Ô Giang (Hòa, Mã An Sơn)

Trấn của huyện Hòa, Mã An Sơn, An Huy, Trung Quốc
(Đổi hướng từ Ô Giang trấn)

Trấn Ô Giang (tiếng Trung: 乌江镇, bính âm Hán ngữ: Wūjiāng zhèn) là trấn trực thuộc huyện Hòa, địa cấp thị Mã An Sơn, tỉnh An Huy, Trung Quốc.[1] Đây là một đơn vị hành chính cấp hương, trấn của Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa.[Ghi chú 1]

Ô Giang
Tên hiệu: Tây Sở Ô Giang
Khẩu hiệuThiên niên cổ trấn, Tây Sở Ô Giang
Ô Giang trên bản đồ Thế giới
Ô Giang
Ô Giang
Quốc giaTrung Quốc Trung Quốc
TỉnhAn Huy
Địa cấp thịMã An Sơn
HuyệnHòa
Khu vực địa lýHán Sở tranh hùng
Phân lập286, Tây Tấn
Tích hợp1368, Hồng Vũ Đế
Dân số (2017)
 • Tổng cộng61,302
 • Mật độ441/km2 (1.141/mi2)
Múi giờUTC+8
WebsiteHành chính Ô Giang

Trấn Ô Giang[Ghi chú 2] nằm ở phía Đông Bắc của huyện Hòa, là khu vực của địa cấp thị Mã An Sơn giáp thành phố Nam Kinh. Trấn có diện tích 151 km², bao gồm 11 thôn hành chính và 04 khu dân cư. Trấn Ô Giang là nơi mà Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ tự vẫn năm 202 trước công nguyên.[2]

Lịch sử

sửa

Có một thuật ngữ về trấn Ô Giang, từ lâu:[3][4]

千年古镇,西楚乌江。
"Thiên niên cổ trấn, Tây Sở Ô Giang". Nghĩa là: trấn cổ ngàn năm tuổi, Ô Giang cùng Tây Sở Bá Vương.

Ô Giang nằm ở ngã ba vị trí địa lý của tỉnh Giang TôAn Huy. Đây là trấn của An Huy ở cửa ngõ phía đông tỉnh, đối mặt với vùng đồng bằng sông Dương Tử. Năm Thái Khang thứ sáu thời Tây Tấn (năm 285), tại vị trí này người ta thành lập thành huyện Ô Giang (乌江县), xây dựng tại ranh giới Đông Thành và duy trì là huyện cho đến năm Hồng Vũ thứ nhất thời Minh (năm 1368), tức là trong 1083 năm, mới bỏ huyện lập trấn.[4] Ngày nay, nhai đạo Giang Phố Cao Vượng (江浦高旺), Long Sơn (龙山), Lan Hoa Đường (兰花塘), Kiều Lâm (桥林), Thạch Kiều (石桥) và những nơi khác đều từng thuộc huyện Ô Giang.

Tên gọi của trấn Ô Giang trước đây là một trấn bao gồm hai khu vực bên bờ Bắc sông Dương Tử, trong trấn chia thành hai phần, cách nhau bằng một con sông nhỏ là sông Tứ Mã Sơn (驷马山河), nằm ở tả ngạn và đổ vào sông Dương Tử. Trấn Ô Giang cũ đã được phân chia, phần bờ Bắc sông Tứ Mã Sơn hiện nay là một phần của nhai đạo[Ghi chú 3] Kiều Lâm (桥林街道), thuộc quận Phổ Khẩu, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô[Ghi chú 4], phần bờ Nam sông Tứ Mã Sơn trở thành khu vực chính, là trấn Ô Giang, thuộc huyện Hòa, địa cấp thị Mã An Sơn, tỉnh An Huy.

Cái chết của Hạng Vũ

sửa

Vào đầu năm 202 trước Công nguyên, Lưu Bang đã chiến thắng Hạng Vũtrận Cai Hạ, nay là Túc Châu, An Huy, đây là vùng cực Đông Bắc tỉnh An Huy, nằm ngay ở ngã ba tỉnh Sơn ĐôngGiang Tô. Tại Cai Hạ, Hạng Vũ và thê tử Ngu Cơ âm dương cách biệt, với những bài Cai Hạ caBiệt Bá Vương.

Hạng Vũ:[5]

Lực bạt sơn hề khí cái thế,

Thì bất lợi hề Chuy[Ghi chú 5] bất thệ.

Chuy bất thệ hề khả nại hà,

Ngu hề Ngu hề[Ghi chú 6] nại nhược hà?[Ghi chú 7]

Ngu Cơ:[6]

Hán binh dĩ lược địa,

Tứ diện Sở ca thanh.

Đại Vương ý khí tận,

Tiện thiếp hà liêu sinh.[Ghi chú 8]

Ngu Cơ tự tử, Hạng Vũ đau lòng, khóc hết dòng lệ.[Ghi chú 9] Sau đó, Hạng Vũ rút lui về phía Nam. Lúc bấy giờ, Hạng Vũ ở Ô Giang đình, tức trấn Ô Giang An Huy ngày nay, bên bờ sông Dương Tử, đối diện với vùng Giang Đông. Hạng Vũ không qua sông, đã hết tấm lòng sự nghiêp, tự vẫn.[Ghi chú 9] Địa điểm nơi ông qua đời chính là đình Ô Giang (乌江亭),[2] nay là trấn Ô Giang,[7] bên sông Dương Tử[8] (nhiều khi bị hiểu nhầm về từ ngữ là sông Ô vốn chỉ chảy qua Quý ChâuTrùng Khánh[9]).[10][Ghi chú 10] Thi thể của ông được chôn cất ở Cốc Thành, sau chuyển mộ về hương[Ghi chú 11] Cửu Huyện (旧县乡), nay thuộc huyện Đông Bình, địa cấp thị Thái An, tỉnh Sơn Đông. Chôn cất ở Sơn Đông mà không phải An Huy bởi vùng đất đó thời bấy giờ thuộc nước Lỗ, một vương quốc kính trọng Hạng Vũ, nước theo Sở duy nhất không hàng Nhà Hán, chỉ cúi đầu sau khi Lưu Bang làm tang lễ cho Hạng Vũ.[11][12][Ghi chú 12]

Từ đó trở đi, Ô Giang trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, bởi đây là nơi mà Hạng Vũ qua đời. Nhiều tác phẩm tiểu thuyết lịch sửphim điện ảnh, phim truyền hình có những nội dung, mô tả về Ô Giang, trấn Ô Giang. Đặc biệt, bộ phim Bá Vương biệt cơ giành đoạt giải Cành cọ vàng năm 1993 tại Liên hoan phim Cannes.[13]

Tham khảo

sửa

Ghi chú

sửa
  1. ^ Hiến pháp Bát Nhị 1982, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phân cấp hành chính thành cấp tỉnh, cấp huyện và cấp hương trấn. Tuy nhiên, hiện Trung Hoa chia hành chính trực tiếp hành bốn cấp: cấp tỉnh, cấp địa cấp thị, cấp huyện và cấp hương trấn.
  2. ^ Nghị định Chính phủ số 30/2020 về trình bày văn bản: đối với đơn vị hành chính, viết hoa chữ cái cấp đơn vị nếu tên đơn vị hành chính là số hoặc tên riêng nhân vật, sự kiện lịch sử. Ở đây, Ô Giang là lên gọi đơn vị theo khu vực tự nhiên, không viết hoa chữ trấn.
  3. ^ Nhai đạo là một đơn vị hành chính bậc IV, tương đương cấp trấn, huyện. Ở Việt Nam, đơn vị này tương đương cấp xã, phường, thị trấn.
  4. ^ Quê hương của Hạng Vũ ở nước Sở, nay là huyện Túc Thành, địa cấp thị Tú Thiên, tỉnh Giang Tô.
  5. ^ Ngựa Ô Truy của Hạng Vũ, thuộc giống ngựa quý có lông màu trắng xanh. Sử ký chép Hạng Vũ có mỹ nhân tên Ngu thường đi theo và một tuấn mã tên Chuy thường dùng cưỡi.
  6. ^ Tức Ngu Cơ, thê tử của Hạng Vũ, là người đất Ngu.
  7. ^ Nguyên văn Cai Hạ ca – 垓下歌:
    力拔山兮氣蓋世,
    時不利兮騅不逝。
    騅不逝兮可奈何,
    虞兮虞兮奈若何。
  8. ^ Nguyên văn Biệt Bá Vương – 別霸王:
    漢兵已略地,
    四面楚歌聲,
    大王意氣盡,
    賤妾何聊生。
  9. ^ a b Sử ký Tư Mã Thiên: Hạng Vũ bản kỷHán thư phần Hạng Tịch truyện.
  10. ^ Sông Ô là một nhánh của sông Dương Tử ở tỉnh Quý Châu, vị trí địa lý xa tỉnh An Huy.
  11. ^ Đơn vị hành chính cấp hương trấn, ngang cấp trấn.
  12. ^ Tư Mã Thiên. Sử ký, Hạng Vũ bản kỷ (dịch giả Nguyễn Hiến Lê): Hạng Vương chết rồi, đất Sở đều hàng Hán, riêng nước Lỗ theo Sở không chịu hàng. Hán Vương Lưu Bang bèn sai cầm đầu Hạng Vương đến cho dân Lỗ xem, nước Lỗ bèn đầu hàng. Trước kia Sở Hoài Vương phong Hạng Vũ làm Lỗ Công, đến khi ông chết, nước Lỗ đầu hàng cuối cùng cho nên Lưu Bang hạ lệnh chôn cất Hạng Vương ở Cốc Thành theo lễ Lỗ Công. Hán Vương đến cử ai và khóc.

Chú thích

sửa
  1. ^ “Thống kê trấn Ô Giang năm 2019”. Tổng cục Thống kê Trung Quốc. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2020.
  2. ^ a b Tư Mã Thiên. “项羽本纪第七 (Sử kỷ Tư Mã Thiên, Hạng Vũ: bản kỷ thứ bảy)”. Guoxue. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2020.
  3. ^ “我國這個千年古鎮,卻因歷史人為原因現在一分為二 (Thị trấn ngàn năm tuổi hiện được chia thành hai vì lý do lịch sử nhân tạo)”. KK News. ngày 7 tháng 6 năm 2018. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2020.
  4. ^ a b “乌江镇 (trấn Ô Giang)”. Zhihu. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2020.
  5. ^ “Cai Hạ ca 垓下歌 • Bài hát Cai Hạ”. Thi viện. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2020.
  6. ^ “Biệt Bá Vương 別霸王 • Từ biệt Bá Vương”. Thi viện. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2020.
  7. ^ “跟着成语去打卡:卷土重来 (Thành ngữ: quyên đỗ trọng lai)”. Tân Hoa xã. ngày 26 tháng 7 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2020.
  8. ^ “项羽死于秦汉时东城县乌江亭考辨——与冯其庸计正山两先生商榷 (Nghiên cứu về cái chết của Hạng Vũ ở Ô Giang Đông Thành nhà Tấn)”. Guoxue. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2020.
  9. ^ “Wu River system”. Encyclopedia Britannica. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2020.
  10. ^ “项羽霸王别姬,他自刎的乌江在哪里? (Hạng Vũ tự vẫn ở Ô Giang, là ở đâu?)”. Bách khoa toàn thư Trung Quốc. ngày 15 tháng 9 năm 2019. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2020.
  11. ^ “项羽乌江自刎,在安徽境内,为何葬在山东? (Hạng Vũ tự vẫn ở Ô Giang, trấn thuộc An Huy, vì sao được chôn cất ở Sơn Đông?)”. Sohu. ngày 1 tháng 7 năm 2020. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2020.
  12. ^ “Tây Sở Bá Vương -- Hạng Vũ – II”. CRI online. ngày 20 tháng 11 năm 2015. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2020.
  13. ^ “Look Back: "Farewell My Concubine" Wins the Palme d'Or at Cannes 1993”. Radii China. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2020.

Đọc thêm

sửa
  • Sử ký Tư Mã Thiên, bản kỷ Hạng Vũ, bản ký Lưu Bang.
  • Ty Kinh tế địa phương, Cục Thống kê Trung Quốc. Thống kê cấp huyện Trung Quốc năm 2018, mục hương trấn (国家统计局农村社会经济调查司编.中国县域统计年鉴·2018(乡镇卷)).Nhà xuất bản Bắc Kinh Trung Quốc. 2019.05.

Liên kết ngoài

sửa