Bão Mirinae (2016)

Xoáy thuận nhiệt đới gây tranh cãi và là cơn đầu tiên trên biển Đông trong năm 2016

Bão Mirinae (Tiếng Anh: Severe Tropical Storm Mirinae [tạm dịch: bão nhiệt đới dữ dội Mirinae], Việt Nam gọi là bão số 1 năm 2016) là một xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng đảo Hải Nam, Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam vào cuối tháng 7 năm 2016. Đây là cơn bão thứ ba được đặt tên trong mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương 2016, Mirinae hình thành vào ngày 25 tháng 7 năm 2016 là áp thấp nhiệt đới ở phía Tây Luzon, Philippines. Vào ngày 26 tháng 7, nó di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và mạnh lên thành bão nhiệt đới trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam, Trung Quốc. Sau khi suy yếu khi đi qua Hải Nam, nó mạnh lên trở lại và đổ bộ vào đồng bằng sông Hồng thuộc miền Bắc Việt Nam vào cuối ngày 27 tháng 7 và tan vào ngày hôm sau. Cường độ và tác động thật sự của cơn bão này là một chủ đề gây tranh cãi cho ngành khí tượng quốc tế.

Bão Mirinae (bão số 1)
Bão nhiệt đới dữ dội (Thang JMA)
Bão cuồng phong cấp 1 (SSHWS/JTWC)
Bão Mirinae lúc 2 giờ sáng ngày 28/7 giờ Việt Nam (UTC+7) khi đang ở trên đất liền miền Bắc Việt Nam.
Hình thành25 tháng 7 năm 2016
Tan28 tháng 7 năm 2016
Sức gió mạnh nhấtDuy trì liên tục trong 10 phút:
100 km/h (65 mph)
Duy trì liên tục trong 1 phút:
120 km/h (75 mph)
Giật:
Số đo từ trạm khí tượng Ba Lạt:170 km/h (105 mph)
Áp suất thấp nhất980 mbar (hPa); 28.94 inHg
Số người chết5 người chết, 2 người mất tích
Thiệt hại$389 triệu (USD 2016)
Vùng ảnh hưởngNam Trung Quốc,Việt Nam,Lào,Thái Lan
Một phần của Mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương 2016

Tại Hải Nam, thiệt hại kinh tế lên tới 56,9 triệu USD. Tại Việt Nam, đến ngày 29/7, bão đã khiến 5 người thiệt mạng và 2 người mất tích.[1] Thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng đã được báo cáo ở miền Bắc Việt Nam, trong đó đường dây điện bị hư hại gây mất điện và cắt điện ở một số khu vực. Mirinae còn đánh chìm 12 chiếc thuyền, 2.984 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn; hơn 34.000 cây xanh bị gãy, đổ; hơn 30 000 cột điện bị đổ, gãy; hơn 370.000 đường dây điện bị đứt. Tổng thiệt hại ở Việt Nam lên tới 323,9 triệu USD.[1]

Tên Mirinae (phiên âm Mirinae:[mi.ɾi.nɛ̝]) do Hàn Quốc đề cử và nghĩa của nó là Thiên Hà.[2]

Lịch sử khí tượng

sửa
 
Biểu đồ thể hiện đường đi và cường độ của bão theo thang Saffir–Simpson
Chú thích biểu đồ
     Áp thấp nhiệt đới (≤38 mph, ≤62 km/h)
     Bão nhiệt đới (39–73 mph, 63–118 km/h)
     Cấp 1 (74–95 mph, 119–153 km/h)
     Cấp 2 (96–110 mph, 154–177 km/h)
     Cấp 3 (111–129 mph, 178–208 km/h)
     Cấp 4 (130–156 mph, 209–251 km/h)
     Cấp 5 (≥157 mph, ≥252 km/h)
     Không rõ
Kiểu bão
  Xoáy thuận ngoài nhiệt đới, áp thấp tàn dư, nhiễu động nhiệt đới, hoặc áp thấp gió mùa

Mirinae lần đầu tiên được ghi nhận là áp thấp nhiệt đới vào ngày 25 tháng 7, khi nó di chuyển ngoài khơi bờ biển phía tây Luzon trên Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km (185 dặm) về phía đông.[3][4]  Trung tâm hoàn lưu mực thấp được xác định rõ ràng của hệ thống nằm trong một môi trường rất thuận lợi để phát triển hơn nữa, với gió đứt dọc thấp và nhiệt độ bề mặt nước biển rất ấm.[4]  Cuối ngày hôm đó, Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) đã đưa ra khuyến cáo về hệ thống và phân loại nó là áp thấp nhiệt đới 05W, khi nó di chuyển theo hướng tây bắc dọc theo ngoại vi của một dải áp cao cận nhiệt đới.[5] Trong ngày hôm sau, khi hệ thống di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, nó tiếp tục mạnh lên thành bão và được Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA) đặt tên là Mirinae. Lúc đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (NCHMF) cũng cho biết áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, gọi là bão số 1, dự báo rằng khả năng cao bão sẽ đổ bộ vào Hải Phòng-Quảng Ninh.[6] Mirinae sau đó suy yếu đôi chút khi đổ bộ vào đất liền gần Vạn Ninh vào cuối ngày hôm đó và đi qua đảo Hải Nam, trước khi mạnh lên trở lại khi di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ.[3][7] Tại thời điểm này, NCHMF đã điều chỉnh đường đi dự báo lệch về phía Nam so với dự báo trước đó.[8][9] Hệ thống này được JMA phân loại là bão nhiệt đới dữ dội trong chiều 27 tháng 7, ước tính rằng Mirinae đã đạt đỉnh với tốc độ gió duy trì là 100 km/h (55 kt).[10] Đường đi của bão tiếp tục lệch về phía Nam so với dự báo của NCHMF và bão sau đó đổ bộ vào đất liền Nam Định - Ninh Bình vào cuối ngày hôm đó.[11][12] NCHMF cho rằng bão mạnh cấp 12 theo thang Beaufout (tức là từ 118 km/h đến 133 km/h) lúc mạnh nhất và đổ bộ, dựa trên số liệu quan trắc cho thấy một loạt các trạm ven biển đo được gió mạnh cấp 10-12 giật đến cấp 15, mặc dù tại thời điểm bão đang hoạt động thì NCHMF cho rằng bão mạnh cấp 9-10 giật cấp 10-13.[11][13] JTWC cho rằng bão đổ bộ vào Nam Định và đạt sức gió duy trì 1 phút là 120 km/h (65 kt), tương đương với bão cấp 1 và bão đạt cực đại ngay trên đất liền.[14] Mirinae sau đó suy yếu dần ở miền Bắc Việt Nam, tan ở phía Bắc Hà Nội.[15]

Chuẩn bị và ảnh hưởng

sửa

Trung Quốc

sửa

Trong ngày 26 tháng 7, Tín hiệu bão số 1 đã được Đài Thiên văn Hồng Kông và Cục Khí tượng và Địa vật lý Macao phát đi cho các đặc khu hành chính của Trung Quốc là Hồng Kông và Ma Cao.[3] Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc ban hành cảnh báo xanh về bão nhiệt đới.[16] Hơn 25.000 tàu cá ở Hải Nam quay trở lại bến cảng trước bão. Tất cả các tàu chở khách qua eo biển Quỳnh Châu, giữa Hải Nam và tỉnh Quảng Đông, đã bị đình chỉ vào ngày 26 tháng 7.[17] Bão nhiệt đới Mirinae đổ bộ vào thị trấn Dongao, thành phố Vạn Ninh lúc 22:20 chiều ngày 26 tháng 7, sức gió ước tính lên tới 100 km/h (cấp 10) tại Hải Nam.[7][18] Trên đất liền đảo Hải Nam, tốc độ gió duy trì 99 km/h và giật tới 113 km/h (gió cấp 10 giật cấp 11) đã được ghi nhận tại điểm đổ bộ ở Vạn Ninh.[19] Ngoài ra, một hòn đảo nhỏ gần bờ Vạn Ninh ghi nhận gió giật 134 km/h (cấp 13).[19] Tổng lượng mưa do bão từ ngày 26 đến 30 tháng 7 tại phía Nam Hải Nam phổ biến từ 100–250 mm, riêng tại huyện Lăng Thủy lượng mưa từ 300–450 mm; các nơi khác ở Hải Nam, phía Nam Quảng Tây, phía Nam và vùng Trung Bộ Vân Nam phổ biến từ 50–100 mm, có nơi cao hơn 150 mm.[20] Một người phụ nữ mang thai bị mắc kẹt và sinh con ngay trên đảo, máy bay trực thăng đã tới để đưa sản phụ về bệnh viện ở Tam Á.[21] Tại Vạn Ninh đã ghi nhận một số thiệt hại do gió và mưa bão như cây cối bị đổ và bật gốc, cành cây bị gãy, một số lan can đường bị đổ và tại thị trấn nơi bão đổ bộ đã bị mất điện.[22] Mặc dù đã có thiệt hại nhỏ do bão nhưng trong bối cảnh tổng lượng mưa giai đoạn đầu năm thấp hơn trung bình nhiều năm và hạn hán xảy ra ở Hải Nam, lượng mưa do bão đã giúp tình hình hạn hán ở Hải Nam được giảm bớt và các hồ chứa đã tích lũy thêm được lượng nước.[19][22] Thiệt hại kinh tế ở Hải Nam lên tới 380 triệu Nhân dân tệ (56,9 triệu USD).[23]

Việt Nam

sửa

Ngày 27 tháng 7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Đình Dũng đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho ảnh hưởng của bão tại Thái BìnhHải Phòng.[24][25]  Trước khi đổ bộ vào đất liền bão đã gây ra ảnh hưởng tới đảo Bạch Long Vĩ, tại một trạm khí tượng cao 63m so với mực nước biển[26] trên đảo này đã quan trắc được gió mạnh 108 km/h, giật 137 km/h (cấp 11 giật cấp 13).[11] Vào cuối ngày 27 tháng 7, Bão Mirinae đã đổ bộ vào vùng đồng bằng sông Hồng của Việt Nam gây gió mạnh cấp 10-12 giật cấp 13-15 tại một số nơi ở trên địa bàn các tỉnh thành Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.[11] Gió mạnh nhất quan trắc được ghi nhận ở Ba Lạt (tỉnh Thái Bình) với tốc độ gió mạnh 126 km/h và gió giật 169 km/h (cấp 12 giật cấp 15); tại Văn Lý (Nam Định) ghi nhận gió mạnh 119 km/h, giật 144 km/h (cấp 12 giật cấp 13); các trạm quan trắc khác tại thành phố Thái Bình, Ninh Bình, đảo Hòn Dáu (Hải Phòng) đo được gió mạnh cấp 11 và gió giật từ cấp 12 đến cấp 13; trạm Phú Lễ (Nam Định) ghi nhận gió mạnh cấp 10; các trạm tại thành phố Nam ĐịnhPhủ Lý (Hà Nam) có gió mạnh từ cấp 7 đến cấp 8 và gió giật cấp 12.[11] Gió giật cấp 8-9 đã được ghi nhận ở Hà Nội.[11][13] Bão gây gió mạnh kéo dài gần như suốt đêm mà nguyên nhân được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia chỉ ra là do bão di chuyển chậm hơn, có lúc không di chuyển.[13] Ngoài ra, trong cơn bão này có kèm thêm hiện tượng sấm, sét.[27] Bão Mirinae đã gây ra mưa lớn trên diện từ đêm ngày 27 tháng 7 đến ngày 29 tháng 7 tại nhiều nơi thuộc miền Bắc Việt Nam, với lượng mưa phổ biến từ 100–200 mm, có nơi cao hơn với lượng từ 200–300 mm, cao nhất ghi nhận được là tại Chi Nê (Hòa Bình) với lượng mưa là 299 mm.[28] Cơn bão đã khiến 5 người thiệt mạng và 2 người khác mất tích.[1] Bão cũng gây thiệt hại nặng cho nông nghiệp với gần 19.000 ha lúa và gần 18.000 ha hoa, rau màu bị thiệt hại hoàn toàn.[1] Mirinae cũng gây thiệt hại cho 1.302 phương tiện khai thác thủy, hải sản; trong đó có 91 tàu cá bị chìm hoặc hư hại.[1][29][nb 1] Có 2.984 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn; hơn 34.000 cây xanh bị gãy, đổ.[30][nb 2] Tác động của bão đã gây ra nhiều sự cố lưới điện như các cột điện và đường dây điện bị hư hại.[1][31] Nhiều nơi ở Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và một số khu vực khác bị mất điện.[31][32][33] Có hơn 30.000 cột điện bị đổ, gãy; hơn 370.000 đường dây điện bị đứt; bão gây ra thiệt hại hơn 384 tỷ đồng cho EVN.[1][34][nb 3] Tổng thiệt hại ở Việt Nam lên tới 7.229 tỷ đồng (323,9 triệu USD).[1]

Các nơi khác

sửa

Mirinae còn gây mưa lớn, lũ quét và lở đất ở một số tỉnh miền Bắc và miền Trung Lào và Thái Lan.[35][36]

Tranh cãi dự báo

sửa

Các bản tin dự báo của Việt Nam được cho là đã đánh giá quá thấp cơn bão vào thời điểm đó, đã tạo ra tranh cãi lớn về dự báo và nhận định về bão.[8][32][37] Bản tin đầu tiên về bão nhận định khả năng cao bão sẽ đổ bộ vào Hải Phòng-Quảng Ninh.[6] Các bản tin đêm ngày 26 tháng 7, lúc sáng và chiều ngày 27 tháng 7 điều chỉnh dự báo đường đi và khu vực đổ bộ lệch về phía Nam, khẳng định bão sẽ đổ bộ gây gió mạnh cấp 8-9 trên đất liền.[8][38][39] Một vài lãnh đạo và người dân địa phương ở một số tỉnh thành đều cho rằng trung tâm khí tượng đưa tin sai về cường độ, cấp gió, thời gian và địa điểm; họ cho rằng bão mạnh hơn, gây gió mạnh kéo dài khiến họ bất ngờ trở tay không kịp, một số người dân cảm thấy bức xúc trong dự báo bão.[29][37]

Ông Lê Minh Tuấn khi đó là Phó Tổng giám đốc Công ti Điện lực miền Bắc cũng có ý kiến tương tự như trên, ông phát biểu như sau:[40]

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lúc đó cho rằng bão chỉ mạnh cấp 9-10 giật cấp 10-12, sau tăng lên cấp 10-13 và dự báo bão sát với thực tế và sát với dự báo quốc tế.[41] Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đại diện Cục tìm kiếm Cứu nạn cho biết dự báo cơ bản sát với thực tế, dự báo khu vực đổ bộ tuy có sự thay đổi nhưng tương đối sớm, càng về sau dự báo càng chính xác.[32] Ông Lê Thanh Hải, khi đó là Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho rằng bão mạnh cấp 9-10, ông nói với phóng viên báo Dân Trí tại một cuộc họp sau bão tan:[13]

Khoảng 1 tuần sau đó, ông Lê Thanh Hải tiếp tục nhận lời phỏng vấn từ phóng viên báo Nhân Dân, ông nói rằng khả năng và công nghệ dự báo của Việt Nam thuộc loại trung bình khá trong khu vực, mặc dù việc dự báo còn "thủ công" hay chưa được tự động hoá, mạng lưới quan trắc thưa thớt và nhiều hạn chế khác.[29]

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đến tỉnh Nam Định để kiểm tra và chỉ đạo khắc phục hậu quả, đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam "rút kinh nghiệm sâu sắc" do dự báo bão không chính xác.[27]

Sau mùa bão 2016, đến quý I năm 2017, Tổng Cục Khí tượng Thủy văn phát hành "Đặc điểm Khí tượng Thủy văn năm 2016" đã đánh giá và tổng hợp lại số liệu quan trắc liên quan tới cơn bão này, đánh giá chính thức cho thấy bão mạnh cấp 12.[11]

Ghi chú

sửa
  1. ^ Số liệu tàu, thuyền bị hư hại chỉ tính đến ngày 1 tháng 8 năm 2016.
  2. ^ Thống kê về số cây xanh chỉ tính đến ngày 28 tháng 7 năm 2016.
  3. ^ Thống kê thiệt hại gây ra đối với EVN chỉ tính đến ngày 8 tháng 8 năm 2016.

Tham khảo

sửa
  1. ^ a b c d e f g h “Tổng hợp thiệt hại năm 2016” (PDF). Cục Quản lí Đê điều và Phòng chống Thiên tai. 31 tháng 12 năm 2017. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 26 tháng 10 năm 2023. Truy cập 23 tháng 9 năm 2023.
  2. ^ RSMC Tokyo - Typhoon Center. “List of names for tropical cyclones adopted by the ESCAP/WMO Typhoon Committee for the western North Pacific and the South China Sea (valid as of 2024)”. Cục Khí tượng Nhật Bản. Lưu trữ bản gốc 2 tháng 8 năm 2019. Truy cập 13 tháng 6 năm 2024.Quản lý CS1: URL hỏng (liên kết)
  3. ^ a b c “Severe Tropical Storm Mirinae”. Đài Thiên văn Hồng Kông. 17 tháng 8 năm 2016. Lưu trữ bản gốc 17 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.Quản lý CS1: URL hỏng (liên kết)
  4. ^ a b “ABPW10 PGTW 250200”. Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp. Bản gốc lưu trữ ngày 9 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
  5. ^ “PROGNOSTIC REASONING FOR TROPICAL DEPRESSION 05W (FIVE) WARNING NR 01”. Joint Typhoon Warning Center - Trung tâm Cảnh bão Bão Liên hợp. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 6 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2023.
  6. ^ a b Biên tập Vnexpress Phạm Hương. “Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, hướng Quảng Ninh - Hải Phòng”. Báo điện tử Vnexpress. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2023.
  7. ^ a b “台风海洋 >> 台风公报”. Trung tâm Khí tượng Quốc gia - Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 26 tháng 7 năm 2016. Lưu trữ bản gốc 26 tháng 7 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.Quản lý CS1: URL hỏng (liên kết)
  8. ^ a b c Phạm Quốc Hưng- Giám Đốc Đài KTTV Tỉnh Thái Bình (21 tháng 9 năm 2020). “MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG VIỆC THEO DÕI BÃO, ATNĐ”. Đài Khí tượng Thủy Văn Tỉnh Thái Bình. Lưu trữ bản gốc 23 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
  9. ^ “Bão Mirinae có khả năng đổ bộ vào Nam Định, Hải Phòng”. Đại đoàn kết. 27 tháng 7 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2023.
  10. ^ “RSMC TROPICAL CYCLONE BEST TRACK - NAME 1603 MIRINAE (1603)”. 2 tháng 9 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 9 năm 2016. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2023. Tóm lược dễ hiểu.
  11. ^ a b c d e f g Theo cuốn Đặc điểm Khí tượng Thủy văn năm 2016, mục 3 - Hoạt động của bão và ATNĐ trên biển Đông và TBTBD, phần Bão số 1 - Mirinae và Bản Thông báo Khí hậu năm 2016, Viện KH KTTV và BĐKH
  12. ^ Nhóm phóng viên (27 tháng 7 năm 2016). “Bão Mirinae vào Thái Bình - Ninh Bình”. Báo điện tử Vnexpress. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2023.
  13. ^ a b c d Nguyễn Dương (28 tháng 7 năm 2016). "Bão số 1 có lúc không di chuyển nên mới gây gió mạnh kéo dài". Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
  14. ^ “Best Track 2016”. JTWC - Joint Typhoon Warning Center. Truy cập 23 tháng 9 năm 2016.
  15. ^ “Monthly Global Tropical Cyclone Tracks July 2016”. australiasevereweather.com. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
  16. ^ “China on blue alert for typhoon Mirinae - Xinhua | English.news.cn”. Tân Hoa Xã. 27 tháng 7 năm 2016. Lưu trữ bản gốc 26 tháng 7 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
  17. ^ “Typhoon Mirinae makes landfall in S. China - Xinhua | English.news.cn”. Tân Hoa Xã. 28 tháng 7 năm 2016. Lưu trữ bản gốc 28 tháng 7 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
  18. ^ “CMA BEST TRACK 2016”. CMA Tropical Cyclone Data Center. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2023.
  19. ^ a b c "银河"横穿琼岛进入北部湾 海南趁机人工增雨解旱情”. 中国新闻社 (Trung Quốc Tân Văn xã). 27 tháng 7 năm 2016. Lưu trữ bản gốc 11 tháng 6 năm 2024. Truy cập 11 tháng 6 năm 2024.
  20. ^ Cục Khí tượng Trung Quốc (tháng 10 năm 2016). “MEMBER REPORT (2016) ESCAP/WMO Typhoon Committee 11th Integrated Workshop [China]” (PDF). Lưu trữ (PDF) bản gốc 24 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2024.
  21. ^ “台风"银河"困住海岛临产孕妇 部队直升机紧急救助”. Trung Quốc Tân văn Xã. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2024.
  22. ^ a b Nguồn tin CCTV (27 tháng 7 năm 2016). “台风"银河"致海南海陆交通受阻 风雨明天结束_央广网”. Đài Phát thanh Nhân dân Trung ương. Lưu trữ bản gốc 12 tháng 6 năm 2024. Truy cập ngày 12 tháng 6 năm 2024.
  23. ^ “Natural disasters kill 612 in China in July - Xinhua | English.news.cn”. web.archive.org. 10 tháng 8 năm 2016. Lưu trữ bản gốc 10 tháng 8 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
  24. ^ Nguyễn Hoàng (8 tháng 8 năm 2016). “Phó Thủ tướng chỉ đạo ứng phó thiên tai, bão lũ”. Báo Chính Phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
  25. ^ B.Trân (27 tháng 7 năm 2016). “Phó Thủ tướng: Quyết liệt phòng chống bão số 1”. Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
  26. ^ “Tuổi 20 ở Trạm Khí tượng Hải văn Bạch Long Vỹ”. Báo Tài nguyên và Môi trường. 21 tháng 3 năm 2018. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2024.
  27. ^ a b Trung Kiên, Lê Tuấn, Chí Thành (Ban Thời sự) (31 tháng 7 năm 2016). “Thủ tướng yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm do dự báo bão sai”. Báo điện tử VTV. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)
  28. ^ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu. “Tóm tắt tình hình khí tượng, khí tượng nông nghiệp và thủy văn tháng 7 năm 2016 (trang 52) -Tạp chí KTTV tháng 8 năm 2016” (PDF). Tạp chí KTTV tháng 8 năm 2016. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 7 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2023.
  29. ^ a b c Minh Nhật (4 tháng 8 năm 2016). “Hệ thống dự báo thời tiết tại Việt Nam còn yếu kém”. Báo điện tử Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2023.
  30. ^ “Tân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 1 (bão Mirinae)”. Tổng cục Phòng chống Thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2023.
  31. ^ a b “Thông tin nhanh về sự cố lưới điện do ảnh hưởng của cơn bão số 1 (Bão MIRINAE - Tính đến 8h00 ngày 28/7/2016)”. Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2023.
  32. ^ a b c Phạm Hương (29 tháng 7 năm 2016). “Bão Mirinae cường độ không mạnh lại gây thiệt hại lớn”. Báo điện tử Vnexpress. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
  33. ^ “Bão Mirinae đổ bộ đất liền: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam mất điện hoàn toàn”. Báo điện tử An ninh Thủ đô. 28 tháng 7 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2023.
  34. ^ Trung tâm Tin tức VTV24 (8 tháng 8 năm 2016). “Bão số 1 khiến EVN thiệt hại gần 400 tỷ đồng”. Báo Điện tử VTV. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2023.
  35. ^ “MEMBER REPORT-ESCAP/WMO Typhoon Committee-11th Integrated Workshop-"Improving Typhoon Impact-based Forecasting and Warning"-LAO PDR - 24 – 28 October 2016 - Cebu, the Philippines” (PDF). Typhoon Committe - Ủy ban Bão khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Lưu trữ (PDF) bản gốc 6 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
  36. ^ “MEMBER REPORT- ESCAP/WMO Typhoon Committee -11th Integrated Workshop- THAILAND - Cebu, Philippines” (PDF). tháng 9 năm 2016. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 1 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 1 năm 2023.
  37. ^ a b Nhóm phóng viên Vnexpress. “Tranh cãi về việc dự báo cấp độ gió của bão Mirinae”. Báo điện tử Vnexpress. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
  38. ^ Phan Thiên (27 tháng 7 năm 2016). “Tâm bão số 1 trên vùng biển Thái Bình - Ninh Bình”. Báo điện tử Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 24 tháng 9 năm 2023.
  39. ^ Phan Thiên (tổng hợp) (27 tháng 7 năm 2016). “Tối nay: Bão số 1 tăng cấp, Bắc bộ mưa to”. Báo điện tử Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 24 tháng 9 năm 2023.
  40. ^ Yên Trung (28 tháng 7 năm 2016). “Tin mới bão số 1 - Mirinae: Dự báo bão sai về cấp độ, hướng đi và tốc độ di chuyển?”. Báo điện tử VTC News. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.
  41. ^ “Cơn bão số 1: Theo dõi chặt chẽ, dự báo sát thực tế”. Báo Tài nguyên và Môi Trường. 28 tháng 7 năm 2016. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2023.

Xem thêm

sửa

Bão tại miền Bắc

sửa

Những cơn bão với dự báo sai số lớn đáng chú ý

sửa

Liên kết ngoài

sửa
  1. 23:15:10 BJT 2016-07-27 Lưu trữ 2023-10-31 tại Wayback Machine.
  2. 00:19:53 BJT 2016-07-28 Lưu trữ 2023-10-31 tại Wayback Machine.
  3. 01:06:58 BJT 2016-07-28 Lưu trữ 2023-10-31 tại Wayback Machine.
  4. 01:30:30 BJT 2016-07-28 Lưu trữ 2023-10-31 tại Wayback Machine.
  5. 02:05:08 BJT 2016-07-28 Lưu trữ 2023-10-31 tại Wayback Machine.