Bùi Thanh Tuấn (sinh ngày 12 tháng 5 năm 1974), còn có các bút danh Lão Bộc, Bùi Bảo Nghi, là một trong những nhà thơ đương đại của Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Thành phố HCM[1]. Anh là tác giả bài thơ "Chia tay người Hà Nội", được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng là "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa".

Bùi Thanh Tuấn
Sinh12 tháng 5, 1974 (50 tuổi)
Bảo Lộc, Lâm Đồng, Việt Nam Cộng hòa
Bút danhLão Bộc, Bùi Bảo Nghi
Nghề nghiệpNhà thơ, nhà báo
Quốc tịchViệt Nam
Giáo dụcĐại học Tổng hợp Thành phố HCM
Alma materCử nhân Ngữ văn - Báo chí
Giai đoạn sáng tác1990-nay
Thể loạiThơ
Chủ đềLãng mạn
Tác phẩm nổi bậtChia tay người Hà Nội, Ru lòng khờ dại
Website
http://vn.360plus.yahoo.com/bui_thanhtuan

Thân thế và sự nghiệp

sửa

Bùi Thanh Tuấn sinh ngày 12 tháng 5 năm 1974, tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Từ thời trung học, anh có tham gia cộng tác với báo Mực tím và cũng có một số bài thơ đăng báo.

Sau khi tốt nghiệp Trung học, anh theo học Khoa Ngữ văn - Báo chí, Đại học Tổng hợp Thành phố HCM. Cuối năm 1992, anh viết một bài thơ mà sau này trở nên nổi tiếng để tặng người bạn gái cùng học đại học. Trong một chuyến tập huấn của cán bộ Đoàn các trường đại học, cao đẳng miền Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh Hè năm 1993, Bùi Thanh Tuấn, lúc bấy giờ là cán bộ Đoàn khoa Văn, đã đọc tặng các bạn từ Hà Nội vào bài thơ này. Trong số đó có cả nhạc sĩ Trương Quý Hải, bấy giờ là Phó bí thư Đoàn Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau đó, Trương Quý Hải đã phổ nhạc bài thơ và đặt tên bài hát là "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa", phỏng theo câu thơ đầu. Còn về bài thơ gốc, Bùi Thanh Tuấn sau đấy mới đặt tên là "Chia tay người Hà Nội.[2]

Trong thời gian học đại học, anh sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau như thợ hồ, giữ xe, sơn cửa, bán sách dạo[3]. Bên cạnh đó anh cũng nhận cộng tác viết bài cho báo. Năm 1994, anh nhận làm cộng tác viên của Phòng Xuất bản Biên tập, Hãng phim Phương Nam của Công ty Phương Nam.[4]

Tốt nghiệp Đại học năm 1996, anh vẫn tiếp tục công tác tại công ty Phương Nam. Một bước ngoặt lớn vào năm 1997, khi chương trình Làn Sóng Xanh ra đời. Bài hát "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" được ca sĩ Mỹ Linh thể hiện và nhanh chóng được nhiều người ưa thích. Bài hát đem lại danh tiếng cho nhạc sĩ Trương Quý Hải và cũng đem lại cho Bùi Thanh Tuấn nhiều tiền thu từ tác quyền của bài thơ. Anh trở thành một trong những nhà thơ trẻ giàu nhất Thành phố Hồ Chí Minh và có cả một căn nhà bạc tỷ.[5]

Năm 1998, anh nghỉ việc ở công ty Phương Nam để tập trung vào việc chuẩn bị du học. Thời gian này anh sáng tác và tự phổ nhạc bài thơ "Ru lòng khờ dại". Tuy nhiên, những sáng tác sau này của anh không gây được tiếng vang. Thêm vào đó, thất bại trong việc tìm cách đi du học cộng với việc đổ vỡ trong tình cảm, rắc rối trong tài chính, năm 2000, Bùi Thanh Tuấn phá sản và ra Hà Nội tìm kế sinh nhai.

Tại Hà Nội, nơi đem lại cho anh những danh vọng đầu tiên, anh vẫn có thể kiếm sống bằng việc cộng tác viết báo. Cũng nhờ danh tiếng này mà anh được giới thiệu thi công chức, sau đó vào làm việc cho Cục Xuất bản, Bộ Văn hóa - Thông tin. Năm 2002, anh được cử đi Singapore học về đồ họa trong 6 tháng, nhưng lại bỏ dở để quay về.

Khi trở về, anh mất việc ở Cục Xuất bản, đành quay lại Thành phố Hồ Chí Minh. Ban đầu, anh làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Trẻ, đồng thời cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học trẻ Thành phố HCM[6]. Năm 2004, anh chuyển sang làm biên tập viên cho Ban Văn nghệ, Đài truyền hình Thành phố HCM.[7] Anh cũng tham gia viết bài cho nhiều tờ báo với tư cách cộng tác viên.

Bùi Thanh Tuấn từng có một cuộc hôn nhân ngắn ngủi với người vợ Thái Lan. Hiện tại anh vẫn sống độc thân và đang định cư tại Hoa Kỳ.

Sự nghiệp văn chương

sửa

Các tác phẩm đã xuất bản

sửa
  • Còn chút tình riêng trong mắt nhau (thơ, Nhà xuất bản Thanh Niên, năm 2000)
  • Phiên bản (Thơ, Nhà xuất bản Văn Học, năm 2008)

Các tác phẩm sắp in:

  • Hạnh phúc chỉ là lời nói dối.
  • Tứ tuyệt cà chớn.
  • Tứ tuyệt tình.

Các bài thơ được phổ nhạc

sửa

Một số bài thơ của Bùi Thanh Tuấn đã được phổ nhạc thành bài hát. Nổi tiếng nhất là bài thơ "Chia tay người Hà Nội", sáng tác cuối năm 1992. Ban đầu bài thơ chưa đặt tên, được tác giả sáng tác để tặng một người bạn gái thân thiết học chung lớp đại học tên Bùi Thị Mai Vân, khi tác giả chưa một lần đặt chân đến Hà Nội[8]. Bài thơ được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc vào năm 1993, nhưng mãi đến năm 1997, khi chương trình Làn Sóng Xanh ra đời, bài hát trở nên được nhiều người biết đến. Nhiều ca sĩ đã thể hiện bài hát rất thành công đặc biệt là Mỹ Linh (Hà Nội) và Cẩm Vân (Thành phố Hồ Chí Minh). Hai ca sĩ khác cũng được đánh giá là nổi bật là Thu Phương và Tuấn Ngọc. Nhạc sĩ Trương Quý Hải cũng thành danh với bài hát này, và trong dịp kỷ niệm 10 năm chương trình Làn Sóng Xanh, ông đã được trao giải thưởng thành tựu với "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa".[2]

Các bài thơ phổ nhạc khác:

  • "Ru lòng khờ dại", sáng tác và tự phổ nhạc năm 1998, được ca sĩ Nhất Thiên Bảo, sau đó là Thanh Hà (hải ngoại), Nguyệt Anh thể hiện.
  • "Nếu địa đàng chẳng còn gì để nhớ...", sáng tác năm 2003, được nhạc sĩ Nguyễn Quốc Khánh phổ nhạc năm 2006 và đổi tên thành bài "Phúc âm chiều", được ca sĩ Đình Nguyên, sau đó là Tuấn Ngọc thể hiện.

Chú thích

sửa
  1. ^ “Việt Nam có thêm hai Di sản tư liệu được ghi vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. khoavanhoc-ngonngu.edu.vn.
  2. ^ a b Online, TTVH (4 thg 5, 2009). “Trương Quý Hải: Đâu chỉ... "vắng những cơn mưa"!?”. thethaovanhoa.vn. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  3. ^ “Nhà thơ Bùi Thanh Tuấn: Tình khiêm nhường nhận lấy để cho đi (1)”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 23 tháng 12 năm 2011.
  4. ^ “Đoàn Thạch Biền thích phái đẹp gọi "ông" xưng "em".
  5. ^ “Nhà thơ Bùi Thanh Tuấn: Tình khiêm nhường nhận lấy để cho đi (2)”.[liên kết hỏng]
  6. ^ “Câu lạc bộ Văn học trẻ TP HCM 'tái xuất'.
  7. ^ “Nhà thơ trẻ làm nhiều nghề nhất”. https://nld.com.vn. 22 thg 9, 2006. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp); Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  8. ^ Theo thông tin trên Blog của tác giả.

Liên kết ngoài

sửa