến thuật biển người.

Banzai Charge
Tiểu đoàn quân Nhật tử trận sau cuộc tấn công kiểu "vạn tuế" không thành tại trận Attu (tháng 5 năm 1943).

Nguồn gốc

sửa

Cách tấn công này vốn được xem như một hành động minh chứng cho danh dự trước khi chết gọi là gyokusai (玉碎 Ngọc toái, nghĩa đen là ngọc nát, nghĩa bóng là tự sát để bảo toàn danh dự), có tính chất tương tự như seppuku. Trong Bắc Tề thư (thế kỷ VII) có ghi rằng: "Đại trượng phu ninh khả ngọc toái hà năng ngõa toàn "大丈夫寧可玉碎何能瓦全" (Đại trượng phu thà làm ngọc nát chứ sao lại làm ngói lành). Ngay từ thời Chiến quốc ở Nhật Bản, võ sĩ đạo được đặt làm nền móng tư tưởng chủ đạo, đề cao lòng trung hiếu. Sau này, một số điểm trong tư tưởng võ sĩ đạo cũng được dùng trong chính quyền quân phiệt Nhật.

Cùng những thay đổi mang tính cách mạng trong cuộc Minh Trị Duy tân và những cuộc chiến tranh với nhà Thanh và quân Nga, chính quyền quân phiệt Nhật đã tiếp thu và nâng tầm đường lối võ sĩ đạo theo hướng "trung quân ái quốc". Trái với tư tưởng này, một số người lính thời đó đã chọn đầu hàng thay vì tự tử. Cái chết của Saigo Takamori, thủ lĩnh của tầng lớp samurai cũ trong cuộc chiến tranh Tây Nam là một minh chứng hùng hồn của danh dự và lòng trung thành với Thiên hoàng, và cũng được xem như biểu tượng quốc gia vào thời gian sau đó.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai

sửa
 
Binh lính Nhật Bản tôn vinh Thiên hoàng với tiếng hô "Banzai" trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai (1938)
 
Xác các binh sĩ Đế quốc Nhật Bản tử trận trên bãi cát Alligator Creek, Guadalcanal sau khi bị Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tiêu diệt trong trận Tenaru, ngày 21 tháng 8 năm 1942
 
Chiến hạm USS Bunker Hill bị tấn công bởi máy bay cảm tử "thần phong" do phi công Kiyoshi Ogawa điều khiển (ngày 11 tháng 5 năm 1945).
Trong suốt chiến tranh, chính quyền quân phiệt Nhật đã tuyên truyền tư tưởng "quyết tâm cảm tử" bằng những cuộc tấn công tự sát, dùng võ sĩ đạo làm nền móng cho chiến dịch, xem hi sinh như nghĩa vụ đối với Thiên hoàng và đất nước. Cho đến cuối năm 1944, Nhật hoàng phát động "Nhất ức ngọc toái" (一億玉碎 ichioku gyokusai) để đáp trả quân Đồng minh đến tháng 8 năm 1945.

Vũ khí quân Nhật sử dụng trong chiến lược "vạn tuế" gồm có: kiếm Nhật, cây gỗ được vót nhọn và súng trường Arisaka gắn lưỡi lê, bom ba càng.

Trong cuộc xâm lược Trung Quốc, chiến lược "vạn tuế" tỏ ra vô cùng hiệu quả vì quân đội Trung Quốc lúc đó chưa được đào tạo chuyên sâu và thiếu kỷ luật, lại thêm phần bị bất ngờ bởi chiến lược chớp nhoáng và đánh liều này. Nhưng chiến lược này đã bị hạ gục bởi hỏa lực cực mạnh của quân đội Hoa Kỳ.

Trong cuộc đổ bộ của Mỹ vào đảo Makin, vào ngày 17 tháng 8 năm 1941, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã phát hiện và bắn hạ lính súng máy của Nhật. Ngay sau đó, quân Nhật đã thực hiện chiến lược "vạn tuế" hòng gây bất ngờ cho lính Mỹ. Nhưng hỏa lực của Mỹ vẫn mạnh hơn với súng trường M1 Garand, súng tiểu liên Thompson và súng trung liên BAR, súng máy Browning M1919 và súng phun lửa M2. Hàng chục lính Nhật chết như ngả rạ sau sự đáp trả ác liệt của lính Mỹ. Do vậy, dù quân Nhật đã tiến hành nhiều hơn những cuộc tấn công cảm tử, họ vẫn không thành công.[1]

Đặc biệt hơn, trong chiến dịch Guadalcanal, vào ngày 21 tháng 8 năm 1941, Đại tá Lục quân Kiyonao Ichiki dẫn 800 lính Nhật tập kích thẳng vào phòng tuyến của Mỹ đang phòng thủ tại sân bay Henderson trong trận Tenaru. Sau khi tiếp cận địch từ trong rừng sâu, quân của Ichiki đã sử dụng chiến lược "vạn tuế" nhắm thẳng vào phòng tuyến quân Mỹ. Dù vậy, do đã chuẩn bị trước, quân Mỹ đã chiếm ưu thế và giết chết hàng trăm lính Nhật tại trận và bản thân Ichiki cũng phải tự sát.[2]

Cuộc tấn công kiểu "vạn tuế" lớn nhất phải nói đến trận Saipan vào năm 1944. Con số lính Nhật tử trận lên đến gần 4.300, Tiểu đoàn bộ binh số 2 và 3, sư đoàn Bộ binh số 105 của Hoa Kỳ bị tiêu diệt gần hết với số lính tử trận lên đến 650 người.

Chiến lược "vạn tuế" thường được dùng trong trường hợp những người lính Nhật còn sống sau cuộc đụng độ với lính Đồng minh, như một lựa chọn liều mạng thay vì phải đầu hàng. Nhưng đây cũng là một trong số những nguyên nhân khiến quân lực của phía Nhật sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt khi Nhật mất đi một lượng lớn những binh sĩ tốt nhất của mình. Hiểu rõ sự phí phạm vô ích vào những cuộc tấn công giáp lá cà tự sát kiểu "vạn tuế", Đại tướng Kuribayashi Tadamichi đã mạnh dạn loại bỏ chiến thuật này khi làm tổng chỉ huy cuộc chiến tử thủ đảo Iwo Jima, thay vào đó là tiêu chí làm cho số thương vong của phía Mỹ lên cao nhất, binh lính khi hết đạn chỉ có thể đánh giáp lá cà như giải pháp cuối cùng, có thể dùng vũ khí cướp được của địch để đánh địch thay vì tấn công tự sát.

Xem thêm

sửa

Tham khảo

sửa
  1. ^ U.S. Marine Corps Andrew A. Bufalo (ngày 10 tháng 11 năm 2004). Hard Corps: Legends of the Marine Corps. S&B Publishing. ISBN 9780974579351. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2015.
  2. ^ Staff (2000–2012). “The Battle of Guadalcanal”. History Learning Site. HistoryLearningSite.co.uk. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2015.

Liên kết ngoài

sửa