Bắc phủ binh (chữ Hán: 北府兵) hay Bắc phủ quân (北府军) là đội quân do danh tướng nhà Đông TấnTạ Huyền chủ trì việc thành lập, vào buổi đầu giai đoạn nắm quyền ngắn ngủi của sĩ tộc họ Tạ ở Trần Quận, sau mấy lần đổi chủ, trở thành quân đội chủ lực của Nam triều.

Quá trình tồn tại

sửa

Thành lập

sửa

Năm Thái Nguyên thứ 2 (397) đời Đông Tấn Hiếu Vũ đế, do nhà Tiền Tần đã thống nhất Bắc bộ Trung Quốc, nhà Đông Tấn phải chịu 1 áp lực quân sự chưa từng có, vì vậy ban chiếu cầu lương tướng đề phòng phương bắc. Đại thần nắm quyền chính khi ấy là Tạ An tiến cử con trai của anh mình là Tạ Huyền, triều đình nhiệm mệnh Tạ Huyền làm Kiến vũ tướng quân, Duyện Châu thứ sử, lĩnh Quảng Lăng tướng, giám Giang bắc chư quân sự, trấn thủ Quảng Lăng.

Bấy giờ Kinh Khẩu [1] và Quảng Lăng [2] tụ tập 1 lượng lớn lưu dân chạy nạn từ miền bắc đến, sau khi Tạ Huyền đến nhiệm chức, tại đây tuyển dụng những sĩ tốt kiêu dũng như bọn Lưu Lao Chi, thành lập 1 đội quân [3][4].

Chiến công

sửa

Năm Thái Nguyên thứ 8 (383), Bắc phủ binh liên tiếp thắng lợi, trong trận Phì Thủy, 1 đòn đánh bại đại quân Tiền Tần, thừa thế truy kích, Lưu Lao Chi đuổi theo đến Nghiệp. Trải qua trận này, Bắc phủ binh đã lưu danh lịch sử.

Năm Thái Nguyên thứ 12 (387), Tạ Huyền bị giải trừ binh quyền, Tư Mã Di, Vương Cung trước sau thay thế, Bắc phủ binh dần bị quân phiệt hóa. Năm Long An đầu tiên (397) đời An đế, Vương Cung soái Bắc phủ binh bức đến Kiến Khang, uy hiếp triều đình. Năm sau, ông ta bị Lưu Lao Chi trở giáo, thất bại và bị giết, Lao Chi trở thành lãnh tụ của Bắc phủ binh.

Năm Long An thứ 3 (399), Tôn Ân lãnh đạo nhân dân Chiết Đông nổi dậy, Bắc phủ binh trở thành lực lượng chủ yếu trấn áp cuộc khởi nghĩa.

Kết cục

sửa

Năm Nguyên Hưng đầu tiên (402), quyền thần Tư Mã Đạo Tử lệnh cho Bắc phủ binh chinh thảo Hoàn Huyền ở Kinh Châu, Lưu Lao Chi lại đầu hàng Huyền. Sau khi xưng đế, Huyền tước giảm binh quyền của Lưu Lao Chi, ông ta muốn khởi binh, nhưng không được lòng người, buộc phải tự sát.

Bắc phủ binh bị Hoàn Huyền thôn tính, các tướng lĩnh trọng yếu là Cao Tố, Trúc Khiêm Chi, Trúc Lãng Chi, Lưu Tập, Lưu Quý Vũ, Tôn Vô Chung… bị giết. Em Lưu Tập là Ký Châu thứ sử Lưu Quỹ cùng con Cao Tố là Nhã Chi và con Lao Chi là Kính Tuyên chạy sang Nam Yên. Căn cứ địa của Bắc phủ binh là Kinh Khẩu và Quảng Lăng được chia cho Hoàn TuHoàn Hoằng nắm giữ; binh sĩ được chia cho các tướng lĩnh dưới trướng sĩ tộc họ Hoàn thống lĩnh. Đến đây thì Bắc phủ binh hoàn toàn tan rã.

Năm Nguyên Hưng thứ 3 (404), nguyên tham quân của Bắc phủ binh là Lưu Dụ khởi binh ở Kinh Khẩu chống lại Hoàn Huyền. Sau này, Bắc phủ binh trở thành trụ cột quân sự của Lưu Dụ. Năm 420, Lưu Dụ xưng đế, kiến lập Nam triều Tống, Bắc phủ binh trở thành quân đội hoàng gia. Danh xưng Bắc phủ binh không còn được dùng đến nữa!

Nguyên nhân, ý nghĩa và ảnh hưởng

sửa

Lãnh thổ của nhà Đông Tấn quan trọng nhất là 2 châu Kinh, Dương. Kinh Châu nằm ở thượng du, đất rộng binh nhiều, là cứ điểm quân sự trọng yếu đề phòng phương bắc xâm phạm;[5] Dương Châu nằm ở hạ du, là chốn kinh kì, vì có thiên tử mà trở nên tôn quý, nhưng thực lực lại kém; thành ra cục diện "nhánh cứng thân mềm" (chữ Hán: 枝强干弱, chi cường cán nhược).

Ngay khi lên nắm quyền, Tạ An cho thành lập tân quân, chính là muốn cân bằng cục diện trên. Mặt khác, ông ta cũng muốn dựa vào thực lực quân sự, mà tạo ra sự cân bằng quyền lực của sĩ tộc họ Tạ với sĩ tộc họ Hoàn đang nắm trong tay 2 châu Kinh, Giang[6].

Sau trận Phì Thủy, Bắc phủ binh trở thành một con bài chính trị quan trọng. Tư Mã Đạo Tử tìm mọi cách giật Bắc phủ binh ra khỏi tay của sĩ tộc họ Tạ. Vương Cung dựa vào nó để 2 lần o ép triều đình. Lưu Dụ khởi binh chống lại Hoàn Huyền, là dưới chiêu bài khôi phục Bắc phủ binh.

Nguồn gốc tên gọi

sửa

Hồ Tam Tỉnh chú giải Tư trị thông giám như sau: "Người Tấn lấy Kinh Khẩu làm Bắc phủ, Tạ Huyền phá bọn Câu Nan, bắt đầu kiêm lĩnh Từ Châu, gọi là Bắc phủ binh từ ấy, sử sách về sau cũng kể như vậy!"

Vậy người Tấn gọi Kinh Khẩu là Bắc phủ từ bao giờ? Thế thuyết tân ngữ, quyển 6, bài điều 25, chú dẫn: "Nam Từ Châu ký chép rằng: ‘Từ Châu đô đốc cũ trong xưng hiệu có chữ Đông, nhà Tấn dời về trời nam, Từ Châu thứ sử Vương Thư gia chức Bắc trung lang tướng, cái tên Bắc phủ, bắt đầu từ đây’" Điều này cũng được chép tương tự trong Tấn thư - Nguyên Đế kỉ, Tấn thư - Vương Thư truyệnTư trị thông giám, quyển 90, đại ý như sau: "Tháng 3 năm Kiến Vũ đầu tiên (317), Tuyên Thành công Tư Mã Bầu làm Đô đốc Thanh, Từ, Duyện 3 châu chư quân sự, trấn Quảng Lăng. Tháng 10 cùng năm, hoăng. Vương Thư thay Bầu làm Bắc trung lang tướng giám Thanh, Từ 2 châu quân sự." Tiền Đại Hân, Nhập nhị sử khảo dị, "quyển 22, Vương Cung truyện chép: đô đốc lấy chữ Bắc làm hiệu đều gặp chuyện chẳng lành", bên dưới giải thích "cho thấy đô đốc 2 châu Từ, Duyện lấy chữ Bắc làm hiệu, nên có tên gọi Bắc phủ."

Châu trị của 2 châu Từ, Duyện đã nhiều lần thay đổi, đó là các nơi: Quảng Lăng, Kinh Khẩu, Hạ Bi, Hoài Âm, Kim Thành, Hợp Phì. Có lẽ từ khi Vương Thư làm Bắc trung lang tướng, trấn thủ Quảng Lăng, đô đốc phủ của 2 châu Từ, Duyện được gọi là Bắc phủ. Nhưng chỉ đến khi Tạ Huyền đến Quảng Lăng, Kinh Khẩu tổ chức tân quân, quân đội ở đây mới được gọi là Bắc phủ binh.

Nguồn gốc nhân sự

sửa

Sử sách chỉ chép tên tuổi của những đầu lĩnh Bắc phủ binh [3][4] mà không nhắc đến việc chiêu mộ binh đinh.

Vậy nhà Tấn có chiêu mộ binh đinh hay không? Ngày Canh Thân, tháng 5 năm Thái Hưng thứ 4 (321) đời Tấn Nguyên đế có chiếu: "Nay miễn cho dân lành Trung Châu gặp nạn phải làm đồng khách (tức là đứa ở) của các quận Dương Châu, để chuẩn bị sung binh dịch." [7] Đây là ghi chép đầu tiên về việc nhà Tấn chiêu mộ binh đinh, đối tượng là những lưu dân phương bắc nhỏ tuổi, sau khi đến miền nam vì nghèo đói mà trở thành đứa ở; như 1 biện pháp nhằm giải quyết vấn đề lưu dân.

Khi ấy ở khắp 7 châu Từ, Duyện, Ký, Thanh, U, Tịnh, Dương có đến 22 vạn nhân khẩu kiều ngụ, vượt quá cư dân địa phương hơn 2 vạn. Nhà Đông Tấn thiết lập các kiều quận, kiều huyện để quản lý, đứng đầu những nơi đều do lưu dân đề cử. Khi Si Giám trấn thủ Kinh Khẩu, đã thấy "dưới quyền hỗn tạp, phần nhiều là người phương bắc" [8]. Bọn Lưu Lao Chi đã được tuyển chọn như vậy!

Theo Tư trị thông giám, năm Thái Nguyên đầu tiên (376) đời Hiếu Vũ Đế, "dời lưu dân Hoài Bắc đi Hoài Nam" là ghi chép đầu tiên về việc dịch chuyển lưu dân của triều đình Đông Tấn. Tấn thư - Tạ Huyền truyện, Tư trị thông giámTống thư - Ngũ hành chí đều chép có đại ý như sau: "Nhà Tiền Tần vây Chu Tự ở Tương Dương, vây Đái Độn ở Bành Thành. Xa kỵ tướng quân Hoàn Xung cầm quyền, vào tháng 4 năm Thái Nguyên thứ 3 (379), gọi Tạ Huyền giao ra dân đinh của 3 châu (Từ, Duyện, Thanh), sai Bành Thành nội sử Hà Khiêm vượt Hoài, Tứ, để cứu Độn."

Như vậy, Bắc phủ binh là do lưu dân phương bắc hưởng ứng lời chiêu mộ của Tạ Huyền, kết hợp với lực lượng có sẵn ở Kinh Khẩu, Quảng Lăng, mà phần nhiều cũng là lưu dân phương bắc.

Tham khảo

sửa

Xem thêm

sửa

Chú thích

sửa
  1. ^ Châu trị của Từ Châu, nay là Trấn Giang, Giang Tô
  2. ^ Châu trị của Duyện Châu, nay là Dương Châu, Giang Tô
  3. ^ a b Tư trị thông giám, tháng 10, năm Thái Nguyên thứ 2, đời Hiếu Vũ Đế chép "玄募骁勇之士,得彭城刘牢之等数人,以牢之为参军,常领精锐为前锋,战无不捷。时号北府兵" (tạm dịch: Huyền mộ những kẻ kiêu dũng, được vài chục người là bọn Lưu Lao Chi, người (quận) Bành Thành, lấy Lao Chi làm Tiền phong. Không trận nào không thắng, thời ấy gọi là Bắc phủ binh.)
  4. ^ a b Tấn thư, Lưu Lao Chi truyện chép rõ ràng hơn: "太元初,谢玄北镇广陵,时苻坚方盛,玄多募劲勇,牢之与东海何谦、琅琊诸葛侃、平安高衡、东平刘轨、西河田洛及晋陵孙无终等以骁勇应选。选以牢之为参军,领精锐为前锋,百战百胜,号为北府兵,敌人畏之" (tạm dịch: Đầu những năm Thái Nguyên, Tạ Huyền trấn thủ Quảng Lăng, khi ấy Phù Kiên đang thịnh. Huyền mộ nhiều người khỏe mạnh, Lao Chi cùng bọn Hà Khiêm người (quận) Đông Hải, Gia Cát Khản người (quận) Lang Gia, Cao Hành người (quận) Bình An, Lưu Quỹ người (quận) Đông Bình, Điền Lạc người (quận) Tây Hà và Tôn Vô Chung người (quận) Tấn Lăng nhờ kiêu dũng mà trúng tuyển. Chọn Lao Chi làm tham quân, lĩnh quân tinh nhuệ đi tiền phong, trăm trận trăm thắng, gọi là Bắc phủ binh, kẻ địch khiếp sợ bọn họ.)
  5. ^ Vương Phu Chi, sách đã dẫn, nhận xét: "资实兵甲,居朝廷之半" (tạm dịch: tích trữ binh giáp, chiếm 1 nửa triều đình);
  6. ^ Vương Phu Chi, sách đã dẫn, nhận xét: "谢安任桓冲于荆、江,而别使谢玄监江北军事,晋于是而有北府之兵,以重相权,以图中原,一举而两得矣" (tạm dịch: Tạ An nhiệm Hoàn Xung ở Kinh, Giang, lại riêng dùng Tạ Huyền giám Giang Bắc quân sự, nhà Tấn nhờ thế mà có quân Bắc phủ, để nắm quyền (Tể) tướng, để tính Trung Nguyên, (thật là) ‘nhất cử lưỡng đắc’ vậy!)
  7. ^ Tấn thư - Nguyên đế kỉ
  8. ^ Tấn thư - Si Giám truyện