Bình Thạnh

Quận nội thành thuộc thành phố Hồ Chí Minh

Bình Thạnh là một quận nội thành thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Bình Thạnh
Quận
Quận Bình Thạnh
Biểu trưng
Cổng chính Lăng Ông Bà Chiểu, Tòa nhà Landmark 81
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐông Nam Bộ
Thành phốThành phố Hồ Chí Minh
Trụ sở UBND6 Phan Đăng Lưu, Phường 14
Phân chia hành chính15 phường
Thành lập6/1976
Đại biểu Quốc hộiĐỗ Đức Hiển
Nguyễn Sỹ Quang
Trần Kim Yến
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDĐinh Khắc Huy
Bí thư Quận ủyVũ Ngọc Tuất
Địa lý
Tọa độ: 10°48′10″B 106°41′48″Đ / 10,802803°B 106,696555°Đ / 10.802803; 106.696555
MapBản đồ quận Bình Thạnh
Bình Thạnh trên bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh
Bình Thạnh
Bình Thạnh
Vị trí quận Bình Thạnh trên bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh
Bình Thạnh trên bản đồ Việt Nam
Bình Thạnh
Bình Thạnh
Vị trí quận Bình Thạnh trên bản đồ Việt Nam
Diện tích20,78 km²[1]
Dân số (2022)
Tổng cộng552.164 người[2]
Mật độ26.571 người/km²
Dân tộc21 dân tộc, đa số là người Kinh[3]
Khác
Mã hành chính765[4]
Biển số xe59-S1, 59-S2, 59-S3, 59-SA
Số điện thoại+84.8.35104106
Số fax+84.8.38433455
Websitebinhthanh.hochiminhcity.gov.vn

Tên gọi Bình Thạnh ngày nay dựa trên sự sáp nhập của 2 xã của quận Gò Vấp sau năm 1975 là Bình Hòa Xã và Thạnh Mỹ Tây.

Quận có nhiều địa điểm nổi tiếng như Landmark 81, Lăng Ông (Bà Chiểu), Chợ Bà Chiểu, Bờ kè Thanh Đa, Khu du lịch Bình Qưới.

Địa lý

sửa

Quận Bình Thạnh nằm về phía bắc nội thành Thành phố Hồ Chí Minh, có vị trí địa lý:

Quận có diện tích 20,78 km², dân số năm 2019 là 499.164 người[2], mật độ dân số đạt 24.021 người/km².

Ngoài sông Sài Gòn, trên địa bàn quận Bình Thạnh còn nhiều kênh rạch lớn nhỏ như: Thị Nghè, Cầu Bông, Văn Thánh, Thanh Đa, Hố Tàu, Thủ Tắc... đã tạo thành một hệ thống đường thủy đáp ứng lưu thông cho xuồng, ghe nhỏ đi sâu vào các khu vực, thông thương với các địa phương khác.

Dân số

sửa

Dân số là 490.380 người (2017)[5], gồm 21 dân tộc, đa số là người Kinh. Mật độ dân số đạt 22.370 người/km².

Hành chính

sửa

Quận Bình Thạnh được chia thành 15 phường gồm: 1, 2, 5, 7, 11, 12, 13, 14, 17, 19, 22, 25, 26, 27, 28. Trong đó, phường 14 là nơi đặt trụ sở Ủy ban nhân dân và các cơ quan hành chính của quận.

Lịch sử

sửa
 
Tòa bố Gia Định xưa, nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh

Địa bàn quận Bình Thạnh ngày nay, gần tương ứng với vùng đất của 5 thôn: Bình Hòa, Bình Lợi Trung, Thanh Đa, Phú Mỹ và Bình Quới Tây, thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An, được Trịnh Hoài Đức ghi nhận trong danh sách các xã thôn trong Gia Định thành thông chí.

Năm 1836, tổng Bình Trị được tách làm 3 tổng mới: Bình Trị Thượng, Bình Trị Trung và Bình Trị Hạ. Các thôn Bình Lợi Trung, Thạnh Đa, Phú Mỹ và Bình Quới Tây thuộc về tổng Bình Trị Thượng, còn thôn Bình Hòa thuộc về tổng Bình Trị Hạ, đều thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.[6]

Thời Pháp thuộc

sửa

Với Hòa ước Nhâm Tuất (1862), triều đình Huế nhượng hẳn 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp làm thuộc địa. Chính quyền thực dân Pháp chia 3 tỉnh này thành 13 thành các hạt thanh tra (inspection), do các viên chức Pháp ngạch thanh tra các công việc bản xứ (inspecteur des affaires indigeânes) đứng đầu, nhưng tạm thời vẫn giữ cơ cấu phủ huyện cũ. Phần đất của quận Bình Thạnh ngày nay nằm trong hạt Sài Gòn, tương ứng với 5 xã thôn Bình Hòa, Bình Lợi Trung, Thạnh Đa, Phú Mỹ và Bình Quới Tây[6], thuộc tổng Bình Trị Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, địa hạt Sài Gòn.

Sau khi chiếm được toàn bộ Nam Kỳ, năm 1868, chính quyền thực dân Pháp bãi bỏ các đơn vị hành chính phủ, huyện, phân chia lại toàn bộ cõi Nam Kỳ. Các hạt thanh tra về sau cũng được đổi thành hạt tham biện (arrondissement), do các Chánh tham biện (administrateur) người Pháp đứng đầu. Tuy vậy, chính quyền thực dân Pháp vẫn giữ lại cơ cấu hành chính cấp thấp như tổng, thôn. Vùng đất Bình Thạnh ngày nay thuộc tổng Bình Trị Thượng, hạt Sài Gòn. Năm 1871, các thôn đổi thành làng. Năm 1874, Tổng thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn (ville saigon). Tòa tham biện hạt Sài Gòn chuyển từ trung tâm thành phố Sài Gòn đặt tại làng Bình Hòa[7], tại vị trí ngày nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh.

Ngày 24 tháng 8 năm 1876, hạt Sài Gòn đổi tên thành hạt Bình Hòa. Tuy nhiên, do người Pháp dễ xảy ra sự nhầm lẫn giữa hạt Bình Hòa và hạt Biên Hòa[6], ngày 16 tháng 12 năm 1885, hạt Bình Hòa đổi tên thành hạt Gia Định theo quyết định của Thống đốc Nam Kỳ. Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Gia Định trở thành tỉnh Gia Định. Tỉnh lỵ Gia Định vẫn đặt tại làng Bình Hòa.

Ngày 1 tháng 1 năm 1911, tỉnh Gia Định chia thành bốn quận: Thủ Đức, Nhà Bè, Gò VấpHóc Môn. Vùng đất Bình Thạnh ngày nay thuộc về tổng Bình Trị Thượng, quận Gò Vấp, tương ứng với 2 làng Bình Hòa Xã (sáp nhập cả làng Bình Lợi Trung) và Thạnh Mỹ Tây (sáp nhập từ 3 làng Thạnh Đa, Phú Mỹ và Bình Quới Tây).[6]

Ngày 11 tháng 5 năm 1944, Toàn quyền Đông Dương ký nghị định tách một số vùng (nằm kế cận Khu Sài Gòn - Chợ Lớn) của tỉnh Gia Định để lập tỉnh Tân Bình. Tỉnh Tân Bình khi đó có duy nhất một quận là quận Châu Thành (lập ngày 19 tháng 9 năm 1944). Làng Bình Hòa Xã và làng Thạnh Mỹ Tây khi đó thuộc thuộc tổng Bình Trị Thượng, quận Châu Thành, tỉnh Tân Bình.

Tỉnh Tân Bình tồn tại đến tháng 8 năm 1945 thì giải thể. Làng Bình Hòa Xã và làng Thạnh Mỹ Tây trở lại thuộc tổng Bình Trị Thượng, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định cho đến năm 1956. Cùng thời gian đó, theo phân chia hành chính của chính quyền Việt Minh, thì làng Thạnh Mỹ Tây gọi là Hộ 19 và làng Bình Hòa Xã gọi là Hộ 20[6].

Thời Việt Nam Cộng hòa

sửa

Sau năm 1956, các làng gọi là xã, trong đó có xã Bình Hòa Xã và xã Thạnh Mỹ Tây. Xã Bình Hòa Xã tiếp tục giữ vai trò là tỉnh lỵ tỉnh Gia Định cho đến năm 1975. Tuy nhiên, quận lỵ Gò Vấp lại đặt tại xã Hạnh Thông Xã.

Từ năm 1962 chính quyền Việt Nam Cộng hòa bỏ dần, đến năm 1965 bỏ hẳn cấp hành chính tổng. Khi đó, xã Bình Hòa Xã và xã Thạnh Mỹ Tây trực tiếp thuộc quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Xã Bình Hòa Xã gồm 10 ấp đều mang địa danh "Bác Ái" và đánh số kèm theo, từ Bác Ái 1 đến Bác Ái 10. Tương tự, xã Thạnh Mỹ Tây gồm 10 ấp đều mang địa danh "Nhất Trí" và đánh số kèm theo, từ Nhất Trí 1 đến Nhất Trí 10.

Từ năm 1975 đến nay

sửa

Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp quản Đô thành Sài Gòn và các vùng lân cận vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày 3 tháng 5 năm 1975 thành phố Sài Gòn - Gia Định được thành lập. Theo nghị quyết ngày 9 tháng 5 năm 1975 của Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam thành phố Sài Gòn - Gia Định, xã Bình Hòa Xã và xã Thạnh Mỹ Tây cũ được tách ra khỏi quận Gò Vấp để thành lập quận Bình Hòa và quận Thạnh Mỹ Tây cùng trực thuộc thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đồng thời, quận Bình Hòa chuyển 10 ấp cũ thành 10 phường trực thuộc, từ Bác Ái 1 đến Bác Ái 10. Tương tự, quận Thạnh Mỹ Tây chuyển 10 ấp cũ thành 10 phường trực thuộc, từ Nhất Trí 1 đến Nhất Trí 10.

Ngày 20 tháng 5 năm 1976, tổ chức hành chánh thành phố Sài Gòn - Gia Định được sắp xếp lần hai (theo quyết định số 301/UB ngày 20 tháng 5 năm 1976 của Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố Sài Gòn - Gia Định). Theo đó, sáp nhập quận Bình Hòa và quận Thạnh Mỹ Tây cũ để thành lập quận mới có tên là quận Bình Thạnh. Lúc này, các phường cũ đều giải thể, lập các phường mới có diện tích, dân số nhỏ hơn và mang tên số. Quận Bình Thạnh có 28 phường, đánh số từ 1 đến 28 (địa bàn quận Bình Hòa cũ có 14 phường từ 1-14, địa bàn quận Thạnh Mỹ Tây cũ có 14 phường từ 15-28).

Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VI, kỳ họp thứ 1 chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh. Quận Bình Thạnh trở thành quận trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 26 tháng 8 năm 1982, theo Quyết định số 147-HĐBT[8] của Hội đồng Bộ trưởng về việc giải thể 2 phường: 8 và 20, địa bàn các phường giải thể sáp nhập vào các phường kế cận. Đồng thời, điều chỉnh địa giới của 2 phường: 18 và 19 với số phường trực thuộc còn 26:

  • Giải thể phường 8 để sáp nhập vào phường 12 và phường 14
  • Giải thể phường 20 để sáp nhập vào phường 18
  • Sáp nhập một phần phường 18 vào phường 19

Ngày 27 tháng 8 năm 1988, theo Quyết định số 136-HĐBT[9] của Hội đồng Bộ trưởng về việc giải thể 6 phường: 4, 9, 10, 16, 18 và 23; địa bàn các phường giải thể nhập vào các phường kế cận với số lượng phường trực thuộc còn 20:

  • Giải thể các phường 9, 10 và 18 để sáp nhập vào các phường khác:
    • Sáp nhập 15 tổ dân phố với 4.059 nhân khẩu của phường 9 và 15 tổ dân phố với 3.250 nhân khẩu của phường 10 vào phường 12; tách 12 tổ dân phố với 3.402 nhân khẩu của phường 12 để sáp nhập vào phường 14.
    • Tách 4 tổ dân phố với 945 nhân khẩu của phường 14 và 27 tổ dân phố với 8.442 nhân khẩu còn lại của phường 9 để sáp nhập vào phường 24.
    • Sáp nhập 22 tổ dân phố 5.372 nhân khẩu còn lại của phường 10 vào phường 11.
    • Tách 10 tổ dân phố với 3.895 nhân khẩu của phường 18 để sáp nhập vào phường 19.
    • Sáp nhập 34 tổ dân phố với 9.063 nhân khẩu còn lại của phường 18 vào phường 21.
  • Sáp nhập phường 3 và phường 4 thành phường 3.
  • Sáp nhập phường 15 và phường 23 thành phường 15.
  • Sáp nhập phường 16 và phường 17 thành phường 17 gồm 3527 nhân khẩu.
  • Tách 11 tổ dân phố với 2.741 nhân khẩu của phường 14 để sáp nhập vào phường 2.

Ngày 14 tháng 11 năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH15 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025)[10]. Theo đó, sáp nhập Phường 3 vào Phường 1; sáp nhập Phường 6 vào Phường 5 và Phường 7; sáp nhập Phường 15 vào Phường 2; sáp nhập Phường 21 vào Phường 19 và sáp nhập Phường 24 vào Phường 14.

Quận Bình Thạnh có 15 phường trực thuộc như hiện nay.

Kinh tế

sửa

Từ thuở khai hoang lập ấp cho đến khi nhà Nguyễn trực tiếp cai quản, nông nghiệp lúa nước là ngành kinh tế chủ yếu của cư dân Bình Hoà - Thạnh Mỹ Tây, bên cạnh chăn nuôi và đánh cá.

Dưới thời Pháp thuộc, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo. Tuy nhiên, do ở vị trí địa lý thuận lợi có nhiều đường giao thông thủy bộ quan trọng lại ở trung tâm tỉnh lỵ Gia Định nên thủ công nghiệp, thương nghiệp lại có điều kiện phát triển và mở mang, đã xuất hiện một số cơ sở công nghiệp nhỏ.

Trong thập niên 1960, kinh tế Bình Hoà–Thạnh Mỹ Tây chưa có sự thay đổi. Đến thập niên 1970, các nhà tư bản trong và ngoài nước đã có đầu tư, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Vì thế, trong 5 năm trước sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, sản xuất công nghiệp tăng lên đáng kể. Nông nghiệp tụt hậu do đất đai bị thu hẹp để xây dựng nhà cửa và thương nghiệp phát triển tăng vọt nhằm phục vụ cho một số lượng đông dân cư do quá trình đô thị hoá và quân sự hoá cưỡng chế.

Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, trong quá trình khôi phục, cải tạo và xây dựng kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu kinh tế Bình Thạnh có sự chuyển dịch. Kinh tế nông nghiệp đã lùi về vị trí thứ yếu và hiện nay chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp - dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế chủ yếu, thúc đẩy quá trình đô thị hoá nhanh chóng, làm thay đổi diện mạo kinh tế - văn hóa xã hội của quận.

Hiện nay trên địa bàn quận Bình Thạnh đã hình thành một số khu đô thị mới như khu đô thị Đại Phúc River View, khu đô thị Bình Thạnh City Garden, khu đô thị Vinhomes Central Park,...

Cao ốc Landmark 81 cao nhất Thành phố và Việt Nam nằm trong khu đô thị Vinhomes Central Park, quận Bình Thạnh.

Giáo dục

sửa

Các cơ sở giáo dục đại học

sửa
Tên trường Địa chỉ Ghi chú
Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi tại Thành phố Hồ Chí Minh 2 Trường Sa, Phường 17 Cơ sở 2
Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh 475A Điện Biên Phủ, Phường 25 Trụ sở chính (cơ sở Sài Gòn)
31/36 Ung Văn Khiêm, Phường 25 Cơ sở Ung Văn Khiêm
Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh 2 Võ Oanh, Phường 25 Trụ sở chính
Trường Đại học Kinh tế – Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh 141–145 Điện Biên Phủ, Phường 15 Trụ sở chính
276–282 Điện Biên Phủ, Phường 17 Cơ sở đào tạo
Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 5 Phan Đăng Lưu, Phường 1 Trụ sở chính
Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở II Số 15 đường D5, Phường 25
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng 215 Điện Biên Phủ, Phường 2 Trụ sở chính
36/70 Nguyễn Gia Trí, Phường 25 Cơ sở 2
Trường Đại học Tôn Đức Thắng 98 Nguyễn Tất Tố, Phường 19
Trường Đại học Văn Lang 233A Phan Văn Trị, Phường 11 Cơ sở 2

Các trường cao đẳng

sửa
Tên trường Địa chỉ Website Ghi chú
Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn 94/11 Võ Oanh Phường 25 [1] Cơ sở 1

Các trường THPT

sửa
Tên trường Địa chỉ
Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Bình Thạnh 19 Tầm Vu, Phường 26
Trường THPT Gia Định 44 Võ Oanh, Phường 25
Trường THPT Hoàng Hoa Thám 6 Hoàng Hoa Thám, Phường 7
Trường THPT Phan Đăng Lưu 27 Nguyễn Văn Đậu, Phường 5
Trường THPT Thanh Đa 186 Nguyễn Xí, Phường 26
Trường THPT Trần Văn Giàu 203/40 Đặng Thùy Trâm, Phường 13
Trường THPT Võ Thị Sáu 95 Đinh Tiên Hoàng, Phường 3

Văn hóa

sửa
 
Lăng Ông Bà Chiểu ở quận Bình Thạnh

Bình Thạnh là một trong những khu vực có người cư trú khá cổ xưa của thành phố, nơi qui tụ của nhiều lớp cư dân qua các thời kỳ lịch sử hình thành ngày nay. Ở Bình Thạnh, cho đến nay, hầu như có mặt nhiều người từ Bắc, Trung, Nam đến sinh sống lập nghiệp. Chính vì vậy mà các hoạt động văn hóa vừa phong phú vừa đa dạng. Những lớp dân cư xưa của Bình Thạnh đã đến đây khai phá, sinh nhai, trong hành trang của mình, văn hóa như một nhu cầu quan trọng để sống và tồn tại. Mặt khác, trong buổi đầu chinh phục vùng đất Bình Thạnh hôm nay, những người Bình Thạnh xưa đã phải chống chọi với bao nổi gian nguy, khắc nghiệt của thiên nhiên, sinh hoạt văn hóa đã trở nên chỗ dựa cần thiết. Bên cạnh nền văn hóa vốn có, những lớp dân cư xưa ấy đã có thêm những nét văn hóa mới nảy sinh trong công cuộc khai phá, chinh phục thiên nhiên và rồi để truyền lại cho con cháu hôm nay như một truyền thống văn hóa.

Đường phố

sửa

Gồm các đường đặt tên số, và các tên chữ dưới đây:

Đường phố của quận Bình Thạnh trước năm 1975

sửa

Hệ thống đường sắt đô thị

sửa

Tuyến số 1: (Quận 1) ← Ga Công viên Văn Thánh - Ga Tân Cảng → (Thành phố Thủ Đức)

Tổng lãnh sự quán các nước tại Bình Thạnh

sửa
Quốc gia Địa chỉ
  Philippines 40/5 đường Phạm Viết Chánh, phường 19
  Sudan 194 đường Nơ Trang Long, phường 12

Du lịch

sửa

Khu du lịch Bình Quới trên bán đảo Thanh Đa là một khu du lịch sinh thái tái hiện lịch sử khẩn hoang Nam Bộ. Tại đây du khách được chiêm ngưỡng cảnh làng quê, sông nước Nam Bộ thời kì khẩn hoang và được thưởng thức những món ăn đặc sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi chụp ảnh cưới ưa thích của rất nhiều đôi uyên ương. Ngoài ra còn có Khu du lịch Văn Thánh (ngay chân cầu Văn Thánh) và Khu du lịch Tân Cảng (dưới chân cầu Sài Gòn ven sông Sài Gòn).

Tham khảo

sửa
  1. ^ “Niên giám thống kê năm 2020: Dân số và lao động”. Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 4 năm 2022.
  2. ^ a b Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. “Dân số Việt Nam đến ngày 01 tháng 4 năm 2019”. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2020.
  3. ^ “Giới thiệu chung về Quận Bình Thạnh - Thành phố Hồ Chí Minh”. UBND quận Bình Thạnh. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2011.
  4. ^ Tổng cục Thống kê
  5. ^ Theo thống kê điều tra dân số 01/04/2009
  6. ^ a b c d e Nguyễn Đình Tư, Bình Thạnh qua các giai đoạn lịch sử, Tạp chí Xưa và Nay.
  7. ^ Nguyễn Đình Đầu, Địa danh Phú Nhuận, Tạp chí Xưa và Nay.
  8. ^ Quyết định 147-HĐBT năm 1982 phân vạch lại địa giới hành chính một số phường thuộc quận I, quận III, quận IV, quận Phú Nhuận và quận Bình Thạnh của thành phố Hồ Chí Minh
  9. ^ “Quyết định 136”. Truy cập 5 tháng 7 năm 2015.
  10. ^ “Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023–2025”.

Liên kết ngoài

sửa
  • Website chính thức
  • Nguyễn Đình Tư, Bình Thạnh qua các giai đoạn lịch sử, Tạp chí Xưa và Nay.
  • Tôn Nữ Quỳnh Trân - Phan Huy Xu, Bình Thạnh xưa và nay, Tạp chí Xưa và Nay.