Đình Tường Phiêu (tên gọi khác là Đình Cả) là một ngôi đình có vị trí nằm ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Ngôi đình này được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam quyết định xếp hạng và công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2020. Với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và mỹ thuật, đình Tường Phiêu thường được xem là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của xứ Đoài.

Đình Tường Phiêu
Di tích quốc gia đặc biệt
Tên khácĐình Cả
Thờ phụng
Tản Viên Sơn Thánh
Sơn Tinh
Thành hoàng
Quán Sơn
Thông tin đình
Địa chỉViệt Nam Tích Giang, Phúc Thọ, Hà NộiViệt Nam
Tọa độ21°07′02″B 105°31′00″Đ / 21,117084083752°B 105,51670656733°Đ / 21.117084083752115; 105.51670656732557
Thành lập1435
Lễ hộiRằm tháng Giêng
Map
Di tích quốc gia đặc biệt
Đình Tường Phiêu
Phân loạiDi tích kiến trúc nghệ thuật
Ngày công nhận24/12/2018
Quyết định1820/QĐ-TTg[1]

Vị trí địa lý

sửa

Đình Tường Phiêu có vị trí ở làng Tường Phiêu, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, cách trung tâm thành phố Hà Nội 40km về phía Tây.[2]

Lịch sử

sửa

Đình Tường Phiêu được khởi công xây dựng những năm 1430, và được tu bổ nhiều lần từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20.[2][3] Hiện nay, đình Tường Phiêu thờ phụng 4 vị Thành hoàng làng là Ba vị đức Thánh Tản Viên và Quán Sơn Thành hoàng.[4][3]

Đình Tường Phiêu toạ lạc ở vị trí trung tâm của làng. Ngôi đình này trước năm 1945 thuộc thôn Tường Phiêu, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây. Năm 1947, một số xã của tổng Tường Phiêu cùng với một số làng khác hợp thành xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ.[5]

Ngày 18 tháng 2 năm 2019, ngôi đình được tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt bởi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.[6]

Kiến trúc

sửa

Đình Tường Phiêu là một công trình kiến trúc cổ, có quy mô to lớn, có nhiều mảng phù điêu mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (khoảng thế kỉ 17 – 18). Đình xây dựng nhìn về hướng tây nam - hướng được chọn để nhìn ra núi Ba Vì - nơi có đền thờ Thánh Tản Viên.[7] Ngay trước sân đình là đường làng, bên phải là chùa làng Cựu Linh tự, bên trái đường cũng là đường làng và đằng sau là khu dân cư.[5] Đình Tường Phiêu được xây dựng theo hình chữ “nhất”. Ban thờ Thành hoàng được bài trí ở gian giữa, trong phạm vi hai cột cái sau ra tới cột quân hoặc cột hiên.[8]

Đình Tường Phiêu bao gồm các hạng mục: Nghi môn, sân, Đại bái - đồng thời cũng là Hậu cung. Nghi môn là một hạng mục công trình đã được tu sửa, gồm 2 trụ biểu, đế hình dáng thắt cổ bồng, thân trụ soi gờ kẻ chỉ và đắp nổi câu đối chữ Hán. Đỉnh trụ đắp tứ phượng chầu, bốn góc là bốn đầu rồng, đôi chụm vào nhau hướng lên cao.[5] Nghệ thuật trang trí kiến trúc của ngôi đình được sử dụng nhiều thủ pháp như chạm nổi, chạm kênh. Họa tiết trang trí chủ yếu là long, ly, quy, phượng, đều liên quan tới biểu trưng của "điềm lành, thiên hạ thái bình".[9]

Ngoài ra, đình Tường Phiêu là một nơi bảo tồn và lưu trữ một khối lượng hiện vật lâu đời như ngai thờ, bài vị, bát bửu, sắc phong…, có thể coi là báu vật hiếm có trong các di tích. Đáng chú ý là cửa võng gỗ thời Lê trung hưng thế kỷ 17 tại trước cửa gác lửng thờ Thành hoàng làng.[9]

Giá trị kiến trúc nghệ thuật của ngôi đình được xem là tập trung chủ yếu vào toà Đại bái. Đại bái là một ngôi nhà ngang gồm 5 gian 2 dĩ.[5] Nhìn tổng quan, Đại bái có chiều dài 20m, chiều dọc 13m.[10] Trên bờ nóc đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt. Đầu bờ nóc đắp nổi hai con kìm, bờ giải có từng cặp sấu, nghê đối xứng nhau. ở vị trí này có những con sấu được tạo thành bởi chất liệu sành nung mang rõ nét dấu ấn kiến trúc nghệ thuật thời Hậu Lê.[5] Điều khác biệt của ngôi đình này với các ngôi đình trong vùng còn thể hiện ở bờ nóc. Người xưa cho rằng bờ nóc của ngôi đình này như một con rồng lớn đang bay lên trời. Vì vậy, các nghệ nhân dân gian đã đắp cả đầu và đuôi rồng ở hai đầu bờ nóc. Đây là một hiện tượng kiến trúc đặc sắc mà về sau những công trình kiến trúc thời Nguyễn không còn giữ được.[5]

Lễ hội

sửa

Lễ hội Đình Tường Phiêu 1 năm có 4 lần kỳ lễ, riêng lễ hội Rằm tháng Giêng (tức ngày sinh của Tản Viên Sơn Thánh) là lễ hội lớn nhất trong năm kéo dài 3 ngày 14, 15, 16 tháng 1 âm lịch.[2] Trong lễ hội đình Tường Phiêu ngày nay, nghi lễ rước Thánh, trong đó có "rước ban đêm" là phần thiêng liêng và rất đặc sắc ở đây.[5] Các lễ tiết khác ở đình là ngày 14 tháng 5 âm lịch (lễ thánh tạ thế), ngày 15 tháng 8 âm lịch (lễ nhân ngày thánh được phong chức) và ngày 15 tháng Chạp (lễ tế tạ).[11]

Đánh giá

sửa

Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng “Kiến trúc đình Tường Phiêu là một sáng tạo với nhiều đặc trưng nghệ thuật độc đáo, không gặp ở các ngôi đình khác”. Ngôi đình cũng được xem là có giá trị nghệ thuật cao cùng kiến trúc độc đáo.[12] Toàn bộ truyền thuyết về tam vị đức thánh Tản, các di vật trong đình là những tư liệu trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, tìm hiểu về phong tục tập quán của vùng đất cổ xứ Đoài.[13] Lễ hội đình Tường Phiêu là một trong số những lễ hội tiêu biểu của xứ Đoài, nơi lưu giữ nét văn hóa với nhiều nghi thức truyền thống lâu đời của cư dân nông nghiệp lúa nước.[12]

Tham khảo

sửa
  1. ^ “Quyết định số 1820/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt”. chinhphu.vn. 24 tháng 12 năm 2018.
  2. ^ a b c Ngọc Anh (29 tháng 3 năm 2019). “Đình Tường Phiêu - Di tích quốc gia đặc biệt”. Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2022.
  3. ^ a b Kiều Trang (12 tháng 3 năm 2019). “Đình Tường Phiêu - "của để dành" trong kho tàng văn hóa Việt”. Báo Công an nhân dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2022.
  4. ^ Khánh Chi. “Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tường Phiêu”. Cục di sản Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2022.
  5. ^ a b c d e f g “ĐÌNH VÀ LỄ HỘI LÀNG TƯỜNG PHIÊU”. Sở Du Lịch Hà Nội. 30 tháng 11 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2022.
  6. ^ “Hà Nội: Đón bằng Di tích quốc gia đặc biệt đình Tường Phiêu”. Thông tấn Xã Việt Nam. 18 tháng 2 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2022.
  7. ^ “Vũ điệu rồng bên trong ngôi đình cổ ở Hà Nội”. Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 10 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2022.
  8. ^ Nguyên Phong (24 tháng 2 năm 2019). “Đình Tường Phiêu-trầm tích văn hóa xứ Đoài”. Báo Quân đội nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2022.
  9. ^ a b Thục Anh (20 tháng 2 năm 2019). “Đình Tường Phiêu - Di tích Quốc gia đặc biệt | Tạp chí Thi đua khen thưởng”. Ban Thi Đua - Khen thưởng trung Ương. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2022.
  10. ^ Nguyễn Hồng Kiên; Thanh Nhàn (16 tháng 4 năm 2014). “Đình Tường Phiêu – Một kiến trúc hiếm ở đầu thế kỷ 17”. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2022.
  11. ^ Lam Điền (13 tháng 2 năm 2021). Của hiếm xứ Đoài”. Báo Hànộimới. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2022.
  12. ^ a b Hạo Miên (14 tháng 2 năm 2019). "Viên ngọc" của kiến trúc nghệ thuật đình Việt”. Báo Hànộimới. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2022.
  13. ^ “Hà Nội đón bằng Di tích quốc gia đặc biệt đình Tường Phiêu”. Ban Tuyên giáo Trung ương. 19 tháng 2 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2022.