An Tư Công chúa

Công chúa Đại Việt

An Tư công chúa (chữ Hán: 安姿公主), 1267-1285, Việt sử tiêu án chép Thiên Tư công chúa (天姿公主)[1], công chúa nhà Trần, Hòa thân công chúa, là một trong hai vị công chúa nổi tiếng nhất lịch sử nhà Trần vì các cuộc hôn nhân mang tính trọng đại, cùng với Huyền Trân công chúa.

An Tư công chúa
安姿公主
Công chúa nhà Trần
Thông tin chung
Sinh1267
Mất04/1285
Sở huyện Sơn Minh, xã Cao Lãm, thôn Khả Lãm
Phu quânTrấn Nam vương Thoát Hoan
Thụy hiệu
Hồng Anh phu nhân (洪安夫人)
Tước hiệuAn Tư Công chúa (安姿公主)
Hoàng tộcHọ Trần
Thân phụTrần Thái Tông

Bà nổi tiếng trong việc kết hôn với Trấn Nam vương Thoát Hoan, giữ cho quân Trần rút lui an toàn trong Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 2 vào năm 1285. Kết cục của bà đến bây giờ vẫn là đề tài bàn luận của các sử gia.

Thân thế

sửa

Trước khi được gả cho người Nguyên, cuộc đời của An Tư công chúa không được ghi lại cụ thể theo bất kỳ hồ sơ nào. Theo ghi nhận của Đại Việt sử ký toàn thư, An Tư công chúa là em gái út của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông, cho nên suy ra bà là con gái út của Trần Thái Tông, nhưng không rõ mẹ bà là ai.

Về xưng hô, sách Toàn thư đặc biệt gọi bà là 「Thánh Tông Quý muội; 聖宗季妹」[2][3], tức "Quý muội của Thánh Tông", trong đó chữ Hán "Quý" (季) có nghĩa là út hoặc nhỏ tuổi nhất trong thứ tự gia đình, vì lẽ đó bà cũng có thể được gọi là Hoàng quý muội (皇季妹). Sách An Nam chí lược ghi bà là Quốc muội (國妹), trong đó chữ "Quốc" được dùng tương tự chữ "Hoàng", biểu thị vai vế người thuộc dòng dõi Quân chủ một quốc gia.

Cống cho nhà Nguyên

sửa

Đầu năm 1285, quân đội nhà Nguyên đã đánh tới Gia Lâm vây hãm Thăng Long. Thánh Tông Thái thượng hoàng và Đương kim Nhân Tông hoàng đế đã đi thuyền nhỏ ra vùng Tam Trĩ[4], còn thuyền ngự thì đưa ra vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng đối phương. Nhưng quân Nguyên vẫn phát hiện ra. Ngày 9 tháng 3 cùng năm, thủy quân Nguyên đã bao vây Tam Trĩ suýt bắt được Thượng hoàng và Hoàng đế. Chiến sự buổi đầu bất lợi. Tướng Trần Bình Trọng lại hy sinh ở bờ sông Thiên Mạc[5][6][7]. Trước thế mạnh của đối phương, nhiều tôn thất nhà Trần như Trần Kiện, Trần Lộng, kể cả hoàng thân Trần Ích Tắc đều quy hàng. Về sau Đỗ Khắc Chung được sai đi sứ để làm chậm tốc độ tiến quân của Nguyên, nhưng không có kết quả. Trong lúc đó, cần phải có thời gian để củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu, bởi vậy, Thượng hoàng Trần Thánh Tông bất đắc dĩ phải dùng đến mỹ nhân kế, tức sai người dâng em gái út của mình cho tướng Thoát Hoan để tạm cầu hòa.

Cuộc đời của bà chỉ ghi nhận qua sự kiện bà thành hôn với Thoát Hoan. Có 3 cuốn sách sử tại Việt Nam nói về chuyện này. Theo cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc, một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, đã ghi lại sự việc sớm nhất[8]:

「Năm Ất Dậu, Chí Nguyên (1285)... Ngày Kỷ Dậu (mồng 6), Giảo Kỳ suất bọn Chương Hiến hầu đánh phá quân của người em Thế tử (có lẽ nói Trần Thánh Tông) là Thái úy Trần Quang Khải tại bến đò Phú Tân, chém ngàn người, Thanh Hoá và Nghệ An đều đầu hàng. Vua Trần sợ, khiến người trong họ là Trung Hiến hầu Trần Dương xin hoà. Lại sai kẻ Cận thị là Đào Kiên đưa bà chúa em vua cho Trấn Nam vương xin hoà giải. Nhà Nguyên khiến Ngại Thiên Hộ qua tuyên lời dụ nói:"Nếu đã muốn xin hoà, sao không thân hành tới mà bàn luận". Thế tử không nghe」.

Sau đó, sự việc của An Tư công chúa được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên thời Lê Sơ, và Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ thời Lê Trung hưng. Các cuốn sử về sau, Khâm định Việt sử thông giám cương mụcViệt Nam sử lược lại không ghi dòng nào về sự kiện này.

  • Đại Việt sử ký toàn thư ghi:「"Tháng 2 (Ất Dậu)... Sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy"[2][7].
  • Việt sử tiêu án ghi:「"Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông; quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được; ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Thiên Tư công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước"」.

Sau khi quân Trần bắt đầu phản công, quân Nguyên đại bại. Trấn Nam vương Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt đã phải chui vào cái ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy để về[9]. Chiến thắng, hoàng tộc Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không ai nói đến An Tư công chúa. Không rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân, và điều này về sau được đem ra bàn tán và nhận định về công lao của bà không được triều Trần ghi nhận.

Có một số ghi nhận Thoát Hoan sau đó 「"Cưới người con gái họ Trần và sinh được hai con"」 và người con gái họ Trần này được nhiều người cho là An Tư công chúa. Nhưng trong cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc, mục "Các vương hầu nội phụ", phần "Trần Tú Viên" (con của Trần Di Ái) có ghi rõ thân thế của người con gái họ Trần này như sau:「"... Năm sau (1336), trở về Hán Dương. Trấn Nam vương (ý chỉ Thoát Hoan) cưới người em gái làm Thứ phi, sinh được hai con"[10]. Theo cách ghi này, "người con gái họ Trần" là con gái Trần Di Ái, em của Tú Viên chứ không phải An Tư công chúa.

Nhận định

sửa

Trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, mục từ "An Tư":

GS. Phạm Đức Dương, Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam ÁViệt Nam, viết:

Và trên website Vietsciences trong một bài viết, không ghi tên tác giả, cũng có đoạn:

Trong văn hóa đại chúng

sửa

Khoảng năm 1943, câu chuyện về người công chúa này đã được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết thành cuốn tiểu thuyết lịch sử có tên gọi An Tư. Tiểu thuyết này được viết xong ngày 18 tháng 12 năm 1943. Sau đó được đăng báo Tri tân từ 15 tháng 6 năm 1944 đến 12 tháng 7 năm 1945.

Theo nội dung truyện, công chúa An Tư có người yêu là một nhân vật hư cấu tên Chiêu Thành vương Trần Thông, con cả của Thái úy Khâm Thiên Đại vương Trần Nhật Hiệu. Thân phận con của Trần Nhật Hiệu là hư cấu, nhưng sử sách đời Trần chính xác có ghi nhận có một "Chiêu Thành vương" và một người tên "Trần Thông", điểm đặc biệt là cả hai người này đùng được ghi là cùng ra quân với Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, nên có lẽ tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã dựa vào đó để đồng nhất thành một người. Và sau khi "người chồng" là Thoát Hoan trốn chạy, Nguyễn Huy Tưởng viết về kết cục của nhân vật: 「"Nàng xuống ngựa thắp hương, rồi dập đầu trên nấm đất (ngôi mộ của Trần Thông) mà khóc rũ rượi... Ánh trăng bàng bạc, nàng mê man như ngày ruổi ngựa cùng chàng vào Thanh. Nàng đã đến bên bờ sông Cái, và không ngần ngại văng mình xuống nước..."[14][15].

Bàn về nhân vật này, PGS.TS. Nguyễn Bích Thu viết:

Trong tiểu thuyết...An Tư tượng trưng cho cái đẹp biết dấn thân, mang một ý nghĩa lớn lao có thể lay chuyển hàng binh thế trận...Nguyễn Huy Tưởng bằng tình cảm và lòng ngưỡng mộ của mình đã ghi nhận và tôn vinh sự hi sinh thầm lặng nhưng quyết liệt của An Tư, một nữ trung hào kiệt trong tiểu thuyết như một chiến công sánh ngang với Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng và trường hợp của nàng đáng được lưu danh như tên tuổi các bậc tiền nhân nhà Trần.[16]

Ngày nay, hình tượng An Tư công chúa luôn được thể hiện rất xinh đẹp và cao cả, hầu như người hiện đại hình dung kết cục của An Tư công chúa rất "tang thương" đúng như Chí lược, Toàn thư và Tiêu án ghi lại:「"An Tư qua trại Thoát Hoan và không rõ kết cục ra sao"」. Trong chương trình phim tài liệu Thăng Long Nhân Kiệt dài 100 tập được phát sóng nhằm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long trên đài VTV, An Tư công chúa được liệt vào thứ 18 trong 100 vị vĩ nhân mà chương trình gọi là 「"Nàng công chúa nhỏ bé lá ngọc cành vàng, trở thành vật hi sinh cho nền độc lập dân tộc"」. Độ tuổi của An Tư công chúa, do hình tượng xinh đẹp và quan niệm về độ tuổi cưới gả khi ấy, mà luôn được hình dung ở khoảng từ 16 đến 18 tuổi, độ tuổi được cho là "hợp lý" để cưới gả, mặc dù không có sách sử nào chứng minh điều này.

Bên cạnh đó, có không ít giả thuyết cho rằng An Tư là người khác ngoài hoàng tộc họ Trần, được phong làm công chúa để phục vụ mục đích khác trong việc gả cho người Nguyên. Giả thuyết này xuất phát ở việc trong khi đề nghị hòa thân, các triều đại nhà Hán, nhà Đường thường lấy người trong họ, thậm chí là dân nữ, để phong công chúa rồi gả cho nhân vật cần liên hôn, chứ ít khi là Hoàng nữ thật sự (như Vương Chiêu Quân, Văn Thành công chúaNghi Phương công chúa). Bộ truyện tranh tên Long thần tướng đã dựa vào suy luận này mà tạo nên tình huống nhân vật Lê Nhật Lan, được cướp về từ hôn lễ không mong muốn của mình, sau được chỉ thị từ Hưng Đạo vương mà được giáo dục trở thành công chúa gả cho Thoát Hoan trong tương lai.

Ngoài ra, An Tư Công Chúa cũng được thể hiện qua vai diễn của diễn viên Lâm Thanh Mỹ qua bộ phim Hoàng Quý Muội được khởi chiếu ngày 3 tháng 12 năm 2020. Bộ phim xoay quanh mối tình xuyên không gian từ năm 1285 đến năm 2020 của An Tư và Chiêu Thành Vương.

Xem thêm

sửa

Nguồn

sửa
  • Sử quán triều Hậu Lê (1697). Ngô Sĩ Liên; Vũ Quỳnh; Phạm Công Trứ; Lê Hy; Nguyễn Quý Đức (biên tập). Đại Việt sử ký toàn thư. ISBN 9786046997566.
  • Ngô Sĩ Liên (2017). Đại Việt sử ký toàn thư (PDF). Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch . Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học xã hội. ISBN 9786046997566.
  • Lê Tắc (2000). An Nam chí lược (bằng tiếng Trung). Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục. ISBN 9787101020373.
  • Lê Tắc (2016). An Nam chí lược (PDF). Ủy ban phiên dịch Sử liệu Việt Nam - Viện Đại Học Huế dịch. Nhà xuất bản Hồng Đức. ISBN 978-604-86-8578-2.
  • Trần Trọng Kim (1951). Việt Nam sử lược (PDF). Bộ Giáo dục: Trung tâm Học liệu.
  • Trần Trọng Kim (2015). Việt Nam sử lược. Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam: Nhà xuất bản Văn học. ISBN 9786046974826.

Tham khảo

sửa
  1. ^ Việt sử tiêu án:"...Vua sai đưa An Tư công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước (Công chúa là em gái út của Thánh Tông, đem gả cho Thoát Hoan thật không còn kế sách gì, đáng cười lắm)"
  2. ^ a b Sử quán triều Hậu Lê 1697, tr. 46b, Bản kỷ toàn thư - Quyển V:
    • Nguyên văn:... 遣人送安姿公主,聖宗季妹,于脱驩,欲舒國難也...
    • Phiên âm:...Khiển nhân tống An Tư công chúa, Thánh Tông quý muội, vu Thoát Hoan, dục thư quốc nạn dã...
  3. ^ Chụp bản chép tay: Ảnh Lưu trữ 2023-08-25 tại Wayback Machine
  4. ^ Tam Trĩ hay Tam Trĩ Nguyên, nay thuộc vùng thượng nguồn sông Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh.
  5. ^ Sông Thiên Mạc thuộc tỉnh Hà Nam. Đây là dòng sông ngắn, chia nước của sông Nhuệ đoạn cầu Giẽ, chảy qua Phú Xuyên qua Hòa Mạc, Trác Bút rồi đổ vào sông Hồng.
  6. ^ Sử quán triều Hậu Lê 1697, tr. 46b, Bản kỷ toàn thư - Quyển V
  7. ^ a b Ngô Sĩ Liên (2017), tr. 57 (xuất bản), 192 (bản điện tử), Bản kỷ toàn thư - Quyển 5
  8. ^ Lê Tắc (2016), tr. 114 (xuất bản), 37 (bản điện tử), Quyển 4, Nguyên văn:「六日己酉,咬奇率彰憲等破國弟太師陳啟兵於富津渡,斬首千級,清化、義安悉降。世子懼,遣宗人忠憲侯陳陽請和,繼遣近侍官陶堅奉國妹南王乞解。艾千戶往諭:"既欲請和,曷不躬自來議?"。世子不聽。」
  9. ^ Trần Trọng Kim (2015), tr. 134 - 135, Chương 7 - Giặc nhà Nguyên
  10. ^ Lê Tắc (2016), tr. 252-253 (xuất bản), 108 (bản điện tử), Quyển 13
  11. ^ Nguyễn Q. Thắng & Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản KHXH, 1992, tr. 12.
  12. ^ Bài viết của Giáo sư Phạm Đức Dương, Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á Việt Nam (23 tháng 6 năm 2001). “Nốt nhạc thiền hòa hiếu trong quan hệ Đại Việt và Chăm Pa thời Trần Nhân Tông”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 9 năm 2009. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2020.
  13. ^ An Tư Công chúa (Vietsciences)
  14. ^ Trích truyện An Tư trong Tuyển tập Nguyễn Huy Tưởng (3 quyển), tập I, Nhà xuất bản Văn học, 1984.
  15. ^ Tiểu thuyết An Tư - Nguyễn Huy Tưởng, bản điện tử[liên kết hỏng]
  16. ^ Xem Nguyễn Huy Tưởng - Nhà chép sử bằng văn chương tại[liên kết hỏng]