Bồ lao (蒲牢), còn được biết đến trong một số tài liệu như là Đồ lao (徒劳), là một loại rồng Trung Quốc, và là một trong số chín con của rồng (Long sinh cửu tử). Theo truyền thuyết, bồ lao thích âm thanh lớn và thích "gầm rống", và vì thế theo truyền thống được đúc trên quai chuông đặt ở nhiều nơi, như tại Trung Quốc, Việt Nam, và nó được sử dụng như là một cái giá đỡ móc treo chuông.

”Bồ lao” được đúc ở quai chuông
Bồ lao ở quai chuông tại hành cung Võ Đang, Dương Châu.

Bồ lao xuất hiện trong văn chương Trung Quốc từ thời nhà Đường. Học giả thời Đường là Lý Thiện (李善, 630-689), trong lời bình tác phẩm Đông Đô phú (东都赋) của Ban Cố (32–92), đã viết:

Giữa biển có cá lớn gọi là cá kình, trên bờ biển lại có loài thú gọi là bồ lao. Bồ lao vốn rất sợ cá kình. Khi cá kình đánh bồ lao thì [bồ lao] kêu rất to. Vì thế muốn làm chuông kêu to thì người ta đặt bồ lao ở trên đỉnh chuông và chày đánh chuông được chạm hình cá kình.[1]

Trong thời nhà Minh, bồ lao (với tên gọi khi đó là đồ lao) đã xuất hiện trong danh sách các linh vật có ảnh hưởng xuất hiện trong kiến trúc và mỹ thuật ứng dụng, được Lục Dung (陆容, 1436-1494) biên soạn trong tác phẩm Thục viên tạp ký (椒园杂记).

Đồ lao hình dáng giống như rồng, nhưng nhỏ, bản tính thích kêu rống, có thần lực, vì thế treo ở trên chuông.[2]

Sau này, bồ lao, với các mô tả tương tự, được một số học giả cuối thời Minh như Lý Đông Dương (李東陽, 1447-1516) và Dương Thận (楊慎, 1488-1559) đưa vào một số danh sách Long sinh cửu tử.[3]

Ghi chú

sửa
  1. ^ Trích dẫn lời bình của Lý Thiện, trong Dương Tĩnh Vinh và Lưu Chí Hùng (2008): "海中有大鱼曰鲸,海边又有兽名蒲牢,蒲牢素畏鲸,鲸鱼击蒲牢,辄大鸣。凡终欲令声大者,故作蒲牢于上,所以撞之者为鲸鱼." ("hải trung hữu đại ngư viết kình, hải biên hựu hữu thú danh bồ lao, bồ lao tố úy kình, kình ngư kích bồ lao, triếp đại minh. Phàm chung dục lệnh thanh đại giả, cố tác bồ lao vu thượng, sở dĩ chàng chi giả vi kình ngư) Trong bài The Bell of the Bailin (Cypress Grove) Temple
  2. ^ Trích dẫn từ Thục viên tạp ký của Lục Dung, trong Dương Tĩnh Vinh và Lưu Chí Hùng (2008): "徒劳其形似龙而小,性好吼叫,有神力,故悬于钟上。" (Đồ lao kì hình tự long nhi tiểu, tính hảo hống khiếu, hữu thần lực, cố huyền vu chung thượng). Toàn văn Thục viên tạp ký có thể tìm được tại một số website, như tại đây: 菽園雜記 Lưu trữ 2010-03-06 tại Wayback Machine
  3. ^ Dương Tĩnh Vĩnh và Lưu Chí Hùng (2008)

Tham khảo

sửa
  • 杨静荣 (Dương Tĩnh Vinh); 刘志雄 (Lưu Chí Hùng) (2008), 龙之源 (Long chi nguyên), 中国书店, Chương 9, 龙的繁衍与附会——龙生九子 (long đích phồn diễn dữ phụ hội - long sinh cửu tử), ISBN 7-80663-551-3 (Phần 1, Phần 2, Phần 3).