Bánh khảo
Bánh khảo là một món bánh ngọt có nguồn gốc từ Trung Quốc, sáng tác bởi dân tộc Choang và phổ biển ra các dân tộc Tày, Nùng ở Việt Nam (từ "khảo" trong tiếng Tày là gạo). Bánh được làm từ bột nếp rang với đường, ngoài ra còn có hạt vừng hoặc một số loại hạt thơm khác để tăng mùi vị của bánh. Làm bánh khảo cũng mất khá nhiều thời gian vì quy trình dài gồm: rang gạo, xay bột, hạ thổ, giã đường, làm nhân, vò bột, vào khuôn,...[1]
Loại | Bánh ngọt |
---|---|
Xuất xứ | Trung Quốc |
Vùng hoặc bang | Trung Quốc, Việt Nam |
Sáng tạo bởi | người Choang |
Thành phần chính | bột nếp chín, đường, đậu xanh, vừng (mè) |
Biến thể | bánh in, bánh phục linh |
Bánh khảo | |||||||||||
Tiếng Trung | 沙糕 | ||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
Nguồn gốc
sửaĐây là món bánh ngọt truyền thống nổi tiếng của người Tày, Nùng và dân tộc Choang ở vùng Tây Nam Quảng Tây rất đặc biệt về khí hậu sản xuất, hầu hết được làm vào mùa đông và là một trong những đặc sản yêu thích của người dân địa phương. Khi món bánh này du nhập vào các tỉnh phía Bắc Việt Nam, nó có tên là bánh khảo, được sử dụng nhiều vào những dịp lễ Tết của các dân tộc như Tày,[2] Nùng, Giáy[3] ở Cao Bằng, Lào Cai,... đồng thời cũng là quà biếu trong những dịp đặc biệt.
Một số vùng miền Bắc Bộ gọi nó là oản bột, oản đường hay bánh oản. Nó trở thành một thứ bánh truyền thống lâu đời được bày biện trên mâm lễ cúng ở các đình, chùa, cúng Phật, cúng tổ tiên, ông bà trong những dịp lễ, Tết, giỗ,...Bánh oản cũng có rất nhiều chủng loại: bánh oản bột nếp, bánh oản bột huỳnh tinh, bánh oản bột đậu xanh, bánh oản bột đậu quyên, bánh oản bột đậu ván, bánh oản hạt sen trần,... Theo quan niệm của người Việt Nam, bánh oản có màu trắng trong, thanh khiết, được làm từ bột và đường là tinh hoa của trời đất. Ngoài ra, một số người lại cho rằng hình dạng của phẩm oản (oản bột chay không nhân) giống như một chiếc chuông nhỏ. Bên trong ẩn chứa những triết lý sâu sắc về tín ngưỡng, tôn giáo, lời răn dạy của Phật tổ. Khi bánh được truyền bá vào làng Kim Long ở Huế, nó được gọi là bánh in và đã có từ đời các vua triều Nguyễn (nhà Nguyễn lúc này đóng đô ở Huế). Ở Trung Quốc, bánh khảo (sha gao) được bán rộng rãi trên thị trường gồm có nhân vừng (mè) đen, nhân hạt sen và nhân kê.
Trong bộ phim cổ trang "Bộ bộ kinh tâm" có một biến thể của món bánh oản (bánh khảo) gọi là bánh dâm bụt (芙蓉糕).
Các loại
sửa- Bánh khảo Cao Bằng
- Bánh khảo Tràng Định (Lạng Sơn)
Cách làm
sửaChọn nguyên liệu
sửaBột làm bánh khảo là bột nếp xay mịn, số lượng đường và bột ngang nhau (500gr đường làm 500 gr bột) thì bánh mới ngọt. Thêm vào đó là 30gr bột năng, thêm chút nước cốt chanh, nước hoa bưởi và khuôn bánh. Chuẩn bị giấy bóng kính đủ màu để gói bánh.
Chế biến
sửaNgâm đậu xanh trong nước từ 3 – 4 tiếng để đậu mềm. Tiếp theo vớt đậu ra, đem nấu hoặc hấp chín. Cho đậu vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn. Riêng mứt bí (nếu có) thì xắt thành hạt lựu.
Bắc chảo lên bếp, cho một nửa lượng đường và đậu vào sên. Khi thấy không còn dính tay thì cho mứt bí vào, đảo lên trong 1 phút rồi tắt bếp.
Cho bột gạo nếp vào một chảo nóng và đảo đều tay đến khi bột dậy mùi thơm, tắt bếp rồi đổ bột ra âu lớn. Đun sôi phần đường còn lại với nước lọc để hỗn hợp ngả sang màu cánh gián, hơi sánh lại. Thêm nước cốt canh và nước hoa bưởi vào nồi, khuấy đều rồi tắt bếp. Từ từ đổ nước đường vào giữa âu bột gạo nếp, trộn đều. Dùng tay nhào bột thật kỹ để các nguyên liệu hòa quyện vào nhau, tạo thành một khối đồng nhất.
Cho hỗn hợp bột đã rang chín từ từ vào âu nước đường rồi trộn đều cho đến khi bột thấm hết nước đường. Sau đó phủ bột áo lên khuôn bánh, ém hỗn hợp bột vào khuôn, không đi chuyển bánh trong vòng ít nhất 15 phút để bánh định hình và tránh bánh bị vỡ. Sau đó thì gỡ bánh ra khỏi khuôn.
Dùng giấy bóng kính đủ màu gói bánh khảo lại là hoàn thành.
Xem thêm
sửa- Khẩu sli
- Bánh in
Chú thích
sửa- ^ “Bánh khảo Cao Bằng: Đậm đà hương vị bánh của người Hoa”.
- ^ Dương Khuyên (25 tháng 1 năm 2012), Bánh khảo người Tày: Món ăn của sự sum vầy, VnExpress. Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2013
- ^ Cao Văn Tư (Lào Cai Online), Bánh khảo Mường Hum, Người Lao động điện tử. Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2013