Bảo quản viên Wikipedia

Trên Wikipedia, những người dùng đáng tin cậy có thể được bổ nhiệm làm bảo quản viên (còn gọi là admin, sysop hoặc janitor),[1]:327 sau khi yêu cầu thành công quyền quản trị. Hiện tại, có 15 bảo quản viên trên Wikipedia tiếng Việt.[2] Bảo quản viên có các đặc quyền kỹ thuật bổ sung so với những biên tập viên khác, chẳng hạn như có thể khóa và xóa trang cũng như có thể cấm người dùng sửa đổi trang.

Biểu tượng thường đại diện cho bảo quản viên trên Wikipedia

Trên Wikipedia, trở thành bảo quản viên thường gọi là "được trao [hoặc đảm nhận] công việc lau dọn",[2] một thuật ngữ cũng từng được sử dụng ở những nơi khác.[3] Năm 2006, tờ The New York Times đưa tin rằng vào lúc đó có khoảng 1.000 các bảo quản viên trên Wikipedia và họ khá "đa dạng về mặt địa lý".[4] Tháng 7 năm 2012, có một thông tin được chia sẻ rộng rãi rằng Wikipedia đang "hết bảo quản viên", bởi vì trong năm 2005 và 2006, thường có 40 đến 50 người được bổ nhiệm làm bảo quản viên mỗi tháng, nhưng trong nửa đầu năm 2012, tổng cộng chỉ có 9 người được bổ nhiệm.[5][6] Tuy vậy, nhà đồng sáng lập Wikipedia Jimmy Wales phủ nhận rằng đây là một cuộc khủng hoảng hay Wikipedia sắp hết bảo quản viên, nói rằng, "Số lượng bảo quản viên đã ổn định trong khoảng hai năm, thực sự không có gì xảy ra cả".[7] Wales trước đó (trong một tin nhắn gửi đến danh sách gửi thư Wikipedia tiếng Anh vào ngày 11 tháng 2 năm 2003) từng tuyên bố rằng việc trở thành bảo quản viên "không phải là vấn đề lớn" và rằng "đó chỉ là một vấn đề kỹ thuật mà quyền hạn được trao cho sysop mà không được trao cho tất cả mọi người".[8]

Trong cuốn sách có nhan đề Wikipedia: The Missing Manual ra mắt năm 2008, John Broughton nói rằng trong khi nhiều người coi bảo quản viên trên Wikipedia là thẩm phán thì đây không phải là mục đích của vai trò này.[9] Thay vào đó, như lời ông nói thì bảo quản viên thường "xóa trang" và "khóa các trang liên quan đến cuộc chiến sửa đổi".[9] Bảo quản viên Wikipedia không phải là nhân viên hay đại diện của Wikimedia Foundation.[10]

Yêu cầu cấp quyền

sửa

Mặc dù những bảo quản viên đầu tiên của Wikipedia được Jimmy Wales bổ nhiệm vào tháng 10 năm 2001,[11] các đặc quyền của bảo quản viên trên Wikipedia hiện được cấp thông qua một quy trình được gọi là yêu cầu cấp quyền bảo quản viên (RfA).[1] Bất kỳ biên tập viên đã đăng ký nào cũng có thể tự mình đề cử hoặc có thể đề nghị biên tập viên khác làm như vậy. Quá trình này được cho là "giống như đưa ai đó thông qua Tòa án Tối cao" theo như lời Andrew Lih, một nhà khoa học và giáo sư, bản thân là bảo quản viên của Wikipedia tiếng Anh. Lih cũng nói, "Đó gần như là một vụ ma cũ bắt nạt ma mới đáng sợ vào thời điểm này", trái ngược với cách thức hoạt động của quy trình này trong lịch sử Wikipedia thời kỳ ban đầu, khi tất cả những gì một người phải làm để trở thành bảo quản viên là "chứng minh rằng bạn không phải là một kẻ ngốc".[5]

Việc ứng cử cho vai trò này thường chỉ được cân nhắc sau khi "làm việc tích cực trên wiki".[1] Mặc dù bất kỳ biên tập viên nào cũng có thể bỏ phiếu trong RfA, nhưng kết quả không được quyết định bởi đa số phiếu bầu, mà dựa trên việc liệu có đạt được sự đồng thuận rằng ứng cử viên sẽ trở thành một bảo quản viên tốt hay không, một quyết định chỉ có thể do hành chính viên, biên tập viên Wikipedia đưa ra vốn cũng được cộng đồng chỉ định thông qua quy trình "yêu cầu cấp quyền", mặc dù quy trình này đối với họ nghiêm ngặt hơn nhiều so với bảo quản viên.[12] Điều này có thể đã được thực hiện do RfAs thu hút mức độ chú ý ngày càng tăng: Stvilia et al. trích dẫn rằng "Trước giữa năm 2005, RfA thường không thu hút nhiều sự chú ý. Kể từ đó, việc RfA thu hút một số lượng lớn các nhóm RfA ủng hộ lẫn nhau đã trở nên khá phổ biến",[13] với số phiếu bầu kỷ lục trong một RfA tính đến tháng 5 năm 2022 là 468 đối với RfA của biên tập viên lâu năm Tamzin Hadasa Kelly.[14]

Vai trò bảo quản viên

sửa

Sau khi được cấp đặc quyền bảo quản viên, người dùng có quyền tiếp cận các chức năng bổ sung để thực hiện một số tác vụ nhất định.[5] Những tác vụ này bao gồm "dọn dẹp đống bừa bộn",[1] xóa các bài viết được cho là không phù hợp, khóa các trang (hạn chế quyền sửa đổi đối với trang đó),[15]:66 và cấm tài khoản của những người dùng gây rối.[1][5] Việc cấm người dùng phải được thực hiện theo chính sách của Wikipedia và phải nêu rõ lý do cấm, để rồi lý do này sẽ được phần mềm ghi lại vĩnh viễn.[1]:401[15]:120 Việc sử dụng đặc quyền này để "đạt được lợi thế trong quá trình sửa đổi" vốn được coi là không phù hợp.[1]

Nghiên cứu khoa học

sửa

Một bài báo khoa học năm 2013 của các nhà nghiên cứu từ Virginia TechViện Bách khoa Rensselaer đã phát hiện ra rằng sau khi các biên tập viên được thăng cấp lên vị trí bảo quản viên, họ thường tập trung nhiều hơn vào những bài viết về các chủ đề gây tranh cãi so với trước đây. Giới nghiên cứu cũng đề xuất một phương pháp thay thế để chọn bảo quản viên mà qua đó phiếu bầu của những biên tập viên có kinh nghiệm được coi trọng hơn.[16] Một bài báo khác từng đem ra trình bày tại Hội nghị về Yếu tố Con người trong Hệ thống Máy tính năm 2008 đã phân tích dữ liệu từ tất cả 1.551 yêu cầu cấp quyền bảo quản viên từ tháng 1 năm 2006 đến tháng 10 năm 2007, với mục tiêu xác định (nếu có) tiêu chí nào được đề xuất trong Hướng dẫn yêu cầu cấp quyền bảo quản viên của Wikipedia[17] là yếu tố dự đoán tốt nhất về việc liệu người dùng được đề cập có thực sự trở thành bảo quản viên hay không.[3] Tháng 12 năm 2013, một nghiên cứu tương tự đã được giới nghiên cứu đến từ Viện Công nghệ Thông tin Ba Lan-Nhật Bản xuất bản ở Warszawa, nhằm lập mô hình kết quả của các yêu cầu cấp quyền bảo quản viên trên Wikipedia tiếng Ba Lan bằng cách sử dụng một mô hình bắt nguồn từ lịch sử sửa đổi của Wikipedia. Họ nhận thấy rằng họ có thể "phân loại các phiếu bầu trong quy trình RfA bằng cách sử dụng mô hình này với mức độ chính xác đủ để giới thiệu các ứng cử viên".[18]

Tham khảo

sửa
  1. ^ a b c d e f g Ayers, Phoebe; Matthews, Charles; Yates, Ben (2008). How Wikipedia Works. No Starch Press. ISBN 978-1-59327-176-3.
  2. ^ a b “Wikipedia:Bảo quản viên”. Wikipedia. Wikimedia Foundation. Truy cập ngày 30 tháng 4 năm 2023.
  3. ^ a b Burke, Moira; Kraut, Robert (tháng 4 năm 2008). Taking Up the Mop: Identifying Future Wikipedia Administrators. CHI '08 Extended Abstracts on Human Factors in Computing Systems. tr. 3441–3446. doi:10.1145/1358628.1358871. ISBN 978-1-60558-012-8. S2CID 5868576.
  4. ^ Hafner, Katie (17 tháng 6 năm 2006). “Growing Wikipedia Refines Its 'Anyone Can Edit' Policy”. The New York Times. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2014.
  5. ^ a b c d Meyer, Robinson (16 tháng 7 năm 2012). “3 Charts That Show How Wikipedia Is Running Out of Admins”. The Atlantic. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2014.
  6. ^ Further coverage:
  7. ^ Lee, Dave (18 tháng 7 năm 2012). “Jimmy Wales denies Wikipedia admin recruitment crisis”. BBC News. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2014.
  8. ^ Wales, Jimmy (11 tháng 2 năm 2003). “Sysop Status”. EN-I Wikimedia Mailing List. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2014.
  9. ^ a b Broughton, John (2008). Wikipedia – The Missing Manual. O'Reilly Media. tr. 199.
  10. ^ Kosseff, Jeff (15 tháng 4 năm 2019). The Twenty-Six Words That Created the Internet. Cornell University Press. ISBN 9781501735790.
  11. ^ Schiff, Stacy (31 tháng 7 năm 2006). “Know It All”. The New Yorker. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2014.
  12. ^ “Wikipedia:Bureaucrats”. Wikipedia. Wikimedia Foundation. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2015.
  13. ^ Stvilia, Besiki; Twidale, Michael B.; Smith, Linda C.; Gasser, Les (2008). “Information quality work organization in wikipedia”. Journal of the Association for Information Science and Technology. 59 (6): 983. CiteSeerX 10.1.1.163.5109. doi:10.1002/asi.20813.
  14. ^ Harrison, Stephen (16 tháng 6 năm 2022). “Inside Wikipedia's Historic, Fiercely Contested "Election". Slate. Truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2022.
  15. ^ a b Ebersbach, Anja; Adelung, Andrea; Dueck, Gunter; Glaser, Markus; Heigl, Richard; Warta, Alexander (2008). Wiki: Web Collaboration. Springer. ISBN 978-3-540-68173-1.
  16. ^ Das, Sanmay (2013). Manipulation Among the Arbiters of Collective Intelligence: How Wikipedia Administrators Mold Public Opinion (PDF). Proceedings of the 22nd ACM International Conference on Information & Knowledge Management. tr. 1097–1106. doi:10.1145/2505515.2505566. ISBN 978-1-4503-2263-8. S2CID 52865675. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 19 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2014.
  17. ^ Xem Wikipedia:Hướng dẫn yêu cầu cấp quyền bảo quản viên.
  18. ^ Jankowski-Lorek, Michal; Ostrowski, Lukasz; Turek, Piotr; Wierzbicki, Adam (2013). “Modeling Wikipedia admin elections using multidimensional behavioral social networks”. Social Network Analysis and Mining. 3 (4): 787. doi:10.1007/s13278-012-0092-6.